TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn hiện nay

 
ThS. Nguyễn Thị Mỹ Vân
                                                                                       GV. Phòng Đào tạo
Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã hội trong giai đoạn hiện nay. Việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những cơ sở vững chắc về lý luận và pháp lý được đề cập ngay trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X,XI, XII của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015, cụ thể hơn là Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Ban hành Quyết định số 217- QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị), Quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (Ban hành Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị). 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng quán triệt thực hiện Quyết định 217, 218. Qua 3 năm thực hiện (từ năm 2014- 2016) công tác giám sát  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh Quảng Trị đã lập kế hoạch, tổ chức 03 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận và nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội cho hơn 400 đại biểu là cán bộ Mặt trận cấp huyện, cấp xã, trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. UBMTTQVN tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tiến hành 8 cuộc giám sát chuyên đề, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội 05 cuộc giám sát và đã đạt được một số kết quả nhất định trên các lĩnh vực:  

Thứ nhất, giám sát thực hiện Quy chế Dân chủ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, được tổ chức tại 06 đơn vị cấp xã về công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện xây dựng nông thôn mới, qua đó chỉ ra 04 ưu điểm nổi bật và 06 hạn chế trong thực hiện Chương trình Mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, đã kiến nghị 20 ý kiến đến Trung ương, tỉnh, huyện, xã và các ngành liên quan nhằm khắc phục những hạn chế, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực hiện của địa phương

Thứ hai, giám sát thực hiện Nghị quyết 26/2013/NQ-HĐND ngày 11/12/2013“Về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị- xã hội ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, khu phố”, Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND), Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ), Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống  văn hóa ở khu dân cư” đã tổ chức thực hiện tại 08 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đưa ra 08 ý kiến đối với  cấp tỉnh, huyện, xã.

Thứ ba, giám sát cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, UBMTTQVN tỉnh đã triển khai kế hoạch giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tổ chức 2 đợt với 04 đoàn giám sát, tiến hành giám sát 44 điểm tại 9/10 huyện, thị xã, thành phố về quy trình bầu cử, giám sát các điểm bỏ phiếu trong tỉnh và đã kiến nghị 09 vấn đề liên quan.

Thứ tư, giám sát công tác quản lý nhà nước về đất đai các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, UBMTTQVN tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-MTTQ-BTT ngày 08/8/2016 giám sát việc quản lý nhà nước về đất đai tại 06 điểm gồm có: Thành phố Đông Hà, Hải Lăng, Hướng Hoá và 03 xã, phường: Phường 5- thành phố Đông Hà, xã Tân Hợp - huyện Hướng Hoá, xã Hải Phú - huyện Hải Lăng nhằm đánh giá đúng thực trạng quản lý và sử dụng đất đối với các tổ chức tôn giáo được nhà nước giao đất, cho thuê đất từ năm 2003-2013. Qua đó, phát hiện, kiến nghị, đề xuất với các cấp uỷ Đảng, HĐND, UBND các cấp và các cơ quan chức năng liên quan khắc phục 10 vấn đề chưa hợp lý để sửa đổi, bổ sung.

Thứ năm, giám sát việc tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 trên địa bàn tỉnh được tổ chức thực hiện tại 03 huyện: Thị xã Quảng Trị, huyện Gio Linh và huyện Đakrông, mỗi huyện chọn 01 đơn vị xã, phường giám sát nhằm đánh giá đúng công tác Tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn theo tiêu chí và chuẩn hộ nghèo, cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ -TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ  và đã đề xuất 26 ý kiến, kiến nghị với các cấp, các ngành.

Thứ sáu, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở năm 2016 thực hiện Chương trình phối hợp 308/CTPH-BTTUBMT-TTr-STP-HLG-ĐLS ngày 20/01/2015 giữa Ban Thường trực UBMTTQVN, Thanh tra, Sở Tư pháp, Hội Luật gia, đoàn Luật sư tỉnh về giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-MTTQ-BTT ngày 10/10/2016 và triển khai giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở UBND huyện Vĩnh Linh trong giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 10/2016. 

Thứ bảy, giám sát về thực hiện Quyết định 1880/QĐ-TTg và 3300/QĐ-UBND về định mức bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân trong tỉnh bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 8 xã, thị trấn thuộc 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng, sau hoạt động giám sát đã kiến nghị trung ương, địa phương 23 ý kiến khắc phục khó khăn, vướng mắc.

Thứ tám, hiện nay UBMTTQVN tỉnh đang tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn tại 3 đơn vị cấp xã, 3 đơn vị cấp huyện Vĩnh Linh, Đakrông và Hướng Hoá.

Bên cạnh việc thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã phối hợp tham gia giám sát với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và vận động nhân dân giám sát thông qua hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ 03 năm qua đã tham gia giám sát 1.538 vụ việc, phát hiện, kiến nghị với chính quyền, các cơ quan chức năng xem xét và đã được giải quyết 579/593 vụ việc, đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị kịp thời, phù hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị.

Công tác phản biện xã hội 03 năm qua đã có những bước chuyển biến rõ rệt, hoạt động phản biện xã hội được Mặt trận các cấp quan tâm, chủ động, tích cực tham gia, có trách nhiệm trong việc xây dựng chính sách pháp luật, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. UBMTVN tỉnh đã ban hành Quyết định số 40/QĐ-MTTQ-BTT ngày 16/12/2014 thành lập các Hội đồng tư vấn UBMTTQVN tỉnh khoá XI (nhiệm kỳ 2014-2019) gồm Hội đồng tư vấn: Kinh tế - xã hội, Dân chủ - pháp luật, Dân tộc - Tôn giáo, với 17 thành viên là cán bộ lãnh đạo đã nghỉ hưu, cán bộ làm công tác chuyên môn, chuyên gia trên các lĩnh vực. Ban Thường trực UBMT tỉnh đã tham gia dự thảo các bộ luật, dự thảo nghị quyết của cấp ủy Đảng và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương, các  đề án, chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các sở, ban, ngành. Ban Thường trực UBMT tỉnh đã tiến hành tham gia ý kiến thẩm định hơn 70 đề án, dự án đầu tư công về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã tập trung phản biện các chương trình, đề án, dự án về kinh tế - xã hội có liên quan thiết thực tới người dân tại địa phương như dự thảo Nghị quyết phát triển KT-XH năm 2015; Nghị quyết xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của cấp ủy các cấp; Kế hoạch phát triển KT-XH của UBND và các dự thảo báo cáo của các ban, ngành liên quan cùng cấp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức tham gia góp ý, phản biện vào các dự án luật, pháp lệnh. 

Bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc như: Kinh phí của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu cho các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; một số đơn vị, doanh nghiệp chưa nắm bắt được chủ trương giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định 217, 218 vì chưa có luật nào quy định, chưa có chế tài để các đơn vị, cơ quan thực hiện nên thiếu hợp tác trong hoạt động giám sát của mặt trận và các đoàn thể; Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đòi hỏi trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn cao nhưng số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là công tác phản biện xã hội, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật; các ý kiến, kiến nghị của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội sau giám sát chuyên đề ở nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm giải quyết, phản hồi một cách tích cực, có trách nhiệm.

Để nâng cao chất lượng hoạt động công tác giám sát và phản biện xã hội, UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị cần thực hiện tốt các vấn đề sau:

Một là, Ban Thường trực UBMT tỉnh, Ban TT UBMT cấp huyện tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt Quyết định 217, 218 cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm thống nhất về mặt nhận thức, mang lại hiệu quả khi triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc Ban Thường trực UBMTTQVN cấp xã phát huy vai trò giám sát của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. 

Hai là, UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền liên quan theo đúng quy trình để thực hiện có hiệu quả công tác giám sát và phản biện trên các lĩnh vực như: phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, việc thực hiện pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; Phối hợp với VKSND cùng cấp thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động tư pháp, tạm giam, tạm giữ ; triển khai thực hiện Chương trình phối hợp với Ban Nội Chính Tỉnh uỷ, Bảo hiểm xã hội tỉnh, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ liên quan. 

Ba là, cần lựa chọn chủ đề giám sát và phản biện xã hội đúng trọng tâm, phù hợp với từng thời điểm, gắn với vấn đề thiết thực của địa phương, đơn vị, đặc biệt những vấn đề đang được xem là “điểm nóng” bức xúc mà nhân dân đang quan tâm để thực hiện trước. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần có chương trình, kế hoạch, nội dung giám sát và phản biện xã hội cụ thể, báo cáo cấp ủy và chính quyền cùng cấp trước khi triển khai để được hỗ trợ, tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, cần kiến nghị, đề xuất kịp thời về những phát hiện trong quá trình thực hiện giám sát, phản biện đối với việc làm chưa đúng,chưa phù hợp, còn vướng mắc của cơ quan, tổ chức, cá nhân để khắc phục sửa chữa và bổ sung hoàn chỉnh về chính sách pháp luật. Đồng thời cần giám sát lại việc thực hiện những kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để tạo cơ chế quy định rõ trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ban, ngành trong việc giải quyết, hồi đáp các ý kiến, kiến nghị nhằm đưa công tác giám sát và phản biện xã hội thực sự đi vào cuộc sống.

Năm là, UBMTTVN tỉnh quan tâm hơn nữa việc nâng cao chuyên môn, kỹ năng và nghiệp vụ về công tác giám sát, phản biện xã hội đối với cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh thông qua tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, cần tạo cơ chế để thu hút thêm nhiều chuyên gia trên các lĩnh vực chuyên môn khác nhau tham gia vào hoạt động phản biện xã hội đối với các vấn đề chuyên môn sâu nhằm thực hiện khoa học, hiệu quả và mang lại ý nghĩa thiết thực của công tác này.

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của MTTQVN tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện tốt công tác giám sát phản biện xã hội sẽ phát huy dân chủ, đại diện quyền và lợi ích của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội và góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Tin rằng, với sự chỉ đạo của Đảng đoàn UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo Ban Thường trực  UBMTTQ các cấp sẽ thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Trị./
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây