TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng ở Quảng Trị về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới

 
Trần Văn Toàn
Khoa Xây dựng Dảng
         Quảng Trị là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong khu vực phòng thủ chung. Chính vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu đặc biệt là trong tình hình hiện nay.
          Xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, vùng biển - đảo là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa chiến lược, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khai thác và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới. Đặc biệt, ngày 09-01-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Chỉ thị đã tạo ra cơ sở pháp lý và chính sách cho các cấp, các ngành, các lực lượng, các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào quần chúng trên các tuyến biên giới, biển đảo, mà trực tiếp và trước hết là cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới.
        Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua Bộ đội biên phòng Quảng Trị với chức năng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đã chủ động đề xuất phối hợp với các sở, ban, ngành, trong toàn tỉnh xây dựng các chương trình phối hợp hành động nhằm huy động đông đảo các ngành, các lực lượng và các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới. Các chương trình phối hợp đã được chỉ đạo và triển khai chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở có sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.
       Cụ thể, trên tuyến biên giới biển, thời gian qua, lực lượng Biên phòng tỉnh đã phối hợp với lực lượng chức năng và ngư dân trên các tàu đánh cá xa bờ phát hiện và thống kê được gần 2.000 lượt chiếc tàu thuyền đánh cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam khai thác thủy hải sản; phát hiện và tiến hành xua đuổi hàng trăm lượt tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển đánh bắt trộm hải sản ra khỏi vùng biển Việt Nam;
       Về hoạt động tự quản đường biên, cột mốc biên giới, đến nay tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng mốc biên giới trên thực địa với hai tỉnh Savannakhet và Salavan. Trong đó, giữa tỉnh Quảng Trị và Savannakhet tại 31 vị trí/35 cột mốc (từ mốc có số hiệu 577 đến mốc có số hiệu 607). Tuyến Quảng Trị và Salavan tại 31 vị trí/33 cột mốc (từ mốc có số hiệu 608 đến mốc có số hiệu 634), đồng thời cắm bổ sung tại 37 cọc dấu phụ/24 vị trí mốc quốc giới nhằm làm rõ đường biên giới ở những nơi có địa hình đặc trưng.
        Trong bảo vệ an ninh trật tự, đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý 1.764 vụ/3.098 đối tượng với các hành vi như vi phạm các quy định về trật tự an toàn xã hội, mua bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ, sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác hải sản, vi phạm quy chế khu vực biên giới biển...
       Cùng với hoạt động tự quản về đường biên, cột mốc biên giới, các hoạt động tự quản về an ninh trật tự cũng được tổ chức rộng khắp trên tất cả các tuyến biên giới, với sự ra đời của hàng trăm tổ, đội, thôn xóm tự quản. Nhiều địa phương đã lồng ghép phong trào tự quản với các phong trào, các cuộc vận động như, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Tàu thuyền, bến bãi an toàn”, “Họ đạo gương mẫu”, “Thôn xóm bình yên”, “Gia đình hòa thuận” tiếp tục được nhân rộng và phát huy tác dụng ở các địa phương tuyến biển, đảo.
       Bên cạnh đó, một điểm nổi bật của phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới những năm gần đây là việc các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp phát động và tổ chức cho quần chúng nhân dân tham gia giáo dục, cảm hóa các loại đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng. Vì vậy, nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu vượt biên trái phép, kích động biểu tình, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng, tổ chức hoạt động tôn giáo trái pháp luật,... đã được đưa ra phê phán, giáo dục, thuyết phục trước cộng đồng thôn bản. Bằng sức mạnh của quần chúng nhân dân phối hợp với các cơ quan, lục lượng chức năng đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của địch và các loại đối tượng; phân hóa, cô lập chủ mưu cầm đầu; giáo dục cảm hóa những người lầm lỗi và răn đe các đối tượng khác.
     Đặc biệt, tổ chức kết nghĩa được 24 cặp bản đối diện trên toàn tuyến giữa tỉnh Quảng Trị với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan. Đây là mô hình chưa có trong tiền lệ, mới được tổ chức lần đầu, nhưng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân hai bên biên giới vì vậy đã phát huy tác dụng ngay sau khi triển khai. Việc kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới không những đã góp phần ổn định chính trị, bảo đảm được tình hình an ninh trật tự mà còn phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Huy động được sức mạnh tổng hợp đầu tư của các cấp, ngành, các lực lượng và nhân dân hai bên biên giới trong phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự (thôn) bản khu vực biên giới. Thông qua kết nghĩa đã tạo nên sức mạnh cả vật chất và tinh thần, khơi dậy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt-Lào, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác hai nước cùng phát triển là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng.
     Có thể khẳng định, phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đã tăng cường sức mạnh thế trận biên phòng toàn dân, góp phần củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
      Những phong trào và hình thức tập hợp quần chúng đó đã mang lại hiệu quả chính trị - xã hội to lớn. Nhận thức trách nhiệm đối với chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của các tầng lớp nhân dân nâng lên; ý thức về quốc gia, quốc giới và vai trò tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của đồng bào các dân tộc biên giới được phát huy.
      Trong thời gian tới, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ có ảnh hưởng và tác động mạnh đến an ninh, trật tự khu vực biên giới nước ta. Các hoạt động vi phạm biên giới, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ còn diễn biến khó lường. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; đặc biệt là lợi dụng các chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và chủ quyền lãnh thổ để chống phá Đảng và  Nhà nước ta. Bên cạnh đó những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang đe dọa sự nghiệp cách mạng nước ta, vì vậy, xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị.
      Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trước hết cần phải tập trung tuyền truyền sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh biên giới trong tình hình mới; kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, vừa rộng rãi, vừa mở đợt tập trung, vừa tuyên truyền cá biệt; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp của tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị, trường học, tổ dân phố, cụm dân cư. Chú trọng hình thức tuyên truyền, vận động cá biệt đối với các đối tượng có nguy cơ phạm tội, tái phạm tại các địa bàn trọng điểm về trật tự, an toàn xã hội.
       Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành cùng tham gia xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường biên giới, hải đảo; bảo đảm tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, chính quyền có đủ năng lực quản lý, điều hành mọi hoạt động của địa phương; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hoạt động có nền nếp, có hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động và tổ chức có hiệu quả các phong trào quần chúng; các nhiêm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
     Đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh biên giới; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải; tập trung tổ chức có hiệu quả Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới, gắn với việc tổ chức thực hiện kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới”; thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình có hiệu quả cao, nghiên cứu xây dựng những mô hình mới phù hợp với tình hình đặc điểm từng địa bàn. Kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh biên giới, có chính sách thỏa đáng đối với những trường hợp bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia phòng, chống tội phạm.
      Tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh biên giới. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách; phát huy vai trò Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư, Trưởng Ban công tác mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở, những người có uy tín trong dòng họ; dân tộc, tôn giáo, các vị chức sắc tiêu biểu, các điển hình... làm chỗ dựa cho nhân dân trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới.
     Công tác bảo vệ an ninh biên giới trong giai đoan hiện nay đang trở thành vấn đề có vai trò và ý nghĩa to lớn, vì vậy thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng nước ta ngày càng giàu đẹp văn minh.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây