TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Vai trò của chiến khu Ba Lòng trong kháng chiến chống Pháp. Những giá trị tiếp tục cần được phát huy


 
                                                                           ThS. Hoàng Tiến Dũng
                                                                           Khoa Xây dựng Đảng
   Ngày 6/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 49/QĐ-TTg công nhận xã Ba Lòng, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị là xã An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Quảng Trị trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh nói chung và xã Ba Lòng nói riêng; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến vùng căn cứ địa cách mạng, ghi nhận sự đóng góp to lớn của quân và dân địa phương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Được công nhận là xã An toàn khu sẽ mở ra cho xã Ba Lòng cơ hội mới trên con đường xây dựng và phát triển.
    Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ba Lòng (9/2/1964 - 9/2/2024), chúng ta cùng ôn lại những đóng góp của quân dân Ba lòng trong cuộc kháng chiến chống Pháp để thế hệ hôm nay và mai sau thấy được những giá trị đó cần phải được giữ gìn, trân quý. Để làm được điều đó, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục cần phải tiếp tục phát huy những giá trị ấy trong điều kiện hiện nay, để chiến khu không chỉ là “bất khả xâm phạm” trong kháng chiến mà còn trở thành địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh vững mạnh trên cơ sở những lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên.
   Kính thưa quý vị đại biểu, với những suy nghĩ ấy, trong phạm vi tham luận này, cho phép tôi được trình bày 4 nội dung:
   Thứ nhất, vài nét khái quát vị trí địa lý và quá trình thành lập của chiến khu Ba Lòng.
   Chiến khu Ba Lòng cách thị xã Quảng Trị chừng 10km về phía Tây theo đường sông Thạch Hãn; cách thị xã Ðông Hà khoảng 45km về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 9. Ba Lòng ở vào vị trí trung tâm của khu vực Bình Trị Thiên (cách thành phố Huế 80 km về phía Nam, cách thành phố Đồng Hới 150km về phía Tây Bắc). Ba Lòng là một thung lũng nằm ở thượng nguồn sông Thạch Hãn. Xung quanh là đồi núi cao hiểm trở, cao nhất là đỉnh núi Tà Lao (814m). Việc giao lưu, liên lạc của lực lượng kháng chiến Quảng Trị với các tỉnh bạn khá thuận lợi. Từ Ba Lòng tỏa đi khắp các vùng trong tỉnh, nối dài với chiến khu Dương Hòa của Thừa Thiên Huế và các tỉnh phía Nam, cũng như từ đây đi ra phía tây Quảng Bình và vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh được an toàn và dễ dàng đến biên giới Việt Lào. Từ Ba Lòng quân ta có thể tiến công địch từ khắp mọi phía bằng bộ binh, đồng thời vận chuyển lương thực, thực phẩm, quân khí, quân nhu từ Thanh - Nghệ - Tĩnh vào, từ đồng bằng Triệu Hải lên Ba Lòng và từ Ba Lòng đi khắp nơi. Ðịa hình này đảm bảo các điều kiện để xây dựng một căn cứ kháng chiến, phù hợp với chiến tranh du kích của ta nhưng lại gây khó khăn cho địch khi chúng tấn công. Ðất đai trong khu vực thung lũng lại rất màu mỡ, rừng lại có nhiều lâm thổ sản hội đủ các điều kiện cần thiết để sản xuất lương thực đảm bảo tự cấp tự túc cho lực lượng kháng chiến trong điều kiện bị bao vây, bị cắt đứt liên lạc với bên ngoài. Tất cả những điều đó khẳng định vùng đất Ba Lòng hội đủ các điều kiện thành lập một chiến khu an toàn và phát triển.
    Ngày 14-4-1947, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mở cuộc họp tại Teng Teng vùng núi huyện Triệu Phong, quyết định chọn “vùng đất phía tây hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng, từ Hòn Linh, Bợc Lở, qua Khe Su, Khe Cau, Ba Lòng kéo dài xuống Bơơng; phía Hòn Linh kéo dài xuống Hải Đạo để xây dựng căn cứ cách mạng - gọi là chiến khu Ba Lòng”.
    Thứ hai, vai trò của chiến khu Ba Lòng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
   * Chiến khu Ba Lòng là nơi các cơ quan lãnh đạo của tỉnh Quảng Trị đặt trụ sở, đồng thời là nơi diễn ra các đại hội, hội nghị, cuộc họp có tính chất quyết định đến sự chuyển biến của công cuộc kháng chiến ở Quảng Trị.
    Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ hai diễn ra vào tháng 11-1947, tại khe Su thuộc chiến khu Ba Lòng. Dự Đại hội có 90 đại biểu, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - UVTW Đảng, Bí thư phân khu ủy Bình Trị Thiên về dự và chỉ đạo Đại hội. Đánh giá tình hình một năm lãnh đạo kháng chiến của Đảng bộ, Đại hội đã đánh giá toàn diện tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tình hình địch - ta, khẳng định thế đang phát triển theo hướng có lợi cho ta; địch có nhiều âm mưu nham hiểm nhưng đang gặp khó khăn, lúng túng. Quân dân Quảng Trị đã vững vàng, tự lực cánh sinh kiên quyết đấu tranh cách mạng. Vùng đồi núi và một phần nông thôn đồng bằng được giữ vững. Thế liên hoàn giữa các vùng đồng bằng, miền biển với miền núi được đảm bảo. Chiến khu Quảng Trị đã nối liền với các chiến khu của các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Bình. Đại hội vạch rõ phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn mới là: Lãnh đạo nhân dân phải vừa sản xuất vừa chiến đấu vừa đánh bại các cuộc càn quét của địch. Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ gồm 15 uỷ viên. Đồng chí Đặng Thí được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.
       Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ba khai mạc ngày 20-3-1949 tại chiến khu Ba Lòng. Dự Đại hội có 82 đại biểu chính thức, 50 đại biểu dự thính. Sau 6 ngày làm việc, Đại hội đã nghiêm túc kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, của Tỉnh uỷ trong nhiệm kỳ qua. Đại hội nhất trí đánh giá: “Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh ngày càng thấy rõ đường lối, chính sách chung của Đảng và Chính phủ là đúng đắn, nội bộ đoàn kết nhất trí, lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời, sát thực tế…”. Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là đẩy mạnh chiến lược chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp; củng cố và kiện toàn chính quyền; xây dựng nếp sống văn hoá mới; xây dựng Đảng theo phương châm trọng tâm là huấn luyện cán bộ, đảng viên. Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ gồm 13 uỷ viên. Đồng chí Nguyễn Quang Xá được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.
     Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ tư diễn ratừ ngày 25/4 đến 6/5/1950, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, họp tại chiến khu Ba Lòng xã Triệu Nguyên. Dự Đại hội có 119 đại biểu chính thức. Trong suốt 12 ngày làm việc, Đại hội đã quán triệt Nghị quyết Hội nghị cán bộ toàn quốc lần thứ 3 về “Gấp rút hoàn thành việc chuẩn bị để chuyển sang tổng phản công”; bàn việc thực hiện tổng động viên, tập trung sức lực tiêu diệt thực dân Pháp và chống bọn can thiệp Mỹ. Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ gồm 21 uỷ viên, trong đó có 6 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Trần Trọng Hoãn được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.
    Có thể khẳng định rằng, tại chiến khu Ba Lòng, mọi chủ trương, đường lối, mệnh lệnh, chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Bộ tổng tư lệnh đã được quán triệt và vận dụng phù hợp với chiến trường Quảng Trị. Từ đây các chủ trương, Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ đã được truyền đạt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cuộc kháng chiến ở Quảng Trị. Vì vậy, chiến khu Ba Lòng  được xem là trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến của tỉnh Quảng Trị.
    * Chiến khu Ba Lòng là trạm dừng chân an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, các đoàn cán bộ của các liên khu ra Bắc vào Nam
    Chiến khu Ba Lòng còn là trạm dừng chân an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, các đoàn cán bộ của Liên khu ra bắc vào Nam. Đoàn của đồng chí Lê Đức Thọ, dừng chân tại Ba Lòng năm 1949; đoàn của đồng chí Phạm Văn Đồng đến chiến khu năm 1951. Năm 1952, đồng chí Lê Duẩn, công tác tại Trung ương cục Miền Nam trên đường ra bắc làm việc với Trung ương Đảng, với Bác Hồ có ghé lại cơ quan Tỉnh ủy Quảng Trị đóng tại Ba Lòng.
    Các đoàn cán bộ dừng chân tại đây đều mang đến cho Tỉnh ủy, các cơ quan lãnh đạo khác của Tỉnh Quảng Trị và Phân khu Bình - Trị - Thiên những ý kiến rất có ý nghĩa trong công tác lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Đó là những kinh nghiệm, bài học xương máu mà những nơi khác đã trải qua. Quảng Trị không bị cô lập, mà luôn tiếp nhận được đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, những chỉ thị, nghị quyết của Liên khu, Phân khu,… Nhờ đó mà Tỉnh ủy Quảng Trị đã lãnh đạo nhân dân trải qua những giai đoạn hết sức vẻ vang và kiên cường.
    * Chiến khu Ba Lòng là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng kháng chiến và nhân dân Quảng Trị để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp
    Trước hết chiến khu Ba Lòng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến và lực lượng vũ trang, tránh sự truy quét và tiêu diệt của thực dân Pháp. Với địa hình hiểm trở, đồi núi bao bọc, cư dân có truyền thống yêu nước nồng nàn, Ba Lòng thực sự trở thành chiến khu bảo vệ lực lượng kháng chiến an toàn nhất, không cho kẻ thù thực hiện những âm mưu chính trị và quân sự của chúng, đồng thời tại đây đã duy trì được ngọn lửa kháng chiến tập trung, thống nhất.
    Chiến khu Ba Lòng làm tròn vai trò hậu phương kháng chiến: “Tất cả các nguồn dự trữ về hậu cần cho chiến trường Quảng Trị đều được đưa về Ba Lòng cất giấu bí mật. Đó là nguồn lương thực, thực phẩm, quân khí, quân nhu từ Thanh - Nghệ - Tĩnh vào hoặc từ đồng bằng Triệu Hải lên, sản phẩm của hàng ngàn người lao động ở chiến khu làm ra” . Vì vậy trong hoàn cảnh bao vây kinh tế, thiên tai phá hoại,… chiến khu Ba Lòng luôn đảm bảo nhiệm vụ tư cung, tự cấp lâu dài. Giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm là sự góp phần to lớn vào việc ổn định và phát triển chiến khu lâu dài. Đó là yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan kháng chiến của tỉnh và Phân khu lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi.
    * Chiến khu Ba Lòng góp phần thúc đẩy phong trào kháng chiến chống Pháp
    Cùng là một chiến trường sau lưng địch, nhân dân ba tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên từ đầu năm 1947 đã gắn bó với nhau chặt chẽ trong các phong trào kháng chiến, trước hết là xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đi từ du kích chiến lên vận động chiến, nỗ lực cùng nhân dân ba tỉnh vùng tự do Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, đẩy mạnh kháng chiến và kiến quốc trên địa bàn khu IV.
    Chiến khu Ba Lòng trở thành một mắt xích quan trọng của hệ thống chiến khu miền Trung; đóng vai trò quan trọng trong tuyến giao liên thống nhất Bắc - Nam, vừa là hậu phương lớn vừa là bàn đạp để tiến công địch; là sự thể hiện sáng tạo của hình thái chiến tranh nhân dân của quân và dân ta. Chiến khu Ba Lòng không chỉ là chỗ dựa tinh thần của nhân dân Quảng Trị nói riêng, Bình - Trị -Thiên nói chung mà hình ảnh chiến khu còn là hình ảnh của một chế độ mới.
    Thứ ba, những giá trị cần tục được phát huy
    Để tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử của chiến khu Ba Lòng trong giai đoạn cách mạng hiện nay, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây :
    + Đối với Đảng bộ và nhân dân xã Ba Lòng: Cần tăng cường và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết trong toàn Đảng bộ, động viên nhân dân tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế về đất đai trong phát triển sản xuất, xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương, phấn đấu đưa Ba Lòng trở thành xã nông thôn mới vào năm 2025. Đặc biệt, rất vinh dự và tự hào đối với Đảng bộ và nhân dân xã Ba Lòng khi được công nhận là xã An toàn khu sẽ mở ra cho xã Ba Lòng cơ hội mới trên con đường xây dựng và phát triển với truyền thống cách mạng vẻ vang, anh hùng trong chiến đấu và hăng hái thi đua trong lao động sản xuất.
    + Đối với Ủy ban nhân dân huyện Đakrông: Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của huyện, huy động các nguồn lực để bảo tồn, tu bổ, phục hồi quần thể di tích lịch sử trên địa bàn xã Ba Lòng. Trước mắt là đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực.
    + Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị: Cần quan tâm hơn nữa trong việc kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư cho xã Ba Lòng nhằm tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng căn cứ cách mạng; chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu đưa quần thể di tích lịch sử trên địa bàn xã Ba Lòng vào chương trình giáo dục địa phương để giảng dạy; tăng cường tuyên truyền quảng bá về di tích lịch sử nhằm thu hút khách du lịch đến với Ba Lòng; kêu gọi xúc tiến đầu tư các dự án để tạo sinh kế cho người dân, tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế để tiếp tục nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây