Giới thiệu sách "Tại sao Mác đúng?"

Thứ tư - 02/11/2016 08:38
 

Tại sao Mác đúng? của tác giả Terry Eagleton - Giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lancaste Vương quốc Anh  là cuốn sách gây nhiều chú ý khi ra mắt công chúng, thời điểm chủ nghĩa tư bản đang rung chuyển tận gốc rễ với cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với sự lúng túng về đường lối chính trị của nhiều chính thể tư bản trước cuộc khủng hoảng nợ công đang phủ bóng u ám lên đời sống xã hội cả một khu vực rộng lớn của châu Âu. Hàng loạt những bài bình luận, nhận xét, đánh giá của giới học giả và báo chí quốc tế xuất hiện gần như cùng một lúc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cho dù là phê phán hay ủng hộ đã cho thấy một sự thật không thể phủ nhận rằng cuốn sách có sức hấp dẫn vô cùng to lớn!

Nội dung cuốn sách xoay quanh những luận giải, chứng minh và phản bác các quan điểm bôi nhọ, vu khống và những âm mưu nhằm hạ bệ C. Mác cùng tư tưởng của ông đã cho thấy niềm tin không thể lay chuyển của T. Eagleton vào tính khoa học đúng đắn, tính chất nhân văn của Mác - một niềm tin được thành tạo bởi kiến thức văn hóa uyên thâm, sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện về C. Mác, về chủ nghĩa Mác, cũng như những chiêm nghiệm thực tiễn lịch sử ở những tầng nấc sâu xa, phong phú.

T. Eagleton khẳng định C. Mác là người đầu tiên nhận biết được chủ nghĩa tư bản, chứng minh nó xuất hiện như thế nào, hoạt động theo quy luật nào và có thể đi đến chỗ kết thúc ra sao. Chủ nghĩa Mác kể từ khi ra đời và trong quá trình phát triển luôn là sự phê phán quyết liệt nhất về mặt lý luận, phong phú nhất về mặt thực tiễn, không khoan nhượng nhất về mặt chính trị đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chính vì thế mà Mác cũng nhận được nhiều ca ngợi và nhiều phê phán, chống đối. Tác giả cuốn sách đã lựa chọn 10 vấn đề - sự phê phán phổ biến nhất đối với C. Mác để phân tích, lý giải, đưa ra những minh chứng vững vàng nhằm phản bác và đi đến khẳng định sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác. Những vấn đề được tác giả lựa chọn để phản bác đã cơ bản phản ánh đầy đủ các bình diện xã hội lịch sử của chủ nghĩa Mác, đã đặt chủ nghĩa Mác dưới nhiều góc nhìn, lát cắt khác nhau để luận giải và trả lời câu hỏi: Tại sao Mác đúng?

Cuốn sách được kết cấu gồm 10 chương tương ứng với 10 vấn đề được tác giả lựa chọn để luận giải cho quan điểm của mình.

Vấn đề thứ nhất: “Chủ nghĩa Mác đã kết thúc, nó được coi là phù hợp trong thế kỷ XIX, không ăn nhập gì với xã hội phương Tây hậu hiện đại ngày càng không còn giai cấp và dễ dàng biến đổi về mặt xã hội như ngày nay…”.

Phản bác lại luận điểm “Hệ thống tư bản chủ nghĩa đã thay đổi nhiều đến mức không còn nhận biết được nữa so với thời của Mác, và do đó những tư tưởng của Mác không còn phù hợp nữa”, T. Eagleton đã chỉ ra rằng bản thân Mác luôn ý thức được bản chất không ngừng vận động của cái hệ thống mà ông phản bác. Chính nhờ C. Mác mà loài người có được những khái niệm về các hình thái lịch sử khác nhau đã song hành hoặc kế tục nhau tồn tại của tư bản: tư bản thương mại, tư bản nông nghiệp, tư bản công nghiệp, tư bản độc quyền, tư bản tài chính… 

T. Eagleton cho rằng, nguyên nhân gây mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác chính là sự cảm nhận dần dần về căn bệnh bất lực chính trị từ phía những người theo chủ nghĩa Mác chứ không phải từ bản thân hệ thống tư bản chủ nghĩa. Từ đó, T. Eagleton khẳng định rằng chủ nghĩa Mác là sự phê phán sâu sắc, toàn diện và khắt khe nhất từ trước đến nay đối với chủ nghĩa tư bản. Chừng nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại thì chủ nghĩa Mác cũng sẽ tồn tại. 

Vấn đề thứ hai: “Chủ nghĩa Mác có thể rất đúng đắn về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn thì kết quả lại là khủng bố, độc tài và giết người hàng loạt… Chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với thiếu tự do, nó còn đồng nghĩa với thiếu hàng hóa, bởi vì đây chắc chắn là hậu quả của việc xóa bỏ thị trường…”

Từ những nghiên cứu về một số mô hình chủ nghĩa xã hội, T. Eagleton khẳng định những thành tựu đáng kể mà các quốc gia này đã đạt được. Minh chứng cụ thể là Liên Xô, đã cố gắng có nhà ở, nhiên liệu, giao thông và văn hóa giá rẻ, việc làm đầy đủ và những dịch vụ xã hội ấn tượng cho một nửa dân số châu Âu, cũng như một mức độ công bằng và đầy đủ về vật chất mà không một quốc gia nào trong số đó trước đây có thể sánh được; hay nước Đông Đức cộng sản có thể kiêu hãnh về một trong những hệ thống chăm sóc trẻ em tốt nhất thế giới; hay Trung Quốc đã đưa những công nhân của mình ra khỏi lạc hậu kinh tế để đến với thế giới công nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, T. Eagleton cũng thừa nhận rằng Trung Quốc thời kỳ của Mao hay Liên Xô thời kỳ của Stalin đã phải trả một cái giá rất lớn, cái giá của nhân loại cho những thành tựu đó; tuy nhiên, đây chỉ là những hiện tượng, mô hình thực tiễn đơn lẻ không đúng với học thuyết của Mác. Mặt khác, ông đã minh chứng rằng sự thịnh vượng mà chủ nghĩa tư bản đem lại – cũng giống như Mao và Stalin, đã phải đánh đổi bằng cái giá kinh hoàng là nạn diệt chủng, đói nghèo, chủ nghĩa đế quốc và buôn bán nô lệ. Chế độ này chỉ có thể duy trì sự thịnh vượng khi đi kèm với sự tước đoạt thậm tệ.

Tác giả khẳng định chính C. Mác cũng không bao giờ hình dung chủ nghĩa xã hội lại có thể hoàn thành ở một số nước lẻ tẻ, không có hệ thống và những nước đó đang trong tình trạng nghèo khổ cùng cực. Do vậy, chỉ vì những mô hình đơn lẻ như chính quyền Mao hay Stalin mà quy chụp rằng thực tiễn chủ nghĩa Mác chỉ có khủng bố, độc tài, hay giết người hàng loạt… cho thấy một sự non kém về lý luận và cách nhìn phiến diện, chụp mũ.

Vấn đề thứ ba:“Chủ nghĩa Mác là một hình thức của thuyết quyết định luận,… Học thuyết về lịch sử của C. Mác chỉ là một phiên bản thế tục của thuyết quyết định luận. Nó công kích sự tự do và phẩm giá của con người đúng như những gì đã xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa”.

Bằng biện giải và chứng cứ thực tiễn, T. Eagleton đã bộc lộ ngụ ý cho rằng: C. Mác không phát minh ra chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản mà chính phong trào chống áp bức, bóc lột của giai cấp công nhân ở châu Âu đã đạt tới tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời đại ông sống. C. Mác khẳng định trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản rằng: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”, tức là đấu tranh giai cấp là phần cơ bản nhất, là động lực trực tiếp của lịch sử nhân loại.

Tác giả nêu nhiều cứ liệu lịch sử để luận giải mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, khẳng định sự chiến thắng của lực lượng sản xuất trước quan hệ sản xuất, từ đó đi đến khẳng định tư tưởng của C. Mác về sự sụp đổ của giai cấp tư sản và chiến thắng của giai cấp công nhân là tất yếu như nhau. Như vậy, một khi chủ nghĩa tư bản hoàn toàn thất bại thì tất yếu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sẽ chiến thắng, nhưng không phải “ngủ yên” như thuyết quyết định luận để chiến thắng, mà phải hành động và hành động sáng tạo để làm nên lịch sử. Đây là yếu tố khác nhau cơ bản giữa học thuyết Mác và thuyết quyết định luận.

Vấn đề thứ tư: “Chủ nghĩa Mác là giấc mơ về xã hội không tưởng. Nó đặt niềm tin vào một xã hội hoàn hảo, không có khổ cực đau buồn, bạo lực và mâu thuẫn… Cách nhìn nhận ngây thơ một cách đáng ngạc nhiên này bắt nguồn từ niềm tin ấu trĩ vào bản chất con người. Người ta đơn giản cho rằng, cái xấu xa trong con người không tồn tại… Chính viễn cảnh ngây ngô của C. Mác về tương lai phản ánh sự phi thực tế đến vô lý trong toàn bộ hệ thống quan điểm chính trị của ông”.

Tác giả công trình Tại sao Mác đúng? đã phân tích từ góc độ nhận thức luận về quá khứ, hiện tại, tương lai để khẳng định rằng sự phê phán C. Mác về những vấn đề trên là không đúng. C. Mác có kế thừa các triết gia không tưởng như Charles Fourier, Saint Simon và Robert Owen, nhưng ông phản đối tư tưởng của họ trên nhiều chiều cạnh, trong đó có vấn đề cốt yếu là niềm tin của những triết gia không tưởng về việc giành thắng lợi trước đối thủ chỉ toàn bằng sức mạnh của lý lẽ. C. Mác không mơ mộng về một tương lai tốt đẹp, mà là giải quyết mâu thuẫn hiện tại đang cản trở sự xuất hiện một tượng lai tốt đẹp hơn. Ông phác thảo ra một tương lai mà hình ảnh thật sự của tương lai (xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa) chính là sự thất bại của hiện tại. 

Chủ nghĩa Mác không đưa ra lời hứa hẹn nào về sự hoàn hảo của con người. Tuy nhiên, về bản chất con người, C. Mác gọi con người là “loài người” – những sinh vật biết lao động, mong muốn và giao tiếp, là loài sáng tạo, cởi mở và chưa hoàn thiện, có khả năng biến đổi thực tại, làm nên lịch sử, mong muốn vươn tới một tương lai tốt đẹp và cũng chính trong quá trình đó sẽ biến đổi, hoàn thiện chính mình. C. Mác cho rằng nếu con người được sống trong những điều kiện dư thừa về vật chất, thoát khỏi những áp lực méo mó, thì chắc chắn họ sẽ có đạo đức hơn.

Vấn đề thứ năm: “Chủ nghĩa Mác quy mọi vấn đề về kinh tế. Chủ nghĩa Mác chỉ là một dạng của thuyết quyết định luận về kinh tế… Khi quan điểm của C. Mác bị chi phối bởi kinh tế học như vậy, C. Mác đã trở thành một hình ảnh nghịch đảo về hệ thống tư bản chủ nghĩa mà ông từng lên án”.

C. Mác cho rằng hoạt động mang tính lịch sử đầu tiên chính là sản xuất ra các phương tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người, sản xuất vật chất quyết định hoàn toàn bản chất của nền văn minh. Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác tin vào sản xuất là vì lợi ích của chính sản xuất theo một nội hàm rộng lớn hơn của từ này. Ông nghiêm khắc lên án việc đơn giản hóa hoạt động sản xuất của con người chỉ ở máy kéo và tuốc bin, trái lại, hoạt động sản xuất mà C. Mác quan tâm gần gũi với nghệ thuật hơn là chỉ có lắp ráp những chiếc radio bán dẫn hoặc giết mổ cừu.

Con người chỉ thực sự sản xuất khi họ được tự do thực hiện và vì lợi ích của chính họ. Lao động và sản xuất phải trở thành nhu cầu sống lành mạnh của con người. Và khi họ được tận hưởng sự dồi dào sẵn có của hàng hóa vật chất, không phải bận tâm suy nghĩ về tiền bạc, nói cách khác khi mà kinh tế không còn độc chiếm nhiều thời gian và sức lực của con người, thì cuộc sống tốt đẹp mà họ đang có sẽ là sự nghỉ ngơi thay vì lao động.

T. Eagleton đã nêu ra hàng loạt dẫn chứng để đi đến xác tín rằng: Chính chủ nghĩa tư bản chứ không phải chủ nghĩa Mác mới theo thuyết giản hóa luận kinh tế. Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới tin vào sản xuất vì lợi ích đơn thuần và tin vào nội hàm hẹp hơn của khái niệm “sản xuất”. 

Vấn đề thứ sáu: “C. Mác là một nhà duy vật đơn thuần… Ông không quan tâm đến các khía cạnh tinh thần của con người và coi ý thức của con người là sự phản ánh của thế giới vật chất… Chủ nghĩa Mác làm cạn kiệt hết tất cả những gì quý giá nhất thuộc về con người, thu gọn chúng ta thành một mớ lổn nhổn vật chất bị chi phối bởi ngoại cảnh của chúng ta…”.

Từ những nghiên cứu, phân tích mối quan hệ giữa thể xác với tư duy của con người, mối quan hệ giữa tồn tại xã hội với ý thức xã hội, mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng, những ngộ nhận về duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, và sự vu khống chủ nghĩa Mác liên quan đến những vấn đề này, T. Eagleton khẳng định C. Mác là một trong những bộ óc vĩ đại nhất thời hiện đại và học thuyết Mác không chỉ là sự giải thích thế giới mà còn là công cụ để cải tạo thế giới.

Theo C. Mác, tư duy và động lực thể xác của chúng ta quan hệ chặt chẽ với nhau và tư duy bản thân nó là tính tất yếu vật chất. Con người do thế giới vật chất thiết lập, bởi vì chỉ bằng cách tham gia vào thế giới vật chất ta mới có thể thực thi được khả năng của chúng ta và khẳng định thực tại của những khả năng đó. Đề cập tới vấn đề tinh thần, C. Mác khẳng định tinh thần không phải là cái tách rời khỏi thể xác và thuộc thế giới khác. Có một hoạt động của thể xác mà tinh thần được thể hiện đặc biệt rõ, đó chính là ngôn ngữ - biểu hiện vật chất cụ thể của tinh thần hay ý thức của con người.

Vấn đề thứ bảy: “Nỗi ám ảnh chán ngắt về giai cấp đã khiến chủ nghĩa Mác quá ư lạc hậu. Những người theo chủ nghĩa Mác dường như đã không để ý rằng hình ảnh giai cấp xã hội đã thay đổi không còn nhận ra so với ngày C. Mác viết tác phẩm của mình…”.

T. Eagleton khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác không định nghĩa giai cấp theo phong cách sống, địa vị, thu nhập, giọng nói, nghề nghiệp hay tình trạng gia đình. Với C. Mác, giai cấp không phải là vấn đề anh cảm thấy thế nào mà là anh đang làm gì, anh đang đứng ở đâu trong một phương thức sản xuất cụ thể.

Tác giả luận giải về quá trình hình thành giai cấp công nhân, khẳng định chủ nghĩa Mác không đặt trọng tâm vào giai cấp công nhân chỉ vì nhìn thấy một số ưu điểm của lao động, cũng không đặt tầm quan trọng chính trị vào giai cấp công nhân vì họ được cho là bị chà đạp nhất trong các nhóm xã hội, mà điểm quyết định nhất chính là giai cấp công nhân có được vị trí trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại mà không có giai cấp công nhân, trong khi giai cấp công nhân có thể phát triển thịnh vượng hơn nhiều nếu không có tư bản chủ nghĩa.

Chủ nghĩa tư bản tiến bộ nuôi dưỡng ảo tưởng về tình trạng phi giai cấp, nhưng thực chất của chế độ này là đang che giấu những bất bình đẳng; trong khi đó, chủ nghĩa Mác say sưa với khái niệm giai cấp chỉ vì muốn nhìn thấy mặt sau của giai cấp, tức là chỉ thông qua giai cấp thì giai cấp mới chiến thắng được.

Vấn đề thứ tám: “Những người mácxít là những người cổ vũ cho hành động chính trị bạo lực. Họ không tán thành biện pháp cải cách dần dần và ôn hòa, mà thay vào đó là sự lựa chọn những cuộc hỗn loạn cách mạng vấy máu. Chỉ có một lực lượng thiểu số giai cấp tiên phong sẽ vùng lên, lật đổ chính phủ và áp đặt ý chí của mình lên đại đa số. Đây là một trong số những điều khiến cho chủ nghĩa Mác và dân chủ không thể song hành tồn tại…”.

Để phản bác lại quan điểm này, T. Eagleton đã phân tích rõ khái niệm cách mạng và cải cách và dẫn chứng hàng loạt cứ liệu từng có trong lịch sử để chứng minh rằng, rất nhiều cuộc cải cách – thường được coi là hòa bình,  như phong trào dân quyền ở Mỹ ôn hòa – lại làm bùng lên xung đột, đẫm máu; ngược lại, rất nhiều cuộc cách mạng – thường được coi là bạo lực – lại diễn ra khá hòa bình như cuộc cách mạng Bônsêvích ở Nga năm 1917. Mặc dù thừa nhận nhà nước Stalin - một phiên bản sai lệch của chủ nghĩa Mác đã thực hiện những hành động chính trị bạo lực, gây ra những tội ác đẫm máu nhưng lịch sử của chủ nghĩa tư bản cũng không khác gì một câu chuyện của chiến tranh toàn cầu, bóc lột thuộc địa, tội diệt chủng và nạn đói. C. Mác cho rằng những cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể là những cuộc cách mạng dân chủ, bởi sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân chống lại nhóm thiểu số phi dân chủ là giai cấp thống trị cho thấy nhiều khả năng thành công, cũng đồng nghĩa với việc đó sẽ là những cuộc cách mạng ít bạo lực nhất.

Vấn đề thứ chín: “Chủ nghĩa Mác tin vào một nhà nước nắm mọi quyền lực trong tay. Sau khi xóa bỏ tư hữu, những nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ thống trị bằng quyền lực và bạo lực, và quyền lực đó sẽ chấm dứt tự do cá nhân…”.

T. Eagleton, bằng việc luận giải khái quát các quan điểm về nhà nước của các nhà triết học trước C. Mác và cùng thời với C. Mác; luận giải quá trình đúc kết kinh nghiệm, hình thành, phát triển lý luận về nhà nước trong tư tưởng của C. Mác; phân tích những phê phán của C. Mác về sự hà khắc của nhà nước tư bản; minh giải đầy sức thuyết phục tư tưởng của C. Mác về quyền lực và quyền lực nhà nước, đã chứng minh rằng cái mà C. Mác hy vọng sẽ tiêu vong trong xã hội cộng sản chủ nghĩa không phải là nhà nước theo nghĩa là chính quyền trung ương mà là kiểu nhà nước với tư cách là một công cụ bạo lực. Chủ nghĩa Mác khẳng định sự tồn tại của Nhà nước là để bảo vệ trật tự xã hội hiện hành chống lại những người cố thay đổi nó, là một lực lượng đầy sức mạnh bảo vệ cái thiện; nói cách khác, Nhà nước là sự cai trị của công dân đối với chính họ, không phải của thiểu số đối với số đông. Theo C. Mác, dân chủ phải có tính địa phương, tính quần chúng và xuất hiện ở tất cả các thể chế của xã hội dân sự, phải có nghĩa là sự tự chủ thực sự. Quan điểm này của Mác là sự phản bác nặng nề đối với những luận điểm phê phán ông nói trên.          

Vấn đề thứ mười: “Chủ nghĩa Mác đã trở nên lỗi thời. Nó bị thay thế bởi các học thuyết khác như: phong trào nữ quyền, vấn đề bảo vệ môi trường, chính trị dân tộc, toàn cầu hóa, phong trào vì hòa bình…”.

T. Eagleton khẳng định rằng, về các phong trào nữ quyền, vấn đề giới, phong trào giải phóng dân tộc, vấn đề giai cấp và dân tộc, phong trào đấu tranh vì hòa bình, đấu tranh bảo vệ môi trường, C. Mác đều có những đóng góp vượt trội trên cả bình diện tư tưởng và hoạt động thực tiễn; và chính những người mácxít, chứ không phải ai khác, đã và đang trở thành đội quân tiên phong của các cuộc đấu tranh vĩ đại đó. Một minh chứng cụ thể là khẩu hiệu “Vì phụ nữ cần lao trên toàn thế giới” tại Đại hội Quốc tế Phụ nữ Lao động – được tổ chức sau khi Đảng Cộng sản Nga lật đổ Sa hoàng và giành được chính quyền, đã coi mục đích của chủ nghĩa cộng sản và mục đích của phong trào giải phóng phụ nữ là gắn bó chặt chẽ với nhau.

Riêng đối với các nhà lý luận thuộc thế hệ tiên phong của phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, thì chủ nghĩa Mác chính là xuất phát điểm không thể thiếu. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đa phần chủ nghĩa dân tộc châu Phi đều bị ảnh hưởng bởi một hình thức nào đó của chủ nghĩa Mác hoặc chủ nghĩa xã hội.

* **

Tại sao Mác đúng? là một tác phẩm có giá trị tham khảo tốt, mang lại cho chúng ta thêm một cách nhìn mới, một cơ sở mới để củng cố niềm tin vào chủ nghĩa Mác với vai trò là nền tảng tư tưởng của công cuộc cách mạng xây dựng phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Sách hiện có tại Thư viện Trường Chính trị Lê Duẩn./.

Nguồn tin: Website Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây