Lớp Trung cấp Lý luận chính trị hệ tập trung khóa 37 đi nghiên cứu thực tế
- Thứ hai - 14/08/2023 07:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thực hiện kế hoạch số 129-KH/TCTLD ngày 29/06/2023 của Hiệu trưởng Trường Chính trị Lê Duẩn về tổ chức cho lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung khóa 37 đi nghiên cứu thực tế và viết bài thu hoạch tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 8 đến ngày 9 tháng 8 năm 2023, lớp Trung cấp Lý luận chính trị khóa 37 (ĐT37) đã tham gia đi nghiên cứu thực tế theo đúng kế hoạch đề ra. Hướng dẫn đoàn đi nghiên cứu thực tế có đồng chí Hoàng Tiến Dũng, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng làm trưởng đoàn, đồng chí Đinh Thị Thu Hoài, Giảng viên chính Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học - chủ nhiệm lớp. Đoàn đã được nghe đồng chí Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo khái quát về đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng của thành phố; Một số kết quả thực hiện công tác hoạt động du lịch của địa phương trong thời gian qua.
Đồng chí Hoàng Phước Nhật – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo khái quát đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh. Ảnh:TL.
Theo báo cáo, mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2021-2025: Là xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Phát huy sức mạnh toàn dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; tăng cường công tác quốc phòng, an ninh; đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực.
Đối với lĩnh vực du lịch: với lịch sử hơn 710 năm và là kinh đô của triều đại cuối cùng của Việt Nam, Thừa Thiên Huế tự hào vì vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa để phát triển du lịch với nhiều sản phẩm đa dạng. Toàn tỉnh có 88 làng nghề thủ công truyền thống: 69 làng nghề thủ công truyền thống ; 8 tiểu thủ công nghiệp; 11 làng nghề mới hình thành; 2.600 cơ sở sản xuất. Doanh thu lĩnh vực du lịch ngày càng tăng cao.
Học viên Lớp TC LLCT hệ tập trung khóa 37 nghe báo cáo. Ảnh: TL.
Qua nghe báo cáo, các học viên đã được hiểu rõ hơn về sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung của tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm trở lại đây. Đặc biệt, thành phố Huế đã có những cách làm hay, làm mới nhằm tạo bước đột phá trong quá trình xây dựng cũng như thu hút đầu tư, trở thành một thành phố du lịch thân thiện của Việt Nam.
Đoàn nghiên cứu thực tế chụp ảnh lưu niệm cùng tại Trường chính trị Nguyễn Chí Thanh Ảnh: TL.
Bên cạnh đó học viên còn đi thăm quan thực tế một số làng nghề truyền thống và một số điểm du lịch của địa phương. Lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung khóa 37 đã hoàn thành chương trình nghiên cứu thực tế theo đúng mục đích yêu cầu, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Việc tổ chức nghiên cứu thực tế là một cơ hội cho học viên có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu tình hình ở địa phương, đặc biệt là một thành phố du lịch điển hình của cả nước. Qua chương trình nghiên cứu thức tế giúp cho học viên củng cố những kiến thức đã được học, gắn lý luận với thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ trong thời kỳ mới.