Công tác phiên dịch – Vấn đề đặt ra trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đối với học viên của nước CHDCND Lào ở Trường Chính trị Lê Duẩn

Thứ ba - 18/12/2018 16:16
 
ThS. Trần Đức Dương
Thực hiện chủ trương của Trung ương, tỉnh Quảng Trị luôn xác định việc tiếp tục tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện với hai tỉnh bạn Salavan và Savannkhet là yêu cầu, nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược; coi đây là nghĩa vụ quốc tế cao cả, đồng thời thể hiện tình cảm cách mạng thuỷ chung, trong sáng mà Đảng và nhân dân hai tỉnh dành cho nhau. Đặc biệt trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cụ thể là đào tạo cán bộ Lào với chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Truờng Chính trị Lê Duẩn. Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa các đoàn đại biểu cấp cao 3 tỉnh, từ năm 2007 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị giao Trường Chính trị Lê Duẩn chủ trì cùng với Trường Cao đẳng Sư phạm, Bộ đội Biên phòng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan nghiên cứu, khảo sát, xây dựng đề án. Sau thời gian tích cực nghiên cứu tìm hiểu, khảo sát, xây dựng đề án và lập kế hoạch đào tạo, tháng 7 năm 2008 Trường Chính trị Lê Duẩn bắt đầu phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành mở lớp Trung cấp lý luận chính trị đầu tiên cho cán bộ hai tỉnh Salavan và Savanakhet.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua (2008-2018), công tác đào tạo cán bộ cho 2 tỉnh bạn gặp nhiều khó khăn nhưng với tất cả sự tâm huyết của cán bộ, giảng viên nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Trị giao phó.
Tính đến nay, Trường Chính trị Lê Duẩn đã mở được  8 lớp đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho hai tỉnh Salavan và Savanakhet, nước CHDCND Lào với 330 học viên (trong đó: Salavan có 155; Savannakhet có 175) là cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, khu vực, cấp huyện. Cán bộ sau khi được đào tạo trở về địa phương đã có vốn ngôn ngữ tiếng Việt, năng động, sáng tạo và có khả năng tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị công tác và nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào giao phó. Đa số được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng và là “sợi dây” kết nối tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam  – Lào. Năm 2018, Tỉnh uỷ Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm đào tạo học viên Lào. Tại hội nghị, Nhà trường được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các cơ quan liên quan đánh giá cao, là trường đi đầu trong hệ thống các trường chính trị trong cả nước về đào tạo theo chương trình trung cấp LLCT-HC chính quy cho học viên hai tỉnh bạn Lào.
Có được kết quả đáng ghi nhận đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều yếu tố: ngoài nỗ lực của mình, Nhà trường còn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự quan tâm giúp đỡ, phối hợp của Biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ, Trường Cao đẳng Sư phạm cùng các sở, ban, ngành hữu quan. Trong đó, công tác phiên dịch là yếu tố hết sức quan trọng, cần có sự nỗ lực, cố gắng và trách nhiệm của các phiên dịch viên trong quá trình đào tạo 10 năm qua.
Hầu hết học viên Lào khi nhập học đều chưa biết nhiều tiếng Việt, chỉ có khoảng 10% biết giao tiếp cơ bản. Trước khi học chương trình LLCT-HC, họ được học 3 tháng tiếng Việt do Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị giảng dạy. Tuy nhiên, sau khi học xong chương trình Tiếng Việt thì số học viên thông thạo tiếng Việt cũng không nhiều, chỉ biết giao tiếp cơ bản. Trong khi đó, cán bộ, giảng viên Nhà trường không biết tiếng Lào. Do đó, khó khăn trong giao tiếp là điều tất yếu. Đây là khó khăn lớn nhất trong quá trình đào tạo. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy nhiều học viên muốn tiếp xúc, trao đổi với giảng viên và ngược lại nhưng vì bất đồng ngôn ngữ do đó trở thành cản trở lớn nhất dẫn đến tâm lý “ngại giao tiếp” trong học tập và sinh hoạt.  
Đa số học viên bạn Lào lần đầu tiên được học chương trình LLCT-HC với những phương pháp mới, kiến thức mới, có những thuật ngữ về chính trị mới mẽ lại phải học thông qua phiên dịch viên. Đây là vấn đề trăn trở nhất của Nhà trường trong quá trình đào tạo học viên Lào. Chị Đăm Xạ Ạt  - học viên khoá 5 chia sẻ: “Trong thời gian đào tạo, chúng tôi có 3 tháng học tiếng Việt và 6 tháng học lý luận chính trị. Buổi đầu, tôi rất lo vì chỉ riêng học tiếng Việt đã khó, làm sao có thể thông hiểu lý luận chính trị - hành chính? Thế nhưng, cách truyền đạt lôi cuốn cùng sự tận tình của thầy cô, học lý luận chính trị thông qua phiên dịch đã giúp chúng tôi tiếp thu nhanh bài giảng và đạt kết quả học tập cao”. Được sự chấp thuận của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà trường đã chủ động trong khâu rút gọn, tinh gọn nội dung chương trình của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đổi mới phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức, chọn phiên dịch viên có trình độ…Do đó, chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy ở một số bài chưa cao do phương pháp truyền đạt của giảng viên chưa phù hợp, thiếu kinh nghiệm; hơn nữa một số bài do thuật ngữ chuyên ngành, trong khi đó phiên dịch viên, có đồng chí trình độ, năng lực, kinh nghiệm, vốn từ còn hạn chế, có những thuật ngữ mà ngay cả tiếng Việt còn hiểu chưa rõ nên có lúc “dịch chưa thật sát đúng”.
Có thể nói, sự thành công của công tác đào tạo học viên Lào của Nhà trường có sự ảnh hưởng,  phụ thuộc nhiều vào người phiên dịch. Vấn đề đặt ra đối với công tác phiên dịch trong việc đào tạo học viên Lào ở Trường Chính trị Lê Duẩn là một quá trình gồm nhiều công đoạn, nhiều khâu và cách thức khác nhau như: Dịch Hội nghị, lễ khai giảng, bế giảng; dịch giảng trên lớp; các buổi thi vấn đáp để đánh giá kết quả; các buổi họp lớp mang tính thông báo; dịch liên quan đến các buổi làm việc, đi nghiên cứu thực tế của học viên và các hoạt động khác liên quan đến quá trình học tập, ăn, ở, sinh hoạt của học viên… Do đó, cần có những người phiên dịch chuyên nghiệp, tận tâm và uy tín.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo đối với học viên của hai tỉnh Savannakhet và Salavan, nước CHDCND Lào trong những năm tới, theo tôi cần phải quan tâm đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đối với tỉnh Quảng Trị: Thực tế trong10 năm qua, Nhà trường không có biên chế phiên dịch tiếng Lào mà chỉ phối hợp, hợp đồng với phiên dịch của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị và hợp dồng với các cá nhân ngoài cơ quan Nhà nước. Trên cơ sở nhu cầu thực tế trong việc tuyển dụng giảng viên tiếng Lào để phục vụ công tác đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ hai tỉnh Savannakhet và Salavan, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào trong những năm tới, Trường Chính trị Lê Duẩn đã có tờ trình gửi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc xin chủ trương tuyển dụng 01 giảng viên tiếng Lào. Xét đề nghị của Nhà trường, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã cho chủ trương đồng ý và cùng phối hợp với Nhà trường về việc tuyển dụng giảng viên tiếng Lào. Do nhu cầu cấp thiết về vấn đề phiên dịch, Nhà trường đã đã thông báo tuyển dụng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng 01 giảng viên tiếng Lào trên cở sở các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; tích cực, chủ động liên hệ, thông tin với các cán bộ, công chức, viên chức có khả năng làm giảng viên, phiên dịch viên tiếng Lào ở các sở, ban, ngành nhưng không có phản hồi. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ trong vấn đề tuyển dụng. Tuy nhiên, cho đến nay không có ứng viên đủ tiêu chí hoặc đủ tiêu chí nhưng không muốn về trường làm phiên dịch nên chưa thể tuyển dụng.
Do đó, trong lúc chưa tuyển dụng được phiên dịch kính đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ cho chủ trương và yêu cầu các cơ quan như: Bộ Chỉ huyên Biên phòng tỉnh, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị phối hợp với Nhà trường trong công tác phiên dịch để đào tạo cán bọ Lào như những năm vừa qua. Vì công tác đào tạo cán bộ Bạn Lào là vấn đề quan trọng, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan, ban ngành liên quan trực tiếp.
Thứ hai, đối với các phiên dịch: Trong suốt quá trình đào tạo, các phiên dịch phải sử dụng nhiều hình thức khác nhau: phiên dịch nói (thông dịch) và phiên dịch viết (biên dịch). Do đó, người phiên dịch phải chịu sức ép rất lớn về thời gian, phản ứng rất nhanh và gần như không có thời gian để suy nghĩ cân nhắc về từ ngữ; yêu cầu độ chính xác cao về từ ngữ, ngữ pháp. Tuy nhiên, dù dịch theo hình thức nào đi nữa, phiên dịch đều phải thực hiện quy trình cơ bản là hiểu ngôn ngữ nguồn; phân tích ngôn ngữ học và văn hóa; diễn đạt lại bằng ngôn ngữ mục tiêu. Trong cả hai loại hình dịch, người phiên dịch đều phải phản xạ hết sức nhanh và khó khăn nhất là phải làm việc dưới một sức ép lớn, nhất là khi dịch giảng trên lớp - không chỉ nắm chắc kiến thức khi giảng viên truyền đạt mà còn phải dịch sao cho đúng “tinh thần” của bài giảng của giảng viên. Đây là “nghề làm dâu trăm họ”, nên phải rèn luyện, học tập thường xuyên, có khả năng nắm bắt thật nhanh, học thật nhanh kiến thức mới, nội dung mới và đặc biệt là khả năng diễn đạt ý của người khác một cách ngắn gọn, dễ hiểu là những yếu tố cốt lõi mà một phiên dịch viên phải luyện thật nhiều mới có thể nắm chắc được. Ngoài ra, phiên dịch còn phải rèn luyện về phẩm chất cá nhân để có thể giữ được danh dự và uy tín, để có thể thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp.
Người phiên dịch là người truyền đạt những thông tin từ người nói đến người nghe. Đây là công việc không hề đơn giản vì nếu chỉ cần dịch sai hoặc không đúng nghĩa của thông tin thì nội dung truyền đạt sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Bên cạnh đó, sự khác biệt về phong tục tập quán giữa học viên bạn Lào và cán bộ, giảng viên Nhà trường, do đó phiên dịch viên phải chú ý để chuyển tải thông tin.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra là người dịch phải thông thạo ít nhất hai ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Lào). Trong mọi hoàn cảnh, người phiên dịch cũng phải thể hiện câu chữ rõ ràng, mạch lạc. Do vậy trong sinh hoạt hàng ngày, người phiên dịch phải có ý thức sử dụng ngôn ngữ một cách nghiêm chỉnh, câu chữ mạch lạc; ngoài vốn từ vựng phong phú cần phải có hiểu biết thấu đáo những vấn đề ngôn ngữ học của cả hai nước, hiểu biết những tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ không những chỉ về ngữ pháp mà còn về ngữ nghĩa và ngữ dụng. Những hiểu biết đó gắn chặt với tri thức văn hoá về đất nước, con người, lối sống, thói quen, phong tục tập quán của hai nước.
Vì thế, một yêu cầu nữa rất quan trọng đó là người phiên dịch phải có sự am hiểu về văn hóa. Khi giao tiếp với nhau, hai bên không chỉ khác về ngôn ngữ mà còn khác biệt về trình độ học vấn, môi trường sống, cách tư duy và đặc biệt là văn hóa. Người phiên dịch không phải thuần túy là quy trình chuyển mã, mà thực sự là một cầu nối giao lưu văn hóa. Đạo đức nghề nghiệp - một yếu tố cực kì quan trọng. Giống như bất cứ nghề nào, nghề phiên dịch cũng cần có những chuẩn đạo đức hay quy tắc ứng xử riêng. Chuẩn đạo đức này chú trọng tới sự trung thành của người phiên dịch đối với ngôn bản và ý tưởng; thái độ của người dịch không thiên vị đối với các bên đối thoại và nhất là không được thêm thắt, bình luận, nhận xét hay thể hiện thái độ của cá nhân người phiên dịch vào lời dịch. Tránh trường hợp người phiên dịch quên mất vai trò, vị trí và trách nhiệm phiên dịch của mình và đứng ra tranh luận như một nhân vật chính trong quá trình giao tiếp. Phải luôn luôn rèn luyện và cần phải có: Trí nhớ tốt; Sức khỏe tốt; kiên trì và chăm chỉ, ham học hỏi; nhanh nhẹn, nhạy cảm và tự tin; có kiến thức rộng về văn hóa, xã hội, con người.. Muốn vậy phải trau dồi thường xuyên, liên tục cập nhật những thông tin mới, những lĩnh vực mới. Cần có sự chu đáo, cẩn trọng trong công việc. Luôn chuẩn bị trước về vấn đề mà mình sẽ phiên dịch. Ví dụ như: khi được phân bài dịch và nhận giáo án từ giảng viên thì phiên dịch viên phải đọc, nghiên cứu, đặc biệt là những từ mới, các vấn đề liên quan đến thuật ngữ chuyên ngành, thâm chí là phong cách giảng của giảng viên để chuẩn bị chu đáo.
Những vấn đề nêu trên ảnh hưởng rất lớn tới quá trình đào tạo. Do đó, cần phải có những người phiên dịch có phương pháp tốt, có trình độ. Bởi vì trong một bài giảng với một đối tượng học viên rất “đặc thù” như học viên Lào lại phải giảng thông qua phiên dịch thì phải xác định là truyền đạt và dịch những nội dung, kiến thức thật ngắn gọn, dễ hiểu, bổ ích cho học viên, phải đảm bảo được tính đảng (chính trị, tư tưởng), tính khoa học và tính chiến đấu. Do đó, nâng cao chất lượng giảng dạy gắn với đổi mới phương pháp và sự phối hợp nhịp nhàng giữa giảng viên với phiên dịch viên là rất cần thiết.
Có thể nói, để làm nên thành công của một phiên dịch viên, không chỉ cần tới tố chất, năng lực ngôn ngữ, mà còn phải kể tới lương tâm, đạo đức và lòng yêu nghề của mỗi cá nhân.
Tóm lại, để nâng cao chất lượng đào tạo học viên Lào trong những năm tới,thiết nghĩ cần phải thực hiện  các khâu trong quy trình đào tạo thật sự khoa học, biết vận dụng các biện pháp quản lý sáng tạo, khéo léo, linh hoạt để đạt hiệu quả tốt nhất có thể luôn là một yêu cầu đặt ra đối với công tác giảng dạy và quản lý học viên là cán bộ Lào. Trong quy trình đó, một trong những vấn đề cốt yếu, cấp thiết đó là công tác phiên dịch như đã nêu trên. Những suy nghĩ trên đây hy vọng là những gợi ý đồng thời là những kinh nghiệm góp phần làm cho công tác đào tạo học viên các lớp Lào ngày càng tốt hơn nữa nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các tỉnh bạn Lào của Nhà trường trong thời gian tới./.         
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây