TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Thực tiễn công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

 
                                                                              ThS. Lê Thị Huyền
                                                                     Khoa Nhà nước và pháp luật
 
          Công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Những kết quả của công tác này góp phần phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Tại tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác sắp xếp đơn vị hành chính, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai khai thực hiện đồng bộ, thiết thực. Theo đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản làm cơ sở để địa phương thực hiện thống nhất như: Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 07/5/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Chương trình hành động số 147-CTHĐ/TU ngày 09/5/2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 17/10/2019 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án sắp sếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch số 3202/KH-UBND ngày 27/5/2019 của UBND tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021...
          Thời gian qua, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, nổi bật như sau:
          Thứ nhất, hoàn thành cơ bản việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng tinh gọn, tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Đến nay, tỉnh Quảng Trị vẫn giữ nguyên 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 08 huyện, 01 thành phố và 01 thị xã, mặc dù có 02 đơn vị hành chính thuộc diện phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021, do có hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt dưới 50% theo quy định (huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị), 02 đơn vị trên chưa sắp xếp vì các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh Quảng Trị tiến hành sắp xếp 33 đơn vị hành chính cấp xã (23 xã, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp, 01 xã thực hiện sắp xếp theo diện khuyến khích, 09 xã liền kề liên quan đến sắp xếp, sáp nhập) [1].
Sau khi sắp xếp, sáp nhập, toàn tỉnh Quảng Trị có 125 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 101 xã, 13 phường, 11 thị trấn); giảm 16 đơn vị hành chính cấp xã (16 xã), cụ thể: Ở huyện Hải Lăng: Sáp nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của: Thị trấn Hải Lăng và xã Hải Thọ để thành lập thị trấn Diên Sanh; xã Hải Hòa và xã Hải Tân để thành lập xã Hải Phong; xã Hải Xuân và xã Hải Vĩnh thành để thành lập xã Hải Hưng; xã Hải Thiện và xã Hải Thành để thành lập xã Hải Định. Huyện Triệu Phong: Sáp nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của: Xã Triệu Thành và xã Triệu Đông để thành lập xã Triệu Thành. Huyện Cam Lộ: Sáp nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của: Xã Cam Thanh và xã Cam An để thành lập xã Thanh An. Huyện Hướng Hóa: Sáp nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của: Xã A Túc và xã A Xing để thành lập xã Lìa. Huyện Vĩnh Linh: Sáp nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của: Xã Vĩnh Tân và thị trấn Cửa Tùng để thành lập thị trấn Cửa Tùng; xã Vĩnh Thạch và xã Vĩnh Kim để thành lập xã Kim Thạch; xã Vĩnh Trung và xã Vĩnh Nam để thành lập xã Trung Nam; xã Vĩnh Hiền và xã Vĩnh Thành để thành lập xã Hiền Thành. Huyện Gio Linh: Sáp nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của: Xã Gio Hòa và xã Gio Sơn để thành lập xã Gio Sơn; xã Vĩnh Trường và xã Linh Thượng để thành lập xã Linh Trường; xã Gio Bình và xã Gio Phong để thành lập xã Phong Bình; Riêng xã Gio Thành đã thực hiện chia tách các thôn trong xã để sáp nhập vào hai xã liền kề (sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số của: 02 thôn Nhĩ Trung và Nhĩ Hạ của xã Gio Thành vào xã Gio Hải thành xã Gio Hải mới; thôn Tân Minh, xã Gio Thành vào xã Gio Mai để thành lập xã Gio Mai mới). Huyện Đakrông: Sáp nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của: Xã Ba Lòng và xã Hải Phúc thuộc huyện Đakrông để thành lập xã Ba Lòng.
          Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 09 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 (do có 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định) nhưng đề nghị chưa sắp xếp do các yếu tố đặc thù, đó là: Phường An Đôn, thị xã Quảng Trị chưa tiến hành sắp xếp do có đặc thù về vị trí địa lý nằm cách biệt với các đơn vị hành chính khác và 08 đơn vị hành chính cấp xã chưa đề nghị sắp xếp do  đặc thù về truyền thống, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, quốc phòng, an ninh cụ thể: Xã Hải Khê, huyện Hải Lăng; xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong; xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong; xã Xy, huyện Hướng Hóa; xã Trung Giang, huyện Gio Linh; xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh; xã Vĩnh Khê huyện Vĩnh Linh; thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh.
          Thứ hai, việc giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chửc, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được thực hiện đúng quy định. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh là 2.837 người. Trong đó, có 2.578 người đã thực hiện bố trí vị trí việc làm theo quy định và có 259 cán bộ, công chức dôi dư. Theo đó, các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh đã tiến hành bố trí, sắp xếp 117 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư. Đồng thời, các địa phương đã thực hiện bố trí 1.384 người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo quy định; số lượng người hoạt động không chuyên trách dôi dư 235 người [1]. Những trường hợp dôi dư đều đã được giải quyết chế độ hỗ trợ, thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ việc do dôi dư, mỗi năm công tác được hưởng một tháng phụ cấp hiện hưởng.
          Thứ ba, các thị trấn trên địa bàn tỉnh sau khi sắp xếp đã được đầu tư phát triển hạ tầng nhằm bảo đảm chất lượng đô thị. Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 02 thị trấn mới, đó là: Thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) và thị trấn Diên Sanh (huyện Hải Lăng). Công tác sửa đổi, bổ sung các quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị đổi với các thị trấn mới được các huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai rà soát, điều  chỉnh, bổ sung quy hoạch thị trấn trình UBND tỉnh phê duyệt. UBND các huyện đã trình HĐND cùng cấp thông qua danh mục đầu tư công năm 2021, trong đó, đã quan tâm bố trí nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng các công trình, hạ tầng để bảo đảm chất lượng đô thị. Việc đánh giá, rà soát chất lượng đô thị của thị trấn sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính được quan tâm triển khai thực hiện, UBND các huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn đánh giá, rà soát chất lượng đô thị đối với các thị trấn sau khi sắp xếp để tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng các thị trấn đạt các tiêu chuẩn đô thị theo quy định.
          Thứ tư, hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được bổ sung, chỉnh lý. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt bổ sung việc xây dựng bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính đối với 17 xã, thị trấn mới hình thành. Theo đó, ngoài việc xây dựng mới 17 bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của các xã, thị trấn mới, phải chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của 47 đơn vị hành chính cấp xã và 07 đơn vị hành chính cấp huyện liên quan. Đến nay, cơ bản hoàn thành việc chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính. Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan do thay đổi địa giới đơn vị hành chính theo quy định sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, xã, thị trấn mới sáp nhập chủ động triển khai, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan do thay đổi địa giới đơn vị hành chính theo Quy định tại Điều 11, Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
          Thứ năm, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính đã góp phần tạo sự chuyển biến mới trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập tăng quy mô về diện tích tự nhiên và dân số, thuận lợi cho địa phương trong việc hoạch định các định hướng phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực cũng như triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội- văn hóa, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương, không ngừng bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân ở  địa phương.
          Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được, thực tiễn cho thấy, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh vẫn gặp một số hạn chế, khó khăn đó là: Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân ở một số địa phương chưa hiệu quả, chưa đạt được sự đồng thuận của Nhân dân. Thực tế, khi triển khai ý kiến của cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính gặp rất nhiều khó khăn, một số địa phương phải tổ chức lấy ý kiến cử tri nhiều lần, cán bộ xã, thôn phải đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, trực tiếp phát phiếu lấy ý kiến và thu phiếu; lấy ý kiến, mới đảm bảo trên 50% cử tri đồng ý. Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có: 9/10 đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt, trong đó, có 06 đơn vị chưa đạt 02 tiêu chuẩn (quy mô dân số, diện tích tự nhiên) và 03 đơn vị chưa đạt 01 tiêu chuẩn (quy mô dân số); 115/125 đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt, trong đó, có 70 đơn vị chưa đạt 02 tiêu chuẩn (quy mô dân số, diện tích tự nhiên) và 45 đơn vị chưa đạt 01 tiêu chuẩn (12 đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên; 33 đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số)[2].
          Số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư nhiều sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, hầu hết tuổi đời còn trẻ, có trình độ chuyên môn, có năng lực công tác nên việc giải quyết tinh giản còn nhiều khó khăn. Hầu hết các xã, thị trấn sau khi sắp xếp đều sử dụng 02 trụ sở nên công tác điều hành, việc di chuyển của cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và người dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giao dịch hành chính còn khó khăn, chưa giảm được chi phí hành chính liên quan. Hiện nay, Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 quy định khi người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi giấy tờ do sắp xếp đơn vị hành chính được miễn lệ phí nhưng phải đóng khoản phí hành chính lớn hơn nhiều so với lệ phí được miễn, dẫn đến một bộ phận cá nhân, tổ chức chưa hài lòng đối với công tác sắp xếp đơn vị hành chính.
          Những hạn chế trên xuất phát từ những nguyên nhân đó là: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là vấn đề phức tạp, liên quan đến tất cả các mặt của đời sống xã hội ở địa phương, liên quan đến tâm tư, tình cảm, phong tục, tập quán, quá trình lịch sử, truyền thống, văn hóa, sinh hoạt của người dân… khi thay đổi tên đơn vị hành chính thì phải thay đổi rất nhiều giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức nên người dân có tâm lý e ngại. Mặt khác, một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý khi sáp nhập đơn vị hành chính sẽ ảnh hưởng đến vị trí công tác nên ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động. Do vậy, để tạo ra sự đồng tình ủng hộ của cán bộ và Nhân dân cần phải có thời gian và những chế độ, chính sách hợp lý. Mặt khác, hiện nay, một số quy định của pháp luật về sắp xếp đơn vị hành chính chưa có tính khả thi trên thực tế dẫn đến hiệu quả chưa cao. Ở tỉnh Quảng Trị, hầu hết các xã, thị trấn có quy mô dân số và diện tích tự nhiên của các xã, thị trấn không lớn nên sau khi khi sắp xếp, đơn vị hành chính mới vẫn chưa đạt tiêu chuẩn, riêng xét về theo tiêu chí đô thị nâng hạng thì các đơn vị hành chính không đạt (chỉ có đô thị Đông Hà đủ điều kiện nâng hạng đô thị). Bên cạnh đó, khi sắp xếp 02 đơn vị hành chính thành 01 đơn vị hành chính, cán bộ, công chức của các xã cũ hầu hết được nhập cơ học, sau đó sắp xếp dần, nên không thể bố trí tập trung về 01 trụ sở vì số lượng cán bộ, công chức quá đông.
          Để công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đem lại hiệu quả cao, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận, đoàn thể và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục chủ động, tuyên truyền, vận động, thuyết phục tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân trong quá trình thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác sắp xếp đơn vị hành chính, nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác sắp xếp đơn vị hành chính đối với đảng viên, cán bộ, công chức và Nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên dư luận trong việc tuyên truyền thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, làm tốt công tác tư tưởng, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, vướng mắc đối với những đối tượng bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp đơn vị hành chính.
          Hai là, đề nghị Trung ương cần xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định đến sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp, khả thi trên thực tế, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện đem lại hiệu quả cao. Cụ thể là:
          Với tiêu chuẩn quy định tại Điều 3, Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính so với tình hình thực tiễn còn quá cao (tiêu chuẩn về quy mô diện tích tự nhiên, dân số hiện nay phần lớn các đơn vị hành chính các cấp đều không đảm bảo tiêu chuẩn về quy mô diện tích tự nhiên, dân số, thậm chí sau khi sắp xếp vẫn không đạt tiêu chí này), chưa phù hợp với đặc thù về vị trí địa lý, đặc điểm về lịch sử, văn hóa, truyền thống, quốc phòng an ninh của các địa phương, người dân trên địa bàn tỉnh. Do vậy, để phù hợp với thực tiễn địa phương, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội  xem xét điều chỉnh giảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, tránh sự xáo trộn lớn khi phải tiến hành sắp xếp nhiều đơn vị hành chính, ảnh hưởng đến các mặt của đời sống kinh tế-xã hội tại địa phương.
          Với tiêu chuẩn phân loại đô thị quy định tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị để phù hợp với yêu cầu, định hướng quy hoạch, phát triển đô thị của địa phương, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, nghiên cứu theo hướng giảm quy mô dân số, mật độ dân số, bổ sung trường hợp đô thị loại I, loại II và loại III không có khu vực ngoại thành, ngoại thị tại Phụ lục ở mục “Tiêu chí 2. Quy mô dân số”, “Tiêu chí 3. Mật độ dân số” và “Tiêu chí 4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp”.
           Ba là, đề nghị Chính phủ có chính sách tinh giản biên chế riêng đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng ưu đãi hơn so với chính sách tinh giản biên chế hiện nay để đảm bảo cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, những người hoạt động không chuyên trách sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
           Bốn là, đề nghị Trung ương xem xét có chính sách miễn hoặc hỗ trợ các loại phí hành chính (nếu có) khi người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi giấy tờ do sắp xếp đơn vị hành chính và hỗ trợ nguồn kinh phí để xây dựng trụ sở mới ở các xã, thị trấn mới thực hiện sắp xếp, đảm bảo quy mô làm việc, vừa thuận lợi cho cán bộ, nhân dân khi đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính.
          Năm là, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan sau khi sáp nhập đơn vị hành chính để bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, phù hợp, khả thi trên thực tế. Trước hết, tập trung rà soát các văn bản pháp lý liên quan đến tổ chức bộ máy như: Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức; các văn bản hướng dẫn thi hành về chế độ, chính sách của cán bộ, công chức, quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, các chương trình mục tiêu…
          Công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, nhằm mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Để “tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các cấp, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả” [3] nói chung và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh nói riêng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và Nhân dân./.

Tài liệu tham khảo:
[1]: Báo cáo số 161/BC-UBND ngày 8/8/2022 của UBND tỉnh Quảng Trị về Sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
[2]: Báo cáo 106/BC-UBND ngày 23/6/2021 của UBND tỉnh Quảng Trị về Tổng kết việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
[3]: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.146.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây