Vai trò của khoa lý luận cơ sở trong giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay
- Thứ ba - 08/10/2024 08:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nguyễn Thị Như Quỳnh
Khoa Lý luận cơ sở
Khoa Lý luận cơ sở
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một công việc thường xuyên, đã được Đảng ta tiến hành từ ngày thành lập Đảng và tiếp tục xuyên suốt trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới tiếp tục khẳng định: Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị và của mỗi đơn vị, địa phương.
Giảng dạy lý luận chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng. Nâng cao chất lượng giảng dạy chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị ở Trường chính trị là vấn đề cấp bách nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ kiến thức lý luận cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Với vai trò đảm nhận việc giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa Lý luận cơ sở, Trường chính trị Lê Duẩn luôn coi trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với quá trình giảng dạy. Điều này thể hiện:
Thứ nhất, các giảng viên trong Khoa luôn quán triệt Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đối với các lớp đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị. Việc quán triệt nội dung Nghị quyết đã được kết hợp với việc tuyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay, phù hợp với đặc thù của từng đối tượng học viên. Qua các tiết giảng, mỗi giảng viên trong Khoa đều chú ý lồng ghép với việc chỉ ra những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản bác lại các thông tin xuyên tạc, giúp học viên hiểu rõ hơn bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Giảng viên của Khoa luôn cập nhật các sự kiện trên thế giới, tình hình trong nước, cập nhật nội dung, phương thức, hình thức chống phá của các lực lượng thù địch; từ đó, qua các bài giảng giúp học viên nhận diện được những thông tin sai sự thật, nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên, trang bị cho họ thế giới quan, phương pháp luận khoa học để học viên có thể vững vàng trước sự chống phá về mặt tư tưởng của các thế lực thù địch. Phát huy hơn nữa trách nhiệm của học viên trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho Nhân dân.
Thứ hai, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn của Khoa, giảng viên trong Khoa trao đổi kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, bổ sung những kiến thức mình còn thiếu. Sinh hoạt chuyên môn của Khoa giúp cho việc giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết số 35-NQ/TW đi vào chiều sâu, có định hướng bài bản hơn. Việc bổ sung các nhiệm vụ nghiên cứu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của Khoa giúp cho mỗi giảng viên ý thức được nhiệm vụ của mình. Từ đó mỗi giảng viên có điều kiện thể hiện quan điểm chuyên môn, ý kiến phản biện trong nội dung bài giảng, đồng thời thể trao đổi, bổ sung, học hỏi lẫn nhau.
Thứ ba, qua các buổi sinh hoạt chuyên môn theo tháng, quý, Khoa thực hiện tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; chỉ ra những hạn chế, đồng thời đưa ra phương hướng cho tháng tiếp theo, quý tiếp theo của Khoa. Ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai giảng dạy, nghiên cứu khoa học, công bố bài viết nhằm góp phần việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ tư, động viên, định hướng, và giao nhiệm vụ cho giảng viên viết bài trên nội san, trên website của Nhà trường với nội dung tuyên truyền các giá trị của học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền, viết bài, chia sẻ, bình luận trên các fanpage của Nhà trường, trên facebook và mạng xã hội khác với mục đích giúp người dùng mạng xã hội nhận diện được đâu là thông tin đúng, sai; đồng thời, đấu tranh phản bác lại các thông tin sai lệch.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Khoa Lý luận cơ sở cũng còn một số hạn chế như: chưa có kế hoạch cụ thể triển khai lồng ghép vào giảng dạy trên các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; khả năng phân tích, am hiểu thực tiễn của giảng viên trẻ chưa cao, lý luận thiếu sắc bén; việc lồng ghép nội dung bài giảng gắn với phản bác các quan điểm sai trái thù địch còn chưa thực sự hiệu quả.
Vì vậy, trong thời gian tới, Khoa Lý luận cơ sở - với vai trò là khoa phụ trách giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy gắn với bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ con đường đi lên CNXH.
Thứ nhất, Khoa Lý luận cơ sở chỉ đạo sát sao, thường xuyên hơn nữa đối với công tác giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Điều này thể hiện trước tiên ở việc tăng cường sinh hoạt chuyên môn để làm rõ các nội dung giảng dạy gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Sinh hoạt chuyên môn của Khoa định hướng việc giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết số 35-NQ/TW đi vào chiều sâu, có kế hoạch và bài bản hơn. Việc bổ sung các nhiệm vụ nghiên cứu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của Khoa góp phần cho mỗi giảng viên trong thực thi nhiệm vụ của mình. Từ đó, mỗi giảng viên có điều kiện thể hiện quan điểm chuyên môn, ý kiến phản biện trong nội dung bài giảng, có thể trao đổi, bổ sung, học hỏi lẫn nhau.
Việc sinh hoạt chuyên môn thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng và mang tính thời sự giúp giảng viên cập nhật thông tin, đổi mới phương pháp tiếp cận, nâng cao trình độ chuyên môn. Đây là một giải pháp hữu ích rất cần đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị trong đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ hai, Khoa Lý luận cơ sở sẽ có những biện pháp cụ thể, hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng các giờ thao giảng, dự giờ; đồng thời, kiểm tra việc soạn giáo án, thông qua bài giảng cho giảng viên. Chính điều này sẽ giúp giảng viên nhận thấy điểm mạnh, điểm yếu của bản thân; hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy của mình.
Thứ ba, tiếp tục có những định hướng về nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế. Các đề tài nghiên cứu khoa học, các bài viết khoa học của giảng viên cần mang hơi thở của thời đại, nghĩa là cần có sự tổng kết thực tiễn cao. Do đó, cần hướng các đề tài nghiên cứu khoa học, các nội dung nghiên cứu thực tế vào các vấn đề cấp bách, cần thiết hiện nay, trong đó có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ tư, trên cơ sở Hướng dẫn số 12 - HD/BTCTW ngày 6/7/2018 về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thì một trong những nội dung đặt ra hiện nay đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải quán triệt Nghị quyết số 35 - NQ/TW và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên trong tất cả các buổi sinh hoạt chi bộ. Các buổi chuyên đề cần khuyến khích Đảng viên của Khoa Lý luận cơ sở tập trung các nội dung liên quan việc nhận diện và đề xuất các phương thức đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong tình hình mới; đồng thời, các cấp ủy phải tăng cường kiểm tra, giám sát Đảng viên của chi bộ trong việc tuyên truyền và thực hiện theo Nghị quyết số 35 - NQ/TW.
Mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn nói chung, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở nói riêng cần thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương, kỷ luật phát ngôn, tích cực tu dưỡng và gìn giữ đạo đức, lối sống… để có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có tư duy khoa học, có lý luận sắc bén và đạo đức lối sống gương mẫu… xứng đáng trở thành người đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Khoa Lý luận cơ bản với vai trò đảm nhiệm giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục vai trò tiên phong, đi đầu trong góp phần phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hướng dẫn số 12 – HD/BTCTW ngày 06/07/2018 Một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr.168