Nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình Bồi dưỡng Ngạch chuyên viên, chuyên viên chính – Thực tế và các kiến nghị

Thứ bảy - 05/12/2015 16:40

GVC Nguyễn Sung
Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật

 

Thực hiện Quyết định số 51/QĐ-BNV, ngày 22/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về Ban hành chương trình và tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, Quyết định số 900/QĐ, ngày 06/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ban hành tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên và Quyết định số 2367/QĐ-BNV, ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về Ban hành tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, Trường Chính trị Lê Duẩn đến nay đã mở được 7 lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên và chuyên viên chính (trong đó có 6 lớp chuyên viên và 1 lớp chuyên viên chính) theo đúng kế hoạch mà Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Chương trình và nội dung bồi dưỡng ngạch chuyên viên và chuyên viên chính lần này có rất nhiều điểm mới về: phân bổ thời gian, dung lượng kiến thức và các yêu cầu kỹ năng trong giảng dạy.

Giai đoạn đầu khi mới bắt tay vào thực hiện giảng dạy chương trình này, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật gặp nhiều khó khăn và lúng túng. Điều khó khăn nhất là việc thực hiện giảng dạy phần III- Các kỹ năng. Khó khăn ở đây thể hiện ở chỗ: mỗi chuyên đề kỹ năng được phân bổ thời gian 16 tiết, trong đó giảng dạy lý thuyết 4 tiết, thực hành 12 tiết (đối với lớp chuyên viên) và 4 tiết lý thuyết, 8 tiết thực hành (đối với lớp chuyên viên chính); việc tiến hành phần thảo luận, thực hành; việc quản lý học viên trong giờ thảo luận, thực hành; vấn đề chất lượng giảng dạy và học tập của khóa học làm sao cho đúng quy định của Bộ Nội vụ, của Nhà trường. Được sự lãnh đạo, điều hành sát sao của Ban Giám hiệu và sự tích cực, chủ động vào cuộc của tập thế giảng viên, năm 2015, sau 2 lớp Bồi dưỡng chuyên viên, quá trình tổ chức giảng dạy của Khoa Nhà nước và Pháp luật đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo, giảng viên trong trường và đặc biệt là sự đồng thuận của đối tượng dự học (điều này thông qua phiếu đánh giá của học viên sau khi kết thúc khóa học). Có những tiến bộ nói trên là vì những lý do sau đây:

- Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo và Khoa Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức các cuộc họp chuyên đề tìm ra giải pháp để thực hiện có chất lượng chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên. Sau khi có sự đồng thuận, Hiệu trưởng đã ban hành Hướng dẫn số 347/HD-TLD về “Soạn giáo án, giảng dạy, thảo luận và thực hành chương trình quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, chuyên viên”. Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng, có tính quyết định trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập đối với lớp bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính.

- Khi có Hướng dẫn 347/HD-TLD, Khoa đã tổ chức dự giờ tất cả các chuyên đề trong Chương trình và góp ý cụ thể, chi tiết đối với tất cả các khâu, từ lý thuyết đến thảo luận, thực hành của giảng viên. Việc dự giờ và góp ý đã tạo nên sự chuyển biến rất đáng mừng về chất lượng giảng dạy các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng.

- Đối với các chuyên đề kỹ năng, trong giảng dạy, điều được ghi nhận từ đối tượng học viên là những chuyên đề này các giảng viên đã xây dựng được một hệ thống các bài tập thực hành kỹ năng khá đầy đủ và mang tính thời sự. Chính vì vậy, những giờ thực hành kỹ năng này đã phần nào tạo nên sự hứng thú, giúp cho học viên vận dụng được vào trong thực tế công tác và cuộc sống.

Những thành công bước đầu này thật sự khích lệ đối với tập thể giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật. Tuy nhiên, để có thể ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy đối với các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và chuyên viên chính, tôi có mấy đề xuất sau đây:

Thứ nhất, trong các chuyên đề kỹ năng, thời gian bố trí cho việc thảo luận, thực hành chiếm đến 3/4 của một chuyên đề. Tuy nhiên, việc thực hiện các giờ thực hành hiện nay ở trường đang ở trong tình trạng thực hành “chay”. Phương tiện và công cụ giảng dạy phần thực hành hiện nay giảng viên đang sử dụng là máy chiếu và bảng đen. Những công cụ và phương tiện phục vụ cho phương pháp giảng dạy tích cực không có . Đây là khó khăn cơ bản của giảng viên khi giảng các chuyên đề kỹ năng. Trong các buổi thực hành giảng viên không thể áp dụng tốt các phương pháp giảng dạy mới. Nguyên nhân của khó khăn này là vấn đề không có kinh phí. Từ thực tế này, tôi kính đề nghị Bộ Trưởng Bộ Nội vụ quy định về trang cấp các phương tiện giảng dạy đối với các lớp bồi dưỡng có phần học kỹ năng. Những quy định này là cơ sở pháp lý để địa phương bố trí kinh phí cho việc mở các lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên và chuyên viên chính. 

Thứ hai, số lượng học viên các lớp chuyên viên và chuyên viên chính đã thực hiện ở trường thường là rất đông (lớp ít nhất cũng có trên 70 học viên). Do vậy, phần thực hành các kỹ năng trong chương trình bồi dưỡng rất khó thực hiện việc phân chia học viên làm việc theo nhóm. Không thể bố trí học viên làm việc theo nhóm trong lớp học. Còn nếu bố trí ngoài thì không có phòng để thực hiện (Nhà trường hiện nay chỉ có 5 giảng đường và những giảng đường này luôn có các lớp học). Với lý do trên, tôi đề nghị trong chiêu sinh, số lượng học viên trong một lớp nên bố trí không quá 50. Với số lượng trên sẽ giúp giảng viên thực hiện tốt các phương pháp giảng dạy tích cực.

Thứ ba, để có đầy đủ những thông tin về chất lượng giảng dạy và học tập ở các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên và chuyên viên chính, theo tôi nên duy trì công việc lấy phiếu phản hồi của học viên đối với các chuyên đề được giảng dạy ở lớp vào trước buổi bế giảng lớp học. Đây là những thông tin để mỗi giảng viên và các cấp quản lý có thể kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh hoạt động giảng dạy của từng giảng viên và của toàn trường. Kênh thông tin này có ý nghĩa khá thiết thực giúp Khoa và Trường từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy. 

Thứ tư, việc giảng dạy các lớp bồi dưỡng chuyên viên và chuyên viên chính đòi hỏi người giảng viên bên cạnh việc nắm vững kiến thức thì vốn sống, kinh nghiệm giảng dạy và kinh nghiệm thực tế là một đòi hỏi hết sức cấp thiết để đáp ứng yêu cầu hiện nay. Với lý do đó, giảng viên cần tăng cường công tác đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, được tham gia dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân, được nghe các cuộc tiếp xúc cử tri, dự các Hội nghị báo cáo viên của Tỉnh, đặc biệt là dự tập huấn các chương trình do Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính tổ chức.

Thứ năm, thực hiện thường xuyên công tác thăm lớp, dự giờ đối với những giờ giảng các chuyên đề kỹ năng ở các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên và chuyên viên chính. Thông qua hoạt động này, đội ngũ giảng viên có thể góp ý, hỗ trợ và chuyển giao cho nhau những ý kiến, những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

Nâng cao chất lượng giảng dạy là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường. Chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và chuyên viên chính mới được thực hiện 2 năm, thời gian chưa đủ để có thể khẳng định được mức độ chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, có thể khẳng định tập thể giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật Trường Chính trị Lê Duẩn luôn có tinh thần và sự tâm huyết nhằm từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy các chương trình bồi dưỡng. Giảng dạy tốt các chuyên đề trong chương trình sẽ đáp ứng được mục tiêu chung mà Bộ Nội vụ đã đặt ra: Trang bị, cập nhật những kiến thức cần thiết về quản lý nhà nước và kỹ năng thực thi công vụ, đồng thời tăng cường ý thức phục vụ nhân dân nhằm nâng cao năng lực công tác của công chức ngạch chuyên viên, chuyên viên viên chính trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao; góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây