Sức lan toả của học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ tư - 24/02/2021 08:29
 
                                                                                              Nguyễn Hải Lý
                                                                                              Khoa Lý luận cơ sở
Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, một lãnh tụ cách mạng luôn quan tâm hàng đầu đến vấn đề đạo đức. Người là hiện thân của đạo đức cách mạng, nêu gương cho toàn Đảng, toàn dân ta.
Theo Người, đạo đức là gốc, là nguồn, là nền tảng, bởi vì muốn làm cách mạng thì trước hết con người phải có cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động, với cả dân tộc mình. Cái tâm, cái đức ấy lại phải thể hiện trong các mối quan hệ xã hội hàng ngày với dân, với nước, với đồng chí, đồng nghiệp, với mọi người chung quanh mình. Đức là gốc, nhưng đức và tài, hồng và chuyên phải kết hợp, phẩm chất và năng lực phải đi đôi, không thể có mặt này, thiếu mặt kia. Người thực sự có đức thì bao giờ cũng cố gắng học tập, nâng cao trình độ, nâng cao năng lực, tài năng để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, tìm hiểu tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không phải chỉ thông qua những tác phẩm của Người về đạo đức, mà quan trọng hơn phải thông qua chính hành vi được thể hiện trong toàn bộ hoạt động thực tiễn của Người, thông qua mẫu mực đạo đức trong sáng mà Người đã để lại cho Đảng, cho dân tộc, cho nhân loại. Và tình yêu thương con người, yêu thương đồng loại trở thành yếu tố trung tâm, xuyên suốt cuộc đời của Người.
Hồ Chí Minh luôn xác định tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Trước tiên, trong tình yêu thương con người thì tình cảm gia đình là thứ tình yêu mà Người quý trọng và trân quý nhất. Trong sâu thẳm tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đấy chính là tình thương yêu con người nhưng tình thương yêu con người của một vĩ nhân không dừng lại ở tình cảm, giúp đỡ vật chất, tinh thần mà cái lớn lao, bao la hơn chính là đi tìm con đường giải phóng dân tộc, đưa con người từ tình trạng nô lệ, lầm than đứng lên làm chủ đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1 . Yêu nước, thương dân, tất cả vì dân vì nước là suy nghĩ thường trực, nhất quán, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã trở thành lý tưởng, hoài bão, ước mơ cao quý nhất trong suốt sự nghiệp cách mạng của Người và nó đã thôi thúc chàng thanh niên trẻ tuổi với tên gọi Văn Ba hay anh Ba đi tìm đường cứu nước ngày 5 tháng 6 năm 1911 tại bến Nhà Rồng trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville lên đường sang Pháp để học hỏi những điều mà Người cho là "tinh hoa và tiến bộ" từ các nước phương Tây nhằm thực hiện công cuộc giải phóng Việt Nam khỏi ách thuộc địa của thực dân Pháp. Nếu không có và không vì tình yêu thương con người thì không thể nói đến cách mạng, càng không thể nói đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Chính tình yêu thương con người là cơ sở cốt lõi nhất và động lực để Hồ Chí Minh lên đường cứu nước giải phóng dân tộc.
Sau khi nước nhà đã giành được độc lập, với cương vị là Chủ tịch nước Người hết sức chú trọng nhiệm vụ kiến quốc, chăm lo đời sống nhân dân. Người khẳng định:“Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”2. Đồng thời, Người cũng xác định trách nhiệm của Đảng và Chính phủ là phải làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành; các cơ quan của Chính phủ:“Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân... Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân phải được ta đặc biệt chú ý3 .
Thấm nhuần những giá trị về mặt đạo đức của Người để lại, đặc biệt sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Bộ Chính trị về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ; Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” từ chỗ học tập nay đã chuyển sang làm theo và có sức lan toả rất sâu rộng trong đời sống cộng đồng dân cư. Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ mười Quốc Hội khoá XIV, ngày 09/11/2020 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu rất xúc động:"Có đất nước nào lũ lụt dịch bệnh mà người dân yêu thương nhau đến như vậy?". Và thực tiễn đã minh chứng tình yêu thương con người với nhau bằng những nghĩa cử đồng bào thể hiện rất rõ. Năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với toàn dân tộc Việt Nam và tỉnh Quảng Trị nói riêng trong phòng và chống dịch bệnh Covid 19; ứng phó với thiên tai thảm họa. Cả dân tộc Việt Nam ở trong và ngoài nước chung tay, đồng sức, đồng lòng hướng về miền Trung giúp đỡ, cứu trợ, cứu tế cùng chia sẻ phần nào những khó khăn, mất mát mà thiên tai đã mang lại cho người dân nơi đây. Đặc biệt, vụ sạt lở đất khiến 22 cán bộ, chiến sỹ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa đã hy sinh nhưng với những nỗ lực vượt qua vô vàn khó khăn nhân dân cùng với lực lượng quân đội tìm kiếm và tổ chức lễ viếng, truy điệu cho các đồng chí. Tại khu vực Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị, tổ chức đại diện các Ban, bộ, ngành Trung ương, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và đông đảo cán bộ, chiến sĩ, hàng ngàn người dân Quảng Trị đã có mặt dự Lễ viếng và Lễ truy điệu, tiễn đưa 22 liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng.
 Theo thống kê sơ bộ của UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị, tính đến 10/11/2020 ở Quảng Trị có 500 đoàn đến thăm tại UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đăng ký cứu trợ qua kênh thông tin 90 tỷ đồng hiện nay đã nhận được 50 tỷ đồng; hàng hóa cứu trợ quy ra tiền mặt ước tính hơn 10 tỷ đồng và rất nhiều những hiện vật khác.
Đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang đưa tới những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đồng thời đặt ra không ít thách thức, khó khăn nhất là những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay. Phát huy nghĩa cử đồng bào, khơi dậy lòng tự hào dân tộc là một nhân tố rất quan trọng quyết định đoàn kết, đại đoàn kết của một quốc gia. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để kịp thời tạo động lực; động viên toàn dân tộc phát huy hơn nữa tình yêu thương đồng loại.
Năm 2020, cũng như các quốc gia trên thế giới, Việt Nam chúng ta phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do đại dịch và thiên tai mang lại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng vững và trở thành điểm sáng trong khu vực và trên thế giới về thực hiện thành công mục tiêu kép. Có được những thành tựu ấy ngoài vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ thì sự lan toả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là nhân tố quan trọng để phát huy sức mạnh của cả dân tộc./.
 
(1).Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2010, t.4, tr. 187 .
(2), (3, (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2011, t.4, tr.175, 52, 470.
(5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 38.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây