Trong lịch sử phát triển của nhân loại, Ấn Độ được xem là một trong những nền văn minh của thế giới, sánh ngang với Trung Quốc, Hy Lạp và La Mã. Đây là cái nôi sản sinh ra những tư tưởng và nền văn hóa đặc sắc, có ảnh hưởng to lớn đến khu vực và thế giới. Những tư tưởng triết học và tôn giáo cổ Ấn Độ, cho đến nay, vẫn mang trong nó những giá trị tri thức, đạo đức sâu sắc và được các thế hệ lưu giữ, truyền dạy.
Để tìm hiểu về tư tưởng triết lý và tôn giáo cổ Ấn Độ, từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu Việt Nam mới chủ yếu thông qua các tài liệu khảo cứu trong và ngoài nước, nhưng muốn tìm hiểu sâu và chính xác hơn thì cần có sự tiếp cận trực tiếp với các kinh văn gốc.
Với một tinh thần khoa học nghiêm túc và sự say mê nghiên cứu, nhóm tác giả do PGS, TS. Doãn Chính làm chủ biên đã sưu tầm biên soạn, biên dịch và giới thiệu với bạn đọc cuốn sách Veda-Upanishad: Những bộ kinh triết lý tôn giáo cổ Ấn Độ. Đây là những bộ kinh có tính kinh điển của triết lý tôn giáo cổ Ấn Độ. Nghiên cứu những bộ kinh này, ta sẽ có thêm nhiều hiểu biết về nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Ấn Độ cổ, cũng như cuộc sống hàng ngày, những mong ước của họ, những giá trị mà họ hướng tới…
Cuốn sách được chia làm hai phần chính: Phần thứ nhất giới thiệu kinh Veda; phần thứ hai giới thiệu kinh Upanishad. Với mỗi bộ kinh, các tác giả đều giới thiệu khái quát về niên đại, nguồn gốc, kết cấu, nội dung cơ bản và sau đó là toàn bộ nội dung của kinh văn gốc được biên dịch, chú giải. Ngoài ra, cuốn sách có thêm phần từ vựng, giúp bạn đọc nắm một cách cơ bản một số từ, khái niệm cổ được sử dụng trong cuốn sách.
Trong phần nội dung chính của kinh văn, một số phần bị thiếu chương, mục là do gốc bị thiếu. Cho đến lần tái bản này, chưa có một tài liệu nào đầy đủ, hoàn thiện hơn bộ The Upainishad gồm 4 tập, do Bonanza Books, New York, xuất bản lần lượt vào các năm 1949, 1952, 1956 và 1959 – bộ sách được nhóm biên soạn dịch và chú giải.
Sách hiện có tại Thư viện Trường Chính trị Lê Duẩn./.