Những giá trị tư tưởng về cải cách hành chính nhà nước của Lê Thánh Tông (1460-1497) và việc vận dụng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta

Thứ bảy - 05/12/2015 16:19

Lê Thanh Đạt



Trong thời gian 38 năm trị vì, vua Lê Thánh Tông đã tiến hành công cuộc cải cách bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, từ dân sự đến quân sự, cả quan chế lẫn thể chế; đã thiết lập một thể chế chính trị quân chủ chuyên chế phong kiến điển hình với quy mô lớn và hoạt động có hiệu quả. Quá trình cải cách hành chính nhà nước của Lê Thánh Tông đã để lại những giá trị cơ bản sau:

Thứ nhất, thanh lọc một số chức quan, cơ quan và các cấp chính quyền trung gian.

Năm 1471, Lê Thánh Tông đã tiến hành một đợt cải cách hành chính lớn nhằm tăng cường sự kiểm soát chỉ đạo của Hoàng đế đối với các triều thần, tăng cường sự ràng buộc, kiểm soát lẫn nhau trong giới quan liêu, tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quan lại. Lê Thánh Tông đã bãi bỏ một số chức quan đại thần vốn có công nhưng không có học thức, thay vào đó bằng các văn quan được tuyển chọn qua thi cử nhằm hạn chế chia bè, kéo cánh trong triều đình, hạn chế sự thao túng quyền lực của các công thần. Ông trực tiếp quản lý các bộ nhằm hạn chế sự cồng kềnh, quan liêu của bộ máy hành chính. 

Về mặt hành chính, Lê Thánh Tông đã cải tổ, chia lại thành 13 đạo (sau đổi là 13 thừa tuyên), đó là: Lạng Sơn, An Bang, Thái Nguyên, Hư¬ng Hoá, Tuyên Quang, Bắc Giang, Nam Sách, Quốc Oai, Thiên Trường, Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hóa và Quảng Nam. Dưới đạo thừa tuyên có 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, cùng các đơn vị cơ sở như hương, xã, thôn, trang, sách, động, nguồn, trường. Riêng kinh thành Thăng Long được chia thành 36 phường.

Đứng đầu các đạo thừa tuyên là các tuyên phủ sứ. Ở mỗi thừa tuyên có 3 ty : Đô ty (phụ trách quân đội), Thừa ty (phụ trách dân sự hành chính) và Hiến ty (phụ trách thanh tra giám sát). Các xã được chia thành 3 loại: xã lớn (500 hộ), xã vừa (trên 300 hộ) và xã nhỏ (trên 100 hộ). Chức xã quan do dân bầu, Nhà nước chỉ đạo và xét duyệt, tiêu chuẩn là các giám sinh, sinh đồ, từ 30 tuổi trở lên và có hạnh kiểm tốt. 

Thứ hai, các cơ quan nhà nước kiểm tra, giám sát lẫn nhau để hạn chế sự lạm quyền và nâng cao trách nhiệm.

Trong triều đình, dưới quyền điều khiển trực tiếp của nhà vua là 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, đứng đầu là Thượng thư, giúp việc có 2 Thị lang. Bên cạnh đó, còn có Lục khoa với chức năng theo dõi, giám sát và Lục tự với chức năng điều hành. Những cơ quan chuyên môn trong triều gồm có các đài, các viện, giám, sảnh như Ngự sử đài, Hàn lâm viện Quốc tử giám... Tuy giữa các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng các cơ quan đã nêu trên vẫn có sự tác động qua lại, hỗ trợ và kiểm sát, giám sát lẫn nhau để đạt hiệu quả cao trong công việc, “không một cơ quan nhà nước nào, không một quan lại nào lại không bị thanh tra, kiểm tra từ các phía, ngay từ bên trong tổ chức và bên ngoài tổ chức”(1).

Thứ ba, không để quyền lực tập trung quá nhiều vào một cơ quan, mà được tản ra để ngăn chặn sự tiếm quyền.

Lê Thánh Tông đã thấy được sự bất cập khi một cơ quan nắm quá nhiều quyền lực, chính điều này sẽ làm nảy sinh sự lạm dụng quyền hạn của một số quan lại, từ đó nảy sinh nạn tham ô, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch...gây ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý hành chính. Lê Thánh Tông đã hình thành hệ thống cơ quan hành chính ngành dọc đó là 6 ty ngự sử, 6 ty này chỉ chịu trách nhiệm báo cáo trước ngự sử. Điều này đảm bảo sự công bằng, tăng cường sự có mặt của triều đình tại các cơ quan địa phương, đưa các cơ quan địa phương vào khuôn khổ. 

Sự phát triển tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông đã tạo nên những cải cách mang tầm chiến lược, khẳng định sức mạnh của mình trong quản lý xã hội, đưa nước Đại Việt trở thành một quốc gia hưng thịnh. Những tư tưởng chính trị đó góp phần không nhỏ vào sự phát triển nền tư tưởng chính trị Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung. 

Kế thừa những giá trị tư tưởng của Lê Thánh Tông về cải cách hành chính đang trở thành vấn đề bức thiết đối với cải cách nền hành chính ở nước ta hiện nay. Do vậy, những giá trị tư tưởng của Lê Thánh Tông về cải cách hành chính vẫn mang tính thời sự để chúng ta nghiên cứu và vận dụng những hạt nhân hợp lý trong việc cải cách nền hành chính quốc gia gọn nhẹ và hiệu quả.

Trong những năm qua, chương trình cải cách nền hành chính quốc gia đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, về cơ bản nền hành chính nhà nước vẫn còn mang nặng dấu ấn của cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp, chưa đáp ứng được những yêu cầu của cơ chế quản lý mới cũng như yêu cầu phục vụ nhân dân trong điều kiện mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao. 

Việc phát huy, kế thừa tư tưởng về cải cách hành chính nhà nước của Lê Thánh Tông góp phần giúp chúng ta xác định được nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phải dựa trên truyền thống, đặc điểm dân tộc, hoàn cảnh cụ thể hiện nay và điều đó phải thể hiện và chứa đựng những giá trị phổ biến của lịch sử và thời đại. Chúng ta không thể làm ngay mọi việc dưới dạng hoàn thiện mà phải qua từng bước đi từ thấp tới cao, ổn định và có hiệu quả thực sự trong quá trình phát triển. Để đạt được mục đích đó, quan điểm cá nhân tôi cần tập trung thực hiện những công việc sau đây:

Một là, đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính nhà nước theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Lê Thánh Tông đã thực hiện việc cải cách hành chính bằng cách thanh lọc, rà soát những chức quan, cơ quan “thừa”, trung gian nhằm xây dựng một bộ máy chính quyền gọn nhẹ. Kế thừa giá trị này chúng ta cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả trong quản lý xã hội. Thực hiện phân công, phân nhiệm vụ rõ ràng giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng đảm bảo quyền lực nhà nước là thống nhất là nội dung trọng tâm của xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tiếp tục xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước. Cơ cấu lại tổ chức bộ máy chính phủ, các bộ, cơ quan hành chính địa phương các cấp theo hướng tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; thực hiện mô hình “Nhà nước nhỏ nhưng mạnh và xã hội lớn”, phù hợp với thông lệ cải cách của các nước. Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ những khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy nhà nước pháp quyền tương xứng sứ mệnh lịch sử của nó. 

Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Lê Thánh Tông đã chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Hồng Đức. Đây là công cụ giúp vua Lê Thánh Tông quản lý, răn đe và trừng phạt đối với những cơ quan, chức quan, dân chúng làm trái pháp luật, vi phạm những quy định trong quản lý hành chính nhà nước. Chúng ta biết rằng, pháp luật ngự trị trong đời sống xã hội với tư cách là ý chí của nhân dân, có giá trị phổ biến. Chính vì vậy, pháp luật là phương tiện, là công cụ để quản lý nhà nước, quản lý xã hội cho nên nhà nước pháp quyền phải bảo đảm sự thượng tôn pháp luật. 

Hoàn thiện hệ thống pháp luật suy cho cùng, là hoàn thiện các văn bản pháp luật. Điều cốt yếu trong xây dựng nhà nước pháp quyền là đảm bảo cho pháp luật của nhà nước pháp quyền không thể là sản phẩm tùy tiện, tự do theo ý chí của các nhà làm luật, mà Hiến pháp và pháp luật phải phù hợp với bản chất khách quan của các quan hệ xã hội, ý chí của toàn dân và thể hiện rõ bản chất của nhà nước. 

Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần tăng cường giáo dục pháp luật. Hiệu quả của việc chấp hành pháp luật tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định về mặt chủ quan, đó là ý thức pháp luật. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, biện pháp có ý nghĩa quyết định trong tổ chức thực hiện là giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật, năng lực thực hiện pháp luật cho cán bộ công chức nhà nước, đồng thời “tích cực tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho nhân dân”. Do đó, giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa trong nhân dân đang được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng từ Trung ương đến địa phương. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (4/2001) chỉ rõ: “Đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng luật, ban hành và thực thi pháp luật, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành luật một cách nghiêm minh.(2)

Ba là, đẩy mạnh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước.

Để phòng, chống tham nhũng, Lê Thánh Tông đã đề ra cơ chế để các cơ quan nhà nước kiểm tra, giám sát lẫn nhau nhằm hạn chế và loại trừ sự lạm quyền. Mặt khác, Lê Thánh Tông không để quyền lực tập trung quá nhiều vào một cơ quan, mà được tản ra để ngăn chặn sự tiếm quyền và tham nhũng.

Kế thừa giá trị của Lê Thánh Tông về phòng, chống tham nhũng sẽ giúp chúng ta đẩy lùi tệ nạn này. Đối với nước ta hiện nay, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tham nhũng đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, làm suy yếu đất nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, tiến hành đấu tranh kiên quyết, thường xuyên có hiệu quả chống tệ tham nhũng trong bộ máy nhà nước là nội dung quan trọng của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Kế thừa và phát huy tư tưởng cải cách hành chính nhà nước của Lê Thánh Tông đối với nước ta hiện nay còn mang ý nghĩa thời sự, việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là quá trình lâu dài và gian khổ. Vì vậy, cần có sự chung tay góp sức của các cơ quan nhà nước và nhân dân để xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, hiệu quả và thông suốt góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

(1) Bùi Huy Khiêm (2013), “Từ ngự sử đài dưới triều vua Lê Thánh Tông – suy nghĩ về mô hình tổ chức cơ quan thanh tra hiện nay”, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, (số 3/2013), tr. 16-19.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2001) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.329- 330

Tổng số điểm của bài viết là: 36 trong 11 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 11 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây