Một vài suy nghĩ về tăng cường tương tác giữa giảng viên và học viên đối với hình thức giảng dạy trực tuyến tại Trường Chính trị Lê Duẩn
- Thứ hai - 06/12/2021 10:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
ThS. Nguyễn Thị Diệu Hằng
Khoa Nhà nước và Pháp luật
Trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội đã và đang phát triển rất mạnh mẽ. Không những trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ mà lĩnh vực giáo dục cũng đang được áp dụng có hiệu quả tích cực. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta về cơ bản đã được kiểm soát tuy nhiên nguy cơ bùng phát và diễn biến dịch bệnh còn khá phức tạp, do vậy việc chuyển đổi phương pháp dạy và học bằng hình thức trực tuyến vào trong giáo dục nói chung và trong giảng dạy lý luận chính trị nói riêng là rất cần thiết.
Thực hiện Công văn số 494-CV/HVCTQG, ngày 13/5/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “Về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các Trường Chính trị cấp tỉnh”; Công văn số 332-CV/TU ngày 09/6/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị “Về tổ chức giảng dạy bằng hình thức trực tuyến”, Trường Chính trị Lê Duẩn đã ban hành Quyết định số 249-QĐ/TCTLD ngày 01/6/2021 “Về tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại Trường Chính trị Lê Duẩn”.
Để chuẩn bị cho công tác giảng dạy theo hình thức trực tuyến, Nhà trường đã trang cấp hệ thống máy tính, camera, mạng internet với chất lượng đường truyền tốc độ cao phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy trực tuyến; tiến hành tổ chức tập huấn các kỹ năng sử dụng phần mềm Microsoft Teams cho giảng viên; các giảng viên chủ động chuẩn bị giáo án điện tử, tiến hành giảng mẫu theo hình thức trực tuyến. Theo đó, bước đầu khi giảng dạy theo hình thức trực tuyến ở Trường Chính trị Lê Duẩn đã bộc lộ một số thuận lợi và khó khăn nhất định.
Về thuận lợi, giảng viên có thể sử dụng hình ảnh, âm thanh và video để truyền đạt nội dung bài giảng đến học viên một cách hấp dẫn và sinh động hơn. Đồng thời, giảng viên trực tiếp đứng lớp và chủ nhiệm lớp có thể quản lý học viên một cách dễ dàng và hiệu quả hơn thông qua các tính năng nâng cao trên phần mềm giảng dạy trực tuyến.
Học viên chủ động và linh hoạt hơn về thời gian tham gia lớp học, nâng cao thêm kiến thức thông qua các tài liệu tham khảo, các giáo trình hay bài giảng của thư viện trực tuyến. Ngoài ra, học viên có thể tham gia lớp học ở bất kỳ địa điểm nào có thể truy cập được internet, chủ động thời gian biểu giữa học tập và làm việc, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại khi không phải đến Trường hay các Trung tâm Chính trị ở các huyện.
Về khó khăn trong giảng dạy trực tuyến, một số giảng viên vẫn chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng phần mềm Microsoft Teams. Chất lượng âm thanh, sự chia sẻ nội dung bài giảng phụ thuộc vào tốc độ đường truyền internet. Một số học viên vẫn còn lúng túng trong sử dụng phần mềm Microsoft Teams. Trong đó, khó khăn đặt ra khi giảng dạy theo hình thức trực tuyến đó là vấn đề tương tác giữa giảng viên và học viên, giữa học viên với học viên. Do giảng dạy trực tuyến nên hình ảnh giảng viên sẽ xuất hiện chính diện trên màn hình, trong khi đó hình ảnh các học viên trong lớp sẽ không cố định trên màn hình. Học viên chỉ xuất hiện trên màn hình khi tham gia trao đổi nội dung bài giảng hay có sự tương tác với giảng viên, trong khi đó chủ yếu là giảng viên giảng dạy một chiều. Chính điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, làm giảm sự hứng thú của học viên đối với việc học tập lý luận chính trị.
Vậy, làm thế nào để thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của học viên? Sự trao đổi, phản hồi ý kiến có hiệu quả giữa giảng viên và học viên hay giữa học viên với học viên? Sự tích cực, năng nổ tham gia làm việc nhóm trong các buổi thảo luận của học viên một cách có hiệu quả nhất?
Theo tôi, để tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và học viên theo hình thức giảng dạy trực tuyến tại Trường Chính trị Lê Duẩn, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, giảng viên và học viên cần phải nắm rõ các tính năng của phần mềm Microsoft Teams để vận dụng có hiệu quả vào công tác giảng dạy.
Hiện nay, có rất nhiều phần mềm được sử dụng để dạy và học trực tuyến như phần mềm Zoom Cloud Meeting hay gọi tắt là Zoom, Google Classroom, Skype, TrueConf, Google Hangout… Trong đó, phần mềm Microsoft Teams được Trường Chính trị Lê Duẩn lựa chọn để giảng dạy lý luận chính trị và các lớp theo hình thức bồi dưỡng. Mặc dù trước khi tham gia giảng dạy theo hình thức trực tuyến, đội ngũ giảng viên nhà trường đã được tập huấn các thao tác, kỹ năng để sử dụng thành thạo phần mềm Microsoft Teams vào giảng dạy. Tuy nhiên, để tăng cường sự tương tác giữa giảng viên với học viên nói riêng và nâng cao chất lượng bài giảng nói chung, giảng viên cần tìm hiểu và ứng dụng có hiệu quả các tính năng sẵn có của phần mềm Microsoft Teams trong quá trình giảng dạy.
Ví dụ như: chức năng Immersive reader giúp dễ dàng đọc các cuộc hội thoại và trò chuyện theo định dạng cá nhân hóa; chức năng Whiteboard hỗ trợ cộng tác trong Microsoft Teams qua một tấm bảng điện tử không giới hạn. Biểu tượng phát biểu ý kiến giúp học viên phát biểu ý kiến mà không làm cản trở đến người khác. Ngoài ra, chế độ Together giúp hiển thị toàn cảnh lớp học theo cách mới để cùng thảo luận và trình bày. Hay giúp việc thảo luận và làm việc nhóm dễ dàng hơn bằng cách chia lớp học thành các nhóm nhỏ trong Microsoft Teams với chức năng phòng chia theo nhóm; Chia sẻ màn hình hoặc bản thuyết trình của người trình bày theo thời gian thực, tất cả đều có sẵn trong phần mềm Microsoft Teams.
Thứ hai, giảng viên cần chuẩn bị nội dung giáo án điện tử đa dạng và phù hợp với hình thức giảng dạy trực tuyến.
Giáo án điện tử dùng để giảng dạy trực tuyến cần tích hợp trong đó nhiều kênh thông tin đa dạng và hữu ích. Việc bổ sung các video, hình ảnh động… góp phần thu hút sự quan tâm và chú ý của học viên đối với bài giảng nhưng vẫn đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính thực tiễn. Với thời gian giảng dạy trực tuyến hạn chế hơn với lớp học truyền thống, giảng viên cần chọn lọc những nội dung trọng tâm của chuyên đề giảng dạy, tích hợp các nội dung của chuyên đề vào một số nội dung cần chú trọng để bài giảng đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Đồng thời, giảng viên cần đầu tư thời gian và công sức để soạn giáo án điện tử, xây dựng diễn đàn trao đổi thông tin và hệ thống hỗ trợ học viên sau khi kết thúc bài giảng.
Thứ ba, vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy - học tích cực vào giảng dạy trực tuyến.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy theo hình thức trực tuyến cần kết hợp các phương pháp dạy - học tích cực để nâng cao sự tương tác và chủ động của giảng viên, học viên trong quá trình giảng dạy. Việc sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy - học tích cực vào giảng dạy trực tuyến như phương pháp chuyên gia, phương pháp hỏi đáp, tổ chức workshop… sẽ góp phần khắc phục những hạn chế của phương pháp thuyết trình một chiều, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng. Đồng thời, có thể sử dụng các tính năng sẵn có của phần mềm Microsoft Teams như chức năng phòng chia theo nhóm để tổ chức thảo luận trực tuyến như đã trình bày ở trên.
Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy trực tuyến, giảng viên cần trực quan hóa nội dung bài giảng, thuyết trình không quá 20 phút, kết hợp giữa thuyết trình với các phương pháp khác như phương pháp phỏng vấn nhanh… để tăng sự tương tác giữa giảng viên và học viên.
Thứ tư, tạo sự chủ động khi tham gia giảng dạy theo hình thức trực tuyến từ phía giảng viên và học viên.
Để dạy và học theo hình thức trực tuyến đem lại hiệu quả, từ phía giảng viên và học viên đều cần sự tích cực, chủ động và ý thức tự giác trong quá trình giảng dạy. Về phía học viên, cần xác định rõ mục tiêu tham gia lớp học, tập trung, sắp xếp hợp lý giữa công việc và học tập để tham gia lớp học đúng giờ, hạn chế những công việc cá nhân, chủ động ghi chép nội dung bài giảng, tìm kiếm thông tin ở phần lưu trữ để tiếp thu có hiệu quả nội dung chuyên đề giảng dạy. Về phía giảng viên, cần chú trọng các kỹ năng mềm và sự kiên trì, mềm mỏng, tác phong chuẩn mực của giảng viên khi tham gia giảng dạy trực tuyến. Ngoài ra, giảng viên cần đặt câu hỏi mở, đưa ra các tình huống, vấn đề, tạo không khí thảo luận, trao đổi sôi nổi, thu hút sự tham gia, tăng cường sự tương tác giữa các học viên trong lớp và với giảng viên, khiến giờ giảng trực tuyến trở nên sinh động và đem lại hiệu quả.
Đối với hình thức giảng dạy trực tuyến, học viên sẽ phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động khi tiến hành hoạt động tự học bởi họ tự quyết định lựa chọn thời gian, địa điểm, nội dung tự học... Theo đó, vai trò của giảng viên trong quá trình giảng dạy trực tuyến thể hiện ở việc định hướng cho học viên, lựa chọn các nội dung trọng tâm để giảng dạy, sắp xếp nội dung theo một kết cấu phù hợp... Vai trò chủ đạo của giảng viên còn thể hiện trong việc đảm bảo sự tương tác, trao đổi thường xuyên giữa giảng viên và học viên, giữa học viên với nhau thông qua hệ thống các chức năng sẵn có của phần mềm Microsoft Teams.
Do vậy, để thực hiện có hiệu quả giảng dạy lý luận chính trị theo hình thức trực tuyến nói chung và sự tương tác giữa giảng viên và học viên nói riêng, mỗi giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn cần không ngừng nỗ lực tự học, tự trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng sư phạm kết hợp với các kỹ năng thực hành thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin./.