Phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch phủ nhận bản chất, tính chính nghĩa và thành quả của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ (1945-1975)

Thứ ba - 15/11/2022 08:19
TS. Trần Thanh Thủy 
                                                                             Khoa Xây dựng Đảng  
          Bôi nhọ, xuyên tạc sự thật lịch sử là một thủ đoạn rất thâm độc của các thế lực thù địch nhằm phá hoại về tư tưởng, dẫn đến Nhân dân ta mất niềm tin đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt lựa chọn. Hiện nay, với sự bùng nổ thông tin trên các website và các trang mạng xã hội, hàng ngày, hàng giờ các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về nội dung lịch sử đã tác động không nhỏ đến lập trường tư tưởng chính trị và suy nghĩ của thanh niên, sinh viên, học sinh nước ta. Bài viết này góp phần phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch phủ nhận bản chất, tính chính nghĩa, thành quả của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ do Đảng lãnh đạo.
          1. Quan điểm sai trái của các thế lực thù địch phủ nhận bản chất, tính chính nghĩa, thành quả của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975)
          Nhằm phủ nhận tính chính nghĩa của ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, các thế lực thù địch ra sức che đậy, xuyên tạc sự thật lịch sử. Đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), một số học giả tư sản cố tình bưng bít thông tin, xuyên tạc sự kiện lịch sử, thậm chí còn lấy cớ quân và dân ta nổ súng trước vào đêm 19/12/1946 để vu cáo Đảng, Chính phủ và Nhân dân ta gây ra cuộc chiến tranh Pháp - Việt. 
          Theo cách gọi của các thế lực thù địch thì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam là cuộc “nội chiến” giữa một bên là lực lượng Việt Nam Cộng hòa, được đế quốc Mỹ và một số nước đồng minh của Mỹ hậu thuẫn và bên còn lại là lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác ủng hộ, giúp sức.
          Chưa dừng lại ở đó, họ còn khẳng định đây là cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ Chiến tranh lạnh; và nếu cứ giữ nguyên tình trạng chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 thì miền Nam sẽ phát triển như Hàn Quốc hiện nay. Từ đó, họ đặt ra câu hỏi: Có cần thiết phải hy sinh xương máu của Nhân dân Việt Nam để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hay không?
          2. Những luận cứ phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch
          Thứ nhất, chúng ta cần khẳng định một cách chắc chắn rằng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược (1945-1954) và đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai (1954-1975) là những cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thống nhất nước nhà. Đây không phải là những cuộc chiến tranh “ý thức hệ” hay “nội chiến” như nhận định của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
          Từ khi cùng quân đội Tây Ban Nha nổ súng xâm lược nước ta ở Đà Nẵng (1/9/1858) đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, thôn tính và đô hộ Việt Nam, một quốc gia độc lập, có chủ quyền trong vòng 87 năm. Nhờ có sự lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, giải phóng dân tộc đi theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 10/1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương) và lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại.
          Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Nhân dân ta đã hoàn thành mục tiêu lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật (trước đó phát xít Nhật đã tiến hành đảo chính lật đổ bộ máy thống trị của thực dân Pháp tại Đông Dương vào tối 9/3/1945), chế độ quân chủ triều Nguyễn, giành độc lập dân tộc, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ thân phận nô lệ, Nhân dân ta đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
          Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với nước Pháp, mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Để duy trì nền hòa bình mong manh, Đảng và Chính phủ ta đã hết sức nhân nhượng thực dân Pháp thông qua việc ký bản Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và bản Tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946) song quân Pháp vẫn tiếp tục lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Chúng liên tiếp gây ra các vụ xung đột ở phía Bắc vĩ tuyến 16 vào cuối năm 1946, đặc biệt là chúng liên tiếp gửi tối hậu thư trong hai ngày 18 và 19/12/1946, đòi ta phải phá bỏ công sự trong thành phố và đòi để chúng kiểm soát, giữ gìn trật tự tại Hà Nội. Lúc này, nếu tiếp tục nhân nhượng “là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc!”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh buộc phải ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946).
          Như vậy, rõ ràng thực dân Pháp rất ngoan cố, muốn thực hiện đến cùng dã tâm xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Do đó, cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1945-1954) của Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương - Đảng Lao động Việt Nam là cuộc kháng chiến chính nghĩa để bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
          Từ năm 1949, Mỹ bắt đầu can thiệp, giúp đỡ thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) và Hiệp định Genève (21/7/1954), Pháp buộc phải rút quân về nước, Mỹ thay chân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm với mục đích phá hoại Hiệp định Genève, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, ngăn chặn “làn sóng đỏ” từ Trung Quốc xuống khu vực Đông Nam Á. Thực chất đây là cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, không phải là “nội chiến” hay chiến tranh “ý thức hệ”, và nếu xuất phát từ “ý thức hệ” thì cũng chỉ là xuất phát từ phía Mỹ. Đối với dân tộc Việt Nam, đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. 
          Cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam cũng không phải là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, “vì nó chỉ đúng một phía: đế quốc Mỹ ủy nhiệm cho ngụy quyền tay sai làm ‘tiền đồn chống Cộng’ cho Mỹ ở Đông Nam Á. Còn dân tộc Việt Nam kháng chiến chống đế quốc Mỹ là để giành độc lập và thống nhất đất nước trên tinh thần tự lực cánh sinh là chính, có tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chứ hoàn toàn không có sự ‘ủy thác nhiệm vụ’ từ bên ngoài, không thực hiện bất cứ một nhiệm vụ ‘đính kèm’ nào ở đây”[2].
          Thất bại trong việc sử dụng ngụy quân trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), Mỹ đã phải đưa quân đội Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ vào tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Song với ý chí kiên cường, bất khuất, Nhân dân miền Nam đã anh dũng chiến đấu, khiến quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ chịu những tổn thất nặng nề.
          Sau thất bại trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), Mỹ muốn rút dần quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ về nước, giảm bớt xương máu của người Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam bằng việc thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1973), song âm mưu này cũng bất thành, Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973), chấp nhận rút quân về nước. Tuy vậy, Mỹ vẫn để lại miền Nam Việt Nam hơn 2 vạn cố vấn quân sự nhằm giúp đỡ ngụy quân, ngụy quyền.       
          Đến đây, chúng ta có thể thấy luận điệu cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) là một cuộc “nội chiến” là hoàn toàn sai về bản chất, với mục đích tẩy trắng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ và hòng chạy tội cho ngụy quân, ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa.
          Thứ hai, do vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế đặc biệt quan trọng, Việt Nam có lịch sử dựng nước song hành với lịch sử giữ nước, thường xuyên phải chống lại những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn mình nhiều lần. Cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và chống đế quốc Mỹ (1954-1975) đều do các thế lực hiếu chiến bên ngoài xâm lược, áp đặt lên dân tộc ta, dù cho Nhân dân Việt Nam chưa từng đem quân sang những nước này gây chiến.
          Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945,  chúng ta đã hết sức nhân nhượng đối với thực dân Pháp. “Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”[3]. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ thể hiện rõ tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[4].
          Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) cũng diễn ra với tinh thần: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Ngày 30/4/1975 đã trở thành ngày hội thống nhất non sông, Bắc - Nam sum họp một nhà. “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của ngọn cờ độc lập dân tộc, thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước oanh liệt”[5].
          Đây là luận cứ bẻ gãy quan điểm xét lại cho rằng Nhân dân ta không cần phải hi sinh máu xương để tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà tự các thế lực thực dân, đế quốc sẽ trao trả lại nền độc lập, thống nhất cho Việt Nam khi nào họ thấy cần thiết.
          Để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch phủ nhận bản chất, tính chính nghĩa và thành quả của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ (1945-1975) một cách có hiệu quả, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:
          Thứ nhất, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên, thanh niên, sinh viên, học sinh để nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về bản chất, ý nghĩa của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Nhân dân ta.
          Thứ hai, yêu cầu cán bộ, đảng viên, thanh niên, sinh viên, học sinh luôn nâng cao đạo đức cách mạng, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, kiên định với lý tưởng chủ nghĩa xã hội cao đẹp mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
          Thứ ba, tích cực đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, đặc biệt là các bài viết xuyên tạc các sự kiện, nội dung lịch sử trên không gian mạng; kiên quyết bảo vệ những thành quả mà Nhân dân Việt Nam đã đạt được qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm Luật An ninh mạng 2018.
          Tài liệu tham khảo:
            [1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8 (1945-1947), Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, tr.148.
            [2] GS.TS. Vũ Văn Hiền (Chủ biên), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, Tập 1, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2020, tr.35.
            [3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8 (1945-1947), Sđd, tr.160.
            [4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8 (1945-1947), Sđd, tr.160.
           [5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36 (1975), Nxb.Chính trị quốc gia, H.2004, tr.201.  

Tổng số điểm của bài viết là: 29 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây