TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Nghiên cứu khoa học – Nhiệm vụ luôn đặt ra đối với giảng viên trẻ ở Trường Chính trị Lê Duẩn

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động tìm kiếm, xem xét, điều tra, hoặc thử nghiệm để phát hiện ra những cái mới về bản chất sự vật, về thế giới tự nhiên và xã hội, để sáng tạo phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới cao hơn, có giá trị nhằm phục vụ cho con người. Ở Trường Chính trị, hoạt động nghiên cứu khoa học cung cấp những luận cứ, luận chứng, góp phần giúp cho bài giảng thêm phong phú, sinh động và có chiều sâu, ngược lại công tác giảng dạy đặt ra yêu cầu mỗi giảng viên phải nghiên cứu khoa học để tiếp cận làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn. Do đó, nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai nhiệm vụ chủ yếu của người giảng viên, giảng dạy và nghiên cứu khoa học không chỉ là trách nhiệm mà còn góp phần khẳng định uy tín, năng lực của người giảng viên, của Nhà trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, có mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau; nếu chỉ thực hiện được một trong hai nhiệm vụ ấy thì có nghĩa, người thầy đó chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, đối với giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu. Đây là lực lượng hội đủ tố chất năng động, sáng tạo, nhiệt huyết được đào tạo chính quy và luôn mong muốn đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp “dạy tốt và học tốt” của Nhà trường.
Xuất phát từ thực tiễn, nhiều năm qua đội ngũ giảng viên trẻ của Trường Chính trị Lê Duẩn luôn luôn tích cực quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Cụ thể, giảng viên trẻ tham gia đầy đủ viết trang web, viết nội san, đi nghiên cứu thực tế theo kế hoạch chung của Khoa, của Nhà trường. Qua hoạt động nghiên cứu thực tế ở một số xã và doanh nghiệp như xã A Ngo (Đakrông), xã Gio Hòa (Gio Linh), xã Xy (Hướng Hóa), Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền… với nội dung chủ yếu tìm hiểu công tác xây dựng Đảng, phát triển Đảng, các mô hình chăn nuôi mới ở các xã,  tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, lịch sử văn hóa của các địa phương đã giúp cho đội ngũ giảng viên và đặc biệt giảng viên trẻ từng bước nắm bắt, am hiểu sâu sắc thực tế ở cơ sở, vận dụng vào bài giảng làm cho bài giảng sinh động; giàu sức thuyết phục. Hoạt động nghiên cứu không những giúp giảng viên học tập mà còn giúp giảng viên tự đánh giá, điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy sát với thực tế, sát với yêu cầu của người học. Từ những kết quả thu được qua nghiên cứu thực tế, Nhà trường cũng như Khoa khuyến khích đội ngũ giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết hệ thống thành đề tài khoa học. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đội ngũ giảng viên trẻ còn hạn chế trong việc tiếp cận những vấn đề về kiến thức lý luận. Cụ thể: Việc tiếp cận các thông tin từ thư viện của Nhà trường thông qua các tác phẩm kinh điển còn ít; việc tiếp cận thông tin trên các phương tiện, đặc biệt là báo chí cũng còn hạn chế; việc tham gia vào các đề tài nghiên cứu tuy bước đầu đã được thực hiện tích cực nhưng chưa thật sự hiệu quả. Nguyên nhân của những hạn chế này:
Thứ nhất, do điều kiện giảng viên trẻ mới bước vào nghề cho nên phải đầu tư phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu tài liệu, giáo trình phục vụ cho việc soạn giảng  lên lớp. Chính điều này làm cho giảng viên trẻ chưa sắp xếp thời gian một cách hợp lý và cần thiết để tiếp cận các nguồn tư liệu, tài liệu cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học khác.
Thứ hai, do đặc thù học viên của Nhà trường là những người chủ yếu lớn tuổi, có địa vị vì vậy một số giảng viên trẻ bị áp lực nặng nề từ giảng dạy nên họ chủ yếu chăm lo vào việc tập trung dự giờ của các đồng nghiệp đi trước về kiến thức, tác phong… mà những giảng viên này truyền đạt tới học viên, mục đích để có bài giảng tốt cho nên giành ít thời gian tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học khác.
Để khắc phục những hạn chế vấp phải nhằm hoàn thành tốt công tác nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu giảng dạy của giảng viên trong tình hình mới hiện nay theo tôi cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ chính sau:   
Thứ nhất, khai thác thông tin ở thư viện. Hiện nay thư viện của Nhà trường đã được trang bị khá đầy đủ nhiều bộ sách kinh điển, sách tham khảo mới, báo, tạp chí lý luận thực tiễn, tạp chí kinh tế với một khối lượng kiến thức lớn. Vì vậy, đội ngũ giảng viên đặc biệt là giảng viên trẻ cần phải bố trí và phân chia thời gian một cách hợp lý ít nhất nên đến thư viện 2 lần/1 tuần để đọc và tích lũy, bút lục lại kiến thức đó.
Thứ hai, cần đổi mới tư duy trong công tác nghiên cứu thực tế. Giảng viên trẻ cùng với việc tham gia đi thực tế tại các địa điểm theo kế hoạch của Khoa, của Nhà trường thì mỗi một giảng viên trẻ cần có một phương thức tiếp cận mới để nắm bắt kiến thức từ thực tiễn thông qua việc trao đổi, tiếp xúc nhằm phát hiện vấn đề nảy sinh trong cuộc sống phân tích, đối chiếu lý luận làm cơ sở cho giảng dạy đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của học viên.
Thứ ba, tham gia tích cực các hoạt động nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã có một số hoạt động phối hợp trong công tác khoa học như liên hệ với các cơ quan khác trong tỉnh đã và đang có kế hoạch tiếp tục thực hiện việc tổ chức một số hội thảo chuyên đề, đề tài cấp tỉnh. Giảng viên trẻ cần mạnh dạn tham gia tích cực các hoạt động này để vừa nâng cao kiến thức chuyên môn, vừa nắm bắt được thực tế.
Qua đây chúng ta thấy, nghiên cứu khoa học là một việc làm cần thiết đối với đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên trẻ nói riêng. Nó là động lực thúc đẩy niềm đam mê nghề nghiệp, giúp giảng viên trẻ tiếp nhận, làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào bài giảng một cách có hiệu quả. Nếu làm được những điều như trên thì mỗi một giảng viên trẻ Nhà trường sẽ sớm trở thành một người giảng viên có đủ năng lực, kỹ năng, bản lĩnh để đứng vững trên bục giảng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hải Lý

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây