Nâng cao hiệu quả trong thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay
- Thứ ba - 28/11/2023 14:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hoàng Văn Cường
Phòng TC, HC, TT, TL
Hiện nay, doanh nghiệp ngày càng phát triển với nhiều loại hình, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Cùng với đó, đội ngũ công nhân, người lao động tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong tình hình mới, việc tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở nhằm bảo đảm quyền dân chủ cho người lao động tại doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.
Tại tỉnh Quảng Trị, theo Niên giám thống kê năm 2021, toàn tỉnh có 2.392 doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho 26.289 lao động, đóng góp rất quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Thời gian qua, để bảo đảm quyền dân chủ của người lao động, phát huy sự sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các doạnh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được các cấp công đoàn tỉnh chú trọng triển khai, thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể:
Thứ nhất, về công tác tuyên truyền:
Thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18/12/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Liên đoàn lao động tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn. Vì thế, trong những năm qua, Liên đoàn lao động tỉnh đã chú trọng tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 30 - CT/TW và các văn bản của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cấp công đoàn và người lao động. Từ năm 1998 đến nay, Liên đoàn lao động tỉnh, công đoàn huyện, ngành đã tổ chức 69 lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn chủ chốt các cấp; tổ chức 15.497 lớp tuyên truyền về quy định thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong đó, 100% công nhân lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước, 75% công nhân lao động ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước được học tập, quán triệt các nội dung thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở[2]; vì thế cơ bản đã tạo sự chuyển biến khá rõ nét về nhận thức trong công nhân lao động, đặc biệt là lãnh đạo các doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng, sự cần thiết, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quy chế dân chủ, qua đó đã tích cực, chủ động trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở.
Thứ hai, về kết quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở:
Mặc dù còn có những khó khăn, hạn chế so với khu vực hành chính sự nghiệp nhà nước, nhưng nhiều năm qua, công đoàn cơ sở tại các doạnh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò đại diện cho tập thể lao động, chủ động tham mưu cho cấp uỷ Đảng, phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, đảm bảo các yêu cầu, nội dung theo quy định của pháp luật. Đến nay 100% doanh nghiệp nhà nước, 82% doanh nghiệp ngoài nhà nước (có tổ chức công đoàn và từ 10 lao động trở lên) đã xây dựng quy chế thực hiện dân chủ và các nội quy, quy định tại doanh nghiệp[2]. Trong đó các nội dung thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp, nội dung công khai được thực hiện tốt hơn và thường xuyên hơn. Các doanh nghiệp đã thực hiện công khai các chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động; các nguồn quỹ: phúc lợi, Công đoàn, BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn; các quy định về mức khoán, định mức lao động; các quy định về thi đua, khen thưởng; điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp...
Thứ ba, về tổ chức hội nghị người lao động:
Các doanh nghiệp đã bám sát quy định để tổ chức hội nghị, linh động trong hình thức tổ chức phù hợp với tình hình thực tiễn lao động sản xuất của công nhân lao động. Các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động được thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến khi xây dựng, bổ sung, sửa đổi thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định tại doanh nghiệp được đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ tại hội nghị.
Những việc người lao động quyết định, các doanh nghiệp cũng đã thực hiện như: hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, tham gia ý kiến và biểu quyết thông qua thỏa ước lao động tập thể; biểu quyết thông qua nghị quyết hội nghị người lao động hàng năm; nhận thức và sử dụng quyền dân chủ của người lao động cũng ngày càng hiệu quả hơn... Đây chính là cơ sở vững chắc xây dựng và thiết lập quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Đồng thời, số lượng doanh nghiệp tổ chức đại hội công nhân viên chức, hội nghị người lao động ngày càng tăng và nền nếp. Đối với doanh nghiệp khu vực nhà nước, năm 1999 có 62% doanh nghiệp tổ chức đại hội công nhân viên chức, năm 2003 có 85% và từ năm 2023 đến nay đã có 100% doanh nghiệp nhà nước và các công ty cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước chuyển sang đều duy trì được nền nếp tổ chức đại hội công nhân viên chức, hội nghị người lao động. Đối với doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, năm 1999 có 19% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn (10 lao động trở lên) tổ chức nghị người lao động, đến 2023 có 161/174 (93%) doanh nghiệp có 10 lao động trở lên tổ chức hội nghị người lao động[2,3].
Thứ tư, về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc:
Đến năm 2023, ở cấp cơ sở, đã có 165/174 doanh nghiệp có 10 lao động trở lên tổ chức đối thoại giữa công nhân lao động với người sử dụng lao động, đạt tỷ lệ 95%[3]. Hầu hết các doanh nghiệp thường tổ chức đối thoại cùng với kỳ giao ban của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cũng đã tổ chức được các cuộc đối thoại trực tiếp giữa người sử dụng lao động với người lao động, thông qua đó người sử dụng lao động đã đưa ra những cam kết về việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, những đảm bảo về an toàn vệ sinh lao động, điều kiện làm việc và các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động, do vậy đã hạn chế đáng kể những xung đột lợi ích và tranh chấp lao động. Thông qua đối thoại, công nhân lao động, công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động cởi mở chia sẻ thông tin, trao đổi ý kiến về quyền và lợi ích của các bên, phản ánh nhũng khó khăn vướng mắc, tâm tư nguyện vọng, nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới các giải pháp hai bên cùng có lợi.
Thứ năm, về ký kết thoả ước lao động tập thể:
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức “Ngày ký kết thỏa ước lao động tập thể” trong Tháng Công nhân nhằm mang lại nhiều điều khoản có lợi cho người lao động, góp phân xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, hướng dẫn CĐCS tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp mới thành lập công đoàn cơ sở và các doanh nghiệp chưa có thỏa ước lao động tập thể hoặc thỏa ước lao động tập thể đã hết hạn. Đến nay, có 155/174 (89%) công đàon cơ sở khu vực doanh nghiệp (có 10 lao động trở lên) ký kết thỏa ước lao động tập thể. Qua đánh giá, các thỏa ước lao động tập thể đều có ít nhất từ 3 điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tổ chức công đoàn tại cơ sở tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò đại diện thông qua việc tham gia vào thành viên các hội đồng ở cơ sở như: Hội đồng thi đua khen thưởng, kỷ luật, hội đồng xét nâng lương, chuyển ngạch, hội đồng xét, tuyển dụng cán bộ, hội đồng phân phối quỹ phúc lợi, hội đồng hòa giải cơ sở... Nhiều nơi tổ chức công đoàn đã phát huy tốt vai trò thành viên hội đồng, thực sự là người đại diện cho người lao động tham gia với chính quyền đồng cấp trong một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền nhằm góp phần thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn chưa được người sử dụng lao động quan tâm đúng mức. Hoạt động của công đoàn cơ sở còn gặp không ít khó khăn khi triển khai các nhiệm vụ thuộc quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn về thực hiện quy chế dân chủ. Mặt khác, do tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp thiếu sự ổn định, lao động thường xuyên biến động đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện, nhất là những nơi chưa có tổ chức công đoàn.
Do điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh nên một số doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động còn lồng ghép với hội nghị tổng kết năm, đại hội cổ đông, vì vậy, các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động chưa được thảo luận và đánh giá đầy đủ. Một số nơi, người sử dụng lao động còn vi phạm về chế độ, chính sách của người lao động; một số doanh nghiệp do gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động thường xuyên biến động nên đã ảnh hưởng đến việc tổ chức hội nghị người lao động.
Một số người sử dụng lao động khu vực doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của đối thoại nơi làm việc; chưa kịp thời sửa đổi quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định mới; chưa bám sát quy định của pháp luật về đối thoại tại nơi làm việc trong tổ chức thực hiện, việc xây dựng quy chế dân chủ ở một số nơi mang tính hình thức, đối phó.
Công tác phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ chưa thường xuyên và còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đến với, người sử dụng lao động, người lao động tại các doanh nghiệp. Đặc biệt là tổ chức các lớp tuyên truyền Bộ luật Lao động năm 2019, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 59/2023/NĐ- CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của tổ chức công đoàn.
Thứ hai, thường xuyên nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, tâm tư, nguyện vọng của người lao động tại doanh nghiệp. Kịp thời phát hiện, phản ánh, giải quyết hoặc phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của người lao động; những khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và trong việc thực hiện các chế độ, chính sách, những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Thứ ba, tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, kỹ năng thương lượng, đối thoại. Phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động tố chức đối thoại để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất ngay từ cơ sở, tránh để tình trạng đơn thư, khiếu kiện kéo dài, tranh chấp lao động xảy ra. Đôn đốc, giám sát việc giải quyết những kiến nghị sau đối thoại.
Thứ tư, Liên đoàn Lao động tỉnh và các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp; giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp đã ký kết.
Thực hiện dân chủ cơ sở tại các loại hình doanh nghiệp một mặt nhằm bảo đảm quyền của người lao động được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát và được quyết định các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Mặt khác nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, qua đó tăng cường đồng thuận trong xã hội. Vì thế, trong thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh Quảng Trị cần nâng cao hơn nữa hiệu quả trong thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp./.
Tài liệu tham khảo:
1. Niên giám thống kê tỉnh Quảng Trị năm 2021.
2. Báo cáo tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/12/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”, ngày 30/5/2023 của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị
3. Báo cáo kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở ở sở năm 2023, ngày 21/11/2023 của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị