Phát huy vai trò đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trên không gian mạng

Thứ bảy - 01/07/2023 09:01
CN. Phạm Thị Như Quỳnh
Khoa Lý luận cơ sở
       Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, đã tạo ra nhiều đột phá mới trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có mạng internet – một phương tiện cung cấp thông tin và truyền thông hiệu quả. Sự ra đời của nó đã phá vỡ các khoảng cách về địa lý, thời gian, ngôn ngữ, tạo ra một “thế giới phẳng” và cho phép mọi người giao tiếp và kết nối với nhau trên không gian “ảo”. Từ những lợi thế đó, các thế lực thù địch, phản động đã tìm mọi cách khai thác triệt để không gian mạng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với mục đích của “chúng” làm giảm uy tín của Đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước.
    Ở Việt Nam, mạng internet tuy được tiếp cận muộn hơn với thế giới, song đã có bước phát triển nhanh chóng. Có 5 nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất Việt Nam gồm có: Facebook, Zalo, TikTok, Facebook Messenger và Instagram, điều này cho thấy tiềm năng lớn của mạng xã hội trong truyền thông chính trị ở Việt Nam.
    Tuy nhiên điều này cũng đưa tới nhiều nguy cơ khi các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng không gian mạng để thực hiện nhiều chiêu trò, phương thức chống phá đất nước ta. Chúng hoạt động vừa công khai vừa bí mật, thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” cùng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt với mục tiêu xuyên suốt là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận mục tiêu, lý tưởng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
    1.Vai trò của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn trong đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng
   Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG-TCT ngày 24-9-2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Trường Chính trị Lê Duẩn đã ban hành Kế hoạch số 16-KH/TCTLD ngày 05/11/2019 “Về triển khai bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”. Trong những năm qua, vai trò của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thể hiện trên một số phương diện sau:
   Trước hết, đội ngũ giảng viên có vai trò quan trọng trong việc tham gia đấu tranh phê phán các luận điệu sai trái, thù địch đặc biệt là lồng ghép trong quá trình giảng dạy. Không chỉ là người tham gia trực tiếp giảng dạy, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đối tượng học viên mà đội ngũ giảng viên còn làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều này giúp cho học viên hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận, bồi đắp thêm các phẩm chất chính trị, giúp học viên vững vàng, bản lĩnh trước các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch.
   Thứ hai, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn có đóng vai trò là các “chuyên gia bút chiến” trong công tác nghiên cứu lý luận, viết bài, xuất bản báo chí, tham gia tích cực các cuộc thi viết Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức. Sự tham gia có trách nhiệm và nhiệt tình của các giảng viên đã góp phần có được các bài viết chất lượng dành riêng trong chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của Bản tin Thông tin Lý luận và thực tiễn và trên website của nhà trường http://truongleduanquangtri.org.vn. Thực hiện thành công các Hội thảo khoa học như: “Tuổi trẻ Quảng Trị bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, “Đảng bộ huyện Hải Lăng với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”. Thông qua các công trình được công bố rộng rãi này, lực lượng giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn không những đóng góp ý kiến chuyên môn của mình vào việc phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn góp phần nâng cao nhận thức lý luận cho người đọc trên mặt trận tư tưởng.
   Thứ ba, các giảng viên của nhà trường cũng thường xuyên sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter, Viber... phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, giao tiếp xã hội và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Những thông tin đăng tải, chia sẻ, bình luận, tham gia đấu tranh trên các nền tảng này cũng thu hút đông đảo sự quan tâm từ bạn bè, học viên, gia đình, người thân và cộng đồng. Chính sự lan tỏa nhanh chóng của thông tin trên không gian mạng được đội ngũ giảng viên nhanh chóng cập nhập kịp thời, ngăn chặn những nguy cơ và có biện pháp xử lý kịp thời khi các thế lực thù địch có biểu hiện chống phá.
   2. Phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái trên không gian mạng
   Từ việc nhận thức đúng về vị trí, nhiệm vụ của mình, có thể nói đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn đã có đóng góp quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng này trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau:
   Một là, nâng cao nhận thức về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng trong đội ngũ giảng viên
Công tác này cần được quan tâm, quán triệt đến từng giảng viên thông qua hai hoạt động căn bản: giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc xây dựng các chương trình kế hoạch, nội dung có trọng tâm, trọng điểm sát với yêu cầu nhiệm vụ của cấp trên, việc quán triệt nghị quyết cũng cần được tiếp tục thực hiện bằng nhiều hình thức như: báo cáo nội dung nghị quyết, thông các buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề đồng thời có kế hoạch cụ thể. Thực hiện có chất lượng và hiệu quả các cuộc thi viết Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tổ chức có hiệu quả các buổi Hội thảo, quán triệt việc lồng ghép phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong các bài giảng và hoạt động viết bài.
   Hai là, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng
   Đẩy mạnh và phát huy tính hiệu quả của công tác này thì vấn đề tập huấn có vai trò hết sức quan trọng, qua đó giúp đội ngũ giảng viên nhà trường có cơ hội tiếp thu kiến thức, tích cực trao đổi mang tính xây dựng, thảo luận, đề ra những biện pháp hữu hiệu. Đó không chỉ là công tác đấu tranh phản bác trong hoạt động giảng dạy, viết bài mà còn là tập huấn quy trình đấu tranh trên không gian mạng như: kỹ năng tạo lập trang, nhóm Facebook, Zalo,Viber, Skype, Instagram... tuyên truyền, chia sẻ lan tỏa thông tin tích cực; kỹ năng pha loãng thông tin, đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội, cách xử lý một số tình huống cụ thể phát sinh tại địa phương....
   Ba là, giảng viên chủ động tự trau dồi, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học
   Mỗi giảng viên phải không ngừng tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị liên quan công tác giảng dạy và cập nhật những vấn đề thời sự, chính trị trong nước, quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch dựa vào những vấn đề lý luận chưa lý giải được, những vấn đề bất cập của thực tiễn, những vấn đề chưa thống nhất giữa lý luận và thực tiễn để tìm cách xuyên tạc, nói xấu. Do vậy, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn phải luôn tìm tòi, trăn trở, phải có sự “hoài nghi khoa học” để phát hiện những vấn đề mới từ thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận. Đồng thời, nghiên cứu cách thức, thủ đoạn, các lĩnh vực các đối tượng thường xuyên thực hiện hành vi chống phá để kịp thời lựa chọn nội dung, phương pháp định hướng tuyên truyền, không rơi vào bị động, bất ngờ. Bên cạnh việc lên án cái xấu, cái sai thì việc nhân rộng, lan tỏa cái hay, cái đẹp cũng rất cần thiết. Điều này đồng nghĩa với việc nắm vững và thực hiện nguyên tắc “chống” phải bắt đầu từ “xây”, “chống” bằng thái độ “xây”, “xây” thật tốt cũng là để chống thật “tốt”.
   Bốn là, giảng viên cần sử dụng hiệu quả không gian mạng
   Giảng viên cần phát huy vai trò hiệu quả là người có tính lan tỏa, định hướng học viên, dư luận, cộng đồng không chỉ trong khuôn khổ lớp học mà còn trên các nền tảng mạng xã hội. Không gian mạng ngoài phương tiện mang tính giải trí, giao tiếp thì đây còn là kênh để phát tán, lan truyền các thông tin bổ ích lẫn độc hại. Với vị trí của người giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn có số lượng bạn bè, người thân, học viên kết bạn và theo dõi đông đảo cho nên đội ngũ này cần khai thác phương tiện này để tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Do vậy, giảng viên cần phải tập trung viết nhiều bài viết, tin bài, sáng tác thơ ca,… nhằm khẳng định những thành quả của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng như chủ động tiên phong, đi đầu trong việc đăng tải, chia sẻ các thông tin chính thống, những thành tựu hiện nay của công cuộc đổi mới, công tác xây dựng Đảng hay những tấm gương tốt trong cuộc sống hiện thực. Thực hiện những hình thức này là con đường nhanh nhất để đưa thông tin đến mới đông đảo mọi người.
   Như vậy, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng là một trong những cách thức quan trọng để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ những thành quả cách mạng mà chúng ta đạt được. Qua đó, tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân trên cả nước, cùng với đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn đã và đang thực hiện có hiệu quả vai trò của mình, tham gia trực tiếp, có trách nhiệm và hiệu quả trong công tác này. Tin tưởng rằng, phát huy tốt vai trò của đội ngũ này chắc chắn sẽ góp phần đẩy lùi những luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng như Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra./.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây