Giới thiệu sách “Ngoại giao đa phương trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại”
- Thứ tư - 02/11/2016 08:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bước vào thế kỷ XXI, nhân loại đã và đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực. Nhiều vấn đề mang tính toàn cầu nảy sinh làm gia tăng sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Bởi vậy, ngoại giao đa phương ngày càng khẳng định mạnh mẽ vị trí là một kênh ngoại giao hữu hiệu để xử lý và giải quyết những vấn đề mang tính đa quốc gia, liên khu vực và toàn cầu.
Để góp phần cung cấp tư liệu tham khảo cho việc nghiên cứu về ngoại giao đa phương, xu hướng và thực tiễn phát triển của kênh ngoại giao này trong những năm tới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Ngoại giao đa phương trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại của TS. Lưu Thúy Hồng, giảng viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền.
Qua ba chương nội dung, trên cơ sở những kiến thức cơ bản về hệ thống quan hệ quốc tế nói chung và ngoại giao đa phương nói riêng, cuốn sách đi sâu phân tích diễn biến thực tế của kênh ngoại giao này trên thế giới và Việt Nam, từ đó, dự báo xu hướng phát triển của ngoại giao đa phương trong thập niên tiếp theo và đề xuất những giải pháp mang tính định hướng chính sách cho công tác ngoại giao nước nhà.
Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:
Chương I. Khái quát về hệ thống quan hệ quốc tế và ngoại giao đa phương
Hệ thống quan hệ quốc tế là một chỉnh thể sống động gồm tập hợp các chủ thể quan hệ quốc tế và mối quan hệ qua lại giữa chúng theo một cấu trúc nhất định. Song song với những thay đổi của tình hình thế giới và khu vực, hệ thống quan hệ quốc tế cũ dần bị thay thế bởi những hệ thống mới. Đến nay, lịch sử quan hệ quốc tế đã và đang chứng kiến sự tồn tại và ngày càng hoàn thiện của hệ thống quan hệ quốc tế đương đại. Đó là một hệ thống có sự đa dạng hóa về chủ thể với những thay đổi nhất định về vai trò chủ thể, có cấu trúc quyền lực hết sức đặc biệt, được gọi tên là “đa trung tâm (đa cực), không đồng đều, nhiều tầng nấc”. Trong số những nguyên tắc hoạt động của mình, nguyên tắc sự tương tác giữa tính phụ thuộc và tính tự quyết đang chứng tỏ hệ thống quan hệ quốc tế đương đại có nhiều khác biệt so với các hệ thống cũ, ngày càng phức tạp, đan xen và chồng chéo hơn.
Ngoại giao đa phương đã xuất hiện rất lâu trong lịch sử hệ thống quan hệ quốc tế với tư cách là một phương thức hoạt động ngoại giao của ít nhất ba chủ thể quan hệ quốc tế nhằm giải quyết một vấn đề chung dựa trên lợi ích đồng thuận. Trong hệ thống mới, dưới sự tác động của nhiều nhân tố như toàn cầu hóa, cách mạng công nghệ, các vấn đề toàn cầu, tư duy lãnh đạo sau Chiến tranh lạnh thì ngoại giao đa phương đã có những thay đổi nhất định, mang nhiều đặc điểm mới: ngày càng đa dạng hóa mục tiêu, gia tăng ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế cũng như lớn mạnh về thành viên tham gia, có tính ràng buộc cao, tính độc lập, không còn là phương tiện chống lại nhau của các nước và có mối quan hệ đặc biệt với ngoại giao song phương.
Chương II. Ngoại giao đa phương đương đại trên các lĩnh vực và thực tiễn của Việt Nam
Những biến động của tình hình thế giới và khu vực không chỉ làm nảy sinh thêm những vấn đề mới mà còn làm trầm trọng hơn những vấn đề cũ trên lĩnh vực an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội: cái “rốn” của địa chính trị thế giới đã chuyển từ khu vực châu Âu sang lục địa Á – Âu, một cuộc chạy đua vũ trang mới ở thế kỷ XXI, đặc biệt là vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân; sự hội nhập sâu rộng của tất cả các quốc gia tạo nên một sân chơi kinh tế toàn cầu với mức độ liên kết cao nhất từ trước đến nay, xu hướng toàn cầu hóa thị trường thế giới và tự do hóa các lĩnh vực kinh tế đang được tăng tốc; nguy cơ bất bình đẳng và bá quyền văn hóa ngày càng tăng…
Trước thực trạng phức tạp đó, ngoại giao đa phương, với những đặc điểm mới và nổi bật, đang từng bước khẳng định được vị trí quan trọng của mình. Điều này được thể hiện qua những hoạt động ngoại giao đa phương thực tiễn ở các lĩnh vực an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội trong đời sống quốc tế với những chuyển động mang tầm ảnh hưởng lớn. Thông qua ngoại giao đa phương, các cơ chế, thiết chế mang tính toàn cầu được thành lập mới hoặc được điều chỉnh, hoàn thiện nhằm bảo đảm an ninh chính trị và phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoại giao đa phương còn tạo mối liên hệ gắn bó giữa các chủ thể trong hệ thống để có sức mạnh tổng hợp đối phó với những vấn đề nảy sinh. Tuy nhiên, ngoại giao đa phương trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại vẫn còn một số hạn chế, cụ thể như: sức mạnh không đồng đều giữa các chủ thể dẫn tới sự chi phối và ảnh hưởng từ các chủ thể lớn trong quan hệ quốc tế; cơ chế ngoại giao đa phương còn lỏng lẻo, lạc hậu dẫn tới sự chậm trễ trong quá trình xử lý các vấn đề quốc tế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
Thực tiễn hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam cho thấy một tinh thần, thái độ chủ động và tích cực cũng như chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đem lại nhiều kết quả tốt trên cả 3 lĩnh vực nói trên nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề về công tác nghiên cứu cơ bản, công tác dự báo, xây dựng cơ chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, đòi hỏi phải được giải quyết nhanh chóng và triệt để
Chương III. Ngoại giao đa phương trong thập niên tới và một số kiến nghị cho Việt Nam
Trên cơ sở mô tả, phân tích và đánh giá về thực trạng ngoại giao đa phương trong hệ thống quan hệ quốc tế qua ba lĩnh vực: an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội và liên hệ thực tiễn với Việt Nam, chương III cuốn sách đưa ra những dự báo về xu hướng phát triển của ngoại giao đa phương thông qua phân tích các nhân tố tác động, bao gồm: triển vọng vận động của hệ thống quan hệ quốc tế (sự gia tăng tính đa cực và so sánh lực lượng thay đổi bất lợi cho Mỹ); các xu thế phát triển của xã hội quốc tế (toàn cầu hóa, cách mạng khoa học – công nghệ, sự khó kiểm soát của các vấn đề toàn cầu, hướng giải quyết khủng hoảng tài chính); sức mạnh hiện tại khá lớn của ngoại giao đa phương. Trong 10 năm tới, ngoại giao đa phương sẽ phát triển ở mức độ tương đối rõ nét, trở thành đầu tàu đối phó với các vấn đề nảy sinh trong hệ thống quan hệ quốc tế và xã hội quốc tế, nhưng do sự khác biệt quá lớn và trên nhiều lĩnh vực giữa các thành viên trong quan hệ ngoại giao nên sự triệt để trong giải quyết vấn đề chỉ mang tính tương đối. Ngoại giao đa phương sẽ có vai trò nhất định trong xác lập trật tự quyền lực của hệ thống, mặc dù vẫn chịu sự chi phối của các nước lớn, nhưng có phần hạn chế hơn thời gian hiện tại.
Từ những phân tích về hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam trong thời gian qua và những dự báo triển vọng của ngoại giao đa phương trong tương lai, tác giả đã đưa ra những kiến nghị liên quan tới tri thức (công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược), chất lượng nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, đối tác trọng tâm và lĩnh vực trọng tâm nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của ngoại giao đa phương Việt Nam trong 10 năm tới.
Sách hiện có tại Thư viện Trường Chính trị Lê Duẩn./.