Tìm hiểu tư tưởng Lê Duẩn về: Phê phán bệnh cá nhân chủ nghĩa
- Thứ bảy - 05/12/2015 10:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lê Duẩn người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã góp phần tích cực đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Gần 60 năm hoạt động cách mạng, Đồng chí đã vượt qua bao gian khổ, hy sinh với phong trào cách mạng ngay từ những ngày mới nhen nhóm. Chính từ những phong trào ấy cùng với việc gần gũi với quần chúng nhân dân đã làm cho lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin ở trong Đồng chí sâu sắc, nhạy bén hơn và được vận dụng một cách năng động, sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã có những cống hiến to lớn, đã để lại những tư tưởng và lý luận về quân sự; về chính quyền dân chủ nhân dân; xây dựng nền kinh tế XHCN; đối ngoại, xây nền văn hoá, phát triển và nâng cao hoạt động của tổ chức Đảng ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới.
Đặc biệt, quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa” đồng chí Lê Duẩn đã có nhiều bài nói, bài viết quan tâm đến việc xây dựng và phát triển con người mới XHCN. Theo đồng chí Lê Duẩn, con người mới XHCN là con người trong sáng về đạo đức, văn minh, giàu lòng nhân ái, đứng trên lập trường của giai cấp công nhân. Muốn xây dựng con người mới thì phải triệt để khắc phục những hạn chế, tồn tại của con người cũ với lối suy nghĩ và hành động là sản phẩm của chế độ xã hội cũ. Đồng chí cho rằng, cái tồn tại lớn nhất của con người trong chế độ xã hội cũ đó là chủ nghiã cá nhân- một biểu hiện của tư tưởng tiểu nông.
Về mặt bản chất, chủ nghĩa cá nhân là sự tuyệt đối hoá cá nhân trong mối quan hệ con người-con người- xã hội. Khi chủ nghĩa cá nhân càng gia tăng thì cộng đồng xã hội càng suy yếu làm cho mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với xã hội càng gay gắt. Chủ nghĩa cá nhân lấy bản thân của “cái tôi” làm trung tâm đối lập với cộng đồng về nhiều phương diện khác nhau của mối quan hệ tất yếu cá nhân- xã hội. Trong mối quan hệ biện chứng giữa quyền lợi và nghĩa vụ thì chủ nghĩa cá nhân chỉ thấy quyền lợi, đòi hỏi về quyền lợi mà không nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ của mình. Đồng chí Lê Duẩn đã chỉ ra: Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của tinh thần đoàn kết, hữu ái giai cấp, là nguồn gốc nảy sinh ra tư tưởng bè phái, cục bộ. Đồng chí nhấn mạnh: “ Muốn thực hành đoàn kết thì phải chống chủ nghĩa cá nhân, xoá bỏ lòng ích kỷ, đố kỵ” (Lê Duẩn: về xây dựng Đảng, NXB Sự thật, Hà Nội, 1978, tr 109).
Từ cái cá nhân ích kỷ, đố kỵ, dẫn đến sự lầm lạc, sa ngã và suy thoái về đạo đức, Đồng chí cũng đã nói rằng, Hễ khi nào chúng ta nhấn mạnh cái “tôi” một cách quá đáng thì hãy coi chừng! dục vọng cá nhân, quyền lợi cá nhân sẽ làm cho lòng ta đen tối và có thể đẩy ta trượt ngã, lầm lạc và hoen ố cả cuộc đời. Con người cá nhân chủ nghĩa đặt lợi ích vật chất cũng như tinh thần lên hàng đầu. Đó là những con người vụ lợi chạy theo đồng tiền và tuyệt đối hoá về mặt kinh tế, bất chấp nghĩa tình đồng chí, anh em, bất chấp kỷ cương phép nước gây ra các tệ nạn cho xã hội. Đối với mặt tinh thần, họ xem nhẹ các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, xem nhẹ chủ nghĩa nhân đạo và các giá trị nhân văn, đạo đức trong quan hệ giữa con người với con người.
Đồng chí Lê Duẩn căn dặn: “Tự lừa dối mình là điều đáng ghê sợ nhất trong mọi sự lừa dối” (Sdd, tr 108). Do vậy muốn xoá bỏ cái “tôi” của chủ nghĩa cá nhân thì đòi hỏi trước hết là phải trung thực với chính bản thân mình, đồng thời phải thẳng thắn, trung thực khách quan với đồng chí. Sẵn sàng đấu tranh, góp ý, phê bình để giúp người khác sửa chữa khuyết điểm nhưng đồng thời cũng kiên quyết loại ra khỏi suy nghĩ và ý chí cá nhân dùng sai sót của họ làm cái “cớ” để bôi nhọ, hạ bệ nhau. Sinh thời Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra, chủ nghĩa cá nhân phát triển đã làm đảo lộn thang giá trị"yêu nên tốt, ghét nên xấu"; "ai hợp với mình thì người xấu cũng là tốt, việc dỡ cũng cho là hay".
Đối với việc đấu tranh, phê bình trong Đảng, Lê Duẩn viết: “Trong Đảng không được dung túng những điều sai trái, phải thẳng thắn tự phê bình và phê bình” ( Sdd, tr, 108).
Đảng viên phải là tấm gương cho quần chúng noi theo, mỗi đảng viên tốt góp phần cho tổ chức Đảng vững mạnh, tổ chức Đảng vững mạnh thì mới lãnh đạo được các tổ chức đoàn thể khác, mới hoàn thành được nhiệm vụ. Đồng chí viết: “Muốn xây dựng được tình đoàn kết, thương yêu trong nhân dân thì trước hết trong Đảng phải đoàn kết thương yêu nhau” (Sdd, tr 186).
Bởi vậy, việc tự phê bình và phê bình trong Đảng đóng vai trò quan trọng, là nhân tố sống còn bảo vệ cho sự tồn tại và phát triển của tổ chức Đảng. Theo đồng chí Lê Duẩn một cuộc họp, một cuộc hội nghị các cá nhân phải tranh luận sôi nổi, phải bàn cãi, phải có nhiều ý kiến trái ngược nhau thì chân lý mới được làm rõ, mới không gặp trở ngại khi đưa vào thực tiễn cuộc sống. Trong quá trình tranh luận các cá nhân mới có điều kiện bày tỏ được chính kiến của mình, nếu đúng thì đóng góp cho tập thể, nếu chưa đúng thì đồng chí mình giúp đỡ góp ý để sửa chữa, qua đó tinh thần đoàn kết trong nội bộ mới được giữ vững và tăng cường. Về vấn đề này, đồng chí cho rằng: “Tranh luận không phải không đoàn kết; có ý kiến khác nhau không phải là chống nhau, ghét nhau… chúng ta thảo luận, bàn cãi để tìm lẽ phải, để sáng chân lý, chứ không phải chống nhau, ghét nhau mà bàn cãi” (Sdd, tr 106). Việc phê bình không phải cốt để hạ thấp nhau, phủ định nhau làm cho đồng chí mình tự ti, mà phê bình làm cho đồng chí mình tốt hơn, tổ chức mình mạnh thêm. Cho nên việc phê bình phải có phương pháp, phải đứng trên lập trường giai cấp và hữu ái giai cấp, góp ý, phê bình phải có trách nhiệm“tự phê bình và phê bình cũng phải trên tinh thần thương yêu đồng chí”.
Con người khi mang trong mình chủ nghĩa cá nhân, họ đánh mất giá trị cơ bản được thừa nhận như lý tưởng, niềm tin, các chuẩn mực đạo đức, lối sống trong xã hội từ đó nãy sinh các căn bệnh phổ biến chẳng hạn như thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vô trách nhiệm trong công việc, ích kỷ, cơ hội, đặc quyền, đặc lợi, mất dân chủ, bè phái, quan liêu… Các căn bệnh đó là biểu hiện của ý thức chủ nghĩa cá nhân pha tạp với tư tưởng phong kiến và tư tưởng tư sản trong điều kiện mới. Do vậy đồng chí Lê Duẩn đã căn dặn: “hãy xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân để làm sáng ngời mãi mãi danh hiệu người chiến sỹ cộng sản” ( Sdd, tr, 112).
Trong điều kiện ngày nay khi mặt trái của kinh tế thị trường đang bộc lộ và có những tác động nhất định thì con người cá nhân chủ nghĩa đang có cơ hội và xu hướng gia tăng. Thực chất đó là biểu hiện một sự tha hóa về nhân cách.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng…là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Vì vậy, 3 vấn đề cấp bách Nghị quyết đề ra, trong đó “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” là trọng tâm, cấp bách nhất, cần tập trung chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên. Giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất là toàn Đảng, từ Trung ương đến cơ sở tiến hành tự phê bình và phê bình. Nhưng để tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả thiết thực, tránh hình thức, chiếu lệ, mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, không né tránh.
Vì vậy, để tự phê bình và phê bình thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, một vấn đề rất quan trọng là đề cao giác ngộ chính trị, khơi dậy lòng tự trọng và tính Đảng của đảng viên, cấp ủy viên, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật. Hơn lúc nào hết, mỗi đảng viên, cán bộ cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Muốn trở thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích” và “Cán bộ nào không dám công khai nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm, thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”.
Suốt mấy mươi năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta đã nhiều lần chỉnh đốn Đảng, gần đây nhất là cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII. Kinh nghiệm cho thấy, muốn chỉnh đốn Đảng có kết quả, trước hết phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan. Đây cũng là bài học kinh nghiệm từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), một mốc quan trọng, mở đầu công cuộc đổi mới toàn diện, từ đó đã đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng và kém phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn về vấn đề này càng có ý nghĩa thiết thực và còn nguyên giá trị.
Nguyễn Hữu Thánh
Phó Hiệu trưởng