TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Nhận thức về nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam

 
Trần Thiên Tú
 
Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Xuất phát từ vị trí, vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự sống còn Đảng và chế độ xã hội của nhân dân ta; cũng như xuất phát từ thực tế đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch mà việc bảo vệ nền tảng tư tưởng càng trở thành yêu cầu cấp bách. Để nhiệm vụ này đạt được hiệu quả cao trong thực tiễn, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc về nền tảng tư tưởng, những nội dung trọng tâm của công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
1. Nền tảng tư tưởng
Nền tảng là khái niệm được sử dụng rộng rãi trong đời thường cũng như trong các văn bản chuyên môn, tùy vào cách tiếp cận mà người ta hiểu nền tảng trên các phương diện khác nhau. Một trong những cách hiểu thông dụng nhất, nền tảng là bộ phận vững chắc dựa trên đó các bộ phận khác tồn tại và phát triển.
Nền tảng là bộ phận, tức là chỉ là một yếu tố, một thành tố tạo nên sự vật, hiện tượng, đối tượng, … chứ không phải là toàn bộ sự vật, hiện tượng. Như vậy, nền tảng chỉ là bộ phận chứ không phải là cái toàn thể, nhưng không phải là bộ phận nào trong cái toàn thể cũng có thể trở thành nền tảng, nền tảng phải là cái cơ bản nhất, làm nền móng để những yếu tố khác dựa trên nó tồn tại và phát triển. Với vai trò như vậy, yêu cầu yếu tố nền tảng phải là yếu tố có tính cơ bản, vững chắc nhất. Rõ ràng, nếu nền tảng yếu kém, lạc hậu, phản khoa học, thì những gì xây dựng trên nó sẽ không vững chắc, không trường tồn.
Trong tiếng Anh, nền tảng được hiểu là: basis, cornerstone, foundation, groundwork, underlie, … các từ này đều có nghĩa là cái cơ bản, là đá tảng, là căn cứ, cơ sở, thiết lập, … rõ ràng, nghĩa nó rất gần với nghĩa với cách hiểu của chúng ta.
Với tư cách là bộ phận cơ sở của một sự vật, hiện tượng, nền tảng cũng được chia thành nhiều loại khác nhau như nền tảng vật chất (tài chính, kinh tế, cơ sở vật chất, …); nền tảng tinh thần (văn hóa, đạo đức, tư tưởng, niềm tin, lý tưởng, khát vọng, ý chí, …); Ngoài ra, trong thời đại ngày nay, có một số thuật ngữ mới về nền tảng như: nền tảng điện toán, máy tính, kỹ thuật số, …
Nền tảng tư tưởng thuộc về nền tảng tinh thần, ý thức; đó là một hệ thống những quan điểm, quan niệm, luận điểm mang tính nhất quán, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của một cá nhân, giai cấp, dân tộc (được hình thành trên một cơ sở thực tiễn nhất định) có tác dụng chỉ đạo chủ thể trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Đối với một giai cấp, một dân tộc thì nền tảng tư tưởng là cơ sở lý luận, là quan điểm chỉ đạo, là ngọn đuốc soi đường dẫn lối cho sự phát triển. Rõ ràng, nền tảng tư tưởng khoa học, đúng đắn sẽ dẫn dắt giai cấp, dân tộc, xã hội đó phát triển tiến bộ, tích cực và ngược lại. Nền tảng tư tưởng không phải là có sẵn có, nó xuất hiện trên cơ sở hoạt động thực tiễn của con người. Vì thực tiễn luôn luôn thay đổi, nên nền tảng tư tưởng không phải là một cái gì đó bất biến, mà luôn luôn phải bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.
2. Nền tảng tư tưởng của Đảng ta là gì?
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[1]. Như vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết lý luận sâu sắc, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, mà cơ bản, trọng yếu, cốt lõi, nhất là: Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học.
Học thuyết về chủ nghĩa cộng sản này do các nhà kinh điển dày công xây dựng  từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX trên cơ sở thực tiễn chủ nghĩa tư bản đã và chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc; phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới đang phát triển mạnh mẽ và giành được những thắng lợi như: Công xã Paris, Cách mạng Tháng Mười Nga, sự ra đời Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết, giải phóng hàng trăm triệu nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, đế quốc và tư bản.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý báu của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi[2].
Như vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là những học thuyết, những tư tưởng được hình thành trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những thành tựu văn minh của tư duy nhân loại; liên tục được bổ sung, phát triển từ những kết quả nghiên cứu mới nhất của khoa học và tổng kết thực tiễn lịch sử trong nước và thế giới, cùng những dự báo khoa học về tương lai.
Hệ thống tri thức này là những kiến thức khoa học có tác dụng trực tiếp nâng cao trình độ nhận thức, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nếu tất cả mọi người đều có ý thức học tập, quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo những kiến thức này trong hoạt động thực tiễn sẽ luôn giữ vững được lập trường của người cộng sản, không bị hoang mang, dao động trước những nội dung tuyên truyền xấu độc, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Gần đây, khái niệm Nền tảng tư tưởng còn được hiểu rộng hơn, đó còn là các quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về các vấn đề chiến lược của đất nước (như về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; Về đường lối phát triển kinh tế - xã hội, Về an ninh – quốc phòng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, …). Những nội dung này chưa được đề cập chính thức trong các văn kiện của Đảng, mà chỉ được nhắc tới trong những bài nói chuyện, phát biểu của các lãnh đạo cao cấp của Đảng.
3. Tại sao phải bảo vệ nền tảng tư tưởng?
Với vị trí, vai trò quan trọng như trên, nền tảng tư tưởng luôn luôn là đối tượng và mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch phản động. Chúng luôn tìm mọi cách nói xấu, bôi nhọ, xuyên tạc, chống đối nền tảng tư tưởng của Đảng ta, hòng làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân dao động, chệch hướng. Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng được nhận thức từ rất sớm và ngày càng trở thành công việc liên tục, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng.
Đặc biệt, việc lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng được thể hiện đậm nét nhất trong Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 22/10/2018) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó các cơ quan báo chí tuyên truyền các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhận thức sâu sắc sự nguy hại và hậu quả nghiêm trọng của việc xa rời nền tảng tư tưởng, Báo cáo chính trị đặt lên hàng đầu quan điểm : “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xay dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa[3].
Như vậy, quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong hơn chín thập kỷ qua với mười ba lần đại hội, đã cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn kiên trì, kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng và luôn kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Trong tình hình hiện nay, Đảng và nhân dân ta đang tiếp tục công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thế và lực của chúng ta đã lớn mạnh hơn lúc nào hết, nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng vẫn phải diễn ra với những khó khăn, thử thách mới, các thế lực thù địch càng tìm cách chống phá tinh vi, quyết liệt hơn. Bản thân các cán bộ, đảng viên càng cần phải nhận thức rõ hơn về nền tảng tư tưởng, nhận thức công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng là việc làm thường xuyên, có thái độ tích cực, kiên quyết hơn. Trên cơ sở đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng sẽ vượt qua mọi thách thức và càng thành công.
 

[1] ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 88.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 88.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 109.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây