TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Chủ nghĩa duy vật lịch sử - phát kiến vĩ đại của K.Marx

(Kỷ niệm 205 năm ngày sinh của Karl Marx)
 
NCS. Trần Thiên Tú
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

 
      Chủ nghĩa Mác là hệ thống lý luận khoa học, đề cập đến nhiều nội dung, lĩnh vực của tự nhiên và đời sống xã hội. Trong những nội dung đó, Chủ nghĩa duy vật lịch sử được đánh giá là một trong những phát kiến vĩ đại của Marx; học thuyết này đã vượt qua các tư tưởng xã hội trước đó, cho chúng ta hiểu đúng và rõ hơn sự vận động, phát triển của xã hội loài người.
       Chủ nghĩa duy vật lịch sử
       Chủ nghĩa duy vật lịch sử là một bộ phận cơ bản của triết học Marxist – thường được biết đến như một học thuyết triết học duy vật biện chứng về lĩnh vực xã hội. Đó là sự kết hợp giữa thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận biện chứng duy vật vào nghiên cứu đời sống xã hội và sự vận động, phát triển của loài người trong lịch sử.
       Khác với các triết thuyết trước đây, Chủ nghĩa duy vật lịch sử lý giải sự thay đổi của xã hội loài người bằng sự phát triển của trình độ sản xuất, bắt đầu bằng sự cải tiến của công cụ lao động. Trình độ sản xuất thay đổi khiến quan hệ sản xuất cũng thay đổi dẫn đến những mối quan hệ xã hội thích ứng với những quan hệ sản xuất đó cùng với những tư tưởng nảy sinh ra từ những quan hệ xã hội đó cũng thay đổi. Khi cơ sở hạ tầng thay đổi thì kiến trúc thượng tầng được xây dựng trên nó cũng sẽ biến đổi theo. Sự vận động của kinh tế kéo theo sự thay đổi ở hệ thống chính trị.
       Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx trở thành phương pháp luận của nhiều nhà nghiên cứu trong các bộ môn như kinh tế học, lôgic học, sử học, xã hội học...
       Phát kiến vĩ đại
       Từ khi ra đời, nhờ tính sáng tạo khoa học mà chủ nghĩa duy vật lịch sử đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn, mở ra một cách nghiên cứu mới về lịch sử xã hội, được coi là một trong các phát kiến vĩ đại của Marx.
       Trước đây, khi đề cập về nguồn gốc, sự vận động và phát triển của xã hội, con người thường đứng trên quan điểm duy tâm, dựa vào các học thuyết thần học, tôn giáo để giải thích: sự xuất hiện của loài người, sự phát triển của lịch sử đều do ý chí của các thế lực bên ngoài tác động như chúa trời, thượng đế, các vị thần, … hay do năng lực, sự thông minh của các bậc vĩ nhân xuất chúng quyết định.
       Đối với các nhà duy vật, họ chỉ thể hiện tính đảng của mình trong các vấn đề của tự nhiên, nhưng khi giải thích đến các hiện tượng xã hội thì họ lúng túng, rơi vào chủ nghĩa duy tâm. Theo họ, xã hội là tập hợp của những con người, mà hoạt động của những con người đó lại chịu sự chi phối của suy nghĩ, lợi ích, năng lực, trình độ nhận thức… của họ - nói cách khác, sự vận động của xã hội phải chịu sự quy định của ý thức. Điều đó luận giải cho lý do họ đi tới một kết luận duy tâm rằng là, trong lĩnh vực xã hội, ý thức chính là cái quyết định.
       Cái vĩ đại của Marx được nói trong bài phát biểu của F. Engels trước mộ ông: Giống như Đác-uyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Marx đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người: Cái sự thật đơn giản nhưng đã bị tầng tầng lớp lớp các tư tưởng phủ kín cho đến ngày nay, đó là con người trước hết cần phải có cái ăn cái uống, quần áo và chỗ ở, rồi sau đó mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo...; vì vậy, việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp, và mỗi giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo ra cơ sở để người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và cả tôn giáo nữa, cho nên phải xuất phát từ cơ sở đó mà giải thích những cái kia, chứ không phải ngược lại, như từ trước đến nay người ta đã làm[1].
       Còn đối với V.I.Lênin, ông khẳng định: Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện, vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị[2].
       Rõ ràng, Chủ nghĩa duy vật lịch sử thể hiện một tư duy mới, một tư duy sáng tạo, khoa học, vượt lên tất cả các tư tưởng trước đây. Nó giải thích sự phát triển của xã hội bằng các yếu tố vật chất, các lực lượng vật chất, các điều kiện vật chất của xã hội. Marx là người đầu tiên đã áp dụng phép biện chứng duy vật vào nghiên cứu lĩnh vực xã hội, từ đó đưa ra quan điểm duy vật về lịch sử và xây dựng học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội. Theo Marx, sản xuất vật chất là cơ sở của sự tồn tại và phát triển xã hội, chính sản xuất vật chất là nguyên nhân sâu xa nhất tạo nên sự biến đổi và phát triển các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, tinh thần, pháp luật, đạo đức..., chứ không phải ngược lại. Cái thúc đẩy sự vận động của lịch sử không phải là sức mạnh siêu tự nhiên, cũng không phải là những tư tưởng hay ý chí của con người, của các vĩ nhân, mà chính là sản xuất vật chất.
      Sự vĩ đại của Chủ nghĩa duy vật lịch sử còn thể hiện ở vai trò là cơ sở lý luận cho sự tiêu tan của giai cấp, nhà nước và cả chế độ tư bản chủ nghĩa hiện tồn, luận giải sự tất yếu của một chế độ mới, một xã hội mới tốt đẹp hơn – Chủ nghĩa cộng sản. Bắt nguồn từ phát hiện về vấn đề tư hữu là nguồn gốc của các mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản. Những mâu thuẫn đó phải được giải quyết thông qua sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, và chính giai cấp công nhân là người đứng lên làm cách mạng xã hội, xoá bỏ áp bức bóc lột, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Có thể nói, bên cạnh ý nghĩa đối với triết học, sự ra đời của Chủ nghĩa duy vật lịch sử còn là cơ sở lý luận cho sự ra đời của Chủ nghĩa xã hội khoa học.
       Nội dung cơ bản
       Chủ nghĩa duy vật lịch sử khẳng định rằng, sự vận động, phát triển của xã hội chịu sự quyết định của các hoạt động vật chất, yếu tố vật chất, các quan hệ vật chất có trong xã hội, hay nói cách khác, chính tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.
Chủ nghĩa duy vật lịch sử bao gồm các nội dung về phương thức sản xuất, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, các vấn đề về giai cấp, cách mạng xã hội, nhà nước, vấn đề con người, về ý thức xã hội và tồn tại xã hội. Trong đó, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội được xem là nội dung cốt lõi.
       Trong mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, trình độ của lực lượng sản xuất chính là cái quyết định các quan hệ sản xuất có trong xã hội. Lực lượng sản xuất phát triển, thể hiện ở sự phát triển của người lao động (thể lực, kỹ năng, trình độ, …) phát triển ở tư liệu sản xuất (công cụ lao động càng ngày được cải tiến, phương tiện sản xuất ngày càng hiện đại, đối tượng lao động ngày càng mở rộng, …), đã làm cho quan hệ sản xuất phù hợp trước đây trở nên lỗi thời và mâu thuẫn; các quan hệ sản xuất lỗi thời, lạc hậu sẽ phải được thay đổi bằng các quan hệ sản xuất mới tiến bộ hơn. Trong xã hội có giai cấp, sự thay đổi đó diễn ra thông qua các cuộc cách mạng xã hội.
       Trong một xã hội, tồn tại rất nhiều hình thức sở hữu khác nhau – nhiều thành phần kinh tế hay nhiều loại quan hệ sản xuất khác nhau, người ta có thể chia thành ba loại: quan hệ sản xuất tàn dư, quan hệ sản xuất thống trị và quan hệ sản xuất mầm móng. Tổng hợp các quan hệ sản xuất khác nhau có trong xã hội đó được gói gọn trong khái niệm cơ sở hạ tầng. Trong mối quan hệ với kiến trúc thượng tầng tương ứng, cơ sở hạ tầng là cái quyết định. Hay nói cách khác, các quan hệ sản xuất quyết định các thiết chế tương ứng được xây dựng trên nó – Kinh tế quyết định Chính trị.
       Khi cơ sở hạ tầng thay đổi, nó kéo theo sự thay đổi của kiến trúc thượng tầng, Hình thái kinh tế - xã hội cũ sẽ được thay thế bằng một hình thái kinh tế - xã hội mới tiến bộ hơn. Như vậy, lịch sử loài người là lịch sử thay thế của những hình thái kinh tế - xã hội khác nhau, sự phát triển của lịch sử như là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Xét cho cùng, sự thay thế của những hình thái kinh tế - xã hội không phải xuất phát từ các quan hệ chính trị mà là do sự thay đổi bắt nguồn từ các quan hệ sản xuất.
       Chủ nghĩa duy vật lịch sử đã phát hiện ra những quy luật chung nhất của sự vận động phát triển của lịch sử, là nguyên nhân dẫn đến sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội thấp đến trình độ cao hơn. Từ đó, luận giải cho một cuộc cách mạng để giải quyết các mâu thuẫn đang tồn tại trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa, để đưa đến một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn: cộng sản chủ nghĩa.
       Vấn đề bảo vệ Chủ nghĩa duy vật lịch sử trong giai đoạn hiện nay
       Đây là một học thuyết khoa học, thể hiện tính đảng của K.Marx
       Chủ nghĩa duy vật lịch sử là sự kết tinh của những thành tựu nghiên cứu của khoa học nhân loại đạt được trong thế kỷ XIX, kế thừa những tinh hoa của các học thuyết xã hội trước đó, đặc biệt là dựa vào thực tiễn phong trào đấu tranh của các giai cấp trong lịch sử xã hội và của giai cấp công nhân trong lòng chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó là những cơ sở lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Marx nói chung và chủ nghĩa duy vật lịch sử nói riêng. Trong học thuyết lý luận này, Marx đã thể hiện rõ tính đảng trong triết học của mình, luôn luôn giữ vững lập trường, đứng trên thế giới quan duy vật biện chứng để phát triển và bảo vệ học thuyết.
       Là học thuyết mở, cần luôn bổ sung, phát triển
       Mỗi một tư tưởng đều nảy sinh trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, chịu sự chi phối của những điều kiện lúc đó. Thực tiễn xã hội luôn luôn thay đổi, vì vậy, học thuyết của Marx muốn giữ vững tính khoa học, vẫn là nền tảng tư tưởng chỉ đạo cho phong trào đấu tranh của nhân dân và nhân dân lao động trên toàn thế giới thì học thuyết này cần luôn được bổ sung, hoàn thiện và phát triển. Mặc dù đã là một học thuyết khoa học, cách mạng, V.I.Lênin đã nhắc nhở “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống” [3].
       Chủ nghĩa duy vật lịch sử được K.Marx sáng tạo trong thế kỷ XIX, trong lòng xã hội tư bản ở Châu Âu. Những người marxist sau này phải có trách nhiệm kế thừa di sản của Marx, càng ngày càng làm sáng tỏ các luận điểm của Marx, bổ sung, và phát triển để chủ nghĩa Marx ngày càng hoàn thiện, sát với thực tiễn hơn.
       Đối với Việt Nam, bên cạnh việc bảo vệ học thuyết, chúng ra cần phải làm rõ hơn các vấn đề của chủ nghĩa duy vật lịch sử trong xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện nay, như các vấn đề giai cấp, đấu tranh giai cấp; xây dựng lực lượng sản xuất trong thời kỳ đổi mới; xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng ý thức mới, con người mới – con người xã hội chủ nghĩa, …
       Giữ vững lập trường của người cộng sản, kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa
       Trong hoàn cảnh hiện nay, nhất là sau khi phong trào chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu rơi vào thoái trào, các lực lượng phản cách mạng luôn tìm cách chống phá, ngăn cản sự lan rộng của chủ nghĩa Marx vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Những quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử như về giai cấp và đấu tranh giai cấp, nhà nước và cách mạng, quá trình lịch sử - tự nhiên của sự phát triển xã hội, … bị các thế lực thù địch, phản động chống phá, xuyên tạc nhằm hạ bệ vị trí, vai trò cũng như uy tín của những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin.
       Đứng trước tình hình đó, mỗi cán bộ, đảng viên trước tiên phải thấm nhuần kiến thức của chủ nghĩa Mác – Lê nin, giữ vững lập trường, tư tưởng, vận dụng được thế giới quan và phương pháp luận mác xít vào đấu tranh, bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng.
       Thành tựu của hơn 35 năm đổi mới đất nước là cơ sở thực tiễn sống động, lời kết luận đanh thép nhất cho sự đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về lý tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin mà không có thế lực thù địch nào có thể phủ nhận được. Đó là cơ sở cho niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào con đường cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn./.
 

[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 19, tr.496.
[2] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2005, tập 23, tr.53
[3] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2005, tập 4, tr.232.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây