TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Thành phố Đông Hà thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, thống nhất của đất nước. Họ ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn đó. Các thế hệ người Việt Nam sẽ luôn tự hào và nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định lấy ngày 27-7 hằng năm làm “Ngày Thương binh toàn quốc” để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước. Quan điểm đó là sự tiếp nối và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc ta được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử với triết lý sống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” đã thực sự góp phần cùng với Đảng và Nhà nước chăm lo ngày càng tốt hơn công tác đền ơn, đáp nghĩa. Nhiều chính sách, chủ trương đã có sức lan tỏa sâu rộng, tạo nên các phong trào như “áo lụa tặng bà”, “tấm chăn ấm lòng mẹ”, “Xây dựng nhà tình nghĩa”, “phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng suốt đời”, “Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ”,”Chăm sóc phần mộ và nghĩa trang Liệt sĩ” ...và đã thực sự trở thành trách nhiệm của toàn xã hội cùng chung tay chăm lo công tác đền ơn, đáp nghĩa. Đời sống các đối tượng chính sách từng bước được cải thiện và nâng cao, hàng vạn ngôi nhà tình nghĩa đã được trao tặng, nhiều công trình tưởng niệm được xây dựng và tôn tạo...đã góp phần ổn định chính trị-xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Tỉnh Quảng Trị nói chung, thành phố Đông Hà nói riêng là địa phương có truyền thống cách mạng kiên cường, anh dũng, đồng thời là nơi chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh nên số lượng đối tượng chính sách rất lớn. Thêm vào đó là địa phương thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, đời sống của nhân dân trong đó có đối tượng chính sách còn gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với những chính sách của Đảng và Nhà nước, thành phố Đông Hà đã luôn quan tâm chăm lo tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Công tác chăm sóc người có công luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm và xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm. 

Theo số liệu của Phòng Lao động, Thương binh và xã hội Đông Hà, toàn thành phố có 2.051 đối tượng chính sách gồm: 70 Bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 816 thương binh, 83 bệnh binh, 249 thân nhân liệt sĩ, 02 anh hùng lực lực vũ trang nhân dân, 445 người có công giúp đỡ cách mạng, 209 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, 28 cán bộ tiền khởi nghĩa, 07 cán bộ lão thành cách mạng và nhiều đối tượng chính sách khác.

Công tác chăm sóc các đối tượng chính sách luôn được Đảng bộ Thành phố đặc biệt quan tâm. Các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết...lãnh đạo và nhân dân thành phố đều tổ chức đến thăm hỏi, động viên các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, viếng những Mẹ đã mất. Các đối tượng là cán bộ Lão thành cách mạng, cán bộ Tiền khởi nghĩa được giải quyết hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ kịp thời, đầy đủ và đúng chế độ. Hàng năm, công tác mua và cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho 1.663 đối tượng chính sách được thực hiện kịp thời để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh của các đối tượng. Chế độ điều dưỡng tập trung tại bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng Cửa Tùng được tổ chức chu đáo đã góp phần chăm sóc sức khỏe, động viên các đối tượng chính sách. 

Chế độ ưu đãi cho con em của các đối tượng chính sách đang học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong cả nước được giải quyết kịp thời, hơn 200 em đang được nhận trợ cấp học tập hàng năm. Bình quân mỗi năm, thành phố Đông Hà chi hơn 20 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và hơn 300 triệu đồng ngân sách địa phương để chi trả chế độ cho các đối tượng chính sách. Các chế độ chính sách được bảo đảm chi trả đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng. Ngoài ra, các chính sách tín dụng, đào tạo nghề, tạo việc làm, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo cho các gia đình chính sách luôn được quan tâm. Các hộ gia đình chính sách được vay vốn ưu đãi từ nhiều nguồn khác nhau để phát triển sản xuất nên đã động viên được các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công vươn lên khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu trong lao động sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình, tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và xã hội, xứng đáng là người công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng gương mẫu. 

Trách nhiệm và tình cảm đối với người có công đã trở thành nội dung quan trọng trên các diễn đàn và truyền thông đại chúng, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hoá của người dân thành phố. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển với nhiều hoạt động thiết thực đã được hình thành và lan tỏa đều khắp trong các phường, các khu phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị...nên đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng cùng chung tay chăm lo công tác chính sách. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh, Liệt sĩ và các ngày lễ lớn của đất nước, quê hương, thành phố đều trích ngân sách gần 300 triệu đồng để tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng chính sách. Đến nay toàn thành phố đã có 9/9 phường được UBND tỉnh khen tặng và công nhận là phường làm tốt công tác Thương binh-gia đình liệt sỹ và người có công. 

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, thành phố luôn quan tâm và tạo điều kiện cho anh em thương binh phát triển sản xuất và kinh doanh; tham gia các hoạt động, công tác của xã hội. Và để đáp lại sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ đã không ngừng phấn đấu vươn lên, tiếp nối truyền thống anh hùng trong học tập, công tác và lao động sản xuất. Nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ đã vượt lên mọi khó khăn, lao động quên mình để thoát nghèo, làm kinh tế giỏi được các ban, ngành cấp tỉnh và thành phố tuyên dương.

Bên cạnh những chính sách của Đảng và Nhà nước, với phương châm Nhà nước và xã hội cùng chung tay chăm sóc các đối tượng chính sách, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp ở thành phố đã được thành lập theo Quyết định số 91/CP ngày 09/11/1998 của Chính phủ. Thông qua đó đã vận động sự tự nguyện ủng hộ của cá nhân, các tổ chức và trách nhiệm của xã hội để cùng với nhà nước chăm sóc người có công với cách mạng. Hàng năm, quỹ đã vận động ủng hộ 02 ngày lương của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm và nhân dân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền bình quân được gần 400 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sỹ và giúp đỡ cho những gia đình chính sách gặp khó khăn. Từ nguồn quỹ này, trong 6 năm (2006-2011) thành phố đã xây mới 57 căn nhà tình nghĩa trị giá 1.465.000.000đ, sửa chữa 92 căn nhà tình nghĩa trị giá 629.000.000đ, giúp cho các gia đình chính sách có nhà ở ổn định. 

Ngoài việc tập trung các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách, thành phố Đông Hà còn tiếp tục đẩy mạnh phong trào chung tay chăm sóc nghĩa trang, xây dựng và tôn tạo nhà bia tưởng niệm liệt sỹ. Từ 2006-2011, thành phố đã huy động từ ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân gần 01 tỷ đồng để xây dựng, trùng tu nhà bia, phần mộ ở các nghĩa trang liệt sĩ. Đến nay, thành phố Đông Hà đã xây dựng được 04 nhà bia ghi danh liệt sỹ ở 04 phường; 02 nghĩa trang liệt sỹ đã được nâng cấp và tôn tạo với 282 phần mộ. Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 nằm trên địa bàn thành phố được các địa phương, cơ quan, trường học...trên địa bàn nhận chăm sóc các phần mộ liệt sỹ chu đáo, sạch đẹp, thể hiện được tình cảm, trách nhiệm, sự tôn kính của Đảng và nhân dân đối với các anh hùng liệt sỹ.

Công tác lưu trữ hồ sơ đối tượng chính sách ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ, việc tra cứu thông tin luôn được thực hiện nhanh chóng và chính xác nhờ ứng dụng công nghệ tin học. Công tác phổ biến, tuyên truyền các chế độ chính sách luôn được triển khai sâu rộng, kịp thời đến các đối tượng chính sách và đến nhân dân nói chung nên đã tạo được sự đồng thuận, được nhân dân đồng tình ủng hộ và rất thuận lợi trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến công tác đền ơn đáp nghĩa. 

Chăm lo công tác Ðền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng là trách nhiệm và việc làm thường xuyên của Ðảng bộ và nhân dân thành phố Đông Hà. Với vị trí là thành phố tỉnh lỵ, Đảng bộ luôn xác định việc làm mang ý nghĩa sâu sắc này sẽ là cơ sở để tạo sự lan tỏa và nhân rộng trong cả tỉnh. Vì vậy, các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và toàn dân, kể cả đối tượng chính sách phải nêu cao trách nhiệm và cùng chung sức, gương mẫu chăm lo thực hiện. Mục tiêu đặt ra là, bảo đảm cho các đối tượng chính sách có cuộc sống luôn ổn định về vật chất, vui vẻ về tinh thần; có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của xã hội; tạo điều kiện để các đối tượng chính sách phát huy khả năng của mình trong việc phát triển kinh tế gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực tế vẫn còn có những gia đình chính sách chưa được chăm sóc một cách đầy đủ; vẫn còn có những người có công với cách mạng bị thiệt thòi; việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ mặc dầu được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhưng đến nay vẫn còn một phần lớn mộ phần liệt sỹ ở các nghĩa trang chưa có danh tính, nhiều liệt sỹ chưa tìm được để quy tập vào nghĩa trang...đó là nổi đau và sự mất mát nhân lên gấp bội của hàng triệu thân nhân trong cả nước. Nói như thế để thấy cho dù tấm lòng của mỗi chúng ta có mong muốn đến bao nhiêu thì sự chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách vẫn là chưa đủ. Những người đã hy sinh không bao giờ suy tính về những gì họ đã quên mình vì nhân dân, vì đất nước, thì với những người đang sống và được hưởng độc lập, tự do như chúng ta không bao giờ được phép quên công lao mà các anh hùng liệt sĩ đã đóng góp cho hòa bình, thống nhất của Tổ quốc. Công lao ấy mãi mãi là tấm gương sáng ngời, trường tồn cùng dân tộc Việt Nam. Với quan điểm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sự kết hợp hài hòa giữa hệ thống chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, sự chung tay chăm lo của xã hội và sự nỗ lực của cá nhân các đối tượng chính sách có quan hệ chặt chẽ, biện chứng góp phần để nâng cao chất lượng công tác đền ơn đáp nghĩa. Đó cũng chính là quan điểm của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, của Đảng và Nhà nước ta. 

Khi đất nước đã hòa bình, thống nhất là lúc chúng ta có điều kiện để chăm lo công tác chính sách một cách chu toàn hơn. Phong trào đền ơn đáp nghĩa phát triển ngày càng sâu rộng, được toàn dân tích cực tham gia và trở thành một hoạt động thường xuyên của toàn xã hội. Điều đó vừa thể hiện trách nhiệm, vừa là tấm lòng tri ân của dân tộc đối với những anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước đã hy sinh thân mình cho cuộc sống hoà bình vì sự phồn vinh và mãi mãi trường tồn của dân tộc. Đồng thời thông qua công tác đền ơn, đáp nghĩa để mọi người được bày tỏ lòng tri ân; để giáo dục cho thế hệ trẻ niềm tự hào về truyền thống đấu tranh của dân tộc và càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Cần thấy rằng, tri ân với người có công với nước không chỉ một ngày, một đợt, một lễ kỷ niệm mà cần hơn là những việc làm thiết thực, thường xuyên để giúp gia đình chính sách, con em những người đã hi sinh, mang thương tật vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.
 

Ths. Trần Hoàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây