TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Đảng ủy Trường Chính trị Lê Duẩn làm tốt công tác tập huấn cho đội ngũ giảng viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

ThS. Ngô Thị Thu Hà             
                                 Phó Bí thư Đảng ủy-Phó Hiệu trưởng
 
    Công tác tập huấn là công tác huấn luyện, hướng dẫn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ nhằm giúp cho đội ngũ giảng viên trường chính trị nâng cao kỹ năng nghiêp vụ trong việc phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mặt khác, đội ngũ giảng viên được nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm của mỗi người trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhằm truyền bá hệ tư tưởng chính trị của giai cấp công nhân là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm hướng tới việc xây dựng con người trong thời kỳ cách mạng mới với những phẩm chất cách mạng và lý tưởng cao đẹp. Đồng thời, mỗi giảng viên có ý thức chính trị và trách nhiệm trong phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
    Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (Nghị quyết số 35), Trường Chính trị Lê Duẩn đã ban hành Kế hoạch số 16-KH/TCTLD ngày 05/11/2019 “về triển khai bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”. Trong đó, chú trọng công tác tập huấn, nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm của đội ngũ giảng viên nhằm phản bác quan điểm sai trái thù địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Nhà trường thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 35 do đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn làm Trưởng ban, giao Khoa Lý luận cơ sở làm lực lượng nòng cốt để thực hiện kế hoạch với những nội dung cụ thể.
    Thứ nhất, Đảng ủy Trường Chính trị Lê Duẩn quán triệt nội dung Nghị quyết số 35 đến tất cả cán bộ, viên chức, nhất là đội ngũ giảng viên. Việc quán triệt nghị quyết bằng nhiều hình thức, đồng chí Bí thư Đảng ủy báo cáo nội dung nghị quyết, mặt khác thông các buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề tạo điều kiện để giảng viên, đảng viên trao đổi, thảo luận nội dung Nghị quyết số 35 ở nhiều góc độ khác nhau. Với những hình thức đa dạng, phù hợp nhằm giúp mỗi giảng viên nắm vững nội dung cơ bản của Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị, phải trả lời được ba câu hỏi: Vì sao phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng? Bảo vệ nền tảng tưởng tưởng của Đảng là phải bảo vệ cái gì? Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải bảo vệ như thế nào? Song song với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần phải đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phản bác các quan điểm sai trái thù địch có mối quan hệ biện chứng với nhau, hỗ trợ nhau. Bởi vì, bảo vệ nền tảng tư tưởng đồng thời phải phản bác quan điểm sai trái; phản bác các quan điểm sai trái cũng nhằm để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, bảo vệ là trọng tâm, phản bác là quan trọng nhằm khẳng định chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn để xây dựng đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
    Mỗi giảng viên xác định muốn thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, thì bản thân mình phải nghiên cứu, hiểu sâu những nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giảng viên “không chỉ nhớ và học thuộc lòng mà phải ngấm vào máu, vào tim, vào óc” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn. Như vậy, giảng viên không chỉ nắm vững nội dung của vấn đề mình cần trình bày, mà đã thấm sâu, nhuần nhuyễn và trở thành nội lực của bản thân.
    Thứ hai, tập huấn đối với đội ngũ giảng viên về cách thức phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong quá trình giảng dạy.
    Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần phân tích, so sánh, sử dụng linh hoạt các luận điểm, luận cứ, nhất là các luận chứng để phản bác quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị, với những môn học: Những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước và pháp luật, Xây dựng Đảng giảng viên tăng phải tăng cường lồng ghép việc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chẳng hạn khi giảng bài “Cải cách, đổi mới chủ nghĩa xã hội từ năm 1991 đến nay”, giảng viên phải phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch phủ nhận thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới. Các thế lực thù địch tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, trái với quan điểm, nghị quyết của Đảng, chúng cho rằng Việt Nam chỉ đổi mới kinh tế mà không hề đổi mới chính trị, vẫn giữ nguyên bộ máy lãnh đạo chuyên quyền của Đảng Cộng sản, Việt Nam không có dân chủ, quyền con người bị vi phạm.
     Đối với những luận điệu sai trái, vu khống như vậy, giảng viên phải nêu ra được luận điểm, luận chứng về tính khách quan của đổi mới và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đổi mới ở Việt Nam do Đảng khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu từ Đại hội VI năm 1986 là sự lựa chọn tất yếu nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội, là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Giảng viên cần phân tích để làm rõ đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn và duy nhất của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và của dân tộc ta.
    Giảng viên trong quá trình phân tích, lý giải vấn đề phải làm nổi bật được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua hoạch định đường lối, chính sách độc lập, sáng tạo phù hợp với quy luật tạo nên những thành tựu to lớn đó. Giảng viên không chỉ đơn thuần phân tích luận điểm, cung cấp luận cứ, luận chứng mà còn khẳng định niềm tin, sự tự hào và tin yêu của mình đối với Đảng, đối với những thành quả mà dưới sự lãnh đạo của Đảng nên nhân dân ta đã giành được trong 92 năm qua.
     Thành quả 35 năm đổi mới được Đảng ta đánh giá: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về con đường đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới…Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và ủy tín quốc tế như ngày nay”. Đồng thời, giảng viên phải phân tích để thấy được những thách thức, mà Đảng, nhân dân ta phải đối mặt, phải giải quyết trong thời gian tới “Dù đạt được những thành tựu rất quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế”
    Thứ ba, tập huấn cho đội ngũ giảng viên về cách thức phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong quá trình sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả.
    Hiện nay, mạng xã hội trở nên phổ biến trong đời sống với nhiều trang mạng như Facebook, Zalo, Viber, Skype, Instagram, Youtube mà Việt Nam là nước có tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội khá cao trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Mạng xã hội đem lại nhiều tiện ích và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có nhiều mặt trái tác động đến đời sống tinh thần của con người. Chính vì vậy, giảng viên phải nhận diện được những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.
    Đối với các bài viết xuyên tạc, thông tin sai sự thật, giảng viên cần có những lập luận mang tính khoa học, khách quan, sắc bén để phản biện, chỉ ra những sai sót, chứng cứ thiếu khoa học mà các bài viết và thông tin đó đã đưa ra. Việc viết bài, bình luận trên các trang mạng đòi hỏi ngắn gọn (khoảng từ 100 -200 từ), súc tích, rõ ý, lập luận chặt chẽ để người đọc dễ hiểu, tránh những hiểu lầm không đáng có.       
    Chính vì công tác tập huấn đối với đội ngũ giảng viên được thực hiện nghiêm túc, với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đặc thù của Nhà trường, đội ngũ giảng viên tự nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Trong thời gian qua, Trường Chính trị Lê Duẩn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong quá trình giảng dạy trên lớp, giảng viên giao tiếp với học viên đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy chế của Học viện, quy định của Nhà trường nhằm hướng đến xây dựng trường học thân thiện, chất lượng cao.
    Nhà trường xây dựng chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong Bản tin Thông tin Lý luận và Thực tiễn, Chuyên mục trên Website Trường Chính trị Lê Duẩn có địa chỉ tại: http:/truongleduanquangtri.org.vn. Đến nay, đã có 34 bài viết được đăng trong chuyên mục này. Nhiều bài viết có số lượng bạn đọc truy cập cao như “Giới thiệu tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” có đến 5.000 lượt truy cập, “Giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” với gần 1.500 lượt. Trong quá trình sử dụng các trang mạng xã hội, đội ngũ giảng viên thực hiện đúng các quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy, của Nhà trường. Đến thời điểm này, không có giảng viên nào vi phạm.
    Một số khó khăn, vướng mắc                         
    Sự phát triển của khoa học công nghệ diễn ra nhanh chóng, các trang mạng xã hội nhiều làm cho người sử dụng khó theo kịp.
     Mặc dù được tập huấn khá đầy đủ về công tác phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhưng do các thế lực thù địch tiến hành nhiều âm mưu thủ đoạn thâm độc khác nhau, tinh vi, xảo quyệt nên dẫn đến những khó khăn đối với giảng viên trong quá trình phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giảng dạy cũng như quá trình sử dụng các trang mạng xã hội. Nếu giảng viên không có thông tin đầy đủ, cập nhật và tỉnh táo, cẩn trọng thì dễ phân tích sai, chệch hướng.
     Một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn trong thời gian tới
    Thứ nhất,Đảng ủy tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới”, Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG ngày 24/9/2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW và các Nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thường xuyên và lâu dài của trường chính trị.
    Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức lối sống. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong đội ngũ giảng viên và toàn thể nhà trường tạo sự đoàn kết để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-.CT/ TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
    Thứ ba, tăng cường thực hiện các buổi sinh hoạt diễn đàn, sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề để trao đổi, thảo luận những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, chú trọng nghiên cứu các tác phẩm kinh điển nhằm giúp giảng viên nắm vững kiến thức, có phương pháp để luận giải vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, đồng thời là cơ sở để phản bác các quan điểm sai trái thù địch.
    Thứ tư, tổ chức những buổi tập huấn về kỹ năng viết bài, bình luận khi tham gia sử dụng các trang mạng xã hội.
    Có thể khẳng định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị, cán bộ đảng viên và nhân dân. Trong đó, giảng viên trường chính trị nói chung và Trường Chính trị Lê Duẩn nói riêng có vai trò quan trọng cần được nhận thức và thực hiện đầy đủ, kịp thời. Khi đội ngũ giảng viên trường chính trị thực hiện tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác lại các luận điểm sai trái thù địch không chỉ góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn làm cho nền tảng tư tưởng của Đảng có sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc và nhân loại yêu chuộng hoà bình trên thế giới.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây