Một số vấn đề về hoạt động “tự học” của học viên học tại Trường Chính trị Lê Duẩn
- Thứ bảy - 05/12/2015 16:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phạm Xuân Ngọc
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
Đề cập đến chất lượng đào tạo ở trường học thì phải đề cập đến cả hai lĩnh vực là dạy và học. Trong những năm qua, Trường Chính trị Lê Duẩn luôn quan tâm đến việc cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học, cũng như nâng cao chất lượng học tập của học viên đang theo học tại trường. Để nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, vấn đề cần quan tâm là xây dựng và nâng cao ý thức tự học cho học viên.
Vậy tự học là gì? Tự học là quá trình cá nhân người học tự giác, tích cực, chủ động, không có sự tham gia hướng dẫn trực tiếp của giảng viên nhằm đạt được mục đích nhất định. Vì vậy, quá trình tự học giúp học viên đào sâu suy nghĩ, ôn lại các kiến thức đã được học, liên hệ bài học với các hoạt động, biểu hiện trong thực tế cũng như xây dựng kế hoạch nghiên cứu tài liệu sao cho những kiến thức mình biết không xa rời hiện thực. Ý thức tự học tốt không chỉ cung cấp cho học viên những kiến thức mới mà còn giúp họ rất nhiều trong công việc sau này. Thông qua quá trình tự học sẽ rèn luyện cho học viên tính suy nghĩ độc lập, giải quyết vấn đề khó khăn trong công việc, qua đó giúp họ tự tin hơn trong mọi hoạt động. Khi tự học, học viên sẽ có nhiều cách tiếp cạnh một vấn đề, vì vậy họ trở nên năng động, tự chủ trong việc tiếp thu tri thức.
Đối với việc tự học của học viên Trường Chính trị Lê Duẩn, trong Quy chế học viên của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh(Ban hành kèm theo Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQG, ngày 03/02/2010 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) có quy định nhiệm vụ của học viên “có kế hoạch học tập cá nhân, thực hiện đầy đủ các khâu như: nghe giảng, thảo luận, nghiên cứu, đi thực tế, thực tập…”; Ban giám hiệu nhà trường đã cụ thể hoá thành các kế hoạch, quy định để thực hiện nhằm nâng cao chất lượng quản lý học viên cũng như xây dựng môi trường học tập có nền nếp, kỷ cương, kỷ luật, nâng cao tính tích cực, ý thức học.
Nội dung tự học của học viên bao gồm: soạn đề cương theo các câu hỏi ôn tập, thảo luận, làm bài tập tình huống, xem bài mới trước khi nghe giảng và đọc thêm những tài liệu tham khảo. Đây cũng là hoạt động nhằm nâng cao chất lượng học tập của học viên và chất lượng giáo dục của nhà trường.
Trong những năm qua, vấn đề tự học của học viên được thực hiện tương đối tốt. Học viên đã xác định cho bản thân động cơ học tập đúng đắn, xây dựng kế hoạch học tập khoa học, nội dung học tập thiết thực, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng học tập của học viên thể hiện qua tỷ lệ tốt nghiệp các lớp xếp loại khá, giỏi được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, việc tự học của học viên còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục như:
Một là, thời gian tự học của học viên không thường xuyên do học viên vừa học vừa làm nên chỉ tập trung vào thời gian thi, kiểm tra, nội dung tự học dàn trải, không thiết thực cho nên chưa có sự đồng đều về kết quả giữa các môn học. Bên cạnh đó khả năng sưu tầm tư liệu, tài liệu phục vụ cho việc học còn hạn chế, chính điều này đã làm cho học viên thiếu kỷ năng, kiến thức để làm việc.
Hai là, tinh thần phát biểu xây dựng bài của một số học viên còn thấp, ngại học, ngại đặt câu hỏi cho giáo viên, hay khi giáo viên đặt câu hỏi: các đồng chí có ý kiến gì không ? thì rất ít khi có phản hồi từ phía học viên.
Ba là, ý thức học tập của nhiều học viên chưa tốt, vẫn còn tồn tại tình trạng đi học không đúng giờ, đi muộn về sớm, ngồi học không nghiêm túc như: nói chuyện riêng, lướt web… không chú tâm, không ghi chép bài giảng. Một vài học viên ý thức chuẩn bị bài thi còn chưa nghiêm túc.
Bốn là, học viên các lớp TCLLCT- HC hệ tập trung đang công tác tại xã, phường, thị trấn, phần lớn tuổi đời còn trẻ, trình độ học viên không đồng đều. Phần lớn học viên chưa học qua Đại học, Cao đẳng, chưa có kinh nghiệm trong học tập nên phương pháp học còn gặp hạn chế.
Năm là, một số học viên sử dụng thời gian tự học, tự nghiên cứu vào các mục đích khác như: làm việc cơ quan, tổ chức liên hoan, đi chơi…
Để việc tự học của học viên Trường Chính trị Lê Duẩn trở thành nền nếp, có chất lượng, theo tôi mỗi học viên phải thực hiện tốt một số công việc sau:
Thứ nhất, học viên cần xây dựng mục đích, động cơ học tập đúng đắn
Đây là việc cần làm đầu tiên của mỗi học viên. Có động cơ học tập tốt khiến cho người học luôn tự giác say mê, học tập với những mục tiêu cụ thể rõ ràng. Để tạo được hứng thú cho người học thì bài giảng của giảng viên phải có nội dung mới lạ, thú vị, bất ngờ, đặc biệt là trong các buổi thảo luận. Giảng viên bộ môn cần thiết kế bài giảng theo một chuỗi tình huống và hướng dẫn học viên tự giải quyết vấn đề, lồng ghép bồi dưỡng phương pháp và kỹ năng tự học cho học viên, tạo điều kiện để học viên bộc lộ khả năng tự học như: phân tích, tổng hợp, khái quát, tìm tòi tài liệu.
Thứ hai, xây dựng thời gian và kế hoạch học tập khoa học
Việc tự học muốn đạt hiệu quả thì kế hoạch phải xây dựng cụ thể, rõ ràng, mang tính định hướng cao. Kế hoạch học tập bao gồm: Kế hoạch cụ thể cho từng môn học, cho từng học phần, phải chọn đúng trọng tâm, vấn đề cốt lõi, tránh việc dàn trải, thiếu tập trung. Sau khi đã xác định đúng trọng tâm, phải sắp xếp các phần việc một cách hợp lý logic về cả nội dung lẫn thời gian, đặc biệt cần hoàn thành dứt điểm từng môn, từng phần học theo kế hoạch đã được vạch sẵn. Điều đó sẽ giúp tự học được diễn ra trôi chảy thuận lợi.
Thứ ba, tự bản thân học viên kiểm tra, đánh giá nội dung kiến thức
Đây là giai đoạn có tính chất quyết định và chiếm nhiều thời gian nhất. Khối lượng kiến thức và các kỹ năng được hình thành nhanh hay chậm, nắm bắt vấn đề nông hay sâu tuỳ thuộc vào nội lực của bản thân. Nó bao gồm các hoạt động: tiếp cận, lựa chọn và xử lý thông tin, vận dụng các thông tin để giải quyết các vấn đề có liên quan trong quá trình học như thảo luận, kiểm tra, thi, viết tiểu luận cuối khoá.
Thứ tư, tự đánh giá kết quả học tập
Việc tự học, nhìn nhận kết quả học tập của học viên được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như bản thân tự đánh giá, thông qua hoạt động tổ chức thi, kiểm tra. Thông qua đó người học tự đối thoại để kiểm chứng mình, biết được cái gì làm được, cái gì chưa làm được để từ đó có hướng khắc phục và phát huy.
Như vậy, học tập là một quá trình lâu dài, bản thân người học cần có phương pháp tự học, tự nghiên cứu một cách chủ động. Ngoài ra, giảng viên cần chú ý tạo động lực học tập cho học viên thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, giúp học viên hiểu sâu sắc vấn đề. Bên cạnh đó nhà trường cần đảm bảo các điều kiện dạy và học cũng như mở rộng phòng đọc thư viện, tăng cường các thiết bị nghe nhìn, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho hoạt động sinh hoạt ngoại khoá và nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài tỉnh. Ban giám hiệu nhà trường cần mời những cán bộ có năng lực ở các sở, ban ngành trong tỉnh thực hiện báo cáo một số chuyên đề. Nhờ đó hoạt động đào tạo của nhà trường mới đi vào chiều sâu góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, để luôn xứng đáng “mỗi giảng viên là một tấm gương đạo đức, mỗi học viên là một tấm gương tự học và sáng tạo”.