Tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ, trí tuệ của Đảng
- Thứ ba - 04/09/2018 08:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
ThS. Lê Thị Thu Huyền
Trưởng Khoa Xây dựng Đảng
Đảng ta là Đảng cầm quyền, từ khi ra đời đến nay, Đảng đã luôn nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân đối với mỗi bước thăng trầm của lịch sử nước nhà. Không phụ niềm tin đó, Đảng ta đã sáng suốt, tự chỉnh đốn để đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn gian nan thử thách. Vì vậy muốn cho đất nước ta có sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, điều đó phụ thuộc vào trí tuệ, năng lực lãnh đạo và cả phẩm chất của Đảng.
Thứ nhất, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thế nào là nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng?
Nâng cao dân trí là mục tiêu giáo dục đối với nhân dân, nâng cao trí tuệ của Đảng là mục tiêu của giáo dục đối với cán bộ, đảng viên. Giáo dục cán bộ, đảng viên là vấn đề Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm suốt cả cuộc đời. Đối với đảng viên, Hồ Chí Minh yêu cầu phải học Chủ nghĩa Mác-Lênin, phải nhận thức, làm đúng quy luật khách quan, phải khoa học, phải toàn diện trong mọi chủ trương, đường lối đề ra. Sự trả giá ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa trong quá trình cải cách cải tổ là không tìm tòi bổ sung lý luận của chủ Mác-Lênin trong điều kiện lịch sử đã có nhiều thay đổi, Việt Nam cũng rút ra bài học kinh nghiệm ở Đại hội VI của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, đảng viên phải học văn hoá, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, quản lý. Cán bộ lãnh đạo phải biết chuyên môn để không rơi vào tình trạng lãnh đạo chung chung. Chỉ dẫn trên có ý nghĩa để cán bộ, đảng viên nâng cao tầm trí tuệ trong phát triển kinh tế thị trường, hội nhập, văn minh tin học, kinh tế tri thức hiện nay. Ph.Ăngghen cho rằng: Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận. Ph.Ăngghen đã viết như vậy về vai trò của tư duy lý luận.
Song, theo Ph.Ăngghen, ở bất cứ thời đại nào, dân tộc nào cũng như con người nào, tư duy lý luận cũng chỉ là năng lực bẩm sinh, "đặc tính bẩm sinh". Muốn để cho "đặc tính bẩm sinh" ấy chuyển thành tư duy lý luận thực sự, cần phải có những điều kiện đảm bảo cho nó. Vì vậy Đảng ta là Đảng cầm quyền nên mỗi cán bộ đảng viên phải luôn đổi mới tư duy
Thứ hai, vì sao Hồ Chí Minh cho rằng phải nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng?
Từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua nhiều chông gai, thử thách. Thực tiễn lịch sử nước nhà đã khẳng định rằng: Mỗi khi chúng ta tự mình đổi mới tư duy, vạch ra cho mình một cương lĩnh, chiến lược, sách lược phù hợp với thực tiễn khách quan của đất nước, với bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam; phù hợp với xu thế tiến bộ của nhân loại thì chúng ta thành công và ngược lại. Tuy nhiên bên cạnh những những tựu đã đạt được, thực tiễn nâng cao năng lực trí tuệ, bản lĩnh của Đảng cầm quyền còn nhiều vấn đề đặt ra. Cha ông ta đã dạy rằng: "Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ". Vì thế, Đảng có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo phát triển giáo dục đào tạo để nâng cao trí tuệ của Đảng, khai dân trí, chấn dân khí để có hậu dân sinh. Chúng ta hiểu rằng những điều mình đã được học trong trường thực ra không phải toàn là những bảo bối, là những cẩm nang thần diệu. Cuộc sống đời thường, một thực tế rất sôi động, nhiều cơ hội và nhiều cạm bẫy, trong đó cái đúng các sai, cái thiện cái ác nhiều khi khó phân định rõ ràng, khác xa với lý thuyết mà chúng ta học được.Tình hình thế giới, trong nước có nhiều thay đổi lớn lao, phức tạp và khó lường.Vì thế, Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, đổi mới phương thức lãnh đạo, luôn đổi mới tư duy, linh hoạt, chủ động để kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp; phải làm sao để: “Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”. Người nhấn mạnh: Còn sống còn phải học, tuỳ vào công việc đang đảm nhiệm và vị trí của bản thân để mỗi đảng viên phải lựa chọn những điều cơ bản. Người luôn khuyên cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập để có trình độ. Học tập chính là hoạt động tiếp thu tri thức của mỗi cá nhân, là tiền đề quan trọng dẫn tới sự phát triển ở mỗi con người. Quá trình học tập bao gồm học tại trường, lớp, ở những giai đoạn nhất định của cuộc đời và tự học suốt cả cuộc đời mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, còn sống còn phải học. Đây là biện pháp tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng. Việc tự học của Người có mục đích cuối cùng là làm cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì tự học, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam và đưa cách mạng nước ta đến thắng lợi. Sự vận dụng sáng tạo chính là quá trình tự thích nghi, tự tìm tòi thâm nhập thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, phát huy nội lực, và sâu xa hơn, đó còn là quá trình tự học tập, tự giáo dục để làm cho nhân cách cũng như năng lực của bản thân phù hợp với mục tiêu, lý tưởng, công việc. Nhà giáo Văn Như Cương từng nhận định rằng nền giáo dục của chúng ta đã bắt đầu đổi mới theo xu hướng tiến bộ hơn, tích cực hơn, theo đó học sinh muốn thành đạt, ngoài những kiến thức sách vở thì còn phải thành thạo các kĩ năng xã hội, kĩ năng sống để phát triển toàn diện, những giá trị chuẩn mực để phát triển tính cách, phẩm chất và những đạo đức tốt đẹp.
Vấn đề giáo dục đào tạo hiện nay liên quan đến nội dung trên cần quan tâm là gì? Đó là thực hiện tốt ba chức năng của văn hóa: Giáo dục đào tạo vì sự nghiệp phụng sự nhân dân, phát triển nước nhà; chiến lược trồng người, phát triển con người, nguồn nhân lực, tăng cường nâng cao hiệu quả việc rèn “đức”, luyện "tài" trong xã hội; cán bộ, đảng viên phải thật sự vừa hồng vừa chuyên, không ngừng nâng cao trình độ học vấn, trí tuệ, đạo đức, tác phong …Trong bức thư gửi ngành Gáo dục và đào tạo, ngày 15-10-1968, Người nêu rõ: "Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Ðảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới". Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: "Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Vì thế, nếu dân đói, rét, dốt, ốm thì Đảng, Chính phủ có lỗi, phải làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, được học hành, ốm đau có thuốc men chữa trị.
Thứ ba, theo Hồ Chí Minh để nâng cao trình độ, trí tuệ của Đảng thì cán bộ phải học ở đâu, lúc nào, với ai ?
Theo Hồ Chủ tịch, mỗi một cán bộ, đảng viên phải học mọi nơi, mọi lúc; học mọi người; học suốt đời; coi trọng việc tự học, tự đào tạo và đào tạo lại. Chúng ta có thể học ở trường, trong lao động, trong công tác, trong hoạt động thực tiễn. Không chỉ học ở những người thầy trong các trường lớp mà còn tìm thấy người thầy ở những người chung quanh, đó là bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và đặc biệt là nhân dân.Ông cha ta đã có câu: Học thầy không tày học bạn. Người cũng cho rằng, nhân dân có nhiều kinh nghiệm, sáng kiến rất đúng đắn, kịp thời mà những người tài giỏi và những đoàn thể lớn nghĩ mãi không ra.
Đối với việc tự học, vấn đề kết hợp học với tự học, đào tạo với tự đào tạo được Hồ Chí Minh đặt ra từ rất sớm. Theo Người, cán bộ, đảng viên phải tự học trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi. Đây là quan điểm rất hiện đại trong văn hoá giáo dục. Để việc tự học đạt kết quả tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi người cần phải xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ: “Học để làm gì? Học để sửa chữa tư tưởng... Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng... Học để tin tưởng... Học để hành...”(1). Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý mỗi người phải học tập với thái độ nghiêm túc, hết sức khiêm tốn, thật thà, biết đến đâu nói đến đó, không được tự cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Bác nghiêm khắc phê phán tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cao, tự đại, cho mình là giỏi nhất thiên hạ. Người nói: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”. Tính khiêm tốn yêu cầu người ta không được thỏa mãn với vốn kiến thức và thành tích đã đạt được. Trong khi học “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem có hợp với thực tế không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”(2).
Vì sao phải học suốt đời, bởi vì theo Hồ Chí Minh, sự học như con thuyền đi ngược, nếu mà không tiến ắt phải lùi. Lênin đã nhấn mạnh: Học, học nữa, học mãi! Bởi vì đường đời là chiếc thang không có nấc chót, học tập là quyển vở không có trang cuối cùng. Chúng ta biết rằng: thiên tài chỉ là 1%, còn 99% là mồ hôi và nước mắt. Đúng vậy, để có được thành công trong bất kì lĩnh vực nào trong cuộc sống, trong nghiên cứu khoa học,... con người cần có sự cố gắng, nỗ lực lao động rất nhiều. Không có sự thành công nào lại đến với chúng ta một cách dễ dàng. Chính vì thế, Lỗ Tấn – nhà văn nổi tiếng Trung Hoa đã bằng kinh nghiệm của mình mà tổng kết rằng: “Trên bước đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Đó là một kinh nghiệm hoàn toàn đúng đắn, có ý nghĩa, tác dụng giáo dục cao. Học tập là một quá trình lao động gian khổ, phải kiên trì, có sự say mê, có quyết tâm, có nghị lực vượt qua khó khăn, có phương pháp đúng. Ai mà không có mục tiêu của riêng mình.Trong xã hội ngày càng văn minh tiến bộ,chúng ta phải không ngừng nỗ lực vươn lên, phát huy hết khả năng để đạt được điều mà chúng ta muốn,đi được đến cái đích mà chúng ta đã đề ra.Trên thế giới nếu có một người là thiên tài thì hàng ngàn người khác là đổ mồ hôi nước mắt để có được sự thành công. Thomas Edison đã tiến hành hơn 1000 thí nghiệm để tìm ra dây tóc cho bống đèn đỏ ngày nay. Một người thiên tài cũng phải lao động miệt mài, cật lực, chăm chỉ mới có thể thành công.Thế mới thấy, để đạt được thành công và mục đích mà ta đã đặt ra, mỗi con người cần phải nỗ lực học tập và làm việc hết mình. Và hơn hết, con đường dẫn đến thành công càng không rộng mở đối với những kẻ lười biếng. Nó chỉ mở rộng đối với những con người siêng năng, làm việc hết mình. Và những con người siêng năng không những sẽ đạt được thành công nhất định trong cuộc sống mà siêng năng còn là yếu tố tích cực, là cơ sở giúp con người ta dễ dàng học hỏi, tìm tòi những kiến thức mới bổ ích.
Vậy là người thầy mà nhất là người thầy giảng dạy lý luận chính trị thì càng phải học nhiều hơn. Học tập chính là hoạt động tiếp thu tri thức của mỗi cá nhân, là tiền đề quan trọng dẫn tới sự phát triển ở mỗi con người. Quá trình học tập bao gồm học tại trường, lớp, ở những giai đoạn nhất định của cuộc đời và tự học suốt cả cuộc đời mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, còn sống còn phải học. Đây là biện pháp tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng. “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”(3). Trong học tập, cần kết hợp cả học tập ở trường, ở lớp và tự học. Người coi trọng vai trò đề cao sứ mệnh của người thầy giáo: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất..., những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang" (4) . Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con"(5). Người luôn quán triệt quan điểm của Khổng Tử “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”, hay của C.Mác: Người đi giáo dục cũng phải được giáo dục và của Lênin: Học, học nữa, học mãi. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, dạy học phải có cách nói, diễn giải dễ nghe, dễ hiểu, rõ ràng, truyền cảm.Trong khi viết và nói, Hồ Chí Minh luôn dùng các khái niệm giản dị, dễ hiểu, nhưng văn phong vẫn trong sáng, ý tưởng phong phú, làm cho mọi tầng lớp, mọi người ở trình độ khác nhau đều hiểu. Đối với Hồ Chí Minh, viết và nói là làm cho người khác hiểu, cho nên viết và nói phải biết cách, phải thiết thực, ngắn gọn, rõ ràng, dễ nhớ và phải xuất phát từ người đọc, người nghe.
Bởi vậy trải qua gần 60 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: Học không bao giờ đủ, còn sống còn phải học, “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”. Bản thân người là một minh chứng cho ý chí nỗ lực không ngừng của tinh thần cầu thị, cầu tiến. Đó cũng là vấn để suy ngẩm đối với mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay.
(1) Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr. 76
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 500
(3).Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 9, tr. 554
(4). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H,2000, tr.492.)
(5). (HCM, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H,1996, tr.331)