Một số trao đổi về việc vận dụng phần mềm Powerpoint trong giảng dạy ở Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị

Thứ sáu - 18/01/2019 08:02
 
ThS. Lê Thị Thanh Nhạn
Khoa Xây dựng Đảng
Vai trò và hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học đã được chứng minh bằng thực tiễn giáo dục trong và ngoài nước những năm qua, nó cho thấy việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập là xu thế tất yếu của giáo dục. Đổi mới phương pháp dạy học bằng CNTT là một chủ đề lớn được UNESCO đưa ra thành chương trình của thế kỷ XXI và dự đoán sẽ có sự thay đổi nền giáo dục một cách căn bản vào đầu thế kỷ XXI do ảnh hưởng của CNTT.
Trong Microsoft Office, PowerPoint là một trong những chương trình trình diễn cho phép thực hiện hầu hết các yêu cầu trong giảng dạy theo phương pháp hiện đại; là một chương trình có nhiều tiện ích đối với việc thiết kế, trình bày bài giảng với nhiều tính năng đa dạng và phong phú. Việc vận dụng phần mềm PowerPoint trong quá trình giảng dạy ở Trường Chính trị Lê Duẩn Quảng Trị đã được đội ngũ giảng viên sử dụng phổ biến, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ. Tính đến tháng 12/2018, Nhà trường có 25 giảng viên; 100% giảng viên đã được bồi dưỡng phương pháp dạy - học tích cực.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của việc sử dụng giáo án điện tử (giáo án PowerPoint) trong dạy học, trong những năm gần đây Nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi, đầu tư trang bị đầy đủ máy chiếu Projecter tại các phòng học để phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của Nhà trường. Qua các bài giảng của các giảng viên cho thấy, việc vận dụng phần mềm PowerPoint trong giảng dạy có những ưu điểm sau:
Thứ nhất, hầu hết giảng viên Nhà trường đều có thể soạn và giảng bằng giáo án điện tử với phản hồi tốt từ phía học viên. Thực tế cho thấy khi giảng viên sử dụng kết hợp cả phương pháp dạy học truyền thống và các phương tiện hiện đại thì sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, vì qua sử dụng phần mềm PowerPoint trong giảng dạy, giảng viên có thể sơ đồ hóa những nội dung kiến thức, lồng ghép chiếu phim tư liệu, hình ảnh minh họa, giúp bài giảng sinh động hơn.
Thứ hai, có thể giúp học viên nắm kiến thức rõ hơn thông qua các bài tập neo chốt kiến thức. Việc dạy học bằng giáo án điện tử nhìn chung bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, nhiều giảng viên có các giáo án điện tử khá tốt làm cho quá trình dạy và học thực sự hấp dẫn, hiệu quả. Giảng viên thuận lợi trong việc bổ sung, chỉnh sửa giáo án và cập nhật kiến thức mới.
Thứ ba, việc ứng dụng thiết bị hiện đại vào giảng dạy đã tạo hứng thú cho người học, giảng viên giảm bớt nội dung thuyết trình, có điều kiện tăng cường trao đổi, thảo luận, giao tiếp với học viên trên lớp.
Tuy nhiên, từ thực tế giảng dạy trên lớp và qua trao đổi đối thoại với học viên, bản thân nhận thấy có những vấn đề đặt ra trong ứng dụng giáo án điện tử của giảng viên như sau:
Một là, một số ít giảng viên vẫn chưa phân biệt rõ giữa phương pháp giảng dạy và công cụ giảng dạy, họ cho rằng sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy là đã áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Nhưng trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy, vận dụng phần mềm PowerPoint chỉ là công cụ, phương tiện hỗ trợ cho phương pháp giảng dạy tích cực; giảng viên phải chủ động về kiến thức để lý giải cho hình ảnh đưa lên các Slide trình chiếu thuyết phục.
Hai là, tính thiếu phù hợp trong quá trình sử dụng phần mềm PowerPoint. Khi sử dụng giáo án điện tử và trình chiếu trong quá trình giảng dạy phải căn cứ vào đặc điểm bài giảng, số lượng học viên, thời gian trình bày... nếu không sẽ mang lại hiệu quả thấp. Để đánh giá đúng các đặc điểm này lại cần có kinh nghiệm thực tiễn đứng lớp. Đây cũng là hạn chế của giảng viên trẻ. Đó là vì hiệu ứng màu sắc, hình ảnh, cỡ chữ, phông nền... không tương thích, thậm chí trong một Slide có quá nhiều chữ làm cho học viên chỉ chú tâm đọc chữ mà không nghe giảng viên nói gì. Hoặc giáo án có nhiều hình ảnh động, mất tập trung của học viên. Hoặc khi có giáo án trình chiếu thì chỉ sử dụng một cách giảng là thuyết trình bảng chiếu, bằng chữ ít sơ đồ, bảng biểu minh họa và không áp dụng nhiều phương pháp linh hoạt khác như đặt câu hỏi phát vấn, giao lưu với học viên, bài tập nhóm… tất nhiên lúc đó kết quả không cao.
Ba là, một số giảng viên vẫn còn thói quen dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều. Khi tiến hành đổi mới phương pháp dạy học, không ít giáo viên lo lắng, băn khoăn việc ứng dụng những phương pháp mới có thể không thành công bằng phương pháp cũ; mặt khác có giảng viên quá phụ thuộc vào bài giảng điện tử nên trong quá trình giảng dạy có sự cố xảy ra ví dụ như mất điện, máy tỉnh hỏng thì giảng viên còn lúng túng, thậm chí bị động trong việc chuyển sang dạy giáo án thông thường.
Bốn là, tính phổ biến của việc vận dụng phần mềm PowerPoint trong giảng dạy còn hạn chế. Thực tế cho thấy thì chủ yếu những giáo án điện tử đảm bảo chất lượng chỉ được thực hiện trong các buổi giảng trước Hội đồng sư phạm Nhà trường, dự giờ, thao giảng hay hội thi giảng viên dạy giỏi các cấp, còn các buổi lên lớp bình thường thì một số giảng viên chưa thực sự quan tâm đầu tư nghiêm túc chất lượng cho giáo án điện tử. Một phần lý do là ở việc vận dụng phần mềm PowerPoint để xây dựng một bài giáo án điện tử tốn nhiều thời gian từ khâu chuẩn bị đến khâu thực giảng trên lớp, người giảng viên phải có một giáo án truyền thống đầy đủ, sau đó mới có thể chuẩn bị phần giáo án điện tử. Bên cạnh đó, những nội dung các bài lên lớp hiện nay hầu hết đều là giáo án mới với chương trình giảng dạy mới nên một số giảng viên trẻ chưa có kinh nghiệm thực tiễn, vốn kiến thức chưa thể nhuần nhuyễn, vì vậy thời gian để chuẩn bị và ý tưởng để thiết kế bài giảng sẽ bị hạn chế.
Từ sự nhìn nhận thực trạng như trên, để vận dụng hiệu quả hơn nữa phần mềm PowerPoint trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, tôi xin đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, giảng viên cần lựa chọn nội dung bài giảng hoặc phần bài giảng phù hợp với giáo án điện tử.
Trên thực tế, tất cả các bài giảng đều có thể soạn dưới dạng giáo án điện tử nếu giảng viên sử dụng trình chiếu để thay thế bảng phấn. Tuy nhiên, việc kết hợp sử dụng giữa các Slide trình chiếu và bảng phấn mang lại hiệu quả cao hơn cho quá trình diễn giảng của giảng viên. Bên cạnh đó, trong một bài giảng, chúng ta cũng không nhất thiết phải soạn dưới dạng giáo án điện tử cho tất cả các nội dung mà có thể chỉ lựa chọn những nội dung phù hợp. 
         Thứ hai, đảm bảo các yêu cầu cơ bản phải có của một giáo án điện tử. Đó là lựa chọn phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền cho các Slide bài giảng. Sử dụng các phông chữ phổ biến, đơn giản, rõ ràng, không nên chọn các phông chữ quá cầu kỳ. Việc sử dụng phông chữ không hợp lý có thể vừa làm cho học viên khó theo dõi, vừa làm mất đi tính nghiêm túc, chính thống của một bài giảng lý luận chính trị. Chọn cỡ chữ phù hợp, không nên quá to hoặc quá nhỏ. Đối với các lớp học có số lượng tương đối đông (khoảng  từ 70 học viên), hội trường rộng, chúng ta nên thiết kế đặt cỡ chữ sao cho mỗi Slide chỉ nên bao gồm từ 5 đến 7 dòng (Font size khoảng 32-40). Cần chọn màu chữ (Font color) phù hợp với màu nền (Fill color) của các Slide, tạo điều kiện thuận lợi cho sự theo dõi của người học. Về màu sắc của nền hình: cần tuân thủ nguyên tắc tương phản (Contrast), chỉ nên sử dụng chữ màu sậm (đen, xanh đậm, đỏ đậm…) trên nền trắng hay nền màu sáng. Ngược lại, khi dùng màu nền sậm thì chỉ nên sử dụng chữ có màu sáng hay trắng.
Thứ ba, cần phải coi trọng khâu chuẩn bị từ chuẩn bị bút chiếu, pin cho đến khâu phòng học có màn hình chiếu. Giảng viên có bài giảng điện tử cần tìm hiểu tình hình lớp học, từ đó điều chỉnh giáo án cho phù hợp. Khi lên lớp giảng nên đi sớm 15 phút chuẩn bị các dụng cụ, máy móc rồi đúng giờ là bắt đầu giảng, tránh tình trạng cứ bắt đầu buổi học mới vào lớp rồi loay hoay chỉnh máy có khi mất cả 15-20 phút sau đó mới dạy sẽ tạo ấn tượng không tốt cho người nghe.
Thứ tư, cần nắm được kỹ năng sử dụng và khắc phục sự cố trình chiếu
Khi sử dụng giáo án điện tử, giảng viên có thể gặp phải những sự cố nhất định xuất phát từ một số nguyên nhân như: sự không tương thích giữa máy tính và Projector; lỏng cổng máy chiếu nên không kết nối được máy tính với máy chiếu; thiết đặt chế độ trình chiếu không đúng, góc chiếu, tiêu cự không hợp lý…Vì vậy, trước khi tiến hành giảng dạy bằng giáo án điện tử, giảng viện cần phải được người có chuyên môn hướng dẫn cụ thể về kỹ năng sử dụng các thiết bị, máy móc và cách khắc phục các sự cố. Đồng thời giảng viên cần nắm chắc cả hai loại giáo án thông thường và giáo án soạn trên phần mềm PowerPoint để khi nếu có sự cố xảy ra thì giảng viên vẫn làm chủ được bài giảng của mình tránh tình trạng bị động, mất bình tĩnh.
Thứ năm, cần thu nhận thông tin phản hồi. Mỗi bài giảng dù được thể hiện tốt đến đâu cũng cần có sự tiếp thu ý kiến phản hồi để ngày càng hoàn thiện hơn. Do vậy sau khi giảng dạy, cần trao đổi, lĩnh hội sự đóng góp của các giảng viên trong khoa, trong trường, lấy ý kiến học viên để điều chỉnh bài giảng phù hợp hơn.
Công nghệ thông tin đã “len lỏi” vào từng góc cạnh của đời sống xã hội. Việc ứng dụng giáo án điện tử trong hoạt động giảng dạy là cần thiết và đem lại hiệu quả cao. Không thể phủ nhận vai trò, tính ưu việt của giáo án điện tử nhưng cần phải kết hợp hài hòa phấn trắng, bảng đen. Điều này đòi hỏi đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ cần tự nhận thức luôn không ngừng trau dồi, học hỏi, hoàn thiện bài giảng của mình, nghiên cứu tìm tòi những điều mới, vận dụng hiệu quả phương pháp dạy học tích cực và khắc phục những hạn chế tồn tại trong vận dụng phần mềm PowerPoint để xây dựng được những bài giảng điện tử có hiệu quả cao, góp phần đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây