Về thăm xứ Cùa

Thứ ba - 23/02/2021 13:55
                               Th.S Nguyễn Thị Hồng Sâm
Trưởng phòng QLĐT & NCKH
          Bây giờ khách du lịch xuyên Á dập dìu trên quốc lộ 9, qua cửa khẩu Lao Bảo rồi sang Lào ngược lên Vientian hay Luang Phrabang hay qua cầu Hữu Nghị 2 ở biên giới Thái - Lào mà xuyên lên đông bắc Thái Lan, qua Myanmar…ít người biết rằng, khi từ Đông Hà, xe chạy đến Km 14 của Quốc lộ 9, nhìn theo con đường phía tay trái uốn lượn như dải lụa mềm vắt quá những sườn đồi thoai thoải chỉ 7 cây số là bạn có thể đặt chân tới vùng Cùa.
          Cùa là tên gọi dân dã, còn tên trên bản đồ hành chính, đây là địa bàn hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Thật lạ kỳ khi giữa cằn cỗi gió nắng, đất xứ Cùa lại mỡ màu trứ danh với những vườn cây trái sum suê ngọt lành. Về Cùa đi giữa con đường rợp bóng cây, có thể thấy những cây mít chi chít lúc lỉu trái. Mít, ngày xưa như một ấn chỉ của xứ Cùa, những cây mít cổ thụ vài trăm năm tuổi ấy cũng góp sức cho một “đặc sản kiến trúc” của xứ Huế: nhà rường! Những ngôi nhà rường còn lưu dấu đến hôm nay ở một số phủ đệ xứ Huế hay nhứng làng cổ nổi tiếng như Phước Tích, Mỹ Xuyên…hầu như đều được cất từ thứ gỗ mít trồng trên đất bazan xứ Cùa. Màu gỗ mít ấy, làm tôn lên vẻ đẹp đặc trưng của kiến trúc nhà rường, vừa sang trọng cổ kính lẫn chất “quý tộc” của phủ đệ Nhà Nguyễn.
          Hồi đầu thế kỷ, nhiều quan Tây thực dân đã chọn vùng đất này để xây dựng đồn điền trồng cà phê, hồ tiêu…Trên con đường từ ngã ba Quốc lộ 9 vào Cùa, sau mấy quãng đèo, khách sẽ bất ngờ với một bình nguyên đất đỏ rộng lớn. Và bên tay trái là những ngôi nhà lầu đã hoang tàn vì đạn bom của thời chiến tranh 1972 khốc liệt. Những căn nhà lầu xây từ đầu thế kỷ 20 ấy cũng của chính những nhân vật đã từng được nhắc đến trong lịch sử.
          Vào tới trung tâm của vùng Cùa sẽ thấy dưới bóng  tán mít vây bọc những vuông vườn với dâu da, cam, bưởi, ổi...Dưới nữa là những khóm thơm (dứa) trái mập căng, ngọt lừ. Còn gì sung sướng hơn khi một ban trưa nóng rát, ngả lưng dưới bóng rợp của vườn xưa và thưởng thức những cây trái ngọt lành chắt chiu từ vị đất đỏ xứ Cùa.
          Nhưng Cùa không chỉ có những vườn cây hoa trái ngọt lành. Xứ Cùa còn có một đặc sản, tuy số lượng không nhiều nhưng chất lượng được xếp vào hàng bậc nhất Việt Nam là hồ tiêu. Hồ tiêu vùng Cùa cay và thơm không chỉ  vì được trồng trên đất đỏ, có một thứ phân bón làm cho chất lượng hồ tiêu đạt đẳng cấp mà những vùng trồng hồ tiêu khác không có được, đấy là nguồn phân dơi từ những lèn đá vùng Tân Lâm, cạnh vùng Cùa. Những hang động phân dơi lưu cữu ngàn năm qua trở thành nguồn phân bón khiến cho chất lượng tiêu của được xếp vào hàng “thượng thừa” về  độ nồng cay và thơm. Chè xanh xứ Cùa cũng là là một đặc sản xứ này, nhưng mấy năm gần đây, có một loài cây chè hoang mới thực sự lên ngôi ở đây, đó là chè “vằng”, vằng là một loại cây dây leo, trong nam dược gọi là “hoàng đằng”, mọc nhiều ở vùng này. Xưa người dân vẫn lấy về nấu nước uống, công dụng mát gan, tiêu mỡ, tốt cho hệ tiêu hóa, gạn thận... Rồi khi đã chán chê với những thức uống quen thuộc, thứ lá vằng này bổng thành “đặc sản”, và không thể bán nguyên cả cây lá vằng, người dân nơi đây lại khéo léo mở những lò nấu “cao lá vằng”, vài tạ lá thân cành rễ..được sắc cô đặc lại thành tấm, thành bánh, gọi là “cao”. Thay vì nấu nướng phiền phức, chỉ cần cắt một mảnh nhỏ cao này, cho vào một ấm nước sôi vậy là có ngay một ấm chè lá vằng, vừa thuốc thang cho cơ thể, vừa thưởng thức cái vị đắng nhân nhẫn của nó, khi trôi qua cổ họng lại có dư vị ngọt thanh của cây rừng. Cao lá vằng hay “chè vằng” của xứ Cùa giờ đây lại nức tiếng, mỗi năm hàng tấn thức uống  cao lá vằng này tỏa đi khắp trong nam ngoài bắc, người quê tah xứ , bôn ba góc bể chân trời, nếu có một ấm chè vằng , hẳn sẽ nghe cả một miền kí ức đồi bãi hoang sơ của miền quê gió cát vọng về.
          Và đến Cùa, bạn không thể không đến Tân Sở - khu thành xưa vua Hàm Nghi dựng chiếu Cần Vương, qua bao dâu bể đã hoang tàn, thành quách xưa chỉ còn dấu tích những lũy tre bảo bọc vây quanh, những viên gạch vồ xây thành cũng đã hoang tàn vì bom đạn, vài nhà dân ở quanh đó nhặt về để ở góc sân như để nhớ về một quá vãng oai hùng của xứ sở. Một kinh đô kháng chiến được nhắc nhiều trong sử sách mà nay chỉ còn lại vài viên gạch lẻ loi!  Năm xưa vua Hàm Nghi cùng tướng sĩ triều đình lưu trú trong 16 ngày (từ ngày 10 đến 26-7-1885) và là nơi vua ban Chiếu Cần Vương kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên giúp vua chống giặc Pháp xâm lược. Nhờ  rất nhiều nỗ lực của chính quyền và nhân dân một công trình tưởng niệm Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương đã hoàn thành vào mấy tháng trước. Đền được thiết kế mô phỏng theo phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn gồm 5 gian thờ: gian thờ vua Hàm Nghi ở giữa, các gian thờ Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết, Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường cùng các tướng sĩ Cần Vương, các văn thân sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương ở hai bên. Công trình có tổng vốn đầu tư xây dựng gần 7 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của Nhà nước và xã hội hóa, được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương.
          Ngày 13-7-2020, UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã  tổ chức lễ khánh thành đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại xã Cam Chính (Cùa), nơi xưa kia Vua Hàm Nghi đã ra Chiếu Cần vương chống Pháp.Giờ đây di tích  đã có hình hài và "linh hồn", địa phương hi vọng nơi đây không chỉ là một địa chỉ hành hương, nuôi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ mà còn là một điểm du lịch tâm linh cho du khách khi đến Quảng Trị, đến xứ Cùa – kinh đô kháng chiến của nhà Nguyễn cách đây 135 năm trước.
          Nếu có dịp ghé Quảng Trị, mời bạn hãy về thăm xứ Cùa nhé!
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây