Văn hóa trường đảng với việc xây dựng trường chính trị chuẩn

Thứ tư - 29/12/2021 07:37

 
ThS. Trần Đức Dương
 
Có thể nói rằng: Văn hóa trường Đảng là phạm trù văn hóa tổ chức của cơ quan đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Đó là toàn bộ kiến thức, tri thức, kinh nghiệm mà đội ngũ cán bộ, giảng viên nghiên cứu, tổng kết và truyền đạt đến học viên; được tạo nên  bởi sự bồi đắp, chia sẻ những giá trị mang tính chuẩn mực về tri thức, niềm tin, lý tưởng, hành động, đạo đức,...được đội ngũ công chức, viên chức thừa nhận và làm theo nhằm: “Giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Trường Đảng: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử” như Nghị quyết TW4, Khóa XII của Đảng đã khẳng định.
Với nguyện vọng và tâm huyết thực hiện văn hóa Đảng từ chính các thầy, cô giáo, cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên trường Đảng từ Trung ương tới các địa phương trong cả nước, ngày 26/10/2017, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 5029 “Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Do vậy, việc xây dựng văn hóa trường Đảng hiện nay là vấn đề có tính chiến lược, ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc.
Giá trị văn hóa Trường Đảng ngày càng được lan tỏa, nhân rộng không chỉ trong phạm vi hệ thống Trường Đảng mà có thể nói, nó ảnh hưởng tới cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chính vì vậy, thuật ngữ “văn hóa Trường Đảng”, “bản sắc Trường Đảng” xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn trong các diễn ngôn của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong các giảng viên và học viên Trường Đảng. Việc xây dựng văn hóa Trường Đảng hiện nay là việc làm hết sức cần thiết. 
Để thực hiện tốt những quy định về văn hóa ứng xử trong trường Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các chỉ thị, nghị quyết, đề án liên quan đến văn hóa công vụ là những một nội dung rất quan trọng nhằm thực hiện tiêu chí Trường Chính trị chuẩn, thể hiện sự mẫu mực của người thầy, sự tiên phong gương mẫu của những người trò, làm sáng đẹp hơn nữa tính Đảng, tính chính trị, tính ưu việt hơn hẳn của hệ thống Trường Đảng của cả nước, trong đó có Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị, theo tôi cần thực hiện tốt việc ứng xử văn hóa Trường Đảng và văn hóa công sở Trường Đảng với các nội dụng cụ thể sau:
1. Xây dựng văn hóa ứng xử trong Trường Đảng
Ứng xử văn hóa được hiểu là cách cư xử, trò chuyện, giao tiếp, bàn bạc, trao đổi, phối hợp với nhau trong thực thi công vụ, trong giao tiếp và trong cuộc sống.
Hơn nữa, đối với Trường CTLD, với đặc trưng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của tỉnh; đồng thời là trường chính trị đi đầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hai tỉnh Savannakhet và Salavan, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (đã đào tạo 10 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 430 học viên và sẽ còn đào tạo trong những năm tiếp theo); Trường Chính trị Thanh Hóa cũng đã đào tạo được 05 lớp với 200 học viên là cán bộ của tỉnh Hủa Phăn – Lào, thì việc ứng xử có văn hóa trong Nhà trường không chỉ có sức lan tỏa trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Nhà trường, trong tỉnh mà còn là “hình ảnh” của con người, văn hóa của Quảng Trị, Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung.
Giá trị của văn hóa Trường Đảng được biểu hiện khá đa dạng, được cụ thể hóa thành các chuẩn mực, quy tắc trong ứng xử với công việc, với đồng nghiệp, học viên, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa Nhà trường với các cơ quan, đơn vị, với xã hội và nhân dân. Trong ứng xử của cán bộ, giảng viên với công việc, có thể nhận thấy tinh thần, thái độ nghiêm túc, hăng say trong nghiên cứu khoa học; là sự tâm huyết với từng bài giảng; cẩn trọng với từng câu chữ; trách nhiệm với từng lời nói, hành động, tạo sự đồng thuận, nhất quán trong cơ quan, tổ chức. Do đó, xây dựng văn hóa ứng xử ở Trường Đảng cần lưu ý đến các vấn đề sau:
Thứ nhất, ứng xử văn hóa của đội ngũ cán bộ tham mưu, lãnh đạo, quản lý
Đối với công việc: Có trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong điều hành; đặt lợi ích tập thể lên lợi ích cá nhân; không ngừng nghiên cứu học hỏi, tích lũy tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chịu trách nhiệm về lĩnh vực mà mình được phân công phụ trách.
Đối với cấp trên: Phải trung thực, khách quan trong báo cáo; tôn trọng và chấp hành sự phân công của lãnh đạo; đề xuất, đóng góp ý kiến và tham mưu hiệu quả đối với lĩnh vực mình đảm trách.
Đối với cấp dưới: Phải bao dung, tôn trọng, gương mẫu về đạo đức lối sống; dân chủ, bình đẳng, không phân biệt đối xử; bố trí, sắp xếp, giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát công việc và đánh giá khách quan việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Thứ hai, ứng xử văn hóa trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn giữa các phòng, khoa và các cá nhân
Trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ cần phối hợp một cách khoa học, chặt chẽ, đặt lợi ích chung của Nhà trường lên hàng đầu; phải hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Việc không tôn trọng hoặc xem nhẹ kết quả làm việc giữa các cá nhân được phân công nhiệm vụ chung là một trong những thực tế tồn tại trong không ít công sở hiện nay.
Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ có quy định: “Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền”. Ông cha ta cũng từng nói “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Vì vậy, cán bộ, giảng viên cần phải xác định đúng chức trách, nhiệm vụ, xác định đúng chức phận của mình, tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương, biết tôn trọng người phối hợp thực hiện nhiệm vụ, thẳng thắn bàn bạc, trao đổi và thống nhất công việc thì chắc chắn cơ quan, đơn vị ít xáo trộn, ít chia rẽ, ít bè cánh và không mất đoàn kết nội bộ.
Thứ ba, ứng xử văn hóa trong phát ngôn, trong giao tiếp
Người xưa có câu: “Ngôn là người”. Ngôn ở đây không chỉ hiểu là giọng nói mà còn là cách nói, kiểu nói, cung cách trò chuyện. Hiện nay, ở không ít công sở vẫn còn thấy “sự dễ dãi” trong “lời ăn tiếng nói”, nói trống không, cộc lốc, nói quá to, lời lẽ thô tục, nóng nảy, trước mặt thì dạ thưa, sau lưng lại chì chiết và văng tục... Cuộc sống sẽ tươi đẹp và có giá trị biết bao nếu chúng ta nở một nụ cười và bắt đầu giao tiếp bằng một nụ cười, nó sẽ là một sự khởi đầu và là ấn tượng tốt đẹp. “Cười” ở đây không phải là cười hô hố, ha hả, “cười chính trị, giả dối” mà là nụ cười thân thiện, cởi mở, chân thành, bao dung.
Trong phát ngôn không được tự do bừa bãi, không có lề thói, không có lớn nhỏ, trên dưới, không có chuẩn mực đạo đức, dẫn đến vi phạm những quy tắc cơ bản thông thường trong giao tiếp ứng xử. Do vậy, cán bộ, viên chức và học viên Trường Đảng cần thực hiện nghiêm túc kỷ luật phát ngôn và văn hóa, văn minh ứng xử.
Thứ tư, ứng xử văn hóa giữa giảng viên, giáo viên chủ nhiệm lớp, cán bộ phục vụ với học viên và ngược lại
Cán bộ, giảng viên khi ứng xử với học viên phải có thái độ lịch sự, đúng mực trong giao tiếp, tôn trọng ý kiến của học viên; là tấm gương về đạo đức cách mạng, về lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị, về kiến thức, tác phong và phương pháp….
Về phía học viên, phải có thái độ đúng mực trong giao tiếp, ứng xử, tôn trọng giảng viên, giáo viên chủ nhiệm lớp, cán bộ phục vụ; cầu thị trong trao đổi ý kiến, thảo luận trên lớp, không dùng quà tặng để mưu cầu lợi ích cho cá nhân, tập thể.
Cán bộ, giảng viên Trường Đảng đối với học viên phải lịch sự, đúng mực khi giao tiếp, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của học viên. Học viên đối với cán bộ, giảng viên cũng phải lịch sử, tôn trọng, lễ độ và hợp tác.
2. Xây dựng văn hóa công sở Trường Đảng
Thứ nhất, xây dựng môi trường làm việc và học tập
Trường Đảng là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tư tưởng của Đảng, Nhà nước, là nơi có và cần phải có những người thầy đáng kính, những nhà khoa học mẫu mực. Do vậy, phải luôn giữ vững nguyên tắc “lấy công việc làm trọng”, không để những việc vặt vãnh cá nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Sẽ không thể có một Trường Đảng văn hóa, Trường chính trị chuẩn nếu trong nội bộ luôn tồn tại những căng thẳng, soi xét lẫn nhau; cấp dưới nghi ngờ cấp trên; cấp trên đề phòng cấp dưới; phòng, khoa tụ tập, gây bè cánh, chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể, thấy lợi cho mình thì im lặng, lợi cho người khác thì xăm soi; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Đó là những biểu hiện và nguyên nhân của sự tiêu cực gây chia rẽ khối đoàn kết, nên cần phải loại trừ tận gốc rễ.
Đối với lớp học ở một Trường Đảng, không thể là văn hóa, nếu không khí lớp học luôn căng thẳng, mệt mõi, thiếu sự tương tác; thầy cứ giảng, học viên thì nói chuyện, chat, lên mạng…. Nếu không khí lớp học được cởi mở, sôi động, chia sẻ, gắn kết sẽ khơi nguồn được sự sáng tạo của các thành viên trong lớp; ngược lại, nếu bầu không khí nặng nề, căng thẳng sẽ là rào cản tạo nên một lớp học hiệu quả, chất lượng của một Trường Đảng mẫu mực.
Thứ hai, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp
Trường Đảng cần thiết phải có một đội ngũ làm việc chuyên nghiệp, có sự hiểu biết rộng, giỏi chuyên môn, tham mưu hiệu quả, làm việc sáng tạo, toàn tâm, toàn ý để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Người giảng viên phải giỏi lý luận, có vốn thực tiễn phong phú, kiến thức sâu, rộng, phương pháp lôi cuốn; giáo viên chủ nhiệm lớp phải thạo nội quy, quy chế, có phương pháp làm việc khoa học, phải trung thực, khách quan, nhiệt tình và trách nhiệm; người cán bộ phục vụ phải ân cần, chu đáo, mẫn cán trong công việc; phối hợp, điều tiết công việc phù hợp với tiến độ và môi trường xung quanh để tạo nên hiệu quả tốt nhất; tác phong làm việc cũng phải năng động, khoa học; phải chuyên nghiệp trong giao tiếp, ứng xử; có ý thức tổ chức kỷ luật, tích cực tham gia các hoạt động; phải biết làm việc hăng say và cống hiến hết mình.
Thứ ba, văn hóa về tự phê bình và phê bình trong Trường Đảng
Cán bộ, giảng viên Trường Đảng phải tuân thủ nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mấu chốt của tự phê bình và phê bình là “phê bình việc, chứ không phê bình người” để giúp nhau tiến bộ; phê bình tránh tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, mượn phê bình để lấy lòng nhau; phê bình phải tôn trọng thực tế khách quan, công tâm, thẳng thắn, không nghi ngờ, vội vàng quy kết cho đồng chí mình, đừng vì thích thì tốt, không thích và trái ý mình thì xấu, thì sai; phê bình phải công khai, tránh tình trạng trước mặt thì không nói nhưng lại soi mói sau lưng; phê bình cũng giống như chữa bệnh cứu người, cho nên phải chân thành, tế nhị, phải thân ái trên tinh thần đồng chí, đồng nghiệp.
Thứ tư, văn hóa về trang phục trong Trường Đảng
Cổ nhân có câu “y phục xứng kì đức”, có nghĩa là mình phải ăn mặc sao cho thích hợp với công việc và môi trường mình ở, nơi mình đến, “trang phục phải có chủ đề”. Như vậy, việc chọn lựa y phục cũng rất quan trọng và nên có sự hiểu biết về nó, vì nó nói lên trình độ văn hóa của người đó. Trang phục công sở phải kín đáo, gọn gàng, thanh thoát, lịch lãm sẽ khiến chúng ta tự tin trong giao tiếp, chiếm được thiện cảm của người khác. Trang phục công sở ở Trường Đảng đòi hỏi khắc khe hơn những nơi khác, bởi đây là nơi thể hiện một phong thái lịch sự, trang nhã của người cán bộ, giảng viên Trường Đảng.
Về phía học viên Trường Đảng, cần ăn mặc lịch sự, kín đáo, phải thể hiện sự tôn trọng bản thân, thầy cô và những người xung quanh, ngoài yếu tố đẹp, còn phải mang đến sự thoải mái và tiện lợi khi đi học.
Xây dựng văn hóa Trường Đảng là một trong những nội dung quan trọng để góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà trường đạt trường chính trị chuẩn. Để đạt được mục tiêu đó thì việc nâng cao nhận thức và giáo dục văn hóa Trường Đảng, lối sống chấp hành pháp luật, quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị cho đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động trong Trường Đảng hiện nay là rất cần thiết.
Đặc biệt, mỗi cán bộ, giảng viên, học viên của Trường Đảng cần không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trau dồi cả về trình độ chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức, lối sống; cần đổi mới, sáng tạo trong tư duy, nhận thức, bắt kịp với xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới; đồng thời, cần thực hành tốt lối sống giản dị, trong sáng; giữ gìn đạo đức, phẩm giá, lương tâm và danh dự; luôn tự đấu tranh, phê bình và tự phê bình; thực hành tốt vấn đề dân chủ, công bằng, tạo sự đồng thuận, nhất trí, phát huy sức mạnh đoàn kết của tập thể để xây dựng Trường Đảng ngày càng xứng đáng với sự kỳ vọng, tin yêu của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân.
Đồng thời, để các giá trị văn hóa Trường Đảng được phát huy hiệu quả đòi hỏi phải có một cơ sở vật chất tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của Trường Đảng. Trường Đảng cần được đầu tư xứng đáng để hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin, cảnh quan môi trường, các thiết chế văn hóa, thể thao xứng tầm một trung tâm về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của tỉnh nhà nhằm góp phần xây dựng một Trường Đảng chuẩn mực, đoàn kết, gương mẫu, uy tín, chất lượng, văn minh và hiện đại./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây