Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú với gần 5.000 mỏ và điểm quặng của khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau. Những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tình trạng hoạt động khai thác khoáng sản đang là vấn đề bức xúc diễn ra trên khắp cả nước, mà huyện Đăkrông là một điểm nóng về khai thác vàng sa khoáng. Một thực tế không thể phủ nhận rằng, không dễ dàng kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng một cách hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là đối với nước ta, trong giai đoạn đầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, khi mà nền kinh tế về cơ bản vẫn phải dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Từ năm 2010 đến năm 2011, Sở Tài nguyên-Môi trường Quảng Trị đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép cho 6 đơn vị doanh nghiệp thăm dò và khai thác: Doanh nghiệp Quảng Định, Doanh nghiệp tư nhân Đức Hiền, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Mai Hoàng, Công ty Cổ phần xây dựng số 6, Công ty TNHH số 9 và Công ty cổ phần phát triển khoáng sản 4. Dù 2 năm chỉ có 6 đơn vị được cấp phép thăm dò và khai thác nhưng hiện nay tại các khu vực có vàng, đặc biệt là xã A Vao, A Bung, Tà Rụt và Tà Long, huyện Đăkrông (Quảng Trị) hàng ngày có hàng trăm đối tượng đến dựng lán trại, sử dụng máy nổ và các phương tiện khác khai thác vàng trái phép, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là việc khai thác đã làm ô nhiễm nguồn nước ở đây, làm sạt lở nhiều đất, đá ở các triền đồi dọc theo khe suối, dòng sông, gây mất trật tự trên địa bàn, kèm theo đó là những hệ luỵ mà người dân và chính quyền địa phương hết sức bức xúc là các tệ nạn xã hội: ma tuý, mại dâm, trộm cắp, cờ bạc...Chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đã có các giải pháp ngăn chặn, tổ chức nhiều đợt truy quét nhưng vẫn không dẹp bỏ được nạn khai thác vàng trái phép.
Những người khai thác vàng trái phép chủ yếu là dùng mìn nổ lấy đá rồi sử dụng các loại máy móc để xay, nghiền đá, sau đó dùng xianua và các hóa chất độc hại để lọc lấy vàng. Những chất độc hại này được xả trực tiếp ra sông, suối ở Đăkrông làm cho nguồn thuỷ sản bị tận diệt gần như triệt để, nguồn nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm, nhiều nơi không sử dụng được cho sinh hoạt và sản xuất. Mặt khác, để đưa các máy móc, thiết bị vào các vùng khai thác vàng, người ta sẵn sàng đốn hạ không thương tiếc những rừng cây nguyên sinh phòng hộ đầu nguồn tại những vùng đất này.
Ngoài những thiệt hại về môi trường về tài nguyên, hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp trên còn gây ra những thiệt hại về tính mạng của người dân. Theo Báo cáo của Công an huyện Đăkrông, từ năm 2009 ( khi xuất hiện hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra ở các xã của huyện) đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra sáu vụ sập hầm do khai thác vàng trái phép làm bảy người chết và bị thương.
Vàng sa khoáng là loại khoáng sản quý, có khả năng mang lại lợi nhuận lớn nên luôn có nguy cơ bị khai thác, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ trái phép, do đó công tác quản lý khoáng sản quý hiếm, có giá trị cao là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm cần được sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát của tất cả các ngành, các cấp. Để có thể quản lý tốt hoạt động khai thác vàng sa khoáng tại huyện Đăkrông hiện nay, tôi mạnh dạn đề xuất mấy giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên. Hiện nay hệ thống pháp luật Nhà nước ta khá đồ sộ và đầy đủ để bảo vệ tài nguyên và môi trường. Nhà nước đã ban hành Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam; Bộ Luật Dân sự; Luật Đất đai, Luật Tài nguyên, Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên nước; Luật Bảo vệ di sản văn hoá, Pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản... Nhưng trong thực tế, các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và chính quyền địa phương còn quá nhiều khó khăn trong quản lý nguồn tài nguyên, khoáng sản. Điều quan trọng là chúng ta thiếu các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện luật về bảo vệ và quản lý tài nguyên và môi trường. Cần rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Khoáng sản (năm 1996) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản (năm 2005) cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian qua. Trên cơ sở đó đề xuất việc xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) theo hướng: tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vốn, thiết bị, công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là chế biến sâu, nhất là đối với các loại khoáng sản kim loại; tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư một cách có hiệu quả, nhất là khai thác, sử dụng triệt để, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; đồng thời bảo vệ môi trường, môi sinh trong quá trình khai thác, đạt mục tiêu phát triển bền vững; đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản.
Thứ ba, ngoài việc thiếu hành lang pháp lý cho công tác quy hoạch, các quy định về nội dung, trình tự thủ tục lập, thẩm định quy hoạch, các hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật cũng chưa được xác định, làm cho việc triển khai những hoạt động này trong thực tế hết sức khó khăn. Để quản lý tốt hoạt động khai thác khoáng sản phải có những quy định cụ thể ngay từ khâu cấp phép, thẩm định các dự án cho đến các chế tài xử lý các hành vi vi phạm.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu đây là cơ hội nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với tài nguyên quốc gia, khắc phục tâm lý ỷ lại vào các cấp chính quyền. Xây dựng cơ sở pháp lý để tăng cường vai trò tham gia trực tiếp của người dân, đặc biệt là vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp vào quá trình đánh giá tác động môi trường của tất cả các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản; có đại diện cộng đồng tham gia vào Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; được phép giám sát công tác bảo vệ môi trường trong suốt quá trình xây dựng dự án cũng như khi dự án đi vào hoạt động.
Thứ năm, trong tình hình khai thác khoáng sản thiếu quy hoạch, nhiều bất ổn như hiện nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền một mặt dừng lại việc cấp phép thăm dò, khai thác, mặt khác phải tăng cường việc tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá và thẩm định lại hoạt động của những đơn vị đã được cấp phép. Nâng cao năng lực và vai trò trách nhiệm của đơn vị được cấp giấy phép và chính quyền địa phương (xã, huyện) chịu trách nhiệm đầu tiên về công tác quản lý khoáng sản. Khi phát hiện hoạt động trái phép chính quyền và doanh nghiệp phải chủ động thực hiện các biện pháp xử lý theo thẩm quyền, những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để giải quyết.
Tài nguyên là tài sản công, là tài sản của quốc gia, việc khai thác và sử dụng tài nguyên phải bảo đảm hài hoà 3 lợi ích: Nhà nước, tổ chức và công dân. Chính quyền và người dân ở vùng có khoáng sản đang khai thác phải được hưởng lợi. Thực tế hiện nay ở các xã có vàng sa khoáng huyện Đăkrông người dân không những không được hưởng lợi mà còn phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề do hoạt động khai thác khoáng sản hợp pháp và bất hợp pháp gây ra. Khi người dân được hưởng những lợi ích thực sự từ việc khai thác khoáng sản thì họ sẽ tích cực và tự nguyện trong việc cùng chính quyền các cấp bảo vệ và quản lý tốt tài nguyên.
Hoạt động khai thác khoáng sản thường xảy ra ô nhiễm môi trường, dù trước khi tiến hành khai thác các đơn vị đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó nêu cụ thể các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Tuy vậy, trong quá trình hoạt động, để tiết kiệm chi phí đầu tư, nhiều hạng mục phục vụ cho việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường thường bị cắt bớt và doanh nghiệp tìm mọi cách để xả thải ra môi trường mà không qua xử lý dẫn đến một số sự cố về môi trường, đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ của nhân dân những vùng có khoáng sản. Vấn đề hoàn thổ đất đai sau khi kết thúc khai thác theo quy định của pháp luật cũng đang gây ra bức xúc do các doanh nghiệp thường tìm mọi cách chây ỳ hoặc chỉ hoàn thổ theo kiểu đối phó. Phải quản lý khoáng sản đất nước có hiệu lực và hiệu quả như ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp lấy ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ nhằm hoàn thiện dự thảo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030:
Nguyễn Sung
Phó Trưởng khoa NN-PL
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn