TS. Trần Thanh Thủy
Khoa Xây dựng Đảng
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với nước Pháp, mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Mặc dù Đảng và Chính phủ ta đã hết sức nhân nhượng Chính phủ Pháp thông qua việc ký bản Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) và bản Tạm ước Việt - Pháp (14-9-1946) song quân Pháp vẫn tiếp tục lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Lúc này, nếu tiếp tục nhân nhượng “là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc!” [1].
Trong tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tiếp gửi điện và thư cho Tổng thống L. Blum cùng các nhà hoạt động chính trị ở Pháp đề xuất cứu vãn tình hình nhằm thoát khỏi nguy cơ chiến tranh. “Song bọn thực dân Pháp không có tín nghĩa, chúng coi những hiệp định đó (Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước Việt - Pháp 14-9 - TG) như những tờ giấy lộn” [2], tướng Morlière chỉ đạo quân Pháp liên tiếp gây hấn, gửi các tối hậu thư đòi tước vũ khí của tự vệ, đòi quyền kiểm soát an ninh trật tự ở Hà Nội.
Trước tình thế nguy hiểm đó, ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông, nay thuộc Hà Nội) chủ trương phát động nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đúng 20 giờ 03 phút tối 19-12-1946, đèn điện Hà Nội phụt tắt (công nhân nhà máy đèn Bờ Hồ phá máy), đại bác từ pháo đài Láng bắn những phát đầu tiên, đánh dấu mở đầu thời kỳ kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946) được truyền đi khắp cả nước:
“Hỡi đồng bào toàn quốc.
Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc.
Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc xuổng gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, dù phải gian lao kháng chiến, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!” [3]
Lời kêu gọi vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nêu rõ nguyện vọng giải quyết vấn đề Đông Dương bằng biện pháp hòa bình của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng thời khẳng định cuộc kháng chiến chống Pháp sẽ nhất định thắng lợi.
Đọc lại Lời kêu gọi của Người, chúng ta vẫn cảm nhận được khí thế hừng hực của những năm đầu kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. 75 năm nhìn lại, chúng ta thấy Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ra đời dựa trên ba cơ sở chủ yếu sau:
Thứ nhất, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc, thể hiện ở hai góc độ: về tư cách người phát ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất (Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), được quy định tại Điều 43 Chương IV Hiến pháp năm 1946; về thẩm quyền, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến được ban hành dựa trên hai điều: Điều 38 Chương III và Điều 49 Chương IV trong Hiến pháp năm 1946. Điều 38 nêu rõ: “Khi Nghị viện không họp được, Ban Thường vụ cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến”; Điều 49 (điểm K) nhấn mạnh thêm về quyền hạn của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tuyên chiến hay đình chiến theo như Điều 38 đã định”.
Có thể nói, trong tình thế nguy nan, quân Pháp sẵn sàng tấn công Hà Nội, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được thực hiện theo thẩm quyền đã được hiến định, thể hiện rõ tính mẫu mực, nghiêm cẩn và chuyên nghiệp trong hoạt động hành pháp của một nhà nước pháp quyền còn non trẻ.
Thứ hai, về cơ sở lịch sử. Dân tộc ta vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, được hun đúc suốt chiều dài lịch sử từ khi nước Văn Lang ra đời (thế kỉ VII TCN). Trải qua hơn 1000 năm dân tộc ta chịu cảnh lầm than dưới ách thống trị của phong kiến phương Bắc, mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền giành chiến thắng trên sông Bạch Đằng, mở ra thời đại độc lập, tự chủ lâu dài cho dân tộc. Trong bài thơ thần Nam quốc sơn hà thời Lý, chủ quyền của đất nước tiếp tục được khẳng định:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư, “Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Cõi bờ ngăn cách tự sách trời.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? Cớ chi quân giặc sang xâm lấn?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.” Thất bại bay xem sẽ đến nơi.” [4]
Tư tưởng đó được phát triển lên tầm cao mới trong bài hiểu dụ tướng sĩ của vua Quang Trung tại Thanh Hóa (năm 1789): “… Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Dịch: Đánh cho chúng biết nước Nam anh hùng là có chủ). Trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” [5]. Đất nước ta là một đất nước có độc lập, chủ quyền, dân tộc ta là một dân tộc yêu nước và anh hùng, vì vậy, “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” [6].
Thứ ba, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến dựa trên cơ sở thực tiễn cụ thể của đất nước ta lúc bấy giờ, đó là thành tựu trong hơn một năm xây dựng chế độ mới kể từ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Những thành tựu về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa… đã đặt nền móng, nuôi dưỡng sức mạnh to lớn của dân tộc trên nền tảng chế độ dân chủ nhân dân, giúp dân tộc ta đủ sức tiến hành một cuộc kháng chiến chống Pháp toàn dân, toàn diện, trường kỳ, gian khổ suốt chín năm ròng rã, kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) và Hiệp định Genève (21-7-1954).
75 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2021), chúng ta có thời gian để nhìn lại và suy ngẫm về một lựa chọn mang ý nghĩa lịch sử to lớn, xoay chuyển vận nước đang lâm nguy. Độc lập, tự do hay trở về thân phận nô lệ? Dân tộc Việt Nam gan dạ, kiên cường, anh dũng, bất khuất đã đồng hành cùng với Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn con đường kháng chiến chông gai để bảo vệ thành quả vĩ đại của Cách mạng tháng Tám vừa mới giành được. Điều đó cũng thêm một lần nữa chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những thời điểm mang tính chất sống còn đối với sự tồn vong của dân tộc.
Đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tuy rất ngắn gọn, nhưng là văn kiện quan trọng, mang tính chỉ đạo, hiệu triệu, động viên và khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc để quân dân ta làm nên những thắng lợi bước đầu trong cuộc chiến đấu tại các đô thị, tạo nền tảng cho những chiến thắng vang dội về sau, đi đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến. Trên cơ sở tư tưởng đó, kết hợp với hoạt động thực tiễn, Đảng ta từng bước hoàn chỉnh đường lối chiến tranh nhân dân, chỉ đạo nhân dân hai miền Nam - Bắc tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến để lại những bài học quý báu về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nền quốc phòng toàn dân, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” [7]./.
[1], [2], [3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8 (1945 - 1947), tr. 148, 157, 160-161.
[4] Ngô Sĩ Liên và các Sử thần nhà Lê (2011), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Thời đại, Hà Nội, tr. 201.
[5], [6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4 (1945 - 1946), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr. 3.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 323.