Công tác đối ngoại địa phương góp phần phát triển kinh tế -xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Thứ năm - 28/03/2024 09:22
 
ThS. Nguyễn Quốc Thanh
Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật

 
        Đối ngoại địa phương có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Quảng Trị. Hiệu quả của hoạt động đối ngoại ở địa phương không tự nhiên có được, mà tất cả dù lớn hay nhỏ đều phải có sự tích góp và luôn cân nhắc, thận trọng, chu đáo trong vận động, đón tiếp kể cả trong triển khai, thực hiện, vì đây là sản phẩm của quá trình ngoại giao. Năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đón tiếp an toàn, chu đáo nhiều đoàn khách quốc tế; tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, nhiều hội nghị có khách nước ngoài tham dự; vận động, ký kết, triển khai thực hiện được nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế, chương trình dự án tài trợ, viện trợ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) và dự án đầu tư với các đối tác nước ngoài góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh và tranh thủ đáng kể nguồn lực từ bên ngoài góp phần sớm phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
        Trong năm 2023, tỉnh Quảng Trị cấp phép cho 09 hội nghị, hội thảo quốc tế do địa phương chủ trì tổ chức hoặc cấp phép cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc và thuộc quản lý của địa phương tổ chức. Nội dung hội nghị, hội thảo chủ yếu tập trung vào việc khởi động, đánh giá thực hiện các dự án phòng chống, cứu trợ khẩn cấp sau thiên tai; khắc phục hậu quả bom mìn, cũng như nâng cao nhận thức về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật góp phần phát triển đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh đã ký kết 13 thỏa thuận hợp tác và 03 thỏa thuận quốc tế (bước đầu đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện), các thỏa thuận quốc tế được đàm phán ký kết trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với lợi ích của các bên có liên quan, đặc biệt là các hoạt động trao đổi đoàn các cấp và các địa phương giữa tỉnh Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào. Ngoài hai đối tác truyền thống là tỉnh Savannakhet và Salavan, còn thiết lập quan hệ hợp tác chính thức với các tỉnh Nam Lào (Sêkông và Champasak); các địa phương có chung biên giới, các tổ chức đoàn thể, các sở, ban ngành của 02 bên diễn ra sôi nổi, được triển khai thực hiện thường xuyên và đạt được hiệu quả hợp tác thiết thực. Sở Ngoại vụ cũng phối hợp triển khai các nội dung nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại dịch vụ, hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, biên giới… góp phần phát triển đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.
        Về xúc tiến, vận động viện trợ PCPNN, hiện có 30 tổ chức PCPNN và 12 tổ chức quốc tế đang có dự án triển khai tại tỉnh, vận động được 26 dự án, viện trợ phi dự án với tổng giá trị 13.542.810,83 USD, vượt mức dự kiến so với kế hoạch đầu năm (đạt 225%). Các chương trình, dự án PCPNN triển khai trên địa bàn tỉnh nhìn chung đạt kết quả tích cực, tập trung vào các lĩnh vực: phát triển nông thôn tổng hợp, khắc phục hậu quả chiến tranh, biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh, bảo trợ xã hội, giáo dục và đào tạo; phục vụ thiết thực cho nhu cầu phát triến kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức PCPNN đang hoạt động tại tỉnh chấp hành đúng quy định của địa phương, có mối quan hệ đối tác tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, chưa phát hiện tổ chức nào có dấu hiệu hoạt động phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh - chính trị.
        Công tác lãnh sự, bảo hộ công dân và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tỉnh thường xuyên duy trì kết nối với cộng đồng người Việt Nam ở Lào, Thái Lan nhằm tăng cường trao đổi thông tin hợp tác đầu tư kết hợp vận động bà con hỗ trợ quê hương. Chú trọng các hoạt động về giao lưu văn hóa với bà con Việt Kiều ở Lào và Thái Lan, hàng năm, các đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị đến các tỉnh của Lào, Thái Lan đều có hoạt động thăm và giao lưu với Hội người Việt Nam ở nước ngoài tại Lào, Thái Lan (đặc biệt là các tỉnh Đông Bắc Thái Lan) để động viên và thông báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của quê hương. Thông qua những hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các địa phương ở Lào, Thái Lan. Đây là cầu nối để thắt chặt tình cảm với bà con xa quê, đồng thời mời gọi bà con có tiềm lực về kinh tế, trình độ về khoa học - công nghệ giúp đỡ quê hương.
        Về công tác biên giới lãnh thổ, việc duy trì thường xuyên Hội đàm về công tác biên giới đã mang lại nhiều hiệu quả với việc trao đổi kinh nghiệm, phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân hai bên biên giới chấp hành các Hiệp định. Tổ chức đoàn đi khảo sát thực địa nhằm đánh giá tình trạng sạt lở, dịch chuyển của các mốc quốc giới đề xuất phương án gia cố, xử lý nhằm đảm bảo tính bền vững hệ thống mốc quốc giới. Công tác giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị cơ bản được giải quyết theo kế hoạch Thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào đã ký kết. Tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các huyện, xã biên giới làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân vùng biên giới hiểu rõ các quy định của hai nước nhằm hạn chế tối đa tình trạng tái diễn, phát sinh mới về người di cư tự do và kết hôn không giá thú; thực hiện các thủ tục về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định, đồng thời, tuyên truyền vận động người dân Lào tự nguyện trở về nước trong trường hợp di cư tự do. Tính đến hết tháng 7/2023, phía Lào đã hoàn thành toàn bộ việc cấp quốc tịch và các giấy tờ hộ tịch cho 6.571 trường hợp người Việt Nam di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Lào thuộc diện ở lại nơi cư trú theo quy định. Trong đó, đã trao giấy chứng nhận quốc tịch cho 6.199 trường hợp, 372 trường hợp còn lại đã trở về Việt Nam hoặc di cư nơi khác.
Ngoài ra, công tác văn hóa, thông tin đối ngoại được tỉnh chú trọng, quảng bá, giới thiệu về mảnh đất, con người, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa và tiềm năng, lợi thế phát triển đến với bạn bè quốc tế, đặc biệt là các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây thông qua các chuyến thăm, làm việc và tham gia hoạt động văn hóa tại địa phương của các đoàn khách quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài. Phối hợp tổ chức thành công các ngày lễ lớn, các sự kiện kỷ niệm, sự kiện văn hóa, qua đó tranh thủ quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của Quảng Trị đến bạn bè trong nước và quốc tế.
        Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đối ngoại địa phương gặp không ít khó khăn như: hiểu biết về thị trường và luật pháp quốc tế của các doanh nghiệp nội tỉnh, số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường quốc tế (qua hợp tác đầu tư, xuất khẩu hàng hóa…) còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng sản xuất, dịch vụ du lịch phục vụ người nước ngoài chưa phát triển, chất lượng dịch vụ chưa cao. Kết nối giao thông chưa thuận tiện, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt về hạ tầng sân bay, cảng biển, dịch vụ logistics, dịch vụ hỗ trợ và các chính sách hỗ trợ chưa đáp ứng được nhà đầu tư khi đăng ký đầu tư vào tỉnh. Các hoạt động xúc tiến đầu tư thực hiện trong thời gian qua chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ; số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh sụt giảm… Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức và còn lúng túng trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về các hoạt động đối ngoại, trong đó có việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN; không thông qua cơ quan đầu mối tại địa phương trước khi ký kết thỏa thuận hợp tác. Tỷ trọng đầu tư của các tổ chức PCPNN cho các hoạt động tập huấn, đào tạo ngày càng cao so với đầu tư vào hạ tầng (phần cứng). Một số tổ chức PCPNN đặt yêu cầu ngày càng cao hơn về tỷ lệ đóng góp của địa phương, trong khi khả năng đáp yêu cầu vế bố trí vốn đối ứng của địa phương (cấp huyện) còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án PCPNN. Một số địa phương hưởng lợi tự cân đối, bố trí vốn đối ứng hoặc huy động sự đóng góp của người dân bằng ngày công lao động nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu thực tế.
        Để góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đối ngoại tại địa phương, trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh quan hệ chính trị, tham mưu, hỗ trợ tổ chức các chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo Đảng, chính quyền, các sở, ban ngành địa phương có quan hệ hợp tác với các tỉnh bạn Lào; trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Triển khai các hoạt động ngoại giao phát triển kinh tế, tích cực để khâu nối, tranh thủ “ngoại giao tập đoàn”, chuẩn bị chu đáo tiếp đón các doanh nghiệp lớn của nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh; tăng cường công tác hỗ trợ, thu hút các tập đoàn nước ngoài vào tỉnh. Tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh, mảnh đất con người Quảng Trị đến bạn bè quốc tế. Chú trọng khâu nối, tiếp cận và tham gia các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, truyền thông... với các nước ASEAN nói riêng và các nước trên thế giới nói chung. Tham mưu tổ chức các sự kiện, hoạt động cấp nhà nước kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, các cột mốc có ý nghĩa lịch sử về đối ngoại. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và các hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tranh thủ, vận động tối đa nguồn lực kiều bào trong phát triển kinh tế - xã hội xây dựng quê hương. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nội tỉnh tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài. Tranh thủ nguồn lực nhằm tăng cường tiếp xúc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chuỗi siêu thị tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... để địa phương có cơ sở tiếp cận và hình thành chuỗi liên kết với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, các sản phẩm OCOP. Định hướng vận động viện trợ PCPNN phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phục vụ công tác vận động viện trợ. Tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan đầu mối Trung ương; tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ các tổ chức PCPNN và các cơ quan đối tác; đa dạng hóa các hình thức vận động.
        Tham mưu đề xuất đầu tư các công trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, thủy lợi tiếp giáp biên giới giúp tỉnh Savannakhet và Salavan từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam viện trợ cho Chính phủ Lào trong giai đoạn 2022 -2025. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện, tăng cường triển khai các dịch vụ đối ngoại tại địa phương. Cuối cùng, phát triển đối ngoại địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó then chốt là nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương. Các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn lực dành cho công tác đối ngoại địa phương; trong đó, trọng tâm là xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại toàn diện về tư tưởng chính trị, phẩm chất, có đủ trình độ, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, thực sự phát huy vai trò tiên phong, xung kích…góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh gắn với đẩy mạnh hội nhập quốc tế./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây