Bản lĩnh, trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng

Thứ tư - 12/02/2020 14:20
Lê Thị Hồng
Phó Trưởng Ban ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 
Ngày 03/02/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, là cơ sở để dẫn tới những thắng lợi oanh liệt, những bước phát triển nhảy vọt và những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. 90 năm qua, dù con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có lúc quanh co, phức tạp, dù có lúc phạm khuyết điểm, sai lầm, nhưng Đảng luôn vượt lên mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Những thành quả vĩ đại ấy là minh chứng cho bản lĩnh và tầm cao trí tuệ của Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Điều đó được thể hiện:
Với đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo, Đảng là kết tinh tầm cao trí tuệ của dân tộc Việt Nam và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng luôn kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liên với chủ nghĩa xã hội
Điều đó được minh chứng là trong 90 năm qua, với vai trò là người lãnh đạo duy nhất, Đảng đã thể hiện bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ trong việc định hướng hướng chính trị, hoạch định đường lối, chính sách, sách lược, chiến lược giành và giữ vững độc lập, chủ quyền, phát triển, bảo vệ đất nước. Điều này cũng xuất phát từ bản lĩnh tư duy độc lập, kiên định lập trường cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì Đảng là người đại diện đầy đủ nhất ý chí, nguyện vọng thiết tha của cả dân tộc, đã được hun đúc qua hàng ngàn năm văn hiến.
Ngược thời gian 90 năm trước, từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng đã xác định rõ con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là: Sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Giai đoạn lãnh đạo dân tộc đấu tranh giành độc lập 1930 – 1945, để phù hợp đặc điểm tình hình và nhiệm vụ từng thời kỳ, hình thức, khẩu hiệu, phương pháp đấu tranh được Đảng điều chỉnh linh hoạt nhưng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn là mục tiêu tối thượng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Chẳng hạn như, giai đoạn 1930 – 1931, Đảng giương cao khẩu hiệu “Ruộng đất cho dân cày”, giai đoạn 1936 – 1939 là “chống phát xít, chống chiến tranh”, “Tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình”; giai đoạn 1939 – 1945 là “… dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Sau khi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng vạn quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước thế giới về nền độc lập của Việt Nam, khẳng định thể chế chính trị của Việt Nam là đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau cách mạng Tháng Tám, đất nước đứng trước thách thức sống còn, tình thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc” với ba loại giặc cực kỳ nguy hiểm: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Đảng và Bác Hồ chủ trương “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giữ vững điều cốt lõi nhất là nền độc lập, tự do của dân tộc. Khi thực dân Pháp phát động chiến tranh xâm lược trên cả nước (12-1946), Đảng với đường lối kháng chiến đúng đắn “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”, “Vừa kháng chiến vừa kiến quốc” đã lãnh đạo nhân dân ta đập tan âm mưu đưa dân tộc ta trở lại thời nô lệ của thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Nhưng đất nước vẫn chưa có một ngày hòa bình trọn vẹn. Đế quốc Mỹ, siêu cường đế quốc độc chiếm miền Nam dựng lên chính quyền tay sai với mục đích biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, trở thành phòng tuyến “ngăn chặn sự bành trướng” của “chủ nghĩa cộng sản” ở khu vực Đông Nam Á, Đảng cùng toàn dân kiên cường, dũng cảm chống xâm lược với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân ta đã không tiếc máu xương, thế hệ này ngã xuống, thế hệ khác đứng lên, lập nên những chiến công hiển hách, kết thúc bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miến Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thử thách lớn lao nhất trong lịch sử chống xâm lược của dân tộc, Đảng ta một lần nữa đã kết tinh khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc cho mỗi người và cả dân tộc; đồng thời trên cơ sở kiên định chủ nghĩa Mác - Lê Nin, sáng suốt vạch ra đường lối chưa từng được kiểm nghiệm trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân loại: Tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, sáng tạo trong đối ngoại để được nhân dân yêu chuộng hòa bình ủng hộ, giúp đỡ; phát huy cao độ sự sáng tạo, tầm cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam để lãnh đạo nhân dân ta giành chiến thắng huy hoàng.
Đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất năm 1975, nhưng sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc lại đứng trước thách thức mới. Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước đánh thắng chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng toàn diện dẫn tới sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Đó là cuộc biến động chính trị dữ dội, một thách thức nặng nề đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong bối cảnh đầy biến động đó, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng ngời sáng như vầng dương ban mai rọi chiếu khắp đất nước, thắp đỏ lên những con tim đang hồi hộp ngóng chờ. Đảng kịp thời tổng kết những bài học cần thiết về thất bại của chủ nghĩa xã hội ở các nước, lãnh đạo nhân dân ta kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Có thể đúc kết lại, Bản Lĩnh và tầm cao Trí Tuệ của Đảng ta là sự kiên định, không một chút dao động trước bất kỳ một trở lực nào khi biết rằng đường lối đã chọn là duy nhất đúng. Đó chính là sự sáng tạo vô cùng phong phú, sinh động gắn liền với từng điều kiện cụ thể, với những sách lược, phương pháp cách mạng phù hợp với thực tiễn, có thể nhân nhượng, lùi bước trong từng thời điểm, hoàn cảnh nhất định nhưng không bao giờ rời xa mục tiêu lý tưởng đã xác định.
Sẵn sàng đối mặt và vượt lên mọi khó khăn, thử thách, có những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua
90 năm qua, Đảng phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn, thử thách. Bị địch đàn áp đẫm máu trong phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh. Chỉ riêng cuộc “khủng bố trắng” của thực dân Pháp trong những năm 1931-1932, đã có hàng vạn cán bộ, đảng viên và những người yêu nước bị giam cầm, tù đày, giết hại; nhiều đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai... anh dũng hy sinh. Trong các nhà tù khét tiếng của địch như Côn Đảo, Sơn La, Hoả Lò, Lao Bảo, Phú Quốc,... không ít cán bộ, đảng viên bị giam cầm, tra tấn hết sức dã man, tàn bạo; chỉ tính riêng ở nhà tù Côn Đảo có 793 đồng chí hy sinh; ở Kon Tum có 339 đồng chí bị thủ tiêu. Trong những năm 1954-1959, ở miền Nam có 466.000 đảng viên và những người yêu nước bị bắt giam, 400.000 người bị đưa đi đày và 68.000 người bị giết. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có gần 160.000 đảng viên hy sinh. Đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội năm 1979 cùng với chiến tranh ác liệt ở biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc. Những năm đầu đổi mới, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội của đất nước lên đến đỉnh cao, giá cả tăng lên 393,8%, lạm phát kỷ lục 774,4%; các thế lực thù địch trong và ngoài nước ra sức lợi dụng tình hình để xuyên tạc, kích động, chống phá chủ trương của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo… Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu làm một phận cán bộ, đảng viên hoang mang, mất niềm tin vào chế độ. Những năm gần đây là vấn đề chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm trắng trợn... Chính trong bối cảnh phức tạp đó, bản lĩnh chính trị và trí tuệ của Đảng rực sáng. Đứng trước khó khăn, thách thức, Đảng đã chủ động, bình tĩnh, tự tin với trí tuệ và kinh nghiệm, năng lực tổ chức thực tiễn, từng bước đưa đất nước vượt qua thách thức, xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo đáp ứng yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước trong thời kỳ mới
Những năm 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới đang lâm vào tình trạng khủng hoảng cả về lý luận và thực tiễn, với tư duy đổi mới, sáng tạo, Đại hội VII của Đảng (6/1991) nhận định: “… đang có những hạn chế nhất định về lý luận và thực tiễn khi chúng ta bắt tay xây dựng Cương lĩnh. Nhưng đó không phải là trở ngại không thể vượt qua”. Trên cơ sở đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã nêu lên quan điểm mới về chủ nghĩa xã hội với 6 đặc trưng và 7 phương hướng – những nhiệm vụ lớn phải giải quyết trong thời kỳ quá độ, là nội dung của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Sau gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh, những quan điểm, tư tưởng, định hướng của Đảng, đã phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo động lực mạnh để đưa đất nước không những vượt qua khó khăn, thử thách mà còn đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vị thế, uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế.
 Những năm qua, bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước bên cạnh mặt thuận lợi, thời cơ, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Đất nước đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp phải giải quyết. Đảng đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, lãnh đạo đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật: Kinh tế tăng trưởng liên tục, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh; kinh tế vĩ mô ổn định và từng bước được tăng cường; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, tin tưởng và ủng hộ. Sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự phê bình và phê bình trong Đảng nhằm phát huy ưu điểm, kịp thời sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Đó là một quy luật trong xây dựng và phát triển Đảng. Người nêu rõ: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Trong lãnh đạo cách mạng suốt 90 năm qua, Đảng đã có những lần phạm khuyết điểm, sai lầm. Khuyết điểm “tả khuynh” trong chủ trương thanh Đảng của Xứ ủy Trung Kỳ 1931. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Tự chỉ trích (1939) nêu rõ những khuyết điểm trong lãnh đạo của Đảng, đề ra biện pháp sửa chữa. Sau khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần tự phê bình về những khuyết điểm, căn bệnh trong bộ máy Đảng, chính quyền Nhà nước và của cán bộ, đảng viên, quyết tâm sửa đổi lối làm việc và cách lãnh đạo.
Năm 1956, Đảng đã tự phê bình nghiêm túc về sai lầm trong triển khai cải cách ruộng đất, kịp thời sửa sai có hiệu quả. Từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX, đất nước lâm vào  cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài, mà một trong những nguyên nhân là do “những sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”. Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế, xã hội, “bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Tuy nhiên, bằng trí tuệ, bản lĩnh chính trị của mình, Đại hội VI của Đảng (12-1986) đã nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nhận rõ những khuyết điểm trong lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí, quyết tâm đổi mới tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn, đề ra đường lối đổi mới toàn diện. Trong lãnh đạo đổi mới, Đảng đã nhiều lần tự phê bình, nêu rõ những nguy cơ, thách thức mới. Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã thẳng thắn nêu rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Trung ương cho rằng: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn…”, trên cơ sở đó nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Có thể khẳng định sự vĩ đại của Đảng là ở chỗ Đảng luôn ý thức trách nhiệm trước lịch sử, dũng cảm, thẳng thắn nhìn nhận và kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm, để vững vàng lãnh đạo con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua hiểm nguy, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
90 năm từ ngày Đảng ra đời và đảm đương sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta, đất nước ta, đối mặt với không ít khó khăn, chông gai, thử thách, nhưng như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, Đảng Cộng sản Việt Nam với bản lĩnh và tầm cao trí tuệ đã khẳng định là lực lượng duy nhất lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và thực tiễn ngày càng khẳng định là Đảng duy nhất có khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa đất nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cho dân tộc ta được độc lập, tự do thực sự, đất nước ta phát triển phồn vinh, Nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây