Tăng cường phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội đối với cán bộ, đảng viên ở Trường Chính trị Lê Duẩn

Thứ năm - 18/02/2021 10:07
 
Th.S. Lê Thị Thanh Nhạn
Khoa Xây dựng Đảng
Dịch vụ mạng xã hội, với tên tiếng Anh là social networking service - dịch vụ kết nối các thành viên trên internet lại với nhau không phân biệt không gian và thời gian. Ngoài ra, mạng xã hội còn được gọi là “cộng đồng ảo” nơi mọi người làm quen, chia sẻ với nhau về sở thích, niềm đam mê, ý tưởng…Trên thế giới có hàng trăm mạng xã hội khác nhau. Ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều mạng xã hội, trong đó có một số mạng xã hội phổ biến, đó là Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Instagram,Google Plus, Go.vn…
Khi tham gia vào mạng xã hội, chúng ta dường như “ngập chìm” trong thông tin từ rất nhiều nguồn, rất nhiều mục đích khác nhau. Bên cạnh những thông tin đúng đắn, tích cực, có không ít những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, thù địch, phản động, kích động bạo lực,… được gọi chung là thông tin xấu, độc. Vì vậy, nếu người tiếp cận thông tin không tỉnh táo, sáng suốt, thì có thể bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin xấu, độc đó.
Gần đây nhất trước diễn biến của dịch Covid – 19, thì trên mạng xuất hiện nhiều thông tin giả, không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến công tác kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, ngay sát thời điểm diễn ra Đại hội và cả trong những ngày diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng các thế lực xấu vẫn cố tình tung tin xuyên tạc, bịa đặt về công tác nhân sự Đại hội để gây nhiễu loạn thông tin, chống phá Đại hội. Những đối tượng này tận dụng tối đa môi trường mạng xã hội để tán phát những tin tức xấu độc.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá rằng: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời”1. Đúng vậy, nội dung chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động thông qua mạng xã hội rất đa dạng, trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thậm chí đến cả diễn biến về tình hình sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Phải luôn chủ động nâng cao kiến thức xã hội về mọi mặt, nhằm xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống, tránh tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều. Cảnh giác, sẵn sàng tham gia đấu tranh với những nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin sai trái, thù địch, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Với những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy ở trường chính trị, nhất là trên lĩnh vực xã hội nhân văn, việc sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học là một việc rất cần thiết.
Thời gian qua Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Lê Duẩn đã có chủ trương, giải pháp trong quản lý, kiểm duyệt, sử dụng các phương tiện thông tin, chủ động phòng, chống sự xâm nhập, ảnh hưởng của các thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội vào Nhà trường. Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc tăng cường công tác phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề; kịp thời chỉ đạo các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên thường xuyên chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ đảng viên. Qua đó đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực của thông tin  xấu độc, nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên, có khả năng “miễn dịch” với những thông tin xấu độc, xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa ra phương hướng:Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện hiệu quả việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch, phản động trên mặt trận tư tưởng, nhất là trên internet, mạng xã hội; xử lý nghiêm các vi phạm”2.
Thực hiện tinh thần của Nghị quyết, để phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên ở Trường Chính trị Lê Duẩn đạt kết quả cao cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đối với Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Tăng cường quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, trong đó cần chú ý quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 34/CT-TW, ngày 17-4-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường đấu tranh chống âm mưu, hoạt động” “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa”; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”…
Thứ hai, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
 Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia đấu tranh nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin sai trái, thù địch với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Không nghe, đọc, xem những đài, báo, trang mạng, bài viết, blog, video của những phần tử chống đối, phản động. Không tán phát, chia sẻ thông tin kích động biểu tình hay hình ảnh, video clip về cảnh tụ tập đông người, biểu tình gây rối. Không tin, nghe, làm theo hay ủng hộ lời xúi giục của kẻ xấu có những hành động vi phạm pháp luật.
Khi thấy những đường dẫn (link) hoặc thông tin chưa được kiểm chứng chúng ta cần bình tĩnh xem xét, không nên like hoặc share hoặc “click” vào các đường link, có thể gây mất an toàn thông tin hoặc dẫn đến những trang mạng chứa thông tin xấu, độc. Cùng với đó phải tố giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu kích động việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý.
Thứ ba, cán bộ, đảng viên cần trang bị cho mình kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao “sức đề kháng” trước những thông tin xấu, độc.
Những người reo rắc thông tin xấu, độc có thể tạo ra những tin giả hoặc những ngụy biện ở trình độ cao khiến chúng ta rất dễ bị mắc lừa. Chính vì vậy, cán bộ, giảng viên trường chính trị phải là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Chúng ta phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Khi có trình độ chuyên môn, lý luận vững vàng, am hiểu thực tiễn chính trị - xã hội đất nước và thế giới, chúng ta sẽ vững vàng, tự tin để phản biện, chống lại các thông tin xấu, độc, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ.
Thứ tư, đối với tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động, nhiều diễn đàn huy động đoàn viên tham gia nhằm tuyên truyền, định hướng cho các thành viên đấu tranh trực diện với những thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội.
Công đoàn, Đoàn Thanh niên Nhà trường cần chủ động thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận, kịp thời phát hiện những thông tin xấu, độc, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đoàn viên công đoàn để tham mưu cho cấp ủy Đảng có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, chủ động tham mưu, trao đổi thông tin với các ban ngành liên quan để kịp thời ngăn chặn những tin xấu, độc, cung cấp cho công đoàn viên thông tin chính thống về những vấn đề nhạy cảm đang diễn ra và tăng cường phòng, chống tin xấu, độc, phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái, kích động, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đoàn viên công đoàn, đoàn viên thanh niên.
Thứ năm, xây dựng môi trường văn hoá Trường Đảng, tạo ra cơ chế “miễn dịch” trước sự xâm nhập của thông tin xấu độc trên mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên.
 Để xây dựng môi trường văn hóa ở Nhà trường lành mạnh, tiến bộ cần tiếp tục làm tốt việc xây dựng cảnh quan, đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá. Xây dựng các mối quan hệ trong Nhà trường tốt đẹp, lành mạnh; thường xuyên quan tâm, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, thực hiện nghiêm các nền nếp, chế độ quy định, tạo môi trường thuận lợi cho mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Có thể khẳng định, phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị, cán bộ đảng viên và nhân dân. Trong đó cán bộ, đảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn có vai trò quan trọng cần được nhận thức và thực hiện đầy đủ, kịp thời. Thiết nghỉ rằng, nếu mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện tốt sẽ  góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
 
  1. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng
  2. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây