Xây dựng gia đình văn hóa ở xã Gio Hải và những vấn đề đang đặt ra hiện nay
- Thứ bảy - 05/12/2015 15:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gio Hải là một xã nằm ở phía đông huyện Gio Linh, tỉnh quảng Trị, liền kề cảng Cửa Việt với dân số 815 hộ, 3.860 nhân khẩu. Đây là xã có truyền thống cách mạng. Đảng bộ và nhân dân xã Gio Hải 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (vào năm 1969 và 1995). Phát huy truyền thống anh hùng của xã nhà, Đảng bộ và nhân dân xã Gio Hải không ngừng phấn đấu để đưa quê hương ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp. Trong đó, xây dựng gia đình văn hóa là một mục tiêu quan trọng.
Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Gio Hải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cho nên công tác gia đình và xây dựng gia đình văn hóa đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Xây dựng gia đình văn hóa luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã Gio Hải xem là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng; phong trào thi đua yêu nước của cơ sở; là tiêu chí để Mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp xét công nhận danh hiệu “gia đình văn hoá”, “đơn vị văn hóa” hàng năm.
Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2010 – 2015, đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo tinh thần Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) và Chỉ thị 32 của Tỉnh ủy Quảng Trị; phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa đi vào chiều sâu, thiết thực và đạt hiệu quả cao, tất cả các thôn trong xã đã đăng ký xây dựng làng văn hóa. Hiện nay, đã có 3 trong tổng số 6 làng đã được huyện công nhận là làng văn hóa, 3/3 cơ quan được công nhận là đơn vị văn hóa. Số gia đình đạt danh hiệu văn hóa hàng năm đều tăng lên. Năm 2002 toàn xã có 52 % gia đình văn hoá, đến năm 2010 trên 70% gia đình văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo năm từ 31.7% (2005 theo tiêu chí mới), giảm còn 13.3 % năm 2010 ; Hầu hết nam nữ thanh niên được tuyên truyền hiểu biết kiến thức về tiền hôn nhân, hôn nhân và gia đình. Trên 90% hộ gia đình được tuyên truyền giáo dục về Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em. 100% gia đình thuộc diện chính sách, xã hội được quan tâm chăm sóc giúp đỡ. Tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới trong gia đình bước đầu được ngăn chặn đẩy lùi. Những kết quả đạt được từ việc xây dựng gia đình văn hóa đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đó là việc xây dựng mô hình, điển hình về công tác gia đình, phong trào xóa đói, giảm nghèo đạt được nhiều kết quả, với những mô hình phát triển kinh tế trang trại, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng... đã tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình như: thôn Diêm Hà Trung, Diêm Hà Hạ, Hà Lợi Tây.... Các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” “uống nước nhớ nguồn”, “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học”...được nhân rộng và nhân dân đồng tình ủng hộ cao, góp phần tôn vinh, bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình và cộng đồng.
Đặc biệt, xã Gio Hải đã thành lập được Câu lạc bộ (CLB)“phòng chống tội phạm, bạo lực gia đình”. Tính đến nay tất cả 6 thôn của xã đều có câu lạc bộ “phòng chống tội phạm, bạo lực gia đình” với gần 50 hội viên tham gia. Câu lạc bộ đi vào hoạt động đã tạo được sự chuyển biến tốt, trong cuộc sống, tạo sự hoà thuận, êm ấm hạnh phúc trong gia đình, con cái được quan tâm dạy dỗ, các cháu trở nên chăm ngoan, nền nếp, tình làng nghĩa xóm được củng cố và trở thành khu dân cư văn hóa.
Hiệu quả rõ nét nhất của các CLB là đã kịp thời có những biện pháp xử lý, hòa giải và đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi nhiều vụ việc tiêu cực, tránh được sự rạn nứt dẫn đến đổ vỡ của nhiều gia đình, chăm lo, bảo vệ phụ nữ và trẻ em - nạn nhân chủ yếu của các vụ bạo lực gia đình, giảm đáng kể các vụ bạo lực gia đình, củng cố mối quan hệ, đoàn kết cộng đồng trong các khu dân cư.
Ngoài ra, các thôn còn duy trì và mở rộng các hình thức bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em như CLB “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; củng cố, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình “tổ văn hóa”; “xóm văn hóa”.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trên địa bàn xã đã thực sự quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của xã hội nói chung và của các gia đình nói riêng. Việc giáo dục nền nếp, truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được quan tâm; Nếp sống văn minh cơ sở trong việc cưới, việc tang, và lễ hội, phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường xanh – sạch - đẹp, môi trường xã hội có nhiều tiến bộ. Các hoạt động văn hóa, lễ hội đã thu hút, động viên đông đảo nhân dân tham gia, củng cố và phát huy tình làng nghĩa xóm, xây dựng cộng đồng, khu dân cư đoàn kết văn hóa, các mâu thuẫn trong dân được Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể phát hiện và hoà giải kịp thời, nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện được giải quyết ngay từ cơ sở…Đây là những nhân tố củng cố và tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, làm cơ sở để giữ vững ổn định tình hình chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị trong sạch vững mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở xã Gio Hải hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đó là tình trạng một số hộ gia đình trẻ đi làm kinh tế ở xa, con cái thiếu sự chăm sóc của bố mẹ, những giá trị đạo đức và văn hóa gia đình truyền thống đang ngày ngày bị xói mòn; mâu thuẫn vợ chồng, tư tưởng trọng nam khinh nữ, tình trạng bạo lực gia đình... cũng là nguyên nhân dẫn đến các cặp vợ chồng ly hôn có xu hướng ngày càng tăng. Những nguyên nhân trên đã đe dọa đến sự phát triển bền vững của xã hội, xói mòn giá trị văn hóa bền vững vốn có của gia đình và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các gia đình, nhất là của trẻ em. Một số gia đình chưa thực sự quan tâm chú ý đến việc học tập, tu dưỡng của con cái, vì vậy có nhiều trẻ em mắc vào các tệ nạn xã hội mà cha mẹ không biết; hiện tượng bạo lực gia đình, tình trạng trẻ em bị đánh đập vẫn còn xảy ra…
Để đạt được mục tiêu: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội” theo văn kiện Đại hội XI của Đảng, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước và thực hiện thành công Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015 trong thời gian tới đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gio Hải cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của gia đình và xây dựng gia đình văn hoá; xác định xây dựng gia đình văn hoá là một trong những nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hoá” ở cơ sở, là nhiệm vụ của cả hệ thống thống chính trị.
Thứ hai, giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình, dân tộc đi liền với việc tiếp thu những giá trị tiến bộ của gia đình hiện đại, cao hơn nửa là để vun đắp tình yêu quê hương, Tổ quốc trong mỗi thành viên gia đình. Tình yêu này được thể hiện hằng ngày ở việc chấp hành pháp luật một cách nghiêm túc, ra sức lao động chân chính nhằm cải thiện đời sống và góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh
Thứ ba, để xây gia đình văn hóa đạt kết quả tốt, cần thực hiện nghiêm túc công tác dân số, gia đình và trẻ em, đưa các hoạt động đó đi vào nền nếp, vào từng gia đình, có chiều sâu và mang tính bền vững. Tăng cường công tác tuyên truyền đến từng gia đình, nâng cao vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, nhất là hội phụ nữ. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Xây dựng hương ước, quy ước làng xã, về xây dựng gia đình ít con, gia đình hiếu học; việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá” cần tiến hành một cách nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn.
Thứ tư, xây dựng gia đình văn hóa phải gắn với các phong trào khác, như xây dựng tổ văn hóa, xóm văn hóa... Đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, khu dân cư, tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận với các kiến thức kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, kỹ thuật và phúc lợi xã hội... giúp các gia đình có kỹ năng sống, chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Thứ năm, tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm làm băng hoại giá trị trong gia đình; loại trừ các hủ tục trong đời sống xã hội và các tệ nạn đang diễn ra trong đời sống gia đình.
Phát huy những thành tích, kết quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân xã Gio Hải đã, đang và sẽ vững bước trên con đường đổi mới, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, huy động mọi nguồn lực và sức mạnh của toàn dân, quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đảng bộ lần thứ XVI nhiệm kỳ 2010 - 2015, củng cố và xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội, góp phần quan trọng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trần Văn Toàn
Khoa XDĐ