TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Sáng tạo trong xây dựng thương hiệu và xây dựng văn hóa ứng xử doanh nghiệp Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập

Ths. Lê Thu Huyền
Khoa Xây dựng Đảng


Sáng tạo trong xây dựng thương hiệu và xây dựng văn hóa ứng xử doanh nghiệp là vấn đề mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải đặt lên hàng đầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nhất là marketing. 
Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp Quảng Trị chỉ chú ý đến việc sản xuất các sản phẩm hàng hóa dịch vụ mà chúng ta có tiềm năng, lợi thế so sánh, ít quan tâm đến những sản phẩm chủ lực đặc thù của địa phương cũng như hoạt động xây dựng thương hiệu và xây dựng văn hóa ứng xử doanh nghiệp thời kỳ hội nhập, phát triển chuỗi giá trị, làm cho giá trị của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Quảng Trị bị giảm sút. Ngoài ra các thị trường xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của tỉnh Quảng Trị cũng có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp ở Quảng Trị chỉ sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa hay cung cấp các sản phẩm dịch vụ phục vụ người tiêu dùng mà chưa có chiến lược xây dựng thương hiệu hay xây dựng các thương hiệu mạnh nhằm làm gia tăng giá trị của các sản phẩm đặc sản một cách có hệ thống, bài bản như tạo trang web riêng, chủ yếu là người tiêu dùng và du khách đã sử dụng và giới thiệu lại cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Như vậy, sự yếu kém về xây dựng thương hiệu đã làm yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Quảng Trị. Vì thế các sản phẩm hàng hóa, đặc sản Quảng Trị chưa khẳng định được khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

Sáng tạo trong xây dựng thương hiệu, đóng gói, các biện pháp và tài liệu marketing đã được thực hiện cho các sản phẩm tiêu, mít, vải, nhãn, bơ, cá tra – basa và cà phê…đem lại lợi nhuận cao đã được các địa phương khác ở nước ta đã làm từ lâu. Giá trị gia tăng đạt được từ các hoạt động xây dựng thương hiệu, đóng gói, thiết kế và marketing đã mang lại giá bán cao hơn cho người sản xuất và lượng hàng hoá tiêu thụ nhiều hơn. Trong nhiều trường hợp, các sản phẩm đã có được thị trường mới như các cửa hàng siêu thị lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm thương mại ở các tỉnh thành khác; một số sản phẩm đã có thị trường xuất khẩu ra nước ngoài. Sáng tạo trong áp dụng các chương trình chứng chỉ, tiêu chuẩn quản lý chất lượng cho sản phẩm du lịch, gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm thông qua việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và xã hội. Đây cũng là những vấn đề và người tiêu dùng quan tâm. Làm thương hiệu là một quá trình lâu dài và đòi hỏi nguồn kinh phí khá lớn. Theo nghiên cứu, các tập đoàn, nhãn hiệu lớn trên thế giới chi tiêu khoảng 10% tổng doanh thu cho việc quảng cáo.

Vậy làm thế nào để xây dựng và quảng bá thương hiệu một cách mạnh mẽ với nguồn kinh phí hạn chế. Chỉ còn một cách, “hữu xạ tự nhiên hương”. Dưới đây là một số cách thức giúp các nhà quản lý xây dựng thương hiệu một cách có hiệu quả.

Một là, xây dựng văn hóa ứng xử Doanh nghiệp thời kỳ hội nhập . Xây dựng tình yêu thương hiệu cho nhân viên. Danh tiếng một thương hiệu phụ thuộc nhiều vào chức năng quảng bá, tuyên truyền; và đội ngũ nhân viên là những người trực tiếp lan tỏa điều này. Như vậy, công việc marketing nội bộ cần được cấp quản lý của từng đơn vị, phòng ban thực hiện. Đây không chỉ là các biện pháp giữ chân người tài, chọn lọc người giỏi mà quan trọng hơn cả là gắn kết nhân viên với công ty. Môi trường làm việc, danh tiếng và văn hóa công ty chính là nguồn khơi dậy hưng phấn làm việc của mỗi nhân viên và tạo điều kiện để nhân viên có thể phát huy tối đa năng lực của mình. Bên cạnh đó, cần trang bị cho mỗi nhân viên nắm vững quy trình và các thông tin về dịch vụ - sản phẩm cùng hệ thống nhận diện thương hiệu. Tạo điều kiện để nhân viên tiếp thu và mở mang kiến thức, hiểu biết trong chuyên ngành để phục vụ cho chính công việc của họ, đó là các thông tin về giá cả sản phẩm và thị trường tiêu thụ được cập nhật hằng ngày. Đối với ngành dịch vụ, du lịch là các lớp học về kỹ năng giao tiếp, sách báo về nghệ thuật chinh phục khách hàng…Nhưng ở Quảng Trị hiện nay số doanh nghiệp áp dụng giải pháp này chưa nhiều chỉ ở các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng, một số siêu thị nói chung là trong lĩnh vực dịch vụ còn trong các doanh nghiệp công nghiệp và nông nghiệp còn đang bỏ trống.

Hai là, quảng bá thương hiệu qua mạng internet. Website của công ty cũng như các web bán hàng trực tuyến, các diễn đàn và mạng xã hội là công cụ quảng bá thương hiệu tối ưu. Lượng khách hàng tiềm năng biết đến sản phẩm, dịch vụ thông qua kênh thông tin này khá lớn bởi thời đại này, người ta mua hàng chỉ bằng một cú nhấp chuột. Thuyết phục khách hàng bằng “giấy trắng mực đen”. Nhân viên cần chú ý đến các tài liệu chuyên nghiệp để tiếp cận với khách hàng như tờ rơi, catalogue, hồ sơ năng lực về chuyên ngành của công ty. Đây là những thông tin được khách hàng tiềm năng tiếp nhận dễ dàng nhất. Ngoài ra, ấn phẩm nội bộ chuyển tải các sự kiện trong công ty cũng là tài liệu được quan tâm. Văn hóa công ty vững mạnh cũng như nguồn nhân lực giỏi giang được thể hiện qua những ấn phẩm này. Đây cũng có thể là sự thu hút khách hàng về mặt cảm giác. Tuy nhiên ở Quảng trị số doanh nghiệp ra ấn phẩm, tờ rơi cũng chỉ là thiểu số. Điều đó chúng ta cũng thấy rõ nhất trong cách tiếp cận khách hàng giữa các hộ tiểu thương của các chợ Đông Hà, thị xã Quảng Trị, siêu thị Quảng Hà,... với siêu thị Coopmark. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận mà họ thu được cũng không giống nhau.

Ba là, xây dựng thương hiệu qua dịch vụ khách hàng. Dịch vụ khách hàng cũng như chăm sóc khách hàng là một trong những đầu tàu quyết định việc khách hàng có quay lại hay không. Chương trình nghiên cứu dịch vụ hỗ trợ khách hàng - Đại học Havard (còn gọi là TARP) phát hiện ra rằng chỉ có 1/26 khách hàng sẽ phàn nàn khi gặp chuyện không vừa ý. Như vậy, nếu bạn nhận được lời phàn nàn của 10 khách hàng, tức đang có tới 260 khách hàng khác giữ kín miệng và lặng lẽ rời bỏ công ty của bạn sang mua hàng của các đối thủ cạnh tranh. Như vậy, việc làm thương hiệu có liên quan mật thiết đến quy trình tiếp nhận những lời phàn nàn của khách hàng. Đó có thể một lỗi nhỏ của sản phẩm, một trục trặc trong khâu cung ứng dịch vụ; có thể là thái độ bất hợp tác, không thiện chí của nhân viên.

Hiểu rõ các suy nghĩ của khách hàng và quan tâm đến dịch vụ chăm sóc khách hàng là một trong những bước xây dựng thương hiệu tốt nhất. Thông thường, thương hiệu đạt được thành công không chỉ bởi yếu tố chất lượng, hay giá cả của sản phẩm, mà còn bởi chúng thiết lập được mối liên hệ cảm xúc với khách hàng. Như vậy, khách hàng yêu thích thương hiệu mẹ thì sẽ có cảm tình muốn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu nhánh. Đồng thời, hiệu ứng ngược lại là họ sẽ ghét lây thương hiệu mẹ nếu không hài lòng với dòng sản phẩm mới. Cho nên việc xây dựng thương hiệu nhánh với chất lượng tốt là điều rất quan trọng.

Bốn là, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu chuẩn. Mỗi một thương hiệu được nhận diện ra cộng đồng thông qua sản phẩm, dịch vụ; tuy nhiên điều khiến khách hàng nhớ đến nhiều nhất là màu sắc thương hiệu cùng với logo, câu khẩu hiệu (slogan) cùng các cụm hình ảnh đi kèm… Cho nên phải bảo đảm tất cả các tài liệu quảng bá, tiếp thị phải thống nhất, tương đồng về màu sắc và hình ảnh. Hệ thống các vật phẩm văn phòng như danh thiếp, bảng hiệu, bao bì… cùng như quà tặng thương hiệu cần được thiết kế theo tông màu chuẩn kèm logo công ty.

Như vậy, các bước trên là các nấc thang nhằm khuyếch trương thương hiệu một cách hiệu quả mà không bị cản trở bởi nguồn kinh phí hạn hẹp. Thăm hỏi, tặng quà cho mọi đối tượng khách hàng, nhất là khách hàng tiềm năng. Gọi điện, email thăm hỏi với những khách hàng có sự quan tâm đến sản phẩm của công ty dù hiện tại họ chưa sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, có thể tặng những món quà nhỏ để tỏ sự quan tâm nhằm tiếp cận và phát triển nguồn khách hàng trong tương lai. Chú ý, những quà tặng phải là vật nhắc nhớ thương hiệu bằng cách in logo công ty lên quà tặng hoặc lồng ghép những giới thiệu về thương hiệu qua quà tặng. Bất kỳ công ty nào cũng lưu ý đến vấn đề này. Tuy nhiên rất ít các doanh nghiệp ở Quảng trị áp dụng chiến lược này ngoại trừ một vài công ty như đã kể trên, còn đa số chỉ áp dụng khi dịp tết Nguyên Đán là chủ yếu.

Tóm lại, Sáng tạo trong xây dựng thương hiệu là bài toán khó, phức tạp muốn nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa cần phải trở lại từ đầu, từ cái đơn giản nhất. Cái khó khăn nhất trong hoạt động xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp Quảng Trị là gì? Cần định danh tất cả các sản phẩm ấy và phân loại nó để tìm ra các giải pháp phân công quản lý trên các loại sản phẩm cụ thể, sản phẩm nào cần phải đầu tư xây dựng trước. Về phía Nhà nước (các cấp Tỉnh, huyện, xã), cần có những tác động mạnh mẽ hơn nữa trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp có thể thực hiện việc nâng cao GTGT đó như ưu tiên cho các doanh nghiệp trong vấn đề vay vốn để xây dựng thương hiệu. Giới thiệu kinh nghiệm xây dựng các thương hiệu chuẩn ở trong nước và mở các lớp đào tạo cho các doanh nghiệp về cách thức và phương pháp xây dựng thương hiệu. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây