TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Tổng Bí thư Lê Duẩn nói về nghề dạy học

ThS.  Cao Thị Hà 
GV Khoa NN&PL

 
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Lê Duẩn rất coi trọng nghề dạy học và luôn quan tâm đến xây dựng đội ngũ nhà giáo. Những bài viết, bài phát biểu của Ông về nghề dạy học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là về xây dựng đội ngũ nhà giáo. 
Tổng Bí thư cho rằng: Ở nước ta, nghề dạy học luôn có một vị trí hết sức quan trọng  bởi truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc ta, bởi yêu cầu rất cơ bản của cách mạng ta trong giai đoạn hiện nay. Ông  khẳng định: “Quần chúng rất quý trọng giáo giới, coi họ là tinh hoa của dân tộc”1. Ông ví nghề dạy học như là ngành “công nghiệp nặng” để phát triển đất nước. Tổng Bí thư cho rằng, khó khăn lớn nhất của nước ta là thiếu cán bộ có trình độ, thiếu công nhân và kỹ thuật viên lành nghề, yếu về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, v.v., từ đó, Ông kết luận: “…Muốn tăng cường lực lượng sản xuất, về mặt văn hóa, phải có một thứ “công nghiệp nặng” khác, đó là ngành sư phạm”. Vì những lẽ đó, ngành “công nghiệp nặng” này phải phát triển nhanh, mạnh và đúng hướng”2.
Chức năng trọng yếu của nghề dạy học là hình thành và phát triển nhân cách con người toàn diện. Lực lượng chủ yếu đảm nhận và thực hiện chức năng ấy là đội ngũ nhà giáo. Theo Tổng Bí thư, việc hình thành và phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội nhưng người trực tiếp và quyết định chính là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Ông khẳng định: “Đào tạo thế hệ trẻ là sự nghiệp của Đảng, là trách nhiệm của toàn dân, của xã hội. Nhưng vai trò chính yếu là nhà trường”3. Sứ mệnh cao cả của nghề dạy học là xây dựng con người mới vừa có tri thức, vừa có đạo đức cách mạng. Tổng Bí thư cho rằng: “Dạy học tức là trang bị cho các em những tri thức khoa học, đồng thời phải rèn luyện các em về đạo đức”4. Như vậy, giáo dục một con người không chỉ là truyền thụ tri thức mà quan trọng hơn là phải rèn luyện nhân cách, làm cho người đó có một nền tảng về cách đối nhân xử thế, trang bị cho họ những kỹ năng, kỹ xảo cần thiết trong cuộc sống. “Thầy giáo vừa dạy cho học sinh có tri thức, vừa phải rèn luyện con người…Nói đến rèn luyện con người là nói đến lòng nhân ái. ..Không có lòng nhân ái thì  không thể có lòng yêu nước, thương nhân dân được”5. Tổng Bí thư nhắc nhở: “trong chương trình giáo dục hiện nay không chú trọng đầy đủ đến luân lý, đến đạo đức. Điều đó cần phải được sửa chữa”6. Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Đảng ta xác định: Trong hệ thống nhà trường phải coi trọng giáo dục luân lý, đạo đức cho thế hệ trẻ nhằm góp phần xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật; có đạo đức trong sáng, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để làm tốt trọng trách “trồng người”, Tổng Bí thư đặt ra những phẩm chất, yêu cầu đối với các nhà giáo:
- Nhà giáo phải yêu nghề, tận tâm với nghề. 
Tổng Bí thư quan niệm, đã là nhà giáo thì trước hết phải yêu nghề, tâm huyết với nghề nghiệp. Ông khẳng định:  “Nghề thầy giáo là nghề nhiều bạn nhất, là nghề có đời sống tình cảm dồi dào và phong phú nhất. Bởi vậy, nghề thầy giáo cũng là nghề rất đẹp và rất cao quý. Những thầy giáo không yêu nghề có nghĩa là các đồng chí đó không yêu người. Càng yêu người bao nhiêu thì càng yêu nghề bấy nhiêu”7. 
Yêu nghề là một trong những phẩm chất, yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mỗi nhà giáo, có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo. Bởi đây là cơ sở, là động lực thôi thúc mỗi nhà giáo cống hiến tốt nhất cho nghề dạy học. Một nhà giáo dù có trình độ chuyên môn cao, có tay nghề vững, nhưng nếu không yêu nghề thì bài giảng trở nên máy móc, khô cứng, ít truyền cảm, không phát huy được tay nghề của mình. Lòng say mê nghề nghiệp, thương yêu con người là cơ sở để các nhà giáo chuyên tâm với nghề, say mê, sáng tạo, vượt mọi khó khăn để hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình.
- Nhà giáo phải có tri thức và tầm hiểu biết rộng, thành thạo lĩnh vực chuyên môn của mình.
Để tạo ra  “sản phẩm” vừa uyên thâm về tri thức, vừa thấu hiểu đạo lý làm người thì bản thân mỗi nhà giáo phải có trí tuệ và tài năng. TheoTổng Bí thư:
 “Thầy giáo phải nắm đầy đủ và sâu sắc mọi mặt tri thức, đồng thời phải rất coi trọng chính trị”8. Bên cạnh đó, Lê Duẩn còn lưu ý thầy giáo phải coi trọng chính trị, giữ vững lập trường, củng cố đạo đức cách mạng, nâng cao hiểu biết chính trị để hoàn thành tốt trọng trách “trồng người”. Đặc biệt, để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, theo Tổng Bí thư, người thầy giáo phải hiểu rõ con người Việt Nam và am hiểu lịch sử Việt Nam: “,…thầy giáo muốn dạy học  tốt  phải  hiểu con người một cách sâu sắc. Hơn nữa, thầy giáo phải hiểu rõ hơn ai hết con người Việt Nam, lịch sử Việt Nam với tất cả truyền thống vẻ vang của dân tộc. Phải xuất phát từ những tư tưởng, tình cảm của thời đại và những vốn đã có của dân tộc và  trên cơ sở ấy mà xây dựng tri thức, tình cảm cho học sinh cho phù hợp với giai đoạn mới của lịch sử”9. 
- Nhà giáo phải có đạo đức, là tấm gương sáng cho người học noi theo. 
Một nhà giáo mẫu mực, được xã hội tôn vinh và kính trọng, ngoài trí tuệ, tài năng, còn phải là tấm gương sáng về đạo đức. Đạo đức nhà giáo hay đạo đức nghề dạy học, theo Tổng Bí thư Lê Duẩn, là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà giáo trong đời sống. Ông nói:  “Thầy giáo không phải chỉ dạy bằng công thức, bằng những câu, chữ có sẵn, mà phải dạy bằng tất cả tâm hồn mình. Nếu bản thân thầy không có tình cảm cách mạng, thì dù đọc thông thạo chủ nghĩa Mác- Lênin đến mấy đi nữa cũng không thể nào làm công tác giáo dục tốt được”10. 
Như vậy, đạo đức nhà giáo có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo. Người học không chỉ tiếp thu những tri thức mà còn học cốt cách, lối sống và những phẩm chất cao đẹp của người thầy trong đời tư, trong quan hệ giữa thầy giáo với gia đình và xã hội. Vì vậy, rèn luyện nhân cách của nhà giáo là một yêu cầu khách quan của nghề dạy học. Nhà giáo chân chính dạy người học bằng chính nhân cách trong sáng của mình và phương pháp giáo dục hiệu quả nhất là giáo dục bằng tấm gương.  “ Nhưng, muốn học sinh tiếp thu được những điều thầy dạy, thì bản thân người thầy phải có lòng nhân ái”11. Tổng Bí thư đặt trọn niềm tin vào đội ngũ nhà giáo và xác định rõ trách nhiệm để họ xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của xã hội: “ Đảng và nhân dân trông cậy ở các thầy giáo và mong sao các thầy giáo làm tròn sứ mệnh vẻ vang là đào tạo một thế hệ mới để xây dựng chủ nghĩa xã hội quang vinh. Muốn làm được như vậy, thầy giáo phải không ngừng rèn luyện mình để làm tấm gương sang về mọi mặt cho học sinh”12.
     - Nhà giáo phải có tình yêu thương học trò.
Trong dạy học, Tổng Bí thư rất chú ý đến mối quan hệ giữa thầy và trò. Nhà giáo phải gần gũi, thương yêu, trọng đãi học trò. Ông viết: “Thầy giáo muốn dạy học tốt phải có quan hệ tốt đối với học sinh, thầy giáo dạy học phải nghiêm chỉnh; trong trường học cần có trật tự, kỷ luật,…”13. Tổng Bí thư không chỉ chú trọng năng lực, phẩm chất của đội ngũ nhà giáo mà còn quan tâm đến việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đoàn kết, tương trợ,dân chủ, kỷ cương, kỷ luật. Ông cho rằng, để giúp học trò hình thành tri thức và nhân cách, ngày nay, mối quan hệ thầy trò trong nhà trường mới đã thay đổi, chủ yếu là quan hệ hướng dẫn, hợp tác, đối thoại,…Vì vậy, ông khẳng định: “ Học trò phải kính trọng, thương yêu thầy, nhưng thầy giáo cũng phải thương yêu và trọng đãi học trò”14. 
- Nhà giáo phải không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Cách đây 54 năm, trong buổi trò chuyện với các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Tổng Bí thư căn dặn: “ …,các đồng chí cần luôn nhớ rằng, sau khi ra trường, mình là những thầy giáo nhưng vẫn còn là học trò. Học để trau dồi đạo đức, tích lũy thêm vốn tri thức…Thầy giáo được rèn luyện tốt bao nhiêu thì sẽ dạy tốt bấy nhiêu”15.
Dạy học là một nghề vinh quang nhưng cũng đầy thử thách. Nghề dạy học đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải ý thức cao về nghề nghiệp của mình, lao động thật nghiêm túc, hoàn toàn không được bằng lòng với kiến thức đã có, không ngừng học tập nâng cao trình độ và tu dưỡng đạo đức nhà giáo. Nhà hiền triết và thi hào vĩ đại của Ấn Độ TOGO viết: “Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy giáo thì được một thế hệ”. Để xây dựng con người mới đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, theo Tổng Bí thư, cần coi trọng việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Tổng Bí thư căn dặn: “Thầy giáo là lực lượng cốt cán cho sự nghiệp phát triển giáo dục văn hóa. Chúng ta cần coi trọng việc đào tạo và bồi dưỡng thầy giáo về các mặt chính trị và tư tưởng cũng như về mặt nghiệp vụ và văn hóa”16. Thực hiện lời dạy của Người, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tiếp tục khẳng định quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân” và đề ra 9 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ về “ Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”. 
Trong bất kỳ xã hội nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý, được xã hội tôn kính, ngưỡng mộ, biết ơn. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy.Vì quý trọng nghề dạy học, nhân dân ta, xã hội ta luôn đặt ra những yêu cầu cao về phẩm chất và năng lực của nhà giáo. Phẩm chất và nhân cách nhà giáo được quy định bởi nhiều yếu tố, nhưng cốt lõi vẫn là tri thức và lòng yêu thương học trò. Là những thầy giáo, cô giáo của Trường Chính trị Lê Duẩn, cần thấm nhuần sâu sắc hơn những lời dạy quý báu của Tổng Bí thư kính yêu: “Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”, có như vậy mới xứng đáng là những nhà giáo được đông đảo học viên và xã hội nể trọng./.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây