TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Những kiến nghị nhằm phòng tránh thiên tai, thảm họa

 
                                           ThS. Nguyễn Sung
                                               Khoa Nhà nước và pháp luật
  Lũ lụt miền Trung năm 2020 được xem là một đợt lũ lụt lịch sử, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam, ảnh hưởng sâu rộng và tác động gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực, phá hủy, trì hoãn và đẩy ngược nền kinh tế - xã hội trên dãi đất  miền Trung Việt Nam. Các đợt bão chồng bão và mưa, lũ chồng lũ liên tục gây ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhất là tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hoá (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sỹ. Theo thông tin từ Chính phủ, thiệt hại do bão lũ rất nặng nề, 235 người chết và mất tích. Trên 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái, ước tính thiệt hại về kinh tế, vào khoảng trên 17.000 tỷ đồng. Từ thực tế những năm qua, đặc biệt là những ngày sống trong thảm họa của bão lũ tháng 10/2020, tôi xin đề xuất mấy kiến nghị cơ bản về công tác phòng tránh thảm họa, thiên tai như sau:
Thứ nhất, chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch phòng tránh thiên tai và các kịch bản phòng tránh thảm họa, thiên tai, phương án xử lý tình huống trong phòng tránh của 3 cấp hành chính ở địa phương. Kế hoạch và kịch bản phòng tránh thiên tai, thảm họa này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Theo quy định của Khoản 1, Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai (sửa đổi năm 2018), thiên tai được hiểu như sau:“ Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.”. Nếu chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch phòng tránh thiên tai không cụ thể, chi tiết, thiếu các kịch bản, phương án xử lý tình huống trong phòng tránh thiên tai thì sẽ ít có tác dụng hoặc thậm chí không có tác dụng. Kịch bản phòng tránh thiên tai này phải xây dựng chi tiết, cụ thể những công việc phải làm, phải tổ chức thực hiện cho bằng được của cả 3 giai đoạn: Trước thảm họa, trong thảm họa và sau thảm họa. Có được kế hoạch, kịch bản và các phương án tốt, chất lượng sẽ giảm được thiệt hại về sinh mạng và tài sản của Nhân dân.
 Thứ hai, khi kế hoạch và kịch bản phòng tránh thiên tai được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phải tổ chức thực hiện tổ chức diễn tập đối với mọi người dân sẽ chịu ảnh hưởng của thiên tai. Việc tổ chức thực hiện và diễn tập phải có chất lượng như diễn tập khu vực phòng thủ của quân khu, tỉnh, huyện đã làm hàng năm. Tránh hiện tượng tổ chức nhưng hình thức, hời hợt, chiếu lệ; thiếu sự tham gia, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Khi có đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào thực hiện kịch bản phòng tránh thiên tai, thảm họa sẽ tạo nên tâm lý tự tin, sự thuần thục, dám đương đầu với thiên tai, thảm họa của người dân. Tại Khoản 9, Điều 22- Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh:Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật”.
Thứ ba, đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành phòng ngừa thảm họa, thiên tai phải điều tra, khảo sát nhằm xây dựng bản đồ hiện trạng cấu trúc đất đai tổng thể và bản đồ địa chất đến từng cấp hành chính (đặc biệt là cấp xã). Các cấp hành chính có được các số liệu chính xác về kết cấu đất đai và dự báo kết cấu bị phá vỡ, bị trôi trượt nếu thiên tai xảy ra thì chính quyền và người dân có thể biết trước để phòng tránh. Theo số liệu mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo trong Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV ngày 05/11/2020: “ Hiện nay, đã có bản đồ tổng thể rồi nhưng chưa có bản đồ chi tiết tới cấp xã”.
Thứ tư, về việc xây dựng thể chế. Nhà nước kịp thời xây dựng và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc phòng tránh thiên tai và thảm họa thiên nhiên tập trung các nội dung sau:
- Quy định về việc cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng cơ sở dữ liệu phòng, tránh thiên tai.
- Sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về các vấn đề liên quan công tác thiện nguyện, cứu trợ, ủng hộ cho người dân vùng đang bị thiên tai của Nhân dân trên mọi miền đất nước.
- Quy định về việc phân bổ ngân sách nhà nước và các vật dụng cứu trợ của Nhà nước kịp thời cho người dân.
- Quy định về việc thu nộp và sử dụng Quỹ Phòng chống thiên tai (hiện nay công tác này còn nhiều bất cập: chỉ có 60/63 tỉnh thành nộp, sau 6 năm thực hiện Quỹ này đã thu được 3.500 tỷ nhưng việc sử dụng quỹ còn nhiều lúng túng).
       Thứ năm, nhanh chóng quy hoạch lại hệ thống các công trình thủy điện (đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ). Về lĩnh vực này, nên theo hướng giảm dần số lượng các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa, thay vào đó là các nhà máy điện gió, điện mặt trời. Hiện nay theo thống kê cả nước có khoảng 800 thủy điện, còn khoảng 450 thủy điện đang xin đầu tư. Việc phát triển các công trình thủy điện nhỏ và vừa tràn lan ở nhiều địa phương đã được nhiều chuyên gia cảnh báo là có nguy cơ phá hủy môi trường, phá rừng và xảy ra lụt lội. Dù rằng thủy điện nhỏ và vừa cũng mang lại những lợi ích kinh tế nhất định nhưng trong bối cảnh đối mặt với lũ lụt như thời gian qua thì vấn đề quy hoạch, xây dựng các thủy điện cần phải cân nhắc. Các dự án thủy điện được cấp phép càng nhiều thì rừng tự nhiên càng mất đi và lũ ống, lũ quét và sạt lỡ đất càng tàn phá các vùng đất, cuộc sống của Nhân dân nơi có nhà máy thủy điện. Hiện nay xu hướng chung của mọi quốc gia trên thế giới các nước tập trung vào loại năng lượng tái tạo: điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều biển… Nghị quyết 55 về Chiến lược quốc gia về năng lượng đến năm 2030 tầm nhìn 2045 của Bộ Chính trị ban hành đầu năm 2020 đã nêu định hướng đối với thủy điện: “Huy động tối đa các nguồn thủy điện hiện có và phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện tích năng. Có chiến lược hợp tác phát triển thủy điện gắn với nhập khẩu điện năng dài hạn từ nước ngoài”
Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng và phòng tránh thiên tai thường xuyên trong các trường học. Nội dung trên phải đưa chính thức vào sách giáo khoa phổ thông. Hiện nay, nội dung này trong sách giáo khoa chưa được chú trọng ưu tiên đưa vào sách giáo khoa của tất cả các cấp học và bậc học.
Mặt khác, cần có những bài học, bài tập dạy học sinh phổ thông về kỹ năng sinh tồn trong bão lũ, động đất và thiên tai như: Kỹ năng bơi thoát hiểm, cứu người trong bão lũ, kỹ năng sinh tồn trong điều kiện sống khắc nghiệt… Đây là những nội dung rất thiết thực và quan trọng cần phải trang bị cho học sinh phổ thông.
Thứ bảy, trong phòng chống thiên tai, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Bốn tại chỗ là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Tuy nhiên, thực hiện phương châm này trong thực tế vẫn có những bất cập, hạn chế và lúng túng - đặc biệt là khi thiên tai xảy ra những khu vực heo hút, đất rộng người thưa, không đủ các yếu tố của 4 tại chỗ. Nên chăng, học cách mà Bác Hồ chúng ta từng giao quyền, ủy quyền cho cán bộ khi thực thi công vụ quan trọng: Giao cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Quyền Chủ tịch nước khi Bác đi sang Pháp công tác - “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy trận Điện Biên Phủ lịch sử - “Tướng quân tại ngoại”.  Giao nhiệm vụ cùng với quyền tương ứng như thế thì trong mọi hoàn cảnh dù khắc nghiệt như thế nào đi nữa thì bất kỳ một chủ thể nào cũng có thể tự tin và vững vàng ứng phó trong mọi tình huống (chủ thể này có thể là người lớn tuổi, người có kinh nghiệm hay đơn giản đó là những trưởng thôn, trưởng làng…). Bài học trên mà Bác đã thực hiện luôn luôn còn ý nghĩa thực tế ứng dụng trong cuộc sống của chúng ta ngày nay.
Tháng 10 năm 2020, lũ chồng lên lũ, lũ đạt đỉnh kinh hoàng nhất lịch sử trong hơn 50 năm qua. Nước trắng trời, nước càn quét hết tất cả những gì là cơ sở hạ tầng của địa phương, là những tài sản tích cóp được bằng sự nhọc nhằn một nắng hai sương của người dân miền Trung nghèo khó. Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách lại được khơi dậy trong toàn dân. Mất mát quá lớn của quân đội trong thời bình, tang thương đau đớn đến quặn lòng. Thiên tai, thảm họa rồi cũng sẽ qua đi, người dân miền Trung với sự chung tay của Nhân dân cả nước sẽ xây dựng lại quê hương. Một vài kiến nghị nhằm phòng tránh thảm họa, thiên tai như một sự sẻ chia của bản thân đối với quê hương miền Trung ruột thịt với mong muốn thiên tai, thảm họa sẽ nhanh chóng qua đi, cuộc sống an lành của Nhân dân sẽ trở lại./.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây