ThS. Nguyễn Thị Diệu Hằng
Khoa Nhà nước và Pháp luật
Hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội không còn quá xa lạ đối với mỗi chúng ta. Phần lớn cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói riêng đều có một tài khoản mạng xã hội của riêng mình. Tuy nhiên, mạng xã hội là gì? Sử dụng mạng xã hội như thế nào? Làm thế nào để mạng xã hội trở thành công cụ nhằm tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước? Đặc biệt với tư cách là cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn làm thế nào để phát huy vai trò của mạng xã hội trong việc đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, các phần tử chống đối Đảng và Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng.
Dịch vụ mạng xã hội, với tên tiếng Anh là social networking service - dịch vụ kết nối các thành viên trên internet lại với nhau không phân biệt không gian và thời gian. Ngoài ra, mạng xã hội còn được gọi là “cộng đồng ảo” nơi mọi người làm quen, chia sẻ với nhau về sở thích, niềm đam mê, ý tưởng… Ngày nay có rất nhiều mạng xã hội được sử dụng ở nước ta như: facebook, zalo, viber, twitter, google, instagram…
Mạng xã hội với nhiều chức năng đã đem lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng. Đây là phương tiện truyền thông quan trọng giúp người sử dụng có thể tìm kiếm, chia sẻ thông tin trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội một cách nhanh chóng và hiệu quả. Chúng ta có thể tìm kiếm một vấn đề mà mình quan tâm bằng cách search trên Google, sẽ có rất nhiều trang web hiện ra chứa đựng những thông tin liên quan đến vấn đề đó, bao gồm những thông tin đã cũ và mới nhất. Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên thì đây cũng là kênh thông tin tham khảo hữu ích đối với công việc của mình đang làm.
Mạng xã hội tạo ra một không gian để tất cả người sử dụng có thể giao lưu, kết bạn, chia sẻ với nhau không giới hạn về thời gian, khoảng cách địa lý. Đây là nơi chúng ta có thể thư giãn sau những phút giây làm việc căng thẳng. Cộng đồng ảo cho phép bạn giới thiệu làm quen với những người có chung sở thích, quan điểm, tính cách; thể hiện cá tính riêng của bản thân; động viên, giúp đỡ nhau. Từ đó tạo dựng nên các mối quan hệ tốt đẹp, hợp tác giúp đỡ nhau về công việc, gia đình hay các vấn đề khác.
Ngoài ra, mạng xã hội là một môi trường kinh doanh vô cùng lí tưởng, thích hợp cho mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Chúng ta có thể dùng nó để bán hàng online hay quảng cáo những sản phẩm do chính bản thân mình làm ra. Ngoài việc kinh doanh thì đây cũng là một kênh vô cùng hiệu quả để chúng ta học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng sống và làm việc từ những người khác.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn nói riêng, thì mạng xã hội là phương tiện cần thiết để gửi tài liệu, email, trao đổi, xử lý công việc trực tuyến một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất không kể thời gian và không gian.
Bên cạnh những tiện ích đó thì mạng xã hội cũng có những mặt trái đáng lưu tâm:
Một là, lợi dụng mạng xã hội các thế lực thù địch đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền những thông tin sai sự thật với mức độ ngày càng tăng, nhằm chống phá, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Hai là, việc tập trung quá nhiều vào mạng xã hội khiến chúng ta lãng phí thời gian, giảm hiệu suất công việc. Chúng ta dành nhiều thời gian vào việc giải trí, tán gẫu trên mạng xã hội mà không chú tâm vào công việc. Đồng thời, việc lệ thuộc vào mạng xã hội sẽ làm hạn chế sự sáng tạo, năng động, linh hoạt trong việc đưa ra các sáng kiến, kinh nghiệm trong chuyên môn.
Ba là, trong không gian cộng đồng ảo, chúng ta phát ngôn mà bình thường không dám phát biểu hoặc phát biểu không đúng sự thật, thậm chí bôi nhọ lẫn nhau trên mạng xã hội, từ đó dẫn đến sự bất hòa, nghi ngờ, chia rẽ lẫn nhau.
Do vậy, theo bản thân tôi để góp phần trong việc tuyên truyền tính khoa học, đúng đắn của các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn cần thể hiện thái độ, trách nhiệm của mình trong việc sử dụng mạng xã hội như sau:
Thứ nhất, đội ngũ cán bộ, giảng viên phải xem việc đấu tranh chống lại các luận điểm sai trái trên mạng xã hội là một mặt trận tư tưởng thực sự. Ý thức được điều đó, cán bộ, giảng viên cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc sử dụng mạng xã hội, tận dụng ưu điểm và hạn chế mặt trái của mạng xã hội trong việc truyền dẫn thông tin. Tránh chủ quan, duy ý chí, đem quan điểm, cảm xúc cá nhân phát ngôn về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước trên mạng xã hội.
Thứ hai, cán bộ, giảng viên cần biến trang mạng xã hội của mình thành một kênh thông tin chính thống; kết nối với học viên và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh tạo nên một sân chơi lành mạnh nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời phát hiện các tên miền, trang web độc hại, những thông tin vu khống, bịa đặt để kịp thời đưa ra các luận điểm, dẫn chứng thuyết phục phản bác lại, hạn chế sự lan tỏa tiến tới “đánh sập” những thông tin sai trái đó.
Thứ ba, cán bộ, giảng viên phải chủ động và thường xuyên tham gia phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình lao động xuất sắc, cán bộ mẫu mực hay những mô hình mới của các cơ quan, địa phương trong quá trình tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Sở Thông tin và Truyền thông, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh… trong việc cung cấp, xử lý thông tin giúp cho công tác phát hiện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch được nhanh chóng, kịp thời để lựa chọn phương án đấu tranh trên mạng xã hội thích hợp và hiệu quả nhất.
Thứ tư, từ những văn bản hướng dẫn, văn bản chính thức của các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan cấp trên nói riêng, đội ngũ giảng viên cần lồng ghép những chủ trương về xây dựng nhà nước, cải cách hành chính, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức….vào các nội dung chuyên đề giảng dạy; đa dạng hóa các hình thức truyền giảng để tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thông tin, luận điểm trung thực, xác đáng đến học viên.
Thứ năm, thông qua mạng xã hội, đội ngũ cán bộ, giảng viên xây dựng một hệ thống tư liệu chính thống, khoa học về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước và pháp luật….tăng sự hiểu biết, tính hấp dẫn, kích thích sự đam mê tìm tòi, học hỏi về lý luận chính trị, lịch sử, kiến thức pháp luật cho thế hệ trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường và trang bị kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung.
Thứ sáu, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 đã quy định rõ ràng về các nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng. Đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường không những phải nghiêm túc thực hiện mà còn giới thiệu, phổ biến sâu rộng đến học viên nhằm thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ an ninh mạng. Mặt khác, cán bộ, giảng viên cần phải chấp hành tốt các Quy chế của cơ quan: Quy chế văn hóa công sở, Quy định phát ngôn…
Các cá nhân, tổ chức phản động trong và ngoài nước đã và đang lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, xúi giục, chia rẽ trong nội bộ Đảng; phá hoại công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta với mức độ ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn. Do vậy, đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn cần phải giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, bản lĩnh, khôn khéo, linh hoạt, kiên quyết đấu tranh chống lại các thế lực thù địch trên mọi mặt trận. Hiểu rõ, hiểu đúng về trách nhiệm của bản thân khi tham gia mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội đúng cách nhằm hợp lực để ngăn chặn, đẩy lùi sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “diễn biến hòa bình”…./.