TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tư tưởng

ThS.Trần Hữu Hoà
Phó Trưởng phòng TC, HC,TT,TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, cũng là nhà tư tưởng và hoạt động tư tưởng kiệt xuất của Đảng ta. Hồ Chí Minh là người khai sinh, người mở đường, người chiến sỹ đầu tiên trên mặt trận tư tưởng. Sự trưởng thành mạnh mẽ và thành tựu của công tác tư tưởng trong 90 năm qua đều bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành toàn bộ tâm huyết, nghị lực, tài năng, kinh nghiệm của mình tiến hành công tác tư tưởng để giáo dục và tổ chức quần chúng, nhằm biến đổi sâu sắc, triệt để đời sống tinh thần của xã hội cũ, tạo ra đời sống tinh thần mới, Nhân dân trở thành người làm chủ, xây dựng và sáng tạo cuộc sống văn hoá tinh thần cho mình, cho dân tộc, cho đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn hoạt động của Đảng, là một sức mạnh to lớn, một vũ khí sắc bén, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Cho nên, theo Người công tác tư tưởng được thực hiện trên các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, công tác nghiên cứu lý luận

Nghiên cứu lý luận tổng kết thực tiễn là nhiệm vụ hàng đầu của công tác tư tưởng. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác lý luận. Phát triển quan điểm của Lênin, nếu không có bước tiến trong lý luận thì cũng không có bước tiến trong tuyên truyền, cổ động cũng như trong tổ chức. Lý luận cách mạng là yếu tố tiên quyết để làm nên sự vững mạnh của Đảng: "Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy, Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng theo chủ nghĩa ấy, Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có kim chỉ nam"1. Một điều có ý nghĩa phương pháp luận to lớn trong công tác tư tưởng của Hồ Chí Minh là không dừng lại ở những nguyên lý lý luận mà Người chuyển những nguyên lý đó thành những chuẩn mực đạo đức xã hội. Những chuẩn mực được Bác nêu ra có giá trị hướng dẫn hành vi con người qua nhiều thế hệ: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ", "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" v.v... Chính Người đã mở rộng nội dung của giáo dục lý luận chính trị sang lĩnh vực giáo dục đạo đức. Người nói: Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

Thứ hai, công tác tuyên truyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa tuyên truyền một cách dễ hiểu: "Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại"2. Mục tiêu chung của tuyên truyền là phát huy lòng yêu nước, vì độc lập dân tộc, lợi ích của đất nước, làm cho Nhân dân ta hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong tuyên truyền, Hồ Chí Minh coi trọng cả tuyên truyền miệng và tuyên truyền trên báo chí. Người nhấn mạnh đến việc phát hiện nhân tố mới, nêu gương người tốt, việc tốt. Năm 1924, sau khi dự mít tinh của Trường Đại học phương Đông, trong thư gửi đồng chí Petơrốp, Tổng thư ký Ban phương Đông của Quốc tế cộng sản, Người viết: " Nói chung các dân tộc phương Đông phần nhiều là giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"3. Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục con người. Với cán bộ, đảng viên, đặc biệt khi đã có chức, có quyền. Người dặn công tác tuyên truyền cũng như báo chí hãy nêu gương những cán bộ trong sạch, gương mẫu, cần, kiệm, liêm, chính. Người nói: "Lấy gương người tốt, vic tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới"4. Từ quan điểm đó, Người đã chỉ đạo biên soạn những tập sách "Người tốt việc tốt" cho mọi người noi theo. Bản thân Bác Hồ tự mình rèn luyện và chính Người là tấm gương mẫu mực để các thế hệ người Việt Nam nguyện "sống, lao động, học tập, chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại". 

Thứ ba, công tác cổ động

Cổ động là khâu quan trọng trong công tác tư tưởng, cổ động là khâu nối tiếp chuyển từ ý thức tư tưởng sang hành động, biến nhận thức thành sức mạnh vật chất. Hồ Chí Minh cho rằng:  Muốn thắng lợi thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo. Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức, bóc lột, phải dạy cho quần chúng biết các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận thức rõ vì mục đích gì mà đấu tranh; chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng, cổ súy cho quần chúng kiên quyết làm cách mạng, làm cho quần chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi.

Muốn tiến hành cổ động có hiệu quả trước hết cần xác định "Khẩu hiệu hành động". Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng phải căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới đề ra khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ngoài khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", có các khẩu hiệu: "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Tiếng hát át tiếng bom"... Ngày nay, ngoài các khẩu hiệu: "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa", "Hòa nhập, không hòa tan" còn có các khẩu hiệu: "Xây dựng nông thôn mới", "Chung tay chống dịch COVID-19"...

Công tác tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những nội dung sâu sắc, đúng đắn đã đem lại những thắng lợi to lớn cho cách mạng Việt Nam. Đảng ta đã vận dụng những lý luận và kinh nghiệm của Người về công tác tư tưởng để thực hiện đường lối đổi mới, khơi dậy sức sáng tạo, niềm tin của quần chúng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa đất nước vượt qua những khó khăn để có được những kết quả ngày hôm nay như lời của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Việt Nam đã hội nhập và đang trên đà phát triển, việc làm tốt công tác tư tưởng góp phần ổn định chính trị, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, đòi hỏi công tác tư tưởng phải có tính chiến đấu cao mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Công tác tư tưởng phải được thực hiện đồng bộ, có chiều sâu, phải kết hợp “xây” và “chống”, tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng một cách mạnh mẽ theo các nội dung sau:
Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hai là, nắm vững, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng, đảm bảo thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội.
Ba là, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, gắn nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách, phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương phát triển, bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ./.
Tài liệu tham khảo
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội.1995. t2, tr268.
2Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội.1995. t5, tr 612.
3Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội.1995. t12, tr 499.
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập,NXb, Chính trị quốc gia, Hà Nội.1995. t12, tr558.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây