Xây dựng nền quốc phòng toàn dân-Tư tưởng quân sự thiên tài của Hồ Chí Minh
- Thứ bảy - 05/12/2015 10:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2011), 22 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2011) là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc, truyền thống và những chiến công oanh liệt của quân đội và nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục lòng yêu nước nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong sự nghiệp đấu tranh đó, chúng ta tự hào về tư tưởng quân sự thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng chiến tranh nhân dân của Người đã dẫn đường cho sự nghiệp xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân là sự kế thừa và phát triển truyền thống mấy ngàn năm đánh giặc giữ nước của dân tộc ta đồng thời là sự vận dụng sáng tạo quan điểm "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Trước hết, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền quốc phòng toàn dân phải là nền quốc phòng mang tính chất nhân dân. Nền quốc phòng đó do toàn dân xây dựng nên nhằm bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người khẳng định " Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân thực chất là nghệ thuật hình thành, phát huy và sử dụng sức mạnh tổng hợp của quần chúng, xây dựng thế trận lòng dân. Người luôn quan tâm xây dựng quân đội ta thực sự là quân đội của nhân dân “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Người nhắc nhở: phải nhớ rằng nhân dân là chủ; dân như nước, quân như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân mà có. Theo Hồ Chí Minh phương thức duy nhất để xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh là phải dựa vào dân “nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Người căn dặn bộ đội “Mình đánh giặc là vì nhân dân nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân, phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được” . Chỉ có dựa vào thế trận lòng dân, quân với dân một ý chí thì quân đội ta mới có thể có được sức mạnh để “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” . Bài học lịch chỉ ra rằng chỉ cậy vào “quân đông, thành vững” mà bỏ lòng dân tất sẽ thất bại.
Thứ hai, Hồ Chí Minh chủ trương chiến tranh nhân dân phải có lực lượng vũ trang với ba thứ quân làm nòng cốt, có hậu phương vững mạnh.
Xây dựng lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đây là hình thức tổ chức thích hợp nhất để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc. Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân trong mặt trận dân tộc thống nhất để động viên sức mạnh toàn dân vào công cuộc kháng chiến cứu nước và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng lực lượng quân sự đi đôi với xây dựng lực lượng chính trị rộng khắp, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với ba thứ quân là xây dựng một nền quốc phòng toàn dân vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Ðảng.
Hậu phương vững chắc là một trong những nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi trong chiến tranh đặc biệt là chiến tranh nhân dân. Đối với Hồ Chí Minh, hậu phương không chỉ là sức mạnh vật chất, nguồn nhân lực mà còn là sức mạnh tinh thần, trong đó lòng dân là sức mạnh to lớn của thế trận quốc phòng toàn dân. Người chỉ rõ: “Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể thắng lợi được” . Đó là nhân tố quyết định thắng lợi trong các cuộc kháng chiến của nhân dân ta từ chống Pháp, đuổi Nhật đến chống Mỹ xâm lược và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Thứ ba, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng quốc phòng hiện đại, quốc phòng gắn liền với an ninh.
Để xây dựng nền quốc phòng hiện đại, Hồ Chí Minh xác định hiện nay khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển, các thế lực thù địch mà đặc biệt là đế quốc Mỹ đã chế tạo và sản xuất nhiều hệ vũ khí, trang bị mới, rất hiện đại với những thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ tiên tiến đưa vào chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Bởi vậy, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội” , mục tiêu của công nghiệp hóa là nhằm “phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng”. Xây dựng nền quốc phòng hiện đại là xây dựng quân đội ta thành một đội quân chính quy ngày càng hiện đại, có đủ các binh chủng hợp thành, có “quả đấm chủ lực mạnh” … Bởi vì, nền quốc phòng vững mạnh không thể thiếu một quân đội thường trực mạnh làm nòng cốt. Ngay từ những năm đầu miền Bắc mới giải phóng, Người sớm chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu chọn người đi học các quân chủng, binh chủng kỹ thuật cao như phòng không, không quân, chuẩn bị khung cán bộ cho các binh chủng mới như bộ đội xe tăng, phòng không, tên lửa, hóa học…Nhờ vậy, tính đến năm 1960, trong quân đội ta từ chỗ đơn thuần là bộ binh, thì nay các binh chủng kỹ thuật nối tiếp nhau ra đời, chiếm tới 49% tổng số quân. Khi yêu cầu chiến đấu đặt ra, quân đội ta hoàn toàn chủ động, có bộ máy chỉ huy lãnh đạo được đào luyện cơ bản, có đội ngũ cán bộ chính trị, quân sự, kỹ thuật, hậu cần đồng bộ và đã đánh thắng ngay từ trận đầu.
Cùng với xây dựng nền quốc phòng hiện đại, Hồ Chí Minh chủ trương phải gắn quốc phòng với an ninh. Người chỉ rõ: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là công an, để chống kẻ địch trong nước, bọn phá hoại” . Hai lực lượng này tuy có chức năng khác nhau nhưng cùng có chung một đối tượng là kẻ thù của dân tộc và giai cấp. vì vậy, bất cứ nhiệm vụ nào của quốc phòng và an ninh đều có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai lĩnh vực đó với nhau nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng của Đảng và của nhân dân ta. Làm tốt công tác an ninh trật tự, giữ cho bên trong được bảo đảm an toàn về mọi mặt là tạo điều kiện cho sự vững chắc về quốc phòng; ngược lại, quốc phòng vững mạnh có tác dụng răn đe các thế lực xâm lược, chống đối, góp phần tích cực vào việc giữ vững củng cố an ninh quốc gia.
Thứ tư, Nghệ thuật phát huy cao độ sức mạnh toàn dân đánh giặc với nhiều phương thức linh hoạt, sáng tạo từ hậu phương đến chiến trường nhằm “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều” trong tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh đã tạo nên một nghệ thuật chiến tranh nhân dân hết sức độc đáo của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta đoàn kết thành một khối thống nhất, nhiều phong trào phục vụ cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ dâng cao trong mọi giới, mọi ngành. Phong trào "chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm", "hậu phương thi đua với tiền phương", "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng"… là những phong trào thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính, thi hành đúng đắn chính sách của Đảng và Chính phủ, thực hiện các chính sách bồi dưỡng sức dân để kháng chiến lâu dài. Trong kháng chiến chống Mỹ nhiều phong trào hành động cách mạng: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền nam ruột thịt”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,“Chắc tay súng, vững tay cày”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Làm nghìn việc tốt” ... Nhờ vậy, sức mạnh chiến đấu của toàn dân được nhân lên gấp bội, huy động cao độ sức người, sức của từ hậu phương cho tiền tuyến lớn. Đó là quyết tâm cao nhất của cả nước đối với sự nghiệp giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Chính nghệ thuật chiến tranh nhân dân đó đã tạo nên yếu tố bất ngờ ngay cả với những cổ máy chiến tranh hùng mạnh, với những lực lượng vật chất giàu có bậc nhất, với những đội quân được trang bị đến tận chân răng, với hàng ngũ các tướng lĩnh hiếu chiến được đào tạo bài bản nhưng tất cả đó không thắng được một thế trận lòng dân đoàn kết, một nghệ thuật quân sự sâu sắc được chỉ đạo bởi tư tưởng quân sự thiên tài của Hồ Chí Minh.
Tư tưởng xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân của Hồ Chí Minh là ngọn cờ lãnh đạo, tập hợp, động viên, cổ vũ nhân dân ta, quân đội ta làm nên kỳ tích vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ðó là sức mạnh toàn dân đánh giặc, sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân được xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng ấy xuất phát từ tính chất của cuộc chiến tranh yêu nước, chính nghĩa chống xâm lược, cuộc chiến tranh nhân dân với chủ nghĩa yêu nước được phát huy cao độ bằng thế trận lòng dân vững chắc. Đó là kết tinh của nghệ thuật xây dựng nền quốc phòng toàn dân vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là tư tưởng thiên tài của Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, lợi ích của các quốc gia đan xen lẫn nhau và có những diễn biến phức tạp khó lường. Trong thập niên tới, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, nhưng xung đột sắc tộc và tôn giáo, tranh giành tài nguyên và lãnh thổ, nạn khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia có thể gia tăng. Vận dụng quan điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta đã chỉ rõ: phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, tăng cường cơ sở vật chất- kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự, an ninh, đánh thắng chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao của các thế lực thù địch.
Trần Hữu Hòa
GV Khoa LLM-L,TTHCM