TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Nâng cao hiểu quả công tác tiếp dân tại tỉnh Quảng Trị

Tiếp công dân là nhiệm vụ quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Là hoạt động nhằm hiện thực hoá quyền dân chủ của công dân, là sự cụ thể hoá quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của Nhà nước và xã hội của công dân, phát huy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời đây cũng là biểu hiện sinh động phản ánh bản chất dân chủ của Nhà nước ta, nhà nước của dân, do dân, vì dân. Mặt khác, thông qua công tác tiếp công dân giúp cho Đảng và Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân; các cơ quan, tổ chức đã triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác này. Đặc biệt, từ khi Luật Tiếp công dân được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014, là hành lang pháp lý đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi  cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Theo Báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 2015 của UBND tỉnh Quảng Trị, trong năm 2015 các cấp hành chính trong tỉnh đã tiếp 752 lượt/891 người/600 vụ việc, trong đó cấp tỉnh tiếp 265 lượt/348 người/117 vụ việc; cấp huyện tiếp 442 lượt/498 người/438 vụ việc; sở, ngành tiếp 45 lượt/45 người/45 vụ việc; có 21 đoàn/ 265 người. Tại Ban Tiếp công dân tỉnh, lãnh đạo tỉnh tiếp 265 lượt/348 người/117 vụ việc; tiếp định kỳ 243 lượt/216 người/102 vụ việc, có 6 đoàn/96 người; tiếp đột xuất 03 đoàn/107 người. Ban Tiếp công dân tỉnh tiếp thường xuyên 19 lượt/25 người/12 vụ việc.[*]
Công dân đến chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, thu hồi đất, chính sách đất đai về hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Trị; khiếu nại các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiến nghị giải quyết về chế độ, chính sách. Sau các buổi tiếp công dân định kỳ cũng như tiếp công dân thường xuyên, công chức phụ trách tiếp công dân các đơn vị đã tham mưu, báo cáo lãnh đạo các cấp, ngành chỉ đạo kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời, giải quyết dứt điểm các vướng mắc của công dân. Bên cạnh đó, công dân khi đến các trụ sở, địa điểm tiếp công dân đều được đón tiếp, hướng dẫn, giải thích về chính sách pháp luật có liên quan yêu cầu của công dân cụ thể, đầy đủ, vì vậy, nhiều công dân đã hiểu và tự nguyện rút đơn hoặc được hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn thư vòng vo, vượt cấp đã được hạn chế, tránh gây phiền hà cho công dân.
Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh, chính trị, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tuy nhiên, công tác tiếp dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, đó là: Công tác tiếp công dân đôi khi còn hình thức, chưa phát huy được hiệu quả, chưa thực sự lắng nghe, nắm bắt được nguyện vọng, mong muốn của nhân dân. Công tác tiếp dân ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, địa điểm, thời gian tiếp dân chưa phù hợp, duy trì nhiệm vụ sau tiếp dân chưa kịp thời và có hiệu quả thấp. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiếp dân, vẫn còn hạn chế ở một số phòng, ban, đơn vị, phường, xã. Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tiếp công dân, chưa đáp ứng hết nhu cầu gặp trực tiếp lãnh đạo để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của công dân. Nhiều nơi chưa gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ chế phối hợp giữa bộ phận tiếp công dân với bộ phận tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa rõ ràng nên nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo trong một số trường hợp chưa chính xác, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Trình độ năng lực của cán bộ tiếp công dân ở một số nơi chưa đáp ứng với yêu cầu công việc. Ý thức pháp luật, sự hiểu biết và tiếp nhận các chế độ chính sách pháp luật của nhà nước đối với một số công dân còn hạn chế, thông tin không đầy đủ và kịp thời. Bởi vậy, công dân và người tiếp công dân gặp không ít khó khăn trong khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả đối với công tác tiếp công dân cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhất là việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân; thực hiện nghiêm túc việc tổ chức đối thoại với công dân; nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế việc ủy quyền tiếp công dân cho cấp dưới, bộ phận tham mưu. 
Hai là, bố trí đủ cán bộ và lựa chọn cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có kỹ năng, kinh nghiệm tuyên truyền, giải thích, vận động quần chúng làm công tác tiếp dân. Bên cạnh nắm vững kiến thức chuyên môn, vận dụng chuẩn xác các qui định của pháp luật vào công việc hằng ngày, cán bộ tiếp dân phải có tinh thần trách nhiệm cao, gần gũi công dân để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, luôn có ý thức cầu thị, linh hoạt nhạy bén trong xử lý tình huống, có thái độ ứng xử phù hợp, thông minh. Rèn luyện nâng cao kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật trong tiếp công dân sẽ có tác dụng hết sức to lớn.
Ba là, đề cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong công tác tiếp dân. Coi công tác tiếp công dân là một khâu quan trọng của công tác quản lý, một khâu nhằm biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực, đi vào cuộc sống của nhân dân. Có như vậy mới quan tâm thực sự đến việc tổ chức, hoạt động đến công dân ở cơ quan đơn vị của mình
Bốn là, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách Đảng, pháp luật của Nhà nước nhất là pháp luật về khiếu nại, tố cáo, đến từng người dân nhằm giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ công dân theo hình thức lồng ghép với các chương trình khác, phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng, có nhiều nội dung phong phú, thiết thực để thu hút được nhiều người nghe nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo khiếu nại, tố cáo. 
Công tác tiếp dân của các ngành, các cấp là một việc làm quan trọng, có một ý nghĩa sâu sắc. Nó vừa thể hiện rõ quan điểm “ lấy dân làm gốc” của Đảng và Nhà nước ta, vừa giúp cho cơ quan Nhà nước giải quyết có hiệu quả các khiếu nại, tố cáo của công dân, đồng thời giúp cho Nhà nước nắm được tình hình thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các địa phương từ đó hoạch định một cách chính xác chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Tạo dựng cho nhân dân thực hiện quyền dân chủ thực sự, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực./.
 
 

[*] Báo cáo số: 218/BC-UBND tỉnh Quảng Trị ngày 24/11/2015 Về Tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2015 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.

Tác giả bài viết: Ths. Lê Thị Tường Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây