Đẩy mạnh  phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở thôn Klu, xã  Đakrông, huyện Đakrông

Thứ tư - 17/04/2024 13:58

 
                                      Nguyễn Thị Như Quỳnh
                                                                     Khoa Lý luận cơ sở
 
       Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch cộng đồng được xem là một trong những loại hình du lịch chủ đạo được khẳng định cần đẩy mạnh. Du lịch cộng đồng có thể hiểu là mô hình du lịch mà cộng đồng dân cư là chủ thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho du khách và được chia sẻ các nguồn lợi do du lịch mang lại. Thông qua các hoạt động phục vụ du khách đến tham quan, như: lưu trú, ăn uống, trải nghiệm văn hóa bản địa, bán quà lưu niệm địa phương..., du lịch cộng đồng đang là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách.
       Xã  miền núi Đakrông hiện có nhiều lợi thế phát triển mô hình cộng đồng, với khu du lịch cộng đồng được Dự án phát triển du lịch Tiểu vùng sông Mêkông đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác năm 2014. Đây là một điểm đến thú vị của tỉnh Quảng Trị đối với du khách trong nước và quốc tế để trải nghiệm, khám phá những nét hoang sơ và tìm hiểu văn hóa đồng bào Vân Kiều. Khu du lịch cộng đồng có phong cảnh đẹp, thiên nhiên đa dạng, hoang sơ, người dân thân thiện và có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Khu du lịch gồm có: Nhà ngắm cảnh, sân lễ hội, trung tâm giới thiệu danh thắng, nhà nghỉ cộng đồng; 16 ngôi nhà của đồng bào Vân Kiều đã được bảo tồn, 10 lán trại được bà con trong thôn dựng lên đã tạo điểm nhấn để thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, nghỉ ngơi.
       Năm 2014, được dự án ADB bàn giao cơ sở hạ tầng Khu du lịch cộng đồng Klu gồm 7 hạng mục như: Trung tâm thông tin, giới thiệu du lịch và ngắm cảnh; nhà nghỉ cùng với cộng đồng; đường mòn đi bộ; hệ thống nhà vệ sinh; sân lễ hội cộng đồng; hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, thu gom rác; suối nước nóng Klu... Lợi thế trước mắt có sẵn, từ năm 2018 đến năm 2020 UBND xã Đakrông đã tổ chức Ngày hội văn hóa thường niên tại Khu du lịch cộng đồng Klu Năm 2018, lần đầu tiên tổ chức Ngày hội văn hóa thông qua hình thức cắm trại bằng chòi của các thôn trên địa bàn xã tham gia, kết hợp giới thiệu nông sản địa phương và đặc sản ẩm thực truyền thống của địa phương. Sau lễ hội, các kênh truyền thông và các trang mạng xã hội đã lan truyền nhanh chóng nên thu hút lượng khách rất lớn về khu du lịch. Lượng khách đến trong năm 2018 đến 2020 là 37.291 lượt khách. Trong đó, khách nước ngoài 40 lượt người, còn lại khách trong nước. Doanh thu trong 3 năm, nhóm ẩm thực đạt 2,28 tỷ đồng; lợi nhuận mang lại cho các nhóm: 388 triệu đồng, trong đó nộp về Ban quản lý khu du lịch 10% tổng lợi nhuận của các nhóm hoạt động.
       Tuy nhiên từ tháng 7 năm 2020 đến nay Khu du lịch cộng đồng KLu tạm thời ngừng hoạt động. Trước hết, do thiên tai, lụt bão đã làm hư hỏng nhiều cơ sở vật chất như  nước, hệ thống nhà chòi, điện chiếu sáng, bể nóng, bảng chỉ dẫn, nhà vệ sinh; dịch bệnh Covid cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương. Ngoài ra, phát triển Khu du lịch cộng đồng Klu vẫn còn nhiều hạn chế, quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa có chiều sâu, thiếu cách làm bài bản để thu hút và níu chân du khách. Cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch nhìn chung chưa đáp ứng được hết các nhu cầu của du khách, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có tính độc đáo. Các bể nước nóng chưa đáp ứng được nhu cầu khách du lịch vì quá nhỏ, đường qua bể nước nóng chưa được đầu tư xây dựng đảm bảo an toàn cho du khách. Nhiều hoạt động Khu du lịch cộng đồng Klu còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch kết nối. Hoạt động xúc tiến, quảng bá cho loại hình du lịch mới này còn hạn chế, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, các cấp. Cơ chế quản lý bước đầu còn lỏng lẻo, cán bộ xã kiêm nhiệm lĩnh vực nên chưa có chuyên môn về du lịch và thời gian dành cho hoạt động du lịch không theo sát được nhóm. Ý thức cộng đồng có điểm du lịch chưa cao. Môi trường chưa đảm bảo làm mất ấn tượng cho khách du lịch. Nhóm ẩm thực hoạt động vẫn còn thụ động, đội ngũ phục vụ còn thiếu tính chuyên nghiệp. Một nguyên nhân quan trọng nữa là Quảng Trị nằm ở vùng duyên hải miền Trung, hằng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt nên hoạt động du lịch cộng đồng mang tính thời vụ rất cao.
       Năm 2023, thực hiện Thông báo số 123/2023/TB-BQL “Về việc khởi công xây dựng công trình Đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu thôn Kalu xã Đakrông”, Đakrông đã khởi công điểm đến du lịch tiêu biểu thôn KLu và dự kiến hoàn thành tháng 01/2025. Hiện nay, khu du lịch đã được đầu tư xây dựng do huyện làm chủ đầu tư với kinh phí giải đoạn đầu hơn 5 tỷ, trước mắt đang xây dựng 1 chòi to, 4 chòi nhỏ, 1 nhà thay đồ và đang nâng cấp sân hệ thống điện chiếu sáng, dự kiến bàn giao vào tháng 1 năm 2024.
       Vì vậy, để phát triển Khu du lịch cộng đồng ở xã Đakrông trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
       Thứ nhất, thành lập bộ máy quản lý, vận hành và giám sát mô hình du lịch trên địa bàn. Tránh các tác động tiêu cực từ con người trong khai thác, kinh doanh du lịch, không bị “thương mại hóa” hoặc bị lạm dụng mục đích khác trong đầu tư.
       Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, toàn bộ hệ thống chính trị nhận thức rõ du lịch cộng đồng là ngành kinh tế có tính xã hội hóa cao và có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế địa phương, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trên cơ sở đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.
       Thứ ba, gắn trách nhiệm người dân ở địa phương với phát triển du lịch cộng đồng, phải ý thức một cách nghiêm chỉnh về văn minh du lịch, tinh thần góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách, chất lượng của sản phẩm du lịch không chỉ thể hiện ở giá trị vật chất mà còn ở giá trị tinh thần.
       Thứ tư, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút được nhiều khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch.
       Thứ năm, tổ chức các chương trình tập huấn hằng năm về kỹ năng phục vụ khách du lịch, phát triển hướng dẫn viên du lịch có chuyên môn, nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ,  am hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa địa phương; thu hút thêm đội ngũ du lịch có trình độ chuyên môn trẻ, năng động, nhanh nhạy nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch…
       Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch đang có xu hướng phát triển mạnh hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Để phát triển du lịch cộng đồng đúng cách, có hiệu quả và bền vững thì việc nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước, thực hiện những giải pháp đồng bộ trên có ý nghĩa rất quan trọng, từng bước khôi phục, phát triển du lịch cộng đồng ở thôn Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông thu hút đông đảo khách du lịch nội địa và quốc tế./.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22 tháng 1 năm 2020 về Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030

2. UBND huyện Đakrông (2023), Thông báo số 123-TB/BQL, ngày 16 tháng 11 năm 2023 về việc khởi công xây dựng công trình Đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu thôn Kalu xã Đakrông
3. UBND xã Đakrông (2024), Báo cáo số 181 BC/UBND, ngày 20 tháng 3 năm 2024 về phục vụ công tác thực tế cơ sở năm 2024

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây