Thực hiện kế hoạch số 136-KH/TCTLD ngày 27/6/2023, từ ngày 17 đến ngày 22/7/2023, Trường Chính trị Lê Duẩn đã tổ chức đi nghiên cứu thực tế và học tập kinh nghiệm về xây dựng trường chính trị chuẩn tại Trường Chính trị tỉnh Kon Tum và Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi. Đoàn Cán bộ, giảng viên Trường chính trị Lê Duẩn gồm có 11 đồng chí, đồng chí Dương Hương Sơn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, làm trưởng đoàn.
Trên cơ sở tình hình thực tế, Trường đã tiến hành trao đổi kinh nghiệm xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Qua trao đổi, học tập kinh nghiệm cho thấy Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn hiện nay đặt ra nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các trường chính trị trong tình hình mới. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương ban giám hiệu các trường chính trị đã kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện các nội dung liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn. Hiện nay, Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum và Quãng Ngãi đều đã phê đuyệt Đề án và tạo điều kiện cho các trường trong quá trình thực hiện hiện đề án. Qua quá trình thực hiện, các đơn vị đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của các đơn vị không ngừng được nâng cao; hoạt động nghiên cứu khoa học được quan tâm; cơ sở vật chất được đầu tư ngày càng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu dạy – học tại các đơn vị.
Đồng chí Đặng Luận, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum phát biểu trao đổi kinh nghiệm xây dựng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đạt chuẩn. Ảnh: TL.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Quy định 11-QĐ/TW nêu trên, các trường cũng đứng trước nhiều khó khăn như: hoàn thành tiêu chí về trình độ của đội ngũ viên chức, về hoạt động nghiên cứu khoa học, về cơ sở vật chất (diện tích sử dụng, phòng học, trang thiết bị giảng dạy và học tập)... Do đó, tập thể lãnh đạo và viên chức nhà trường luôn nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để sớm đạt được các tiêu chí Trường Chính trị đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2025, hướng tới đạt chuẩn mức độ 2 vào năm 2030; trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học của tỉnh.
Đồng chí Dương Hương Sơn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn phát biểu trao đổi kinh nghiệm. Ảnh: TL.
Trong quá trình trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Kon Tum, Đoàn nghiên cứu cũng đã được nghe báo cáo của đồng chí Huỳnh Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Kon Tum báo cáo về :
“Kinh nghiệm của tỉnh Kon Tum trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới”.
Đồng chí Huỳnh Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Kon Tum báo cáo:“Kinh nghiệm của tỉnh Kon Tum trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới”. Ảnh: TL.
Qua báo cáo cho thấy Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, ở phía Bắc Tây Nguyên, được tái thành lập vào tháng 8-1991 (
tách ra từ tỉnh Gia Lai - Kon Tum); có vị trí địa chính trị quan trọng về quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa, xã hội trên hành lang kinh tế Đông Tây nối duyên hải miền Trung và với các tỉnh thuộc nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanma qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, thuộc khu vực Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, nơi có
"Cột mốc Quốc giới ba biên Việt Nam - Lào - Campuchia" và trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa ba nước Đông Dương. Trong những năm qua Tỉnh ủy – UBND tỉnh Kon Tum đã có nhiều sự quan tâm, đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới của tỉnh. Trên cơ sở đó giúp cho đồng bào thuộc khu vực biên giới thu nhập bình quân đầu người tăng từ 18,8 triệu đồng năm 2015 và đạt 26,6 triệu đồng năm 2022, bằng 50% so với mức bình quân chung toàn tỉnh. Toàn khu vực hiện có 06/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Sú, Bờ Y, Sa Loong, Ia Dom. Trong những năm tiếp theo, các cấp chính quyền địa phương tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa về phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh như: Tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, đặc biệt tại các xã biên giới; Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã biên giới; Tổ chức thực hiện có kết quả quy hoạch các điểm dân cư biên giới đã được phê duyệt và tổ chức rà soát quy hoạch các điểm dân cư biên giới theo hướng ưu tiên bố trí sắp xếp, ổn định dân cư cho đồng bào dân tộc tại chỗ; Lồng ghép, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phục vụ mục tiêu giảm nghèo; Tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Với những kết quả thu được đã giúp cho đoàn cán bộ, giảng viên Nhà trường có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm giúp cho quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và xây dựng Trường chính trị chuẩn theo Quy định 11-QĐ/TW của Ban Bí thư.