Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản trong tác phẩm “Thường thức chính trị” – Nội dung và giá trị
- Thứ hai - 09/12/2019 14:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hoàng Thị Thu
GV Khoa Lý luận cơ sở
GV Khoa Lý luận cơ sở
“Thường thức chính trị” được hiểu là những tri thức phổ thông về chính trị. Tác phẩm bao gồm 50 bài viết, ký bút danh Đ.X và đăng trên báo Cứu quốc năm 1953, được in thành sách vào năm 1954. Đây là một trong những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày một cách cụ thể, toàn diện những quan điểm về chính trị, bao gồm các vấn đề về giai cấp, về nhà nước, về Đảng, về các chế độ xã hội, về kinh tế… Trong đó, vấn đề về Đảng Cộng sản được xác định là vấn đề trung tâm của tác phẩm.
Suốt chiều dài lịch sử, từ khi ra đời (3/2/1930) Đảng đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách làm nên chiến thắng vẻ vang trong Cách mạng Tháng Tám dựng lên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong chế độ dân chủ nhân dân chuyên chính, để đảm bảo nhà nước là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, vấn đề Đảng lãnh đạo chính quyền phải được xem là một nguyên tắc xuyên suốt.
Với ý nghĩa đó, ngay trong Mục 31 của tác phẩm, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến vai trò và sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người viết: “Có Đảng lãnh đạo, cách mạng và kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”. Đây là luận điểm đúng đắn được minh chứng bởi thực tiễn lịch sử Việt Nam, đồng thời cũng là quan điểm xuyên suốt của Hồ Chí Minh khi đề cập đến vai trò của Đảng.
Về phương thức lãnh đạo của Đảng, phương thức lãnh đạo của Đảng được thể hiện trong tác phẩm là phương thức lãnh đạo của một Đảng cầm quyền. Trước hết, Đảng lãnh đạo thông qua việc áp dụng lập trường quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin để nghiên cứu lịch sử xã hội, đề ra đường lối, rồi áp dụng vào các chính sách. Thứ hai, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo Chính phủ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật, kế hoạch để thực hiện trong nhân dân. Thứ ba, Đảng Đảng lãnh đạo thông qua công tác cán bộ và vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Người viết: “Kinh qua đảng viên và các tổ chức của Đảng, Đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng, lãnh đạo các đoàn thể cách mạng của quần chúng”. Đây là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, nhờ đó mà mọi chủ trương, đường lối của Đảng đến được với quần chúng nhân dân và được hiện thực hóa trong thực tiễn cách mạng.
Về tính chất của Đảng, vận dụng sáng tạo những quan điểm của Lênin về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản vào thực tiễn nước ta, Hồ Chí Minh đưa ra một quan điểm nhất quán về bản chất giai cấp của Đảng: Đảng mang bản chất giai cấp công nhân. Đảng đại diện cho lợi ích của toàn dân tộc, sức mạnh của Đảng không chỉ bắt nguồn từ giai cấp công nhân mà còn bắt nguồn từ các tầng lớp nhân dân lao động khác. Người viết: “Đảng lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc”, “Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân”.
Về xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh cho rằng: “xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân ta”. Từ đó Người chỉ ra “Xây dựng Đảng có ba mặt: tư tưởng, chính trị và tổ chức”. Về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin, đó là việc làm quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống lại thói xem nhẹ tư tưởng. Về đường lối chính trị, Đảng phải chống lại khuynh hướng “tả” và khuynh hướng “hữu”. Tuy nhiên, những quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là “nhất thành, bất biến” mà nó luôn được Người bổ sung và phát triển qua từng giai đoạn cách mạng, và phần lớn được Đảng kế thừa, vận dụng trong xây dựng Đảng hiện nay.
Có thể nói đây là một trong những tác phẩm lý luận quan trọng của Hồ Chí Minh. Tác phẩm cung cấp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những kiến thức chính trị phổ thông về vị trí, vai trò, về tính chất, về tổ chức, hệ thống tổ chức của Đảng, về phương thức lãnh đạo của Đảng, về công tác xây dựng Đảng… khá toàn diện và sâu sắc. Những quan điểm đó đã trở thành một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản của Người và chứa đựng những giá trị vô cùng sâu sắc:
Về phương diện lý luận, thông qua tư tưởng về Đảng Cộng sản được trình bày trong tác phẩm, Hồ Chí Minh đã góp phần làm phong phú học thuyết Mác - Lênin bằng những luận điểm mới về xây dựng Đảng trong điều kiện “Đảng cầm quyền”. Xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh có một hệ thống những quan điểm đầy đủ hơn về Đảng cầm quyền - Đảng không chỉ là người lãnh đạo mà còn là “đầy tớ” thật trung thành của nhân dân. Đồng thời, những quan điểm của Hồ Chí Minh về Đảng Lao động cũng chính là nền tảng để hoạch định mọi đường lối, chủ trương của Đảng ngay cả khi Người còn sống cũng như khi Người đã đi xa.
Đối với Đảng ta, những quan điểm của Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản được đề cập trong tác phẩm Thường thức chính trị đã trở thành rường cột trong đường lối xây dựng Đảng. Từ sau khi Hồ Chí Minh qua đời, đặc biệt trong công cuộc đổi mới Đảng ta từng bước trở lại với quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng. Cụ thể trong nhiệm vụ xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng hiện nay, Đảng ta quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản trên một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục khẳng định Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Cuơng lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Điều này cũng một lần nữa được khẳng định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: Ðảng Cộng sản Việt Nam - Ðội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Hai là, phương thức lãnh đạo của Đảng ngày càng được nhận thức rõ hơn. Trên cơ sở kế thừa những quan điểm Hồ Chí Minh đã bàn, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII (1991) xác định: “Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truềyn, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể”. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 xác định: Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Ba là, xác định đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về công tác xây dựng Đảng trong điều kiện cầm quyền. Xuyên suốt qua các kỳ đại hội, Đảng ta luôn khẳng định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn trong tòan bộ sự nghiệp cách mạng; Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, coi đây là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta chỉ rõ: Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo. Đảng ta luôn nhấn mạnh vấn đề giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Trên lĩnh vực xây dựng Đảng về chính trị. Đảng ta luôn khẳng định phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc hoạt động của Đảng; kiên định đường lối đổi mới; chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc; thường xuyên nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách của Đảng.
Trên lĩnh vực xây dựng Đảng về tư tưởng. Bên cạnh các văn kiện đại hội, Ban Chấp hành Trung ương các khóa đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về công tác tư tưởng, như: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về xây dựng chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới; Nghị quyết trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới… Có thể khẳng định rằng, trong hơn 30 năm qua, Đảng ta luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; nâng cao nhận thức, vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tế Việt Nam; nâng cao khả năng tự đề kháng trước những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch đang nảy sinh và phát triển trong nội bộ Đảng cũng như trong quần chúng nhân dân.
Trên lĩnh vực xây dựng Đảng về tổ chức. Qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta luôn nghiên cứu, đổi mới nhận thức về công tác tổ chức. Các văn kiện đại hội và nhiều nghị quyết của Trung ương đã chỉ rõ phải thường xuyên đổi mới trong công tác tổ chức. Trong các văn kiện Đảng, Đảng ta khẳng định đổi mới tổ chức của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, uốn nắn những khuynh hướng lệch lạc, nhất là tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; Đảng luôn nhấn mạnh tính đồng bộ, toàn diện trong xây dựng Đảng ở mọi cấp; Bổ sung, phát triển các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng trong tình hình mới; Thấy rõ hơn tính đồng bộ của công tác cán bộ: từ phát hiện, quy hoạch đến đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, luân chuyển cán bộ…. Ngày càng xác định rõ hơn tiêu chuẩn của từng loại cán bộ trong thời kỳ đổi mới, nhấn mạnh các tiêu chuẩn về lập trường tư tưởng chính trị, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng và nhân dân, không tham ô, không tham nhũng, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí, tiêu cực và đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, phản động trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Về phương diện thực tiễn, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản được đề cập trong Thường thức chính trị đã trở thành lý luận và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng trong gần 66 năm qua. Trải qua những biến cố vô cùng khắc nghiệt của lịch sử, Đảng vẫn giữ vững quyền lãnh đạo của mình, ngày càng trưởng thành và vững mạnh. Điều đó không phải tự nhiên mà có, tự nhận là được mà là kết quả của cả một quá trình sàng lọc, phấn đấu đầy gian khổ và vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Những chiến thắng oanh liệt trong lịch sử dân tộc là những minh chứng hùng hồn cho việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh:
Thứ nhất, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 dựng lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với đường lối cách mạng, cứu nước đúng đắn, Đảng ta đã quy tụ đoàn kết xung quanh mình tất cả các giai cấp và tầng lớp yêu nước vào trong Mặt trận Việt Minh (1941) tạo nên lực lượng cách mạng to lớn đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và bọn phong kiến tay sai. Qua 15 năm (1930-1945) lãnh đạo cách mạng, trải qua đấu tranh gian khổ, mặc dù gặp phải những tổn thất hy sinh to lớn nhưng Đảng vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, kiên định cách mạng, trung thành với mục tiêu lý tưởng của mình. Ba cao trào cách mạng lớn 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945 là ba cuộc tổng diễn tập cách mạng chuẩn bị lực lượng, tạo cơ sở giành thắng lợi cho cuộc chiến đấu mới. Nắm chắc thời cơ lịch sử, với một nghệ thuật lãnh đạo và tổ chức khởi nghĩa tài tình, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công trọn vẹn. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đưa dân tộc ta bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đánh giá ý nghĩa lịch sử của thắng lợi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Thứ hai, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) giải phóng nửa nước, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong xây dựng chế độ mới, khi hoàn cảnh đất nước ở tình thế hiểm nghèo "ngàn cân treo sợi tóc", Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... Với đường lối cực kỳ sáng suốt, vừa cứng rắn về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược, Đảng đã huy động được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, củng cố giữ vững chính quyền cách mạng, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Đảng ta đã tổ chức, lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Đánh giá ý nghĩa lịch sử của thắng lợi này, Hồ Chủ tịch viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lượng hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội thế giới”.
Thứ ba, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975) giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Miền Bắc được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đang bắt đầu xây dựng một xã hội mới. Miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Con đường phát triển của cách mạng nước ta lúc này được Đảng ta xác định là phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là, tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa vững chắc của cả nước. Hai là, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn 20 năm cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, mặc dù gặp nhiều khó khăn trở ngại chồng chất, đặc biệt từ năm 1965 trở đi miền Bắc phải trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại rất ác liệt của đế quốc Mỹ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc đã kiên cường trong sản xuất và chiến đấu, giành được những thành tựu to lớn, đồng thời chi viện đắc lực cho miền Nam... Nhân dân miền Nam đã kiên cường chịu đựng gian khổ hy sinh, kiên quyết đánh thắng đế quốc Mỹ, sát cánh cùng đồng bào miền Bắc đánh bại mọi âm mưu, chiến lược của đế quốc Mỹ, góp phần trực tiếp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trải qua 21 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã chiến đấu kiên cường anh dũng với sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế; bằng cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày nay, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng lại cực kỳ quan trọng và luôn là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Thực tiễn đòi hỏi Đảng phải ngang tầm với những nhiệm vụ cách mạng để đưa cách mạng tiến lên phía trước. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh do đó là một nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài, nhưng cũng đầy gian khổ đòi hỏi toàn Đảng, mọi cán bộ đảng viên phải phấn đấu bởi chúng ta có nhiều thành tựu nhưng cũng đứng trước những khó khăn thách thức không nhỏ. Việc trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản trong tác phẩm Thường thức chính trị, trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, để giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, xứng đáng với vai trò người lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên không phải vì những giá trị to lớn đó để rồi chúng ta xem những quan điểm về Đảng Cộng sản Hồ Chí Minh nêu lên trong Thường thức chính trị như là lời chỉ dẫn trực tiếp trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Thực tiễn cách mạng luôn vận động biến đổi và ngày càng đặt ra những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới. Vì vậy Đảng phải vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm của Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng ta trở thành một Đảng “vừa là đạo đức, vừa là văn minh”.
Tác phẩm ra đời cách đây 66 năm, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Những quan điểm của Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản từ những năm kháng chiến kiến quốc vẫn rất cần được thực hiện trong tương lai. Đó mãi là ngọn đèn soi sáng để Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, làm tốt sứ mệnh lịch sử mà dân tộc và nhân dân giao phó./.