TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị Lê Duẩn góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


 
ThS. Nguyễn Thị Diệu Hằng
Khoa Nhà nước và Pháp luật
      Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” xác định rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Trong đó, việc khẳng định những giá trị chân chính của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của hệ thống các Trường Chính trị tỉnh, thành phố nói chung và Trường Chính trị Lê Duẩn nói riêng.
      Chính vì vậy, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị Lê Duẩn nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch giữ một vai trò, vị trí rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
      Giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh, thành phố bao gồm các phần học cơ bản sau: Triết học Mác - Lênin; Kinh tế chính trị; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Xây dựng Đảng; Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Những nội dung cơ bản về Nhà nước và pháp luật; Quản lý hành chính nhà nước; Kỹ năng lãnh đạo quản lý; Tình hình nhiệm vụ địa phương; Kiến thức bổ trợ. Đây là những môn học bắt buộc trong Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị. Theo đó, giảng dạy lý luận chính trị là trực tiếp giảng dạy, sử dụng các phương thức khoa học để luận giải, trao đổi, tuyên truyền bản chất, khái niệm, quy luật của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước giúp học viên nắm vững những kiến thức lý luận chính trị nền tảng, hình thành thế giới quan và phương pháp biện chứng trong giải quyết những tình huống trong thực tiễn. Trên cơ sở đó, giúp học viên nhận diện và đấu tranh phản bác những nội dung xuyên tạc, phản cách mạng, tư tưởng thù hận, chống phá của các thế lực thù địch nhằm rêu rao những ý đồ bôi nhọ, chống phá công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
      Lý luận chính trị là yếu tố nòng cốt để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, “Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận, mở rộng tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những tư tưởng “phi vô sản”. Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng[1]. Đồng thời, thấm nhuần những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở để đấu tranh phản bác các quan điểm phủ nhận, xuyên tạc, chống phá, bởi “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[2].
      Nhận thức được tầm quan trọng của giảng dạy lý luận chính trị đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, thời gian qua đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn đã và đang không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức lý luận và thực tiễn, phương pháp giảng dạy tích cực, truyền tải đến học viên những kiến thức dễ hiểu, dễ tiếp thu dưới nhiều chiều cạnh, phương diện, góc nhìn khác nhau, lồng ghép nội dung các chuyên đề lý luận chính trị với nội dung công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chính vì vậy, hoạt động giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị Lê Duẩn gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể như sau:
      Một là, kết cấu nội dung, chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, kịp thời cập nhật, bổ sung, giới thiệu, trao đổi các nội dung mới của nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào chương trình giảng dạy lý luận chính trị. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được xác định là mục tiêu cơ bản trong công tác giảng dạy để các giảng viên chủ động từ khâu soạn giáo án, xây dựng tình huống, dẫn dắt thảo luận đến lồng ghép các phương thức giảng dạy thích hợp để lên lớp một cách chủ động, phù hợp với từng đối tượng học viên.
      Hai là, lồng ghép nhiệm vụ giảng dạy lý luận chính trị kết hợp với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Cụ thể nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị thành chuyên đề để đưa vào giảng dạy, báo cáo trong phần học Trung cấp lý luận chính trị. Các chuyên đề giảng dạy đã khẳng định và minh chứng sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những thành quả của quá trình 38 năm đổi mới của đất nước, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan. Những giá trị “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, hay phương thức “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” và thực tiễn thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội là kết quả chân thực để đập tan các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá công cuộc xây dựng Nhà nước ta hiện nay.
      Ba là, nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch được Nhà trường tổ chức triển khai dưới nhiều hình thức như thông qua các diễn đàn sinh hoạt chi bộ, hội thảo khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh… Đặc biệt,       Nhà trường có một trang facebook và trang web dành một chuyên mục riêng trong hoạt động khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là nơi để các giảng viên sử dụng ngòi bút chính luận với những lập luận sắc bén, chặt chẽ, những luận cứ, luận chứng khoa học vừa mang tính lý luận vừa mang tính thời sự nhằm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, vu khống, bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử để củng cố, bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng.
      Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị Lê Duẩn góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vẫn chưa đáp ứng được các mục tiêu đặt ra. Nội dung giảng dạy vẫn nặng về lý luận, tính thực tiễn còn hạn chế. Người học còn thụ động trong quá trình tiếp thu, lĩnh hội những nội dung của Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch còn đơn điệu, chưa mở rộng các phương thức truyền bá tư tưởng, bảo vệ nền tảng của Đảng.
Do vậy, để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị Lê Duẩn góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần thực hiện các giải pháp sau đây:
      Thứ nhất, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi giảng viên trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Giảng viên cần không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi kinh nghiệm, phong cách, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Trên cơ sở hiểu rõ những luận điểm cơ bản, bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm chắc nội dung các quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để giảng viên phân tích, dẫn chứng tới học viên một cách tường minh, khoa học, khách quan, mang tính đảng. Từ đó, giúp học viên vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời nhận diện chính xác những luận điệu xuyên tạc, những biểu hiện tiêu cực, chống phá nhằm giúp học viên có đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh để có các biện pháp đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc một cách thích hợp.
      Đồng thời, giảng viên cần tăng cường đi thực tế cơ sở có kỳ hạn để tích lũy kinh nghiệm, gia tăng vốn sống, linh hoạt trong xử lý các tình huống, nâng cao bản lĩnh chính trị, đa dạng các hình thức đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
      Thứ hai, linh hoạt, đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy tích cực trong các giờ thảo luận nhằm tranh luận, lý giải các vấn đề mang tính thời sự, đặc biệt là xây dựng và phát triển kỹ năng phản biện cho học viên. Hiện nay, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn đều áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của học viên, tính chiến đấu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các giảng viên cần đa dạng các phương pháp tích cực vào phần thảo luận để thu hút sự chủ động của học viên như: phương pháp tình huống, đóng vai, vẽ sơ đồ, trực quan hóa trong giảng dạy, mời chuyên gia… Thông qua các giờ thảo luận sôi nổi, người học sẽ được đặt câu hỏi, đưa ra các tình huống thực tiễn, tranh luận, phản biện vấn đề… từ đó neo chốt các kiến thức cơ bản, định hướng tư tưởng, xây dựng niềm tin và thúc đẩy hành động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
      Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ngoài các hình thức hiện nay, Nhà trường cần đa dạng hóa các hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng trong đội ngũ giảng viên, viên chức, học viên. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, ngoài các nội dung giảng dạy và nghiên cứu khoa học cần đưa ra các chủ đề, chủ điểm, các tình huống mang tính thực tiễn để phân tích, luận giải vấn đề, đưa ra các bằng chứng thuyết phục mang tính khách quan, khoa học, cách mạng để đội ngũ giảng viên chia sẻ, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm lẫn nhau góp phần tăng tính thuyết phục của các giờ lên lớp. Các diễn đàn sinh hoạt chi bộ, các hội thảo khoa học ngoài hình thức đọc tham luận cần đa dạng hóa các hình thức như: mời chuyên gia, đưa ra các tình huống bằng hình thức đóng vai, diễn kịch, hát vè hay tổ chức các cuộc thi giữa học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị nhằm tạo sự chủ động, tích cực trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
      Ngoài ra, đội ngũ giảng viên cần tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó chú trọng tổng kết thực tiễn, tham mưu chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh thực hiện các đề tài khoa học ứng dụng nhằm góp phần bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng theo đúng nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta xác định: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách”[3].
      Có thể khẳng định rằng, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nhiệm vụ cấp thiết của mỗi đảng viên, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn. Đội ngũ giảng viên Nhà trường cần nỗ lực hoàn thiện mình, không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu đạt Trường Chính trị chuẩn mức độ 1 vào năm 2025./.
 
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 280.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 12, tr. 563.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập I, tr.181, tr.182.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây