TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Một vài suy nghĩ về khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trong cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn hiện nay

Ths. Trần Hữu Hoà
Phó trưởng phòng TC, HC, TT, TL
       Tại kỳ họp 3 Quốc hội XV, nhiều đại biểu quốc hội đề cập tới căn bệnh sợ trách nhiệm, né trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Đây không phải vấn đề mới, báo chí cũng đã nêu và hiện nay, nhiều người ngay thẳng, trung thực hiện cũng có dấu hiệu “nhiễm” căn bệnh này.
       Bệnh sợ trách nhiệm là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nhận diện và chỉ rõ. Tuy nhiên, cho đến nay căn bệnh này vẫn chưa được “điều trị” hiệu quả, trong khi đó tác hại do căn bệnh này gây ra là rất lớn, là một trong những trở lực của phát triển, gây lãng phí lớn, thậm chí gây mất niềm tin của nhân dân. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra tinh thần “6 dám” là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đặc biệt, ngày 22/9/2021 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 – KL/TW “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” nhằm từng bước khắc phục triệt để căn bệnh này.
       Theo Từ điển Tiếng Việt, “Trách nhiệm” có nghĩa là “Điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình”; “là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả”. Trong xã hội, bất kỳ ai cũng có trách nhiệm, bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, dòng họ, địa phương, tập thể, tổ chức chính trị - xã hội, công dân của một nước, thành viên của cộng đồng dân tộc và rộng nhất là của nhân loại… Đối với cán bộ, công chức, viên chức đó là trách nhiệm công vụ được giao. Trách nhiệm công vụ đó đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nhiệm vụ được giao đến cùng, không được thoái thác hoặc giao lại cho ai khác; cán bộ, công chức, viên chức phải gắn mình với thực hiện công vụ cho đến khi có kết quả. Vì vậy, trong hoạt động thực thi nhiệm vụ không được né trách nhiệm, không được sợ trách nhiệm mà đỗ lỗi cho người khác, cho cấp khác.  Bởi vì, cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, công việc làm ăn của người dân và doanh nghiệp, kế hoạch phát triển của cộng đồng, khiến công việc chậm chạp, đình trệ, nhiều vấn đề xã hội bức xúc không được giải quyết kịp thời, nhiều cơ hội tăng trưởng không tận dụng được, nhiều công trình, dự án trọng điểm không triển khai đúng tiến độ kế hoạch.
       Trong Bộ luật Hình sự có quy định tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Và thực tế, thời gian vừa qua, trên cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ án lớn làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, mà trong đó rất nhiều người giữ các trọng trách đã bị kết án vì tội này, thì tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, hay làm việc cầm chừng, thậm chí không dám làm, không dám quyết vì sợ sai, càng bộc lộ phổ biến hơn.
       Chính vì vậy, một thực tế hiện nay đang đặt ra là để “giữ mình”, “giữ ghế” thì một bộ phận cán bộ, đảng viên đang “nhiễm bệnh” “né” trách nhiệm “sợ” trách nhiệm. Trong phối hợp giải quyết công việc chỉ muốn làm tròn phận sự, không dám cải tiến vì sợ làm lỡ có sai không ai bảo vệ. Cứ theo đúng “quy trình” cho yên chuyện, không ai trách móc, phê bình... là được. Nhiều cấp có thể ra quyết định quản lý theo đúng thẩm quyền thì lại có xu hướng trở thành cấp trung gian, trung chuyển trách nhiệm, và cả hệ thống phải chờ cấp cao nhất ra quyết định quản lý thì mới thực thi được. Nhiều việc vì thế chậm được giải quyết. Xu hướng “dồn việc lên trên” này xuất hiện cả trên bình diện quốc gia và trong mỗi cơ quan, bộ, ngành, địa phương. Đẩy lên cấp trên hoặc đẩy cho bộ phận khác là phương án rất dễ, nhiệm vụ coi như không liên quan gì nữa tới mình, nhưng việc thì vẫn còn nguyên.
       Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là quy định pháp luật chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và chưa có quy định của pháp luật về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.  Đồng thời cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan như năng lực trình độ của cán bộ còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh làm sai.
       Vì vậy, để thực hiện tốt tinh thần “6 dám” mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra và quyết tâm khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, né trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, nhất là cán bộ giữ vị trí lãnh đạo các cấp, người đứng đầu của các cơ quan đơn vị thì trước hết, cần sửa đổi quy định pháp luật cho rõ ràng, minh bạch hơn, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Cùng đó là, luật hóa quy định của Đảng, của Bộ Chính trị, nhất là Kết luận số 14 – KL/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung.
       Trường chính trị tỉnh là trung tâm đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên của tỉnh. Thông qua công việc giảng dạy nghiên cứu tổng kết thực tiễn của giảng viên nhằm trang bị cho cán bộ cơ sở về những vấn đề về lý luận, qua đó củng cố, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đội ngũ lãnh đạo ở cơ sở. Thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và sự đoàn kết của các khoa, phòng, đội ngũ cán bộ viên chức, nhà trường luôn thực hiện tốt nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, Ban Thường vụ giao trong kế hoạch hàng năm. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của tập thể các cán bộ viên chức trong nhà trường, vẫn còn một vài cá nhân vẫn còn có tâm lý ngại đổi mới, không dám thay đổi, dám nghĩ, dám làm nhằm thực hiện tốt hơn công việc được giao.
       Thực hiện Kết luận số 14 – KL/TW “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” nhằm từng bước khắc phục triệt để căn bệnh này để xây dựng đội ngũ giảng viên dạy lý luận chính trị thực sự “chính” là “mẫu mực” trong lời nói và việc làm, thống nhất giữa hành động và suy nghĩ, giữa lý luận và thực tiễn, hướng đến xây dựng Trường Chính trị Lê Duẩn đạt chuẩn năm 2025. Xuất phát từ nhận thức trên, theo tôi đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay cần phải thực hiện tốt những vấn đề sau:
       Thứ nhất, đó là sự tự trọng về nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm và hoài bão của cá nhân. Muốn vậy, không được phép bằng lòng về bản thân, phải luôn phấn đấu vươn lên tự hoàn thiện mình. Học tập nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, cập nhật những kiến thức mới, những vấn đề nảy sinh từ lý luận và thực tiễn; nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, có kế hoạch xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề tài khoa học. Phải trân trọng với bản thân, phải “giữ mình” trước mọi cám dỗ của cuộc sống đời thường. Luôn khiêm tốn, cầu thị và phải chỉnh chu trong lời nói và việc làm. Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã “gục ngã” trước những “viên đạn bọc đường” đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng đối với niềm tin của nhân dân. Việc khẳng định ý thức, trách nhiệm đối với mình chính là cách thức tốt nhất để thực hiện việc chống “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên giai đoạn hiện nay.
       Thứ hai, phải thể hiện sự khát vọng, tình yêu đối với công việc. Tình yêu đối với công việc trước hết đó là thái độ đối với nghề, ông cha ta đã nói: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, “một nghề cho chính còn hơn chín nghề”, vì vậy dám nghĩ là phải biết yêu quý công việc, coi đây là động lực, lẽ sống, cái mà chúng ta phải đạt được và đi tới cùng bởi vì mục đích, lý tưởng đó. Bởi vậy, giảng viên cần phải có một thái độ đúng với công việc, luôn nhiệt huyết, đi đầu trong tất cả mọi hoạt động, không ngại khó, không ngại khổ, quyết tâm hoàn thành công việc. Tình yêu công việc thể hiện ở sự chủ động, sáng tạo trong công việc, thực hiện dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước công việc của mình, tránh chọn việc nhẹ, việc “bổng lộc” mà đùn đẩy việc khó cho cá nhân khác, cho tập thể. Tình yêu đối với công việc còn là ý thức của bản thân đối với công việc hằng ngày, dám đứng lên khi ngã xuống, nhìn nhận cái sai, cái chưa đúng để sửa chữa, khắc phục nhằm thực hiện công việc tốt hơn.  Đồng thời, không nhận vơ, đổ vấy những thành công và thất bại, tạo thành những thói quen xấu về ý thức và trách nhiệm, không nhìn nhận đúng bản chất của công việc để có những phương pháp, cách làm phù hợp.
       Thứ ba, là tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước công việc của mình để luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Xác định rõ công tác chuyên môn của người giảng viên đó là giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn…
       Về công tác giảng dạy, đối với giảng viên để một bài giảng được truyền tải tới học viên, có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Trước hết, giảng viên cần phải có một thái độ đúng với công việc, luôn nhiệt huyết, đi đầu trong tất cả mọi hoạt động, không ngại khó, không ngại khổ, quyết tâm hoàn thành công việc. Phải có kế hoạch chu đáo; từ việc soạn giáo án một cách công phu, kỹ lưỡng cần phải cân nhắc kỹ những vấn đề đưa vào trong bài giảng, đặc biệt là lấy ví dụ minh họa cần phải sát với thực tế, dễ hiểu nhưng không xa rời lý luận. Thực hiện đúng năm bước lên lớp, sử dụng nhuẫn nhuyễn các phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, luôn đoàn kết, dân chủ, sáng tạo để tạo được kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, giảng viên phải luôn học hỏi trao đổi kinh nghiệm đối với đồng nghiệp và cấp trên của mình, thực tế hiện nay, một số giảng viên trẻ rất ngại trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của mình, đó là một thiếu sót. Bởi vì, để làm tốt công tác giảng dạy, thì giảng viên cần phải nắm chắc các luận điểm, các nguyên lý, các tác phẩm kinh điển và chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài việc, giảng viên tự nghiên cứu, thì việc trao đổi, bàn luận với những người có kinh nghiệm sẽ giúp giảng viên có điều kiện làm rõ những luận điểm, luận cứ và thực hiện tốt công tác giảng dạy.
       Về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là hai vấn đề luôn đi đôi với nhau, để giảng dạy tốt tất yếu nghiên cứu khoa học phải hiệu quả, có chất lượng. Muốn vậy, phải có ý tưởng, mạnh dạn đề xuất những vấn đề cần nghiên cứu; Tăng cường công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát hiện vấn đề nảy sinh từ thực tiễn; Tổ chức thực hiện, triển khai các đề tài khoa học cấp khoa, cấp trường và tham gia các đề tài cấp tỉnh có hiệu quả.
       Thứ tư, làm tốt công tác cán bộ. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần lắm những cán bộ có tư duy, việc làm đột phá. Đó chính là những cán bộ “dám nghỉ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”. Khi chủ trương, đường lối đúng nhưng nếu cán bộ không quyết liệt, năng động, dám nghỉ, dám làm mà thụ động, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên thì sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả tốt. Điều đó đòi hỏi người cán bộ phải đáp ứng yếu tố năng lực tốt, đạo đức tốt và phẩm chất dám nghỉ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây là những yếu tố rất quan trọng của người cán bộ cách mạng. Trong mối quan hệ biện chứng, chỉ những cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt mới có thể dám nghỉ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngược lại, những cán bộ dám nghỉ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với động cơ trong sáng, vì nước, vì dân thì đó là những cán bộ có phẩm chất tốt. Điều đó càng đòi hỏi phải tiếp tục được nghiên cứu để có quy trình lựa chọn, thanh lọc đúng để đội ngũ cán bộ, giảng viên có khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển để xây dựng trường chính trị chuẩn. Vì vậy, người quản lý, lãnh đạo nếu không có cơ chế bảo vệ thì họ rất khó sáng tạo, dám nghỉ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới.
       Phong cách dám nghĩ, dám làm và giám chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị là yêu cầu cần thiết, vừa thể hiện lời nói đi đôi với việc làm đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên, đó là có cả “Đức” và “Tài” vừa “Hồng” vừa “Chuyên” nhằm đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay./.
 
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây