Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh trong phòng, chống tham nhũng - Nhận diện và một số giải pháp cho Việt Nam

Thứ năm - 08/08/2024 09:59
 
                                                                   TS.Thái Thị Hồng Minh
                                                 Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn
 
       Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn trong giai đoạn hiện nay. Điều này đã vận dụng sáng tạo từ những chỉ dẫn quý báu của V.I.Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, giải quyết phù hợp với điều kiện của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhằm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
       Các chỉ dẫn của V.I.Lênin về phòng, chống tham nhũng
       V.I.Lênin trong các bài viết và phát biểu của mình nhận định tham nhũng là các hành vi lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, làm suy giảm quyền lực tổ chức; đồng thời, chỉ ra nguyên căn của tham nhũng là quyền lực và bị quyền lực tha hoá. V.I.Lênin cho rằng điều này tác hại đối với quyền lực lãnh đạo của Đảng và quyền lực quản lý của Nhà nước. Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin đã sớm phát hiện rằng có ba kẻ thù chính đang đứng trước mỗi người, bất kể người đó làm việc gì, ở cương vị nào… kẻ thù thứ nhất - tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; kẻ thù thứ hai - nạn mù chữ; và kẻ thù thứ ba - nạn hối lộ.
       Tham nhũng được V.I.Lênin xem là “kẻ thù” bởi nó làm suy yếu Đảng, làm suy giảm quyền lực của Nhà nước gây ảnh hưởng đến uy thế, thanh danh của Đảng và Nhà nước, dễ tạo ra nguy cơ biến bộ máy chính quyền và các tổ chức đảng trở thành bộ máy quan liêu mới, xa rời lợi ích của Đảng, của Nhân dân. “Tệ quan liêu, tham nhũng khiến nhiều cán bộ, đảng viên bị tha hóa, trở thành những kẻ chuyên quyền, độc đoán, thậm chí nó có thể phá hủy một chính đảng, làm tiêu vong một chế độ” [1, tr.424]. Tham nhũng trong Đảng và Nhà nước, một mặt là nguyên nhân của tình trạng tha hoá của các tổ chức chính trị - xã hội, mặt khác, chính sự tha hoá đó lại làm gia tăng tình trạng tham nhũng. Do đó, đây vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của nhau, thành cái vòng luẩn quẩn, dẫn đến nguy cơ mất cả Đảng và chế độ chính trị Xô-Viết.
       V.I.Lênin nhấn mạnh, vẫn có thể xóa sạch được tham nhũng nhưng đây là cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, khó khăn và phải có thái độ dứt khoát, kiên quyết. Cuộc chiến này cần có sự phối hợp, đồng bộ của các biện pháp, trong đó V.I.Lênin nổi bật với các giải pháp về thể chế kiểm soát quyền lực: (i) Tiến hành mạnh mẽ, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, giám sát sẽ góp phần hạn chế sự lạm quyền, bớt đi những người trong bộ máy lợi dụng hoặc lạm quyền đục khoét của công, “chống chủ nghĩa quan liêu, nhằm mở rộng dân chủ, phát huy óc sáng kiến, nhằm phát hiện, lột mặt và đuổi ra khỏi Đảng những kẻ lén lút chui vào Đảng” [2, tr.109]; (ii) Tăng cường kỷ luật trong Đảng: “Để chống lại những tính xấu đó, để làm cho giai cấp vô sản có thể thực hiện được một cách đúng đắn vai trò tổ chức của nó (và đó là vai trò chính của nó), một cách có thể kết quả và thắng lợi thì chính đảng của giai cấp vô sản phải thực hiện được, trong nội bộ của mình, một chế độ tập trung chặt chẽ và một kỷ luật nghiêm ngặt” [3, tr.34]. V.I.Lênin yêu cầu phải xử lý thật nghiêm, thật nặng những kẻ tham nhũng, đưa và nhận hối lộ trong: “Không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế thì đó là một việc xấu hổ cho những người cộng sản” [4, tr.487]; “đối với người cộng sản, phải trừng phạt nặng hơn gấp ba lần so với những người ngoài đảng” [5, tr.487]; (iii) Xem trọng vai trò của quần chúng nhân dân, phát huy, thực hành dân chủ rộng rãi, lôi cuốn Nhân dân tham gia vào các công việc của Đảng, Nhà nước bởi Nhân dân là chủ thể của quyền lực; (iv) Tăng cường kiểm soát bộ máy nhà nước, tránh cồng kềnh, chồng chéo; đồng thời,  thiết lập chế độ trách nhiệm cá nhân, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm cá nhân của từng người trong bộ máy đó một cách nghiêm ngặt, gắn quyền lợi với trách nhiệm, nghĩa vụ, xây dựng cơ chế phát hiện và thải loại những cán bộ, đảng viên, công chức thoái hóa, biến chất.
          Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng
          Chủ tịch Hồ Chí Minh định danh tham ô (Người ít sử dụng cụm từ tham nhũng) là “lấy của công dùng vào việc tư” [6, tr.65]. Người thẳng thắn chỉ ra là ăn cắp của công, là gian lận; đục khoét của Nhân dân; ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung để làm quỹ riêng; khai gian, lậu thuế… Nguyên căn của tham ô và lãng phí bắt nguồn từ bệnh quan liêu mà ra: “Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc chắn có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu” [7, tr.295]. Người nhận định: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí” [8, tr.357].
          Tác hại của tham nhũng, tiêu cực được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đó là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, thứ giặc nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, làm hại Đảng, hại Tổ quốc. Người yêu cầu trong công tác chống tham nhũng vừa phải chủ động phòng ngừa vừa phải kiên quyết tiến công và phải có chuẩn bị, kế hoạch, có tổ chức thực hiện và có lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, tiến hành thường xuyên, liên tục, không “đánh trống, bỏ dùi”. Đồng thời, phải có sự quyết tâm cao của người đứng đầu, sự cố gắng của cán bộ, phải thông qua các cuộc vận động; trong đó, Người đã phát động Cuộc vận động “nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Việc “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là một trong những biểu hiện rõ nhất trong đấu tranh chống “giặc nội xâm” này. Người đã chỉ rõ những biểu hiện cần nhận diện: (i) Tách rời lợi ích của cá nhân mình với lợi ích của Đảng; (ii) Việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước; (ii) Gây mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của Nhân dân; (iii) Phản bội Đảng, phản bội chế độ chính trị. Người cho rằng, “thang thuốc hay nhất” để phòng, chống tham nhũng là kiên quyết, trung thực, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình. Tự phê bình cần được thường xuyên như người ta rửa mặt hàng ngày; phải có lý, có tình trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát quyền lực được Người rất chú trọng, không chỉ thông qua việc lựa chọn những người làm công tác kiểm tra, kiểm soát kỹ lưỡng, chọn những người biết đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, liêm khiết, mà quan trọng nhất là cần dựa vào tai mắt của Nhân dân. Công khai trừng trị nghiêm minh đối với các cán bộ, đảng viên bị tha hoá, biến chất, suy thoái nhằm răn đe, cảnh tỉnh.
          Nhận diện và một số giải pháp phòng, chống tham nhũng
       Đảng Cộng sản Việt Nam, từ sau đổi mới, càng nhận thức sâu sắc về vai trò của phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt từ Đại hội XI đến nay, hệ thống quan điểm của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng có những chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn. Các quan điểm này thể hiện thông qua hệ thống nghị quyết Đại hội Đảng các thời kỳ, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng nhiều kết luận, chỉ thị quan trọng, mang nhiều dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được Tổng Bí thư tổng kết trong Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Ý thức được trong điều kiện kinh tế thị trường, nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hoá…, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hoá… trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Theo Thông cáo báo chí tại Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30/5/2024, từ đầu năm 2024, các cơ quan đã xử lý kỷ luật đối với 68 tổ chức đảng, 104 đảng viên; trong đó, có 20 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã khởi tố mới 190 vụ án/463 bị can về tội tham nhũng. Điều này thể hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, ráo riết, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tham nhũng còn diễn ra phức tạp, khó lường trên nhiều lĩnh vực, nhất là tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng và các lĩnh vực thực thi pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Tham nhũng, tiêu cực không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước và vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Bước vào bối cảnh phát triển mới, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tham nhũng tiếp tục xu hướng phức tạp, tinh vi. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Kế thừa những thành tựu đã đạt được và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP, ngày 11/10/2023 về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030.
          Để vận dụng sáng tạo, hiệu quả những chỉ dẫn quý báu của V.I.Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
         Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đúc kết, trong đó kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và lựa chọn những cán bộ có trình độ, có bản lĩnh chính trị, trong sạch, liêm chính, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới tại các cơ quan phòng, chống tham nhũng của Đảng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy tổ chức đảng, các đảng viên là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; mở rộng, phát huy dân chủ, gắn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với từng bước hiện thức hoá các giá trị dân chủ; đồng thời, tạo đồng thuận cao trong nhận thức và quyết tâm phòng, chống tham nhũng.
       Hai là, hoàn thiện cơ chế và thực thi, giám sát hiệu quả kiểm soát quyền lực để không lợi dụng, tha hoá quyền lực nhà nước, bởi tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Tiếp tục nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; trong đó, tập trung vào hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, hoạt động và việc thực hiện các quyền kiểm soát lẫn nhau giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tăng cường vai trò của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong phòng, chống tham nhũng; đặc biệt chú trọng cơ chế giám sát và liêm chính, tăng cường sự giám sát của Nhân dân, của cơ quan dân cử và các cơ quan truyền thông trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước. Năng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, qua đó cảnh tỉnh, răn đe để không ai dám tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng theo tinh thần “4 hơn”: Làm tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa và “3 không”: Không đùn đẩy, không né tránh, không đổ lỗi khách quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. [10] Kỷ luật đi cùng với biểu dương, khen thưởng.
       Ba là, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là mở rộng con đường trách nhiệm giải trình trong các vụ tham nhũng lớn. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; cải cách hành chính toàn diện về thể chế, bộ máy; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật của tầng lớp nhân dân. Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, nhất là thúc đẩy hợp tác trong hệ thống tư pháp.
       Nhận diện đúng, đấu tranh, khắc phục kịp thời những biểu hiện của tham nhũng, đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống” có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần ngăn chặn tình trạng tham nhũng, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình hưởng ứng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, cộng đồng quốc tế ghi nhận.
          Tài liệu tham khảo:
(1) V. I. Lê-nin (2005), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 8, tr. 424.
(2) Sđd, tập 43, tr. 109.
(3) Sđd, tập 41, tr. 34.
(4), (5). Sđd, tập 44, tr.487.
(6) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập 4, tr.65.
(7) Sđd, tập 7, tr.295.
(8) Sđd, tập 7, tr.357.
(9) Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
(10) Nguyễn Phú Trọng (2023), Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
(11) Chính phủ (2023), Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, Hà Nội.
 




 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây