Cập nhật những điểm mới của Luật thanh niên năm 2020 vào giảng dạy bài “Nghiệp vụ công tác đoàn thanh niên và vận động thanh niên ở cơ sở”

Thứ năm - 08/04/2021 08:47
ThS. Dương Thị Châu Phụng
Khoa Xây dựng Đảng

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đã đề ra nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp với tình hình nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Do đó, tại Phiên họp ngày 16/6/2020, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên năm 2020 thay thế Luật Thanh niên năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Do đó, khi giảng dạy bài “Nghiệp vụ công tác Đoàn Thanh niên và vận động thanh niên ở cơ sở” giảng viên cần chú ý cập nhật những nội dung sau:
Thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của thanh niên.
1, Luật Thanh niên năm 2005 có 1 chương quy định 8 quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên theo hướng quyền và nghĩa vụ gắn liền với nhau. Luật Thanh niên năm 2020 không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà xác định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, là công dân Việt Nam, thanh niên có các quyền và nghĩa vụ như một công dân đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.
2, Tuy vậy, với tính chất đặc thù của thanh niên, là lực lượng trẻ, đông đảo trong xã hội, xung kích, sáng tạo, ham học hỏi, dám nghỉ dám làm, tiên phong trên mọi mặt trận, do đó, Luật Thanh niên 2020 đã xác định 7 nguyên tắc để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của thanh niên được thực thi trong cuộc sống, phù hợp với đặc điểm của thanh niên. Đó là:
- Quyền, nghĩa vụ của thanh niên được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
- Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên.
- Nhà nước, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
- Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và phát huy năng lực; được xây dựng hoặc lồng ghép trong các chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương.
- Việc xây dựng và thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm sự tham gia của thanh niên; tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của thanh niên.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động hướng về Tổ quốc và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
- Xử lý kịp thời, nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm theo quy định của Luật Thanh niên.
3, Luật Thanh niên năm 2020 không những quy định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên mà còn quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình, xã hội và bản thân thanh niên. Đây là cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên tự rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nâng cao trách nhiệm đối với đất nước, gia đình và chính bản thân thanh niên.
Thứ hai, chính sách Nhà nước đối với thanh niên.
Luật Thanh niên năm 2005 đã quy định các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên nhưng gắn với trách nhiệm của nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương các cấp và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng các tổ chức thanh niên. Do vậy nhiều chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được triển khai có hiệu quả. Để chính sách, pháp luật đối với thanh niên đi vào cuộc sống, Luật Thanh niên năm 2020 đã tách các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thành một chương riêng để không chồng chéo với các chính sách đã được quy định ở các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi cao khi Luật được ban hành và có hiệu lực.
1, Các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên quy định trong Luật Thanh niên năm 2020 đã được thiết kế theo hướng vừa quy định chính sách khung vừa quy định chính sách cụ thể, có tính chất định hướng trên các lĩnh vực gần với thanh niên.
2, Các chính sách của Nhà nước được quy định theo nguyên tắc định hướng để làm cơ sở bảo đảm cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực và địa phương tổ chức triển khai hoặc lồng ghép trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên về học tập và nghiên cứu khoa học; chính sách về lao động, việc làm; chính sách về khởi nghiệp; chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao; chính sách về bảo vệ Tổ quốc.
3, Đồng thời, do tính chất đặc thù, Luật Thanh niên năm 2020 đã quy định một số chính sách cụ thể với các nhóm đối tượng là thanh niên xung phong; thanh niên tình nguyện; thanh niên có tài năng; thanh niên là người dân tộc thiểu số; thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi để hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhóm yếu thế phát triển và phát huy nhóm thanh niên tích cực, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi đối tượng thanh niên.
Thứ ba, nội dung quản lý nhà nước đối với thanh niên.
Luật Thanh niên 2005 đề cập đến 4 nội dung quản lý và chỉ nêu chung trách nhiệm của Chính phủ, Bộ cơ quan ngang bộ, UBND các cấp. Luật Thanh niên năm 2020 quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên với 08 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có một số điểm mới:
+ Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình thanh niên và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên;
+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về thanh niên;
+  Sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên;
+ Ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chính sách đối với thanh niên.
Thứ tư, về chủ thể quản lý nhà nước thanh niên và trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng các chính sách đối với thanh niên.
1, Về chủ thể quản lý thanh niên
Luật Thanh niên năm 2005 không quy định cụ thể cơ quan nào giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; không quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, không quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Đây cũng là một hạn chế để triển khai thực thi các chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Do đó, Luật Thanh niên năm 2020 đã quy định cụ thể trách nhiệm của mỗi chủ thể quản lý thanh niên:
- Giao trách nhiệm cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên; quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về thanh niên, bảo đảm cơ chế và biện pháp phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và tổ chức có liên quan trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên nhằm bảo đảm xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên trong chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn.
- Quy định 08 nhiệm vụ của Bộ Nội vụ - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên. Quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo ngành và lĩnh vực.
- Quy định trách nhiệm của các Bộ và cơ quan ngang Bộ trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Nội vụ để thực hiện quản lý nhà nước đối với thanh niên.
- Quy định trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và việc tổ chức triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên tại địa phương.
2, Trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng các chính sách đối với thanh niên
- Luật Thanh niên năm 2020 đã dành 01 chương (Chương V) quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình đối với thanh niên với mục đích tạo nền tảng pháp lý quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phối hợp bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động an toàn, phát triển thể lực, trí tuệ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành lập nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.
- Bên cạnh đó, các quy định của Luật Thanh niên năm 2020 cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, của gia đình trong việc chăm lo, bảo đảm cho thanh niên được học tập, phát triển tài năng; được giáo dục, rèn luyện nhân cách, đạo đức, chăm sóc rèn luyện sức khỏe, định hướng nghề nghiệp, lao động việc làm.
Thứ năm, về nguồn lực tài chính.
Luật Thanh niên năm 2005 không quy định nguồn lực thực hiện chính sách nhà nước đối với thanh niên. Do đó, Luật Thanh niên năm 2020 đã quy định Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên theo quy định của pháp luật. Nguồn tài chính bảo đảm thực hiện chính sách đối với thanh niên gồm ngân sách nhà nước; các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ và khoản đóng góp hợp pháp khác của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền bố trí đủ nguồn nhân lực cũng như nguồn kinh phí triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên trong thời gian tới.
Thứ sáu, quy định về Tháng Thanh niên và trách nhiệm đối thoại về thanh niên.
Đây là lần đầu tiên quy định về Tháng thanh niên là vào tháng 3 hàng năm và quy định trách nhiệm đối thoại về thanh niên của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp ít nhất mỗi năm một lần. Đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, việc đối thoại với thanh niên thực hiện theo yêu cầu của tổ chức thanh niên.
Việc ban hành Luật Thanh niên 2020 có ý nghĩa chính trị, pháp lý sâu sắc, hướng tới các mục tiêu phát triển toàn diện đối với thanh niên Việt Nam đặc biệt là trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay. Với bề dày lịch sử 90 năm xây dựng và trưởng thành, hy vọng rằng, với cách tiếp cận trên, Luật Thanh niên năm 2020 sẽ sớm lan toả và đi vào thực tiễn cuộc sống./.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây