Mô hình ban tự quản tàu thuyền tại Thị trấn Cửa Việt với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư trường

Thứ sáu - 22/02/2019 14:28
 
ThS. Nguyễn Thị Chính
           Khoa: Nhà nước và Pháp luật
Cửa Việt là một thị trấn vùng biển với số lượng tàu thuyền lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Những năm trước đây, tình trạng mâu thuẫn, tranh giành ngư trường luôn xảy ra, thậm chí xâu ẩu, cố ý gây thương tích, việc phá hoại tài sản tàu, thuyền, ngư lưới cụ gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Với sự ra đời của các Ban Tự quản tàu thuyền, trong những năm qua, mọi hoạt động đã đi vào nền nếp, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của bà con ngư dân.
Thị trấn Cửa Việt có 8 khu phố, trong đó có 6 khu phố chuyên làm nghề biển, đó là các khu phố 1,2,3,4,5,6. Hai khu phố 8 và 9 làm nghề kinh doanh, dịch vụ nên mô hình tự quản tàu thuyền chỉ được thành lập ở sáu khu phố trên. Để giữ gìn an ninh, trật tự và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngày 5/5/2009 mô hình Ban Tự quản đầu tiên chính thức được thành lập tại khu phố 5. Trong Ban Tự quản được chia thành 4 tổ theo phạm vi đánh bắt, trong đó có tổ điều hành chung gồm 6 người. Các tổ có nhiệm vụ liên lạc với thuyền trưởng, tuyên truyền giáo dục thuyền viên, liên lạc với nhau, với chính quyền và các lực lượng chức năng khác qua bộ đàm để thông báo tình hình trên biển và cùng phối hợp xử lý khi gặp các sự cố.
Sau 10 năm đi vào hoạt động, mô hình Ban Tự quản tàu thuyền tại thị trấn Cửa Việt đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong việc góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư trường đánh bắt. Khi phát hiện ra tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền an ninh biển đảo, các thuyền đã nhanh chóng thông báo cho Đồn Biên phòng để có biện pháp kịp thời đấu tranh, xử lý và báo cáo lên cấp trên để có sự chỉ đạo trực tiếp hoặc tăng cường thêm lực lượng hỗ trợ. Sau 10 năm thành lập, Ban Tự quản đã tổng hợp được nhiều hoạt động của các tàu thuyền trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư trường, nổi bật trong số đó là: Ngày 14/12/2013 khi đội tàu của thị trấn đang đánh bắt tại ngư trường thì phát hiện 20 tàu cá Trung Quốc xâm hại sau vào lãnh hải nước ta, cách đảo Cồn Cỏ 33 hải lý về phía Đông Nam, các tàu liên lạc về Ban Tự quản, Ban đã nhanh chóng báo cáo với Đồn Biên phòng và chính quyền địa phương kịp thời có biện pháp xua đuổi. Gần đây vào tháng 1 năm 2016, một tàu cá của thị trấn bị tàu Trung Quốc cán đứt 70 tấm lưới bùng nhùng thưa. Nhận được tin, Ban Tự quản đã thông báo 10 tàu cá đánh bắt xa bờ đi tìm một ngày và sau đó đã tìm lại được lưới.
Bên cạnh đó, Ban Tự quản thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các tàu thuyền trang bị đầy đủ hệ thống định vị, đánh bắt đúng phạm vi lãnh hải của mình, tránh tình trạng tranh giành ngư trường trong quá trình khai thác trên biển. Đồng thời thông qua hệ thống bộ đàm, khi tàu nào phát hiện ra một mẻ cá lớn cần có sự phối hợp của các tàu khác thì sẽ liên lạc với ban tự quản để ban thông báo đến các tàu trong thị trấn đến giúp đỡ và cùng đánh bắt. Ngoài ra, Ban Tự quản còn là khâu trung gian giữa các cấp chính quyền với các tàu thuyền để các thuyền viên được hưởng chế độ ưu đãi của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thuỷ sản, trong đó có những chính sách như hỗ trợ cho ngư dân vay vốn, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân đánh bắt xa bờ ở những vị trí giáp ranh với lãnh hải của nước bạn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hiệu quả của Ban Tự quản tàu thuyền tại thị trấn Cửa Việt thể hiện ngày một rõ nét. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình này góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, các cấp uỷ Đảng cần đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể trong việc xây dựng mô hình tổ tự quản tàu thuyền tại địa phương.
Hai là, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến tổ chức và hoạt động của Ban Tự quản, định kỳ hằng năm phải tổ chức tổng kết hoạt động của các ban để kiểm điểm, đánh giá những kết quả đạt được, có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và biểu dương kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích trong hoạt động của ban.
Ba là, chính quyền địa phương cần tổ chức nhân rộng các mô hình, việc làm có ý nghĩa như “Tủ thuốc ngư dân” “Tấm lưới nghĩa tình”. Các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn như Đồn Biên phòng, Cảnh sát biển có điều kiện giúp đỡ người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển, để người dân yên tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bốn là, chính quyền địa phương cần có quy định rõ hơn nữa về Ban Tự quản tàu thuyền. Phong trào phải bắt đầu từ nhân dân, có biện pháp xây dựng phong trào tự nguyện, tự giác, tự quyết, tư chịu trách nhiệm dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.
Năm là, chính quyền địa phương nên mở các lớp đào tạo, tập huấn cho các thuyền viên để họ có thêm kiến thức sử dụng thành thạo các phương tiện, kỹ thuật hàng hải và đặc biệt là kỹ năng xử lý khi phát hiện tàu nước ngoài xâm hại vào lãnh hải nước ta, vi phạm ngư trường đánh bắt, làm sao để vừa xua đuổi được họ để bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.  
Mô hình Ban Tự quản tàu thuyền tại thị trấn Cửa Việt đang phát huy hiệu quả đã góp phần quan trọng giúp hệ thống Mặt trận tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các phong trào, các cuộc vận động đi sâu, đi sát quần chúng nhân dân. Tại thị trấn Cửa Việt, hiệu quả của mô hình này ngày càng thể hiện rõ nét, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và cùng  với các Ban Tự quản khác góp phần  xây dựng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở địa phương, vừa góp phần thực hiện Nghị quyết về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến cao 2045” đã được Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã đề ra./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây