Giới thiệu sách “An ninh quốc gia - Những vấn đề an ninh phi truyền thống”

Thứ tư - 02/11/2016 08:41

Thực tế lịch sử phát triển sôi động, đa dạng và phức tạp của thế giới kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay khiến môi trường an ninh liên tục thay đổi. Cùng với sự phát triển trong nhận thức của con người, nội hàm khái niệm an ninh quốc gia, trong đó có an ninh phi truyền thống – một vấn đề mới xuất hiện từ thập niên 1990, cũng không ngừng được mở rộng, phát triển, với biểu hiện đặc trưng là tính đa dạng, đa tầng và đa diện. Và vì thế, đây luôn là đề tài nóng, thu hút sự quan tâm nghiên cứu đặc biệt của các nhà khoa học, các quốc gia, dân tộc.

Khái niệm an ninh phi truyền thống chính thức được định danh trong các văn bản có tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế như báo cáo “Phát triển con người” năm 1994 của Liên Hiệp quốc hay trong “Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống” thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 giữa các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc tại Phnom Penh (Campuchia) ngày 01-11-2002.

Trong thế giới hiện đại, an ninh quốc gia không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự, ngoại giao (an ninh truyền thống) mà gồm cả an ninh kinh tế, tài chính, xã hội, sinh thái, nhân văn, lương thực, năng lượng… và nhiều vấn đề khác (an ninh phi truyền thống); đồng thời cũng không chỉ giới hạn ở mục tiêu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia (an ninh truyền thống) mà còn bao gồm cả bảo vệ con người, cộng đồng và nhân loại trong bối cảnh liên kết quốc tế (an ninh phi truyền thống).

Sự xuất hiện an ninh phi truyền thống không hề làm phai nhạt an ninh truyền thống mà ngược lại, hai vấn đề này luôn đan xen, bổ trợ và có thể chuyển hóa lẫn nhau trong điều kiện nhất định; vì vậy, việc tách biệt đâu là vấn đề an ninh truyền thống và đâu là an ninh phi truyền thống chỉ mang tính tương đối.

Xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã góp phần hình thành nên đặc tính quốc tế - xuyên quốc gia của an ninh phi truyền thống. Toàn cầu hóa diễn ra cùng với dòng chảy vốn luân chuyển khắp thế giới và hình thành một thị trường chung khiến cho “biên giới cứng” giữa các quốc gia, khu vực hầu như bị phá vỡ, vấn đề an ninh trong nước và quốc tế ngày càng gắn bó chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. Chính sự phụ thuộc đó lại trở thành yếu tố làm cho an ninh quốc gia trở nên phức tạp, khó lường và nguy cơ rủi ro lớn hơn; các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có mức độ nguy hiểm cao hơn, sức ảnh hưởng lớn hơn, tầm ảnh hưởng rộng hơn và tốc độ lây lan cũng nhanh hơn. Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng tới nhiều nước, kéo nền kinh tế thế giới rơi vào vòng xoáy suy thoái. Các hoạt động tội phạm, khủng bố quốc tế, nhất là khủng bố bằng vũ khí sinh học, hóa học, bệnh dịch…, có quy mô xuyên biên giới đã và đang đe dọa cuộc sống của toàn thể nhân loại, sự hình thành Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS là một thí dụ điển hình minh chứng rõ nét cho tầm ảnh hưởng và sức mạnh của vấn đề an ninh phi truyền thống trong thời đại ngày nay.

Từ những minh giải trên cho chúng ta thấy được vai trò hệ trọng của an ninh phi truyền thống trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việc nghiên cứu, hiểu biết sâu sắc, kịp thời, đầy đủ về an ninh quốc gia nói chung, an ninh phi truyền thống nói riêng là trách nhiệm và đỏi hỏi bức thiết của Đảng, Nhà nước, cũng như đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý nhằm phục vụ tốt cho công tác hoạch định chính sách và quản lý vĩ mô. Với ý nghĩa đó, Ban Biên tập TỦ SÁCH PHỤC VỤ LÃNH ĐẠO đã tổ chức sưu tầm, khảo cứu các công trình nghiên cứu khoa học của các học giả nước ngoài, từ đó lựa chọn biên dịch, lược thuật, tổng thuật, biên soạn thành cuốn sách “An ninh quốc gia – Những vấn đề an ninh phi truyền thống”.

Được tiếp cận ở góc độ bối cảnh và nguyên nhân xuất hiện, vị trí và đặc trưng trong thời đại mới, những biểu hiện và xu thế phát triển, trên cơ sở đó có những biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả, cuốn sách được kết cấu gồm 3 phần:

Phần 1. An ninh kinh tế và an ninh tài chính tiền tệ trong an ninh quốc gia. Thông qua phân tích chiến lược an ninh quốc gia của các cường quốc Mỹ, Liên bang Nga và Nhật Bản… từ những năm cuối thế kỷ XX, cuốn sách tiếp cận an ninh kinh tế qua 05 quan niệm: quan niệm lợi ích, tổng hợp, toàn cầu, dự báo và toàn dân. Từ đó đi đến khẳng định an ninh kinh tế là cơ sở của an ninh quốc gia; thực lực kinh tế là sự bảo đảm của an ninh kinh tế; an ninh kinh tế phải đồng thời chú ý đến những nhân tố như phát triển, an ninh, chủ quyền.

Với vai trò hạt nhân trong nền kinh tế hiện đại, với đặc trưng dễ vỡ vụn và hư ảo của hệ thống tài chính tiền tệ, cùng với sự thúc đẩy của toàn cầu hóa kinh tế sâu sắc đã trở thành cơ chế nội tại nảy sinh, hình thành an ninh tài chính tiền tệ. Và để bảo vệ an ninh tài chính tiền tệ, cân tích cực đi sâu cải cách tiền tệ trong nước, thực hiện mở cửa đối ngoại tài chính tiền tệ có trật tự, hoàn thiện giám sát quản lý tài chính tiền tệ… cũng như tạo môi trường tài chính tiền tệ quốc tế.

Phần 2. An ninh chính trị - xã hội trong an ninh quốc gia. Phần 2 của cuốn sách gồm 6 nội dung đề cập đến an ninh dân số, an ninh năng lượng, an ninh văn hóa, thông tin, an ninh môi trường, và tài nguyên nước.

Những biểu hiện của an ninh chính trị - xã hội như cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, … đang trở thành những nguy cơ đe dọa đến chính sự tồn vong của thế giới, đẩy nhân loại đến ranh giới ngày càng mong manh giữa an toàn và rủi ro.

Liên quan tới vấn đề an ninh năng lượng, từ những nghiên cứu, phân tích xu thế an ninh dầu lửa quốc tế đầu thế kỉ XXI và chiến lược an ninh năng lượng của hai cường quốc Mỹ (mô hình nhập khẩu năng lượng) và Liên bang Nga (mô hình xuất khẩu năng lượng), các tác giả rút ra điểm mấu chốt coi năng lượng là trụ đỡ cơ bản của kinh tế quốc dân, cơ sở để nhân loại dựa vào mà sinh tồn, và là vấn đề chiến lược trong phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.

Đề cập tới an ninh thông tin với những đặc trưng như tính phổ biến, tính xuyên quốc gia, tính phức tạp và tính không kiểm soát đã trở thành vấn đề hoàn toàn mới và nổi bật trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trở thành điều kiện “thuận lợi” nảy sinh ngày càng nhiều những loại hình tội phạm mới, hậu quả tiêu cực có sức lan tỏa toàn cầu, khiến cho nội hàm của an ninh thông tin không ngừng phát triển theo chiều sâu. Để đối phó với nguy cơ này, trên thế giới xuất hiện những khái niệm mới, lĩnh vực hoạt động mới, chẳng hạn “chạy đua vũ trang mạng”, “liên minh chống tội phạm mạng”… nhằm giành quyền chủ động trong “thế giới ảo”.

Phần 3. Các vấn đề an ninh phi truyền thống khác

Phần 3 đề cập tới những vấn đề an ninh phi truyền thống khác: bệnh truyền nhiễm, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chia rẽ dân tộc, chủ nghĩa khủng bố, di dân phi pháp, phổ biến vũ khí, buôn lậu ma túy, hải tặc và rửa tiền.

Sau Chiến tranh lạnh, ảnh hưởng của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo với tư cách là một trong những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, trong điều kiện nhất định sẽ gây nguy hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phá hoại hệ thống chính trị, hệ thống kinh tế và trật tự xã hội hiện có, nghiêm trọng nhất là thúc đẩy khủng bố bạo lực… Bởi vì nguồn gốc xã hội sâu xa của chủ nghĩa khủng bố cho thấy nó thường phát sinh ở những nơi và vào những thời kỳ mâu thuẫn chính trị xã hội gay gắt, cục diện chính trị và quan hệ xã hội bị xáo động khiến cho chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa chia rẽ có cơ hội nổi lên. Chủ nghĩa khủng bố đương đại với đặc trưng nguy hại, chủ thể phi quốc gia và tính xuyên quốc gia sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện những “tác phẩm khủng bố đỉnh cao” hơn nhiều so với sự kiện 11/9 tại Mỹ vốn đã gây ra sự thương vong vô cùng lớn về con người, tài sản cùng bầu không khí khiếp sợ bao phủ toàn cầu.

Nguy cơ khủng bố thường trực là một trong bốn nguyên nhân hàng đầu kích động các quốc gia, khu vực tham gia chạy đua vũ trang, trang bị những vũ khí tối tân nhất từ đó làm trầm trọng thêm vấn đề phổ biến vũ khí, đe dọa hòa bình và an ninh thế giới; đồng thời tội phạm khủng bố với thủ đoạn huy động vốn thông qua hoạt động rửa tiền còn gây nên những sức ép, uy hiếp đối với an ninh tài chính tiền tệ.

Tăng cường hợp tác, cùng nhau phối hợp hành động chung đang là xu thế và giải pháp quan trọng nhằm đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống hiện nay. Trong thời gian tới, các mối quan hệ hợp tác này càng cần được nâng cao hơn nữa cả về hiệu quả và tính thiết thực.

Sách hiện có tại Thư viện Trường Chính trị Lê Duẩn./.

 

 

Nguồn tin: Website Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây